Mới cập nhật

WHO xếp đồ uống rất nóng vào nhóm có thể gây ung thư: Người Việt cần chú ý 1 loại đồ uống


Cơ quan Nghiên cứu Quốc tế về Ung thư (IARC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân loại uống đồ uống rất nóng vào nhóm có thể gây ung thư cho con người (Nhóm 2A)
 Trà là một trong những thức uống cổ xưa và phổ biến ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới như Nhật, Trung Quốc, Anh, Mỹ… Trà được làm từ lá của cây Camellia sinensis. Một thời gian ngắn sau khi thu hoạch, lá trà bắt đầu héo và bị ôxy hóa. Trong suốt quá trình oxy hóa, các chất hóa học trong lá bị phá vỡ bởi các enzym, lá trở nên sẫm màu và có mùi thơm.



Quá trình oxy hóa này có thể được ngăn chặn bằng cách nung nóng nhằm làm bất hoạt các enzym.

Trà đen được tạo ra khi lá trà héo, cuộn, và bị oxy hóa hoàn toàn. Ngược lại, trà xanh được làm từ lá tươi mà không bị oxy hóa. Trà Oolong được làm từ lá héo và bị oxy hóa một phần, tạo ra một loại trà trung gian. Trà trắng được làm từ lá non hoặc chồi tăng trưởng đã trải qua quá trình oxy hóa tối thiểu. Sấy khô có thể ngăn chặn quá trình oxy hóa.

Trà có gây ung thư không?

Trà gồm các polyphenol, các alkaloid (cafein, theophyllin và theobromine), các acid amin, carbohydrate, protein, chất diệp lục, các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (chất hóa học dễ dàng tạo thành hơi và tạo mùi cho trà), florua, nhôm, khoáng chất, và nguyên tố khác (3).

Các polyphenol, nhóm lớn các chất hóa học từ thực vật bao gồm các catechin (4), có lợi cho sức khỏe.

Các catechin hoạt động và phong phú nhất trong trà xanh là epigallocatechin-3-gallate (EGCG).

Các polyphenol trong trà xanh chứa nhiều EGCG, EGC, ECG và EC-, theaflavins và thearubigins trong trà đen có hoạt tính chống oxy hóa (5), đặc biệt là EGCG và ECG, có khả năng thu nhặt các gốc tự do và bảo vệ tế bào khỏi sự phá hủy DNA do các gốc oxy phản ứng (ROS) gây ra (5).

Polyphenol trong trà cũng có tác dụng ức chế sự tăng sinh tế bào ung thư và kích hoạt quá trình chết tự nhiên của tế bào (apotosis) trong nghiên cứu ở phòng thí nghiệm và trên động vật (1, 6).

WHO xếp đồ uống rất nóng vào nhóm có thể gây ung thư: Người Việt cần chú ý 1 loại đồ uống - Ảnh 1.


Ảnh minh họa





Trong các nghiên cứu ở phòng thí nghiệm và trên động vật khác, catechin trong trà đã được chứng minh khả năng ức chế sự hình thành mạch và xâm lấn của các tế bào ung thư (7).

Ngoài ra, chất polyphenol trong trà có thể bảo vệ chống lại những tác lại gây ra bởi bức xạ tia cực tím (UV) (6, 8), đồng thời còn có khả năng điều chỉnh chức năng của hệ thống miễn dịch (9).

Hơn nữa, trà xanh còn có thể kích hoạt các enzym giải độc, chẳng hạn như Glutathione S-transferase và Quinone reductase, có thể chống lại sự phát triển của khối u (9).

Mặc dù rất nhiều các tác động có lợi của trà được cho là do hoạt tính chống oxy hóa mạnh mẽ của polyphenol trong trà, tuy nhiên, cơ chế chính xác giúp ngăn ngừa bệnh ung thư của trà vẫn chưa được đưa ra (6).

Liên quan đến trà xanh, chúng ta có thể nhìn vào hai nghiên cứu. Trong một nghiên cứu ở phụ nữ Nhật Bản đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú ở giai đoạn đầu (không di căn), những người tiêu thụ ít nhất ba tách trà xanh mỗi ngày, có khả năng tái phát ít hơn 57% so với những phụ nữ uống một tách hoặc ít hơn mỗi ngày (10).

