Mới cập nhật

SÁCH: “TRẦN PHÚ TỔNG BÍ THƯ ĐẦU TIÊN CỦA ĐẢNG”

SÁCH: “TRẦN PHÚ TỔNG BÍ THƯ ĐẦU TIÊN CỦA ĐẢNG”

 

  1. Năm 1987, Nhà Xuất bản Sự thật, Hà Nội xuất bản cuốn sách “Trần Phú Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng của tác giả Đức Vượng (Đàm Đức Vượng). Đến năm 1999, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật tái bản lần thứ nhất cuốn sách này. Đến năm 1994, nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh Trần Phú, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia tái bản lần thứ hai cuốn sách này. Tiếp đó, còn một số lần tái bản nữa.

Đây là cuốn sách viết về cuộc đời hoạt động cách mạng vô cùng anh dũng và vẻ vang của Trần Phú, một trong những tấm gương sáng ngời thuộc thế hệ chiến sĩ cộng sản tiền bối của Đảng.

Bằng một lối viết nhẹ nhàng, sinh động, kết hợp giữa kể chuyện với phân tích, bình luận nhân vật, cuốn sách đã thu hút được nhiều người đọc.

Cuốn sách chia là 4 chương:

- Chương Một: Buổi đầu hoạt động yêu nước

- Chương Hai: Trường học cách mạng.

- Chương Ba: Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

- Chương Bốn: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Trần Phú ra đời, thực dân Pháp đã thống trị trên mảnh đất Việt Nam được gần nửa thế kỷ. Năm 1894, Chính phủ Pháp ra Sắc lệnh chính thức thành lập Bộ Thuộc địa với Bộ trưởng đầu tiên là Bulănggiê (Boulanger), thì việc xâm chiếm Đông Dương càng được đẩy mạnh. Năm 1887, Tổng thống Pháp ký Sắc lệnh quy định quyền lực của Toàn quyền Đông Dương nhằm áp đặt chế độ cai trị Đông Dương về mọi mặt. Thực dân Pháp áp đặt lên bán đảo Đông Dương một chính sách bóc lột, vơ vét và khủng bố man rợ; dùng bộ máy hành chính để bóc lột nhân dân, dùng bộ máy quân sự, cảnh sát, tòa án và nhà tù để đàn áp nhân dân; dùng chính sách văn hóa, nô dịch để ngu dân; dùng chính sách khai thác thuộc địa để vơ vét của cải ở Đông Dương. Họ coi Đông Dương như miếng mồi béo bở để thu về những vật phẩm mà nước Pháp không có. Họ lập ngân hàng và thực hiện chính sách cho vay nặng lãi nhằm bóc lột và chi phối mọi hoạt động kinh tế ở Đông Dương. Thực dân Pháp lập ra ở Đông Dương bộ máy tay sai và dùng bộ máy đó phục vụ cho ý đồ ăn cướp của họ. Dựa vào Pháp, bộ máy tay sai cũng ra sức bóc lột nhân dân.

Sự đói khổ của nhân dân ắt phải nổ ra những cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp ở Việt Nam. Nét tiêu biểu của phong trào cách mạng Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX là sự kết hợp giữa phong trào yêu nước với phong trào đấu tranh giành quyền dân chủ.

Trần Phú sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đó.

Trần Phú (Trần Ngọc Phú), trong quá trình hoạt động cách mạng còn mang các bí danh: Lý Quý, Lý Việt Hoa (ở Trung Quốc), Likive, Likvây, Le Quy (ở Liên Xộ), Năm (ở Sài Gòn), Hai Cao (ở Hải Phòng), Giáo Quý,…; sinh ngày 1-5-1904, tại Phú Yên; quê quán gốc của Trần Phú ở xã Tùng Ảnh (trước là xã Việt Yên Hạ, sau đổi là xã Đức Sơn, rồi xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Sinh ra trong một gia đình quan lại bị thất thế trước thời cuộc. Trước cái chết đau khổ của người Cha ở nơi quan trường và sự ra đi sớm của người Mẹ đã đẩy Trần Phú vào hoàn cảnh khó khăn.

Năm 1914, Trần Phú được người cậu giúp đỡ cho ra Huế để ăn học tại Trường Pháp – Việt Đông Ba, sau đó, vào tiếp tại Trường Quốc học Huế. Năm 1922, Trần Phú thi đỗ đầu kỳ thi thành chung ở Trường Quốc học Huế. Bầu bạn đến chúc mừng Trần Phú, cầu mong cho Anh sớm được bổ nhiệm làm quan. Nghe vậy, Trần Phú chỉ mỉm cười, đáp: “Làm quan ư? Rồi sẽ lại như Cha tôi. Không đời nào tôi đi con đường đó”.

