Mới cập nhật

“HỒ CHÍ MINH VỚI VẤN ĐỀ ĐÀO TẠO CÁN BỘ”


Năm 1995, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật xuất bản cuốn sách “Hồ Chí Minh với vấn đề đào tạo cán bộ” của Đức Vượng (PGS,TS Đàm Đức Vượng). Sách được in ra với số lượng rất lớn: 3500 cuốn. Đây là cuốn sách phản ánh tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề cán bộ một cách sâu sắc, toàn diện, được phát hành trong dịp chuẩn bị cho Đại hội VIII của Đảng (1996).


Cuốn sách có sức hấp dẫn, lôi cuốn người đọc bởi lối viết sinh động với những dẫn chứng, những mẩu chuyện, những nhận định, phân tích sâu sắc về vấn đề cán bộ, được thông qua lăng kính chủ quan của người viết.

Cuốn sách lược khảo một cách có hệ thống toàn bộ quá trình đào tạo, huấn luyện cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ khi Người về Quảng Châu, Trung Quốc vào năm 1924, mở lớp huấn luyện cán bộ, đến năm 1969, trước khi Người từ trần. Như vậy, Người đã có 45 năm đào tạo, huấn luyện cán bộ. Đội ngũ cán bộ cách mạng Việt Nam thời dựng Đảng đến Cách mạng tháng Tám năm 1945 và qua hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, trưởng thành nhanh chóng, góp phần cùng với nhân dân hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, mang lại độc lập, thống nhất đất nước.

Để có tài liệu huấn luyện cán bộ, năm 1927, Nguyễn Ái Quốc biên soạn tác phẩm “Đường cách mệnh” và 20 năm sau đó, vào năm 1947, Hồ Chí Minh ký dưới bút danh XYZ viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”. Nhiều tác phẩm, bài viết, bài nói khác, Người đều có nói đến vấn đề cán bộ và huấn luyện cán bộ.

PGS,TS Đức Vượng luận rằng, Hồ Chí Minh nói muốn hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thì phải có con người, có cán bộ. Vì vậy, “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Nhưng muốn có cán bộ, Người chỉ ra rằng, trước hết phải phát hiện ra cán bộ, rồi đưa cán bộ đó đi huấn luyện. Người rất chú trọng đến việc huấn luyện cán bộ, coi đây là giải pháp hữu hiệu nhất, tốt nhất để nâng cao trình độ của người cán bộ. Quan điểm của Người là không có huấn luyện thì không có cán bộ tốt.

Trong thời gian hoạt động bí mật, Nguyễn Ái Quốc rất chú trọng đến việc đào tạo cán bộ, triệu tập các cán bộ của Việt Nam ra nước ngoài để Người huấn luyện chính trị. Đặc điểm trong cuộc đời hoạt động của Bác là đi đến đâu đào tạo cán bộ đến đấy. Quan điểm của Người là nếu không có cán bộ thì không có ai đứng ra phát động phong trào cách mạng trong nhân dân, không có ai làm nòng cốt trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Vì vậy, đào tạo, huấn luyện cán bộ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Đảng.

Trong cuốn sách, PGS,TS Đức Vượng phân tích sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Hồ Chí Minh càng chú trọng nhiều hơn đến công tác huấn luyện, đào tạo cán bộ. Năm 1945, sau khi cách mạng thành công, Người đã chỉ thị cho mở trường huấn luyện cán bộ. Nói chuyện với cán bộ, học viên của Trường, Người căn dặn: “Anh em sẽ còn học mãi khi ra làm việc. Khi thành công thì phải nghiên cứu vì sao thành công để lấy kinh nghiệm. Khi thất bại cũng sẽ xem xét vì sao thất bại để mà tránh đi”. Cán bộ phải làm cho dân mến, khi sắp tới dân mong, khi đi dân tiếc, chớ vác mặt làm quan cách mạng cho dân ghét, dân khinh, dân không ủng hộ. Đó là quan điểm quần chúng, là đạo đức cách mạng của Người đối với vấn đề cán bộ và công tác cán bộ.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, ngoài việc lãnh đạo chiến tranh cách mạng, Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc đào tạo, huấn luyện cán bộ. Người đề nghị thành lập Trưởng Đảng để huấn luyện cán bộ. Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) ra đời trong hoàn cảnh đó. Tháng 9-1949, Người đến thăm Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương. Ghi vào sổ vàng của Trường, Người viết:

“Học để làm việc,
làm người,
làm cán bộ.
Học để phụng sự Đoàn thể.
Giai cấp và nhân dân
Tổ quốc và nhân loại.
Muốn đạt mục đích thì phải
Cần, kiệm, liêm, chính,
chí công, vô tư”.