Một nghiên cứu khác cũng tại Nhật cho thấy những người đàn ông bị ung thư tuyến tiền liệt uống hơn năm cốc trà mỗi ngày sẽ giảm 50% nguy cơ tiến triển ung thư. (11)

Mách bạn cách uống trà đúng cách

Trà được FDA Hoa Kỳ công nhận là an toàn. Nghiên cứu an toàn được xem xét dựa trên khả năng tiêu thụ lên đến 1200 mg EGCG khi bổ sung ở người lớn khỏe mạnh trong khoảng thời gian từ 1 đến 4 tuần (12, 13).

Các tác dụng phụ được báo cáo trong các nghiên cứu này bao gồm thừa khí trong ruột, buồn nôn, ợ nóng, đau dạ dày, đau bụng, chóng mặt, nhức đầu, đau cơ (12, 13).

Trong một nghiên cứu ở Nhật Bản, trẻ em từ 6 đến 16 tuổi uống nước giải khát trà xanh có chứa 576 mg catechin (nhóm thực nghiệm) hoặc 75 mg catechin (nhóm chứng) trong 24 tuần không có tác dụng phụ (16). Chưa có nghiên cứu cho thấy hàm lượng catechin cao hơn có an toàn đối với trẻ em hay không.

Như những thức uống chứa caffeine khác chẳng hạn như cà phê và cola, caffeine chứa trong nhiều sản phẩm chè có thể gây ra tác dụng phụ, bao gồm nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, mất ngủ, bồn chồn, lo lắng, run, nhức đầu, đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, và lợi tiểu (15).

Tuy nhiên, có rất ít bằng chứng về những tác hại ảnh hưởng đến sức khỏe của người lớn khi tiêu thụ một lượng vừa phải caffeine (khoảng 300 mg đến 400 mg mỗi ngày).

Không có nhiều nghiên cứu đề cập đến tác động của caffein trên trẻ em (15). Tóm lại, liều lượng cafein ít hơn 3 mg/kg trọng lượng cơ thể không dẫn đến tác dụng phụ ở trẻ em (15). Liều cao hơn có thể dẫn đến một số ảnh hưởng hành vi, chẳng hạn như gia tăng căng thẳng hoặc lo âu và rối loạn giấc ngủ (16).

WHO xếp đồ uống rất nóng vào nhóm có thể gây ung thư: Người Việt cần chú ý 1 loại đồ uống - Ảnh 2.


Ảnh minh họa





Trà đen và trà xanh có thể ức chế hoạt tính sinh học của sắt trong ăn uống (4). Tác động này có thể ảnh hưởng quan trọng đến những người bị thiếu máu thiếu sắt (4).

Các tác giả của 35 nghiên cứu về ảnh hưởng của việc uống trà đen đối với tình trạng thiếu sắt ở Anh kết luận rằng, mặc dù uống trà hạn chế sự hấp thu sắt trong ăn uống nhưng không có đủ bằng chứng để kết luận rằng có ảnh hưởng đến hemoglobin và nồng độ ferritin trong máu ở người lớn (17).

Sự tương tác giữa trà và sắt có thể được giảm nhẹ bằng cách tiêu thụ thực phẩm tăng cường hấp thu sắt trong cùng một bữa ăn, chẳng hạn như những loại có chứa vitamin C (chanh), và các loại thực phẩm có chứa nhiều sắt (thịt đỏ) (4).

Uống đồ uống rất nóng có thể gây ung thư?

Bên cạnh việc dùng các thức uống có chứa các chất có lợi cho sức khỏe hằng ngày thì việc dùng như thế nào cũng rất quan trọng. Cơ quan Nghiên cứu Quốc tế về Ung thư (IARC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân loại uống đồ uống rất nóng vào nhóm có thể gây ung thư cho con người (Nhóm 2A).

Đồ uống rất nóng là đồ uống nóng hơn 65°C (149 độ Fahrenheit).

Tại Mỹ, cà phê, trà, sô cô la nóng, và các đồ uống nóng khác thường được uống ở nhiệt độ thấp hơn 65°C (18).

Điều này được đưa ra dựa trên bằng chứng hạn chế từ các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy có sự liên quan giữa bệnh ung thư thực quản và uống đồ uống rất nóng.

Các nghiên cứu ở những nơi như Trung Quốc, Cộng hòa Hồi giáo Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, và Nam Mỹ, mate và trà được uống theo kiểu truyền thống ở nhiệt độ rất nóng (khoảng 70°C), cho thấy nguy cơ ung thư thực quản tăng lên tỉ lệ thuận với nhiệt độ của thức uống khi uống (18)

Trong các thí nghiệm liên quan đến động vật, cũng có bằng chứng hạn chế cho thấy khả năng gây ung thư của nước rất nóng.