Rời Trường Quốc học Huế, Trần Phú đi làm thầy giáo, dạy tại Trường Tiểu học Cao Xuân Dục, thành phố Vinh. Trong thời gian dạy học tại Vinh, Trần Phú đã tham gia một số phong trào đấu tranh của công nhân yêu nước.

Năm 1926, Trần Phú sang Quảng Châu, Trung Quốc, dự lớp huấn luyện chính trị do nhà yêu nước và cách mạng Nguyễn Ái Quốc tổ chức. Tại đây, Trần Phú đã vinh dự được gặp và trao đổi tình hình với Nguyễn Ái Quốc và thông qua việc huấn luyện chính trị, Trần Phú đã bắt đầu giác ngộ cách mạng. Được Nguyễn Ái Quốc giảng giải, Trần Phú và các học viên đã nhanh chóng tiếp thu những kiến thức cơ bản về chủ nghĩa Mác – Lê.nin. Tại Quảng Châu, Trần Phú đã được kết nạp vào tổ chức “Hội Việt Nam Cách mạng Thanh Niên”, còn gọi là “Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội” (gọi tắt là Thanh Niên), một tổ chức yêu nước và cách mạng, mang xu hướng xã hội chủ nghĩa, do Nguyễn Ái Quốc sáng lập; đồng thời, cũng được kết nạp vào Cộng sản Đoàn, một tổ chức nòng cốt của Thanh Niên. Trước khi được kết nạp vào tổ chức này, Trần Phú đã gia nhập Hội Hưng Nam, tức tổ chức Tân Việt, một tổ chức yêu nước Việt Nam.

Học xong, Trần Phú trở về nước, tiếp tục hoạt động.

Năm 1927, trước sự khủng bố gắt gao của chính quyền thực dân, Trần Phú lại ra nước ngoài, và lần này, Anh cũng trở lại Quảng Châu. Đến Quảng Châu lần này, Trần Phú, một lần nữa, lại được gặp Nguyễn Ái Quốc vào tháng 1-1927.

Để phát triển phong trào cách mạng, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục đào tạo cán bộ, giới thiệu Trần Phú đi học tại Trường Đại học Phương Đông, Liên Xô. Tại đây, Trần Phú mang tên Le Quy. Cùng học với Trần Phú tại Trường Đại học phương Đông khóa này còn có Nguyễn Thế Rục (Phon Shon), Ngô Đức Trì ( Le Man), Bùi Công Trừng (Giao), Bùi Lâm (Nguyễn Văn Dị, Nguyễn Văn Xích, Min Khan). Theo đề nghị của Nguyễn Ái Quốc, Nhóm Cộng sản Việt Nam học tại Trường Đại học Phương Đông được thành lập do Trần Phú làm Bí thư Nhóm.

Sau 3 năm học và tốt nghiệp tại Trường Đại học Phương Đông, Trần Phú trở về Tổ quốc Việt Nam thân yêu của mình vào một ngày của tháng 4-1930, để rồi lại tiếp tục lao vào cuộc bão táp đấu tranh cách mạng nhằm giải phóng đất nước và tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Khi Trần Phú về tới Việt Nam, thì Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thành lập 5 tháng trước đó.

Tại Việt Nam, công việc đầu tiên Trần Phú đi khảo sát thực tế phong trào công nhân và phong trào nông dân tại các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Hòn Gai.

Khảo sát thức tế xong, đầu tháng 7-1930, Trần Phú từ Hòn Gai về tới Hà Nội. Tại Hà Nội, Anh được bổ sung vào Trung ương Lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam và được tổ chức phân công chủ trì cùng với tập thể Ban Chấp hành Trung ương lâm thời trước đó, soạn thảo Luận cương chính trị của Đảng.

Tháng 10-1930, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương chính thức họp tại Hương Cảng (Hồng Kông). Hội nghị thảo luận và thông qua nhiều văn kiện quan trọng, trong đó có Luận cương chính trị.

Hội nghị đổi tên Đảng là Đảng Cộng sản Đông Dương.

Hội nghị bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng chính thức. Trần Phú được toàn thể Hội nghị nhất trí bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Đây là vị Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Tổng Bí thư Trần Phú bị mật thám Pháp bắt tại Sài Gòn ngày 18-4-1931. Chúng giam Anh tại Khám Lớn, Sài Gòn. Qua những trận đòn tra tấn cực kỳ dã man của mật thám Pháp, làm cho sức khỏe của Tổng Bí thư Trần Phú suy sụp nhanh chóng. Chúng phải đưa Anh đi điều trị tại Nhà thương Chợ Quán, Sài Gòn.

Ngày 6-9-1931, Trần Phú trút hơi thở cuối cùng. Trước khi nhắm mắt xuôi tay, vị Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng căn dặn lại những đồng chí của mình: “Hãy giữ vững ý chí chiến đấu!”.

