Câu chuyện giáo dục: Phụ huynh châu Á mạnh tay chi tiền cho con ăn học
Trang Nikkei Asian Review dẫn báo cáo của Ngân hàng HSBC cho biết các bậc cha mẹ ở châu Á chi rất mạnh tay cho giáo dục với hy vọng con cái của họ sẽ có cơ hội việc làm tốt hơn.
Báo cáo của HSBC dựa trên một cuộc khảo sát hơn 8.400 phụ huynh ở 15 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Chi phí giáo dục trong khảo sát được tính là tất cả những khoản tiền phải trả từ bậc tiểu học đến đại học, bao gồm cả học phí lẫn tiền thuê chỗ ở.
Theo kết quả khảo sát thì đặc khu Hồng Kông (Trung Quốc) đứng vị trí thứ nhất. Phụ huynh ở Hồng Kông chi trung bình 132.100 USD cho mỗi đứa trẻ, cao gấp 3 lần mức trung bình của thế giới là 44.200 USD. Ở châu Á, sau Hồng Kông là Singapore và Đài Loan với mức chi lần lượt là 70.939 USD (thứ 3) và 56.400 USD (thứ 5).
Báo cáo của HSBC cũng cho biết các bậc cha mẹ Trung Quốc là những người chuẩn bị về tài chính cho con ăn học tốt nhất. Tiền chi cho giáo dục của hơn một nửa số phụ huynh nước này được khảo sát là tiền để dành, tiền bảo hiểm hoặc tiền đầu tư, và hơn 40% phụ huynh Trung Quốc có kế hoạch tiết kiệm cho giáo dục cụ thể.
Nikkei Asian Review cho biết sở dĩ phụ huynh ở châu Á chú trọng đến chi phí cho giáo dục chất lượng cao vì họ xem học tập là cách đảm bảo thành công, cho con có lợi thế cạnh tranh trong thị trường lao động hiện nay.
Đặc biệt là ở Hồng Kông và Singapore, phụ huynh chi rất nhiều cho con học thêm những môn mà họ nghĩ là cần thiết. Nhiều phương tiện truyền thông, ngành dạy thêm tư nhân ở Singapore kiếm hơn 1 tỉ đô la Singapore (732 triệu USD) mỗi năm.
Cũng theo báo cáo, khoảng 88% phụ huynh Hồng Kông được hỏi hiện đang chi tiền cho các dịch vụ giúp tăng thành tích học tập của con như học thêm bên ngoài.
Đặc biệt, các bậc cha mẹ ở đặc khu này cũng là những người sẵn sàng hy sinh cho con nhiều nhất: gần 50% phụ huynh đã cắt giảm tiền chi cho các hoạt động giải trí của mình và hơn 25% phụ huynh tiết kiệm và đầu tư ít hơn để có tiền chi cho việc học của con.
Ngoài ra, 48% phụ huynh cũng bỏ ra thời gian riêng của mình phục vụ cho nhu cầu học tập của con cái, báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cho biết.
Giám đốc quản lý tài sản của HSBC Charlie Nunn cho biết trong số 15 quốc gia mà họ khảo sát thì đã có đến 9 quốc gia có tiền chi cho việc học của trẻ cao hơn tiền trả mua/thuê nhà hay tiền điện nước định kỳ của gia đình.
Cũng theo ông Charlie: “Để hạn chế xảy ra tình trạng thiếu thốn tài chính chi cho giáo dục, điều quan trọng là phải lên kế hoạch và dành dụm”.
Cẩm Bình