Ung thư thực quản là ung thư phổ biến thứ 8 trên toàn thế giới và là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong với khoảng 400 000 trường hợp tử vong được ghi nhận trong năm 2012 (5% của tất cả các trường hợp tử vong do ung thư).

Tuy nhiên, tỷ lệ các trường hợp mắc bệnh ung thư thực quản mà có liên quan đến việc uống thức uống nóng thì không được biết đến (18).



BS Lê Hồng Ngọc Phượng





 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Seeram NP, Henning SM, Niu Y, et al. Catechin and caffeine content of green tea dietary supplements and correlation with antioxidant capacity. Journal of Agricultural and Food Chemistry 2006; 54(5):1599–1603.
 2. Mukhtar H, Ahmad N. Tea polyphenols: Prevention of cancer and optimizing health. American Journal of Clinical Nutrition 2000; 71(6 Suppl):1698S–1702S.

3. Cabrera C, Giménez R, López MC. Determination of tea components with antioxidant activity. Journal of Agricultural and Food Chemistry 2003; 51(15):4427–4435.

4. Cabrera C, Artacho R, Giménez R. Beneficial effects of green tea―a review. Journal of the American College of Nutrition 2006; 25(2):79–99.

5. Henning SM, Niu Y, Lee NH, et al. Bioavailability and antioxidant activity of tea flavanols after consumption of green tea, black tea, or a green tea extract supplement. American Journal of Clinical Nutrition 2004; 80(6):1558–1564.

6. Henning SM, Niu Y, Lee NH, et al. Bioavailability and antioxidant activity of tea flavanols after consumption of green tea, black tea, or a green tea extract supplement. American Journal of Clinical Nutrition 2004; 80(6):1558–1564.

7. Zaveri NT. Green tea and its polyphenolic catechins: Medicinal uses in cancer and noncancer applications. Life Sciences 2006; 78(18):2073–2080.

8. Elmets CA, Singh D, Tubesing K, et al. Cutaneous photoprotection from ultraviolet injury by green tea polyphenols. Journal of the American Academy of Dermatology 2001; 44(3):425–432.

9. Steele VE, Kelloff GJ, Balentine D, et al. Comparative chemopreventive mechanisms of green tea, black tea and selected polyphenol extracts measured by in vitro bioassays.Carcinogenesis 2000; 21(1):63–67.

10. Inoue M, Tajima K, Mizutani M, et al. Regular consumption of green tea and the risk of breast cancer recurrence: follow-up study from the Hospital-based Epidemiologic Research Program at Aichi Cancer Center (HERPACC), Japan. Cancer Letters 2001;167(2):175-82.

11. Kurahashi N, Sasazuki S, Iwasaki M, Inoue M, Shoichiro Tsugane for the JSG. Green Tea Consumption and Prostate Cancer Risk in Japanese Men: A Prospective Study. Am J Epidemiol 2007;167(1):71-7.

12. Chow HH, Hakim IA, Vining DR, et al. Effects of dosing condition on the oral bioavailability of green tea catechins after single-dose administration of polyphenon E in healthy individuals. Clinical Cancer Research 2005; 11(12):4627–4633.

13. Chow HS, Cai Y, Hakim IA, et al. Pharmacokinetics and safety of green tea polyphenols after multiple-dose administration of epigallocatechin gallate and polyphenon E in healthy individuals. Clinical Cancer Research 2003; 9(9):3312–3319.

14. Matsuyama T, Tanaka Y, Kamimaki I, Nagao T, Tokimitsu I. Catechin safely improved higher levels of fatness, blood pressure, and cholesterol in children. Obesity 2008; 16(6):1338–1348.

15. Higdon JV, Frei B. Coffee and health: A review of recent human research. Critical Reviews in Food Science and Nutrition 2006; 46(2):101–123.

16. Nawrot P, Jordan S, Eastwood J, et al. Effects of caffeine on human health. Food Additives and Contaminants 2003; 20(1):1–30.

17. Nelson M, Poulter J. Impact of tea drinking on iron status in the UK: A review. Journal of Human Nutrition and Dietetics 2004; 17(1):43–54.

18. IARC Monographs evaluate drinking coffee, mate and very hot beverages (WHO).