Vì sao khí hậu ảnh hưởng đến tuổi thọ con người?
Các nhà y học cổ đại Trung Quốc cho rằng: con người sống trong môi trường tự nhiên, sự biến đổi của khí hậu sẽ ảnh hưởng đến sự lưu thông khí huyết bình thường trong cơ thể, gây nên chức năng bị nhiễu loạn, chính khí giảm kém, âm dương mất cân bằng, khiến cơ thể dễ cảm phải tà khí mà sinh bệnh. Cho nên sự sống của con người có quan hệ mật thiết với sự biến đổi của khí hậu.
Vùng Giang Nam Trung Quốc có câu tục ngữ: "Hoa rau vàng, bệnh điên nhiều", nghĩa là nói: mỗi lần mùa xuân đến, bệnh nhân tâm thần dễ phát sinh. Đó là vì mùa xuân chuyển từ lạnh sang nóng, chức năng của các tế bào, hệ thống bài tiết cũng như hoạt động trung khu thần kinh của cơ thể sau khi trải qua quá trình ức chế lạnh giá của mùa đông, bắt đầu có xu hướng thịnh vượng lên, sự hấp thu đào thải cũng tăng lên. Theo thống kê của Bệnh viện tâm thần Thượng Hải, những bệnh nhân tâm thần nằm viện lâu ngày, trước khi hoa rau nở vàng đều có triệu chứng phát bệnh như mất ngủ, tính tình không ổn định, mơ tưởng lung tung, hay giận dỗi. Khi đó tinh thần của bệnh nhân cũng khác biệt rõ rệt với các mùa khác.
Viêm gan là loại bệnh nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Theo thí nghiệm, nhiệt độ của không khí từ 0°C - 20°C, áp suất từ 972 - 982 mPa, độ ẩm tương đối từ 55% - 85%, số giờ nắng và có ánh trăng từ 90 - 200 giờ là điều kiện thuận lợi để bệnh viêm gan phát triển. Điều kiện thời tiết đó chỉ mùa xuân mới có. Cho nên mùa xuân là mùa phát triển bệnh viêm gan.
Mùa xuân ấm áp, trăm hoa đua nở, dịch viêm não cũng phát triển rất nhanh. Loại bệnh này cao điểm từ tháng 1 - 4. Sau tháng 5 thì giảm dần. Vì viêm não là loại song cầu khuẩn phát triển gây nên, nó thích môi trường khô ấm và khí áp thấp.
Mùa xuân qua mùa hè đến, khí hậu nóng dần, môi trường chung quanh nóng không chịu nổi. Trong điều kiện đó cơ thể ra mồ hôi nhiều để duy trì sự cân bằng nhiệt độ. Nếu nhiệt độ không khí quá cao khiến cho mồ hôi ra quá nhiều làm cho nhiệt độ cơ thể mất cân bằng, khiến nhiệt độ cơ thể tăng cao sẽ nguy hại nghiêm trọng đến sức khoẻ. Khi sốt cao bệnh nhân thở và mạch đập nhanh, hoa mắt, nôn nao, tai ù, v.v.. Đó là chứng ngộ nắng do trời nóng gây nên.
Mỗi lần thời tiết biến đổi người bị bệnh viêm khớp thường có cảm giác đau khớp. Căn cứ sự quan sát và điều tra bệnh viêm khớp, người ta phát hiện thấy khi không khí khô ẩm, thay đổi sang nóng lạnh và khí áp biến đổi vượt quá một phạm vi nhất định thường rất dễ phát bệnh. Nếu sự dao động nhiệt độ không khí biến đổi lớn hơn ±3°C, áp suất không khí bình quân trong hai ngày lớn hơn 5 mPa, độ ẩm tương đối lớn hơn ±10% thì xác suất phát sinh bệnh viêm khớp tăng lên rõ rệt, cho nên loại bệnh này còn gọi là "bệnh nắng mưa".
Người viêm khí quản và bệnh hen phế quản đều biết rất rõ rằng: về mùa thu và mùa đông, đặc biệt là khi gió lạnh tây bắc tràn về thì bệnh thường xảy ra nghiêm trọng. Bệnh viện nhân dân Thượng Hải điều tra hàng loạt bệnh nhân phát hiện thấy: khi nhiệt độ bình quân hằng ngày thấp hơn hoặc bằng 0°C, nếu sự biến đổi nhiệt độ giữa trước sau hai ngày lớn hơn 3°C thì bệnh tình dễ nặng, còn khi trời chuyển ấm, nhiệt độ bình quân hằng ngày lớn hơn 12°C, độ ẩm tương đối lớn hơn 85% và những ngày âm u mưa liên tục thì bệnh tình tương đối ổn định. Do đó có thể thấy không khí khô và lạnh là nguyên nhân chủ yếu gây nên viêm khí quản mãn tính và hen suyễn phế quản.
Sự biến đổi thời tiết còn trực tiếp ảnh hưởng đến tỉ lệ tử vong. Theo thống kê, xác suất tử vong của một vùng nào đó của Bắc Kinh cao nhất xuất hiện vào mùa đông (tháng giêng hoặc tháng hai), từ mùa đông đến mùa hè xác suất tử vong giảm xuống rất nhanh. Sau tháng 6 xác suất tử vong lại tăng dần lên. Điều đó chứng tỏ tử vong có liên quan với biến đổi mùa rõ rệt. Lạnh ẩm và mát ẩm là nguyên nhân chủ yếu. Nhưng cũng có lúc gặp phải nhiệt độ cao khác thường thì tỉ lệ tử vong cũng tăng lên. Ví dụ đầu tháng 8 - 1975 ở Mỹ bị một đợt nóng kéo dài, ngày 3 tháng 8 so với ngày 31 tháng 7 tỉ lệ chết tăng lên 16%, đa số là người già. Vì trong quá trình suy lão, công năng tuyến mồ hôi yếu dần nên người già không thích ứng được sự biến đổi nhiệt độ lớn.
Khí hậu thay đổi mãnh liệt ảnh hưởng đến sức khoẻ của cơ thể, nhưng chỉ cần có biện pháp để làm thay đổi thời tiết tương ứng thì sẽ an toàn vượt qua. Ví dụ vào mùa chuyển tiếp từ lạnh sang ấm phải chú ý giữ ấm, nhất là sau khi vận động nhiều không nên cởi áo ngay, phải giữ môi trường sạch sẽ, thường mở cửa sổ, năng phơi chăn chiếu, có thể đề phòng bệnh khuẩn truyền nhiễm. Đối với trẻ em dưới 12 tuổi phải tiêm chủng phòng bệnh, tăng cường luyện tập, bổ sung đủ dinh dưỡng. Như vậy có thể đạt được mục đích phòng bệnh.
Nguyễn Văn Mậu