  1. Sau khi trình bày một cách chi tiết, rõ ràng về Tiểu sử Trần Phú, trong cuốn sách “Trần Phú Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng”, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đàm Đức Vượng (Đức Vượng) đã phân tích sâu sắc, có hệ thống về những cống hiến của Trần Phú trên phương diện lý luận – thực tiễn. Vấn đề này đã được thể hiện trong Luận cương chính trị năm 1930 và một số báo cáo, bài viết của Trần Phú.

Phân tích về tình hình Đông Dương trong những thập kỷ đầu của thế kỷ XX, Tổng Bí thư Trần Phú nhận định kinh tế Đông Dương là kinh tế nông nghiệp phát triển chủ yếu theo kiểu phong kiến. Mục đích của thực dân Pháp là làm cho kinh tế Đông Dương phụ thuộc vào kinh tế Pháp. Tất cả những điều kiện ấy, làm cho kinh tế Đông Dương không thể phát triển độc lập. Mâu thuẫn giữa công nhân, nông dân và nhân dân lao động với bọn địa chủ, phong kiến, tư bản và đế quốc ngày càng trở nên gay gắt. Đây cũng là ngòi nổ của phong trào cách mạng ở Đông Dương mà đặc điểm của nó là phong trào công nhân và phong trào yêu nước, thay cho phong trào quốc gia cải lương mà trước đó đã diễn ra tại Việt Nam.

Xuất phát từ đặc điểm của cách mạng Đông Dương, Đảng chỉ rõ trong lúc đầu, cách mạng Đông Dương sẽ là cuộc cách mạng tư sản dân quyền, mà tính chất của nó là cách mạng thổ địa (cách mạng ruộng đất) và cách mạng phản đế, làm nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến. Cách mạng tư sản dân quyền là cuộc cách mạng tư sản dân chủ, do nhân dân lao động tiến hành. Cuộc cách mạng này sẽ dọn đường để đi tới cách mạng xã hội chủ nghĩa. Luận cương chỉ rõ động lực chính của cách mạng tư sản dân quyền là giai cấp công nhân và giai cấp nông dân, do giai cấp công nhân lãnh đạo.

Nhiệm vụ của cách mạng tư sản dân quyền là đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp, phong kiến và địa chủ; lập chính phủ công nông; tịch ký hết thảy ruộng đất của địa chủ ngoại quốc, bổn xứ và các giáo hội phản động, giao ruộng đất ấy cho nông dân, quyền sở hữu ruộng đất thuộc về chính phủ công nông; sung công hết thảy các sản nghiệp lớn của tư bản ngoại quốc; bỏ các sưu thuế hiện thời, lập ra thuế lũy tiến; ngày làm công 8 giờ, sử đổi sự sinh hoạt cho thợ thuyền và quần chúng lao khổ; xứ Đông Dương hoàn toàn độc lập, thừa nhận quyền dân tộc tự quyết; lập quân đội công nông; nam nữ bình quyền…

Vấn đề mấu chốt bảo đảm mọi thắng lợi của cách mạng Đông Dương là cần phải có một Đảng Cộng sản có một đường lối chính trị đúng, có kỷ luật, tập trung, mật thiết liên lạc với quần chúng và từng trải tranh đấu mà trưởng thành. Đảng là đội tiền phong của giai cấp công nhân, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm gốc.

Muốn làm tròn nhiệm vụ của mình trong cuộc cách mạng tư sản dân quyền, Đảng cần phải dựa hẳn vào lực lượng quần chúng công nông, tổ chức ra công hội, nông hội,… và phải tiến hành cuộc vận động nông dân để đưa họ thoát ra khỏi ảnh hưởng của bọn phản động và xu hướng cải lương.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Đàm Đức Vượng (Đức Vượng) phân tích cách mạng tư sản dân quyền ở Việt Nam đã phát triển thành cách mạng phản đế, cách mạng dân tộc dân chủ, cách mạng giải phóng dân tộc, rồi cách mạng dân tộc  dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Tổng Bí thư Trần Phú sớm thấm nhuần những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin và những tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc, cho nên đã khẳng định con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam là phải trải qua hai giai đoạn: giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ (cách mạng tư sản dân quyền) và giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa. Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Đàm Đức Vượng, thì đây chính là mối quan hệ khăng khít giữa dân tộc và giai cấp, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, dân tộc và thời đại.

Trên đây là những nội dung cơ bản trong cuốn sách “Trần Phủ Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng” của Phó giáo sư Tiến sĩ Đức Vượng (Đàm Đức Vượng).

Bằng một lối viết nhẹ nhàng, nhưng rất sâu sắc bởi Tác giả đã dẫn ra những tài liệu thành văn và đã phân tích lý luận – thực tiễn của Tổng Bí thư Trần Phú.



                                                                Quỳnh Nga - Quỳnh Anh