Ở đây, Hồ Chí Minh muốn nói đến vấn đề muốn làm cán bộ, trước hết phải biết làm người. Chưa biết làm người thì không thể làm được cán bộ; khi chưa đủ tư cách làm người thì chưa thể làm cán bộ được. Đó là quan điểm biện chứng mà Người đã chỉ ra cho chúng ta. Đó cũng là nhân cách, tư cách của một con người trước khi đi đến nhân cách, tư cách của người cán bộ.

Hồ Chí Minh yêu cầu các lớp, các trường huấn luyện cán bộ trong và ngoài quân đội phải thường xuyên báo cáo với Người về tình hình học tập của anh chị em.

Tháng 11-1949, Hồ Chí Minh viết thư gửi Trường Trung học lục quân Trần Quốc Tuấn. Trong thư, Người nói: “Các lớp cán bộ trước là những người đã phát rừng, cày đất, gieo mạ, tát nước. Mà các cháu trong lớp này là những cán bộ phải chuẩn bị sẵn sàng để đi gặt lúa. Vậy các cháu phải hết sức thi đua”. Người yêu cầu các cán bộ, học viên của Trường phải:

“Luyện tập thân thể cho mạnh mẽ.
Nghiên cứu kỹ thuật cho thông thạo.
Trau giồi tinh thần cho vững chắc.
Hun đúc đạo đức của người quân nhân cách mạng cho vững vàng”.

Trong sách, PGS,TS Đức Vượng đã nhấn mạnh đến việc Hồ Chí Minh rất chú trọng đến việc giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ. Muốn có đạo đức cách mạng tốt, thì cần phải rèn luyện bản lĩnh chính trị, ra sức học tập để nâng cao trình độ, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, điều gì phải, cố gắng làm, điều gì trái, kiên quyết tránh. Người nhắc đi nhắc lại nhiều lần về đạo đức cách mạng. Đạo đức cách mạng cần thiết như khí trời ta thở, cơm gạo ta ăn, áo ta mặc. Nó tuy lặp đi lặp lại nhiều lần, nhưng rất cần thiết. Muốn có đạo đức cách mạng, thì phải tăng cường giáo dục, muốn tăng cường giáo dục thì phải mở trường giáo dục và kiện toàn trường giáo dục. Người nêu một luận điểm quan trọng: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có những con người xã hội chủ nghĩa, tức là phải có những người có đạo đức xã hội chủ nghĩa”. Trong Di chúc, Người nhấn mạnh: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cấn, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Trong sách, PGS,TS Đức Vượng phân tích trên cơ sở tư tưởng Hồ Chí Minh về việc người cán bộ phải biết gắn lý luận với thực tiễn. Bóc tách lý luận ra khỏi thực tiễn là lý luận suông. Vấn đề đặt ra là phải biến những điều đã học thành hành động cách mạng thực tế. Qua kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, Người thấy rằng, những cán bộ tinh thông lý luận, nắm chắc thời cuộc, biết vận dụng lý luận vào thực tiễn, là những cán bộ trong công tác ít mắc sai lầm nhất.

Vấn đề chống tham ô, lãng phí, quan liêu theo quan điểm của Hồ Chí Minh đã được PGS,TS Đức Vượng phân tích sâu sắc trong tác phẩm “Hồ Chí Minh với vấn đề đào tạo cán bộ”. Theo Người, thì “Tham ô là hành động xấu xa nhất của con người”. “Tham ô là lấy trộm của công”. “Lãng phí là thiếu tinh thần trách nhiệm, không có ý thức quý trọng sức của, sức người của Nhà nước, của nhân dân”. Vì vậy, tội của lãng phí cũng mang với tội của tham ô. Theo Người, “Quan liêu là cán bộ phụ trách xa rời thực tế, không điều tra, nghiên cứu đến nơi đến chốn những công việc cần phải làm, việc gì cũng nắm không vững, chỉ đạo một cách đại khái, chung chung. Quan liêu là xa rời quần chúng, không đi sâu, đi sát, không hiểu rõ lai lịch, tư tưởng và công tác của cán bộ mình. Không lắng nghe ý kiến của quần chúng. Sợ phê bình và tự phê bình”. “Tác phong của những “ông quan liêu” là thiếu dân chủ, không giữ đúng nguyên tắc lãnh đạo tập thể, phân công phụ trách”. Theo Người, “bệnh quan liêu là nguồn gốc phát sinh ra lãng phí, tham ô”. Người đòi hỏi cao phải nhổ tận gốc những hiện tượng tham ô, lãng phí, quan liêu, phải có pháp luật trừng trị những loại cán bộ có phẩm chất này”.

Trong sách, PGS,TS Đức Vượng phân tích sâu sắc đến phép dùng người (sử dụng cán bộ) của Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh nói: “Dùng người cũng như dùng gỗ. Người thợ khéo, thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong đều tùy chỗ mà dùng được”. Mỗi người đều có một tài riêng. Người có tài điều khiển, người có tài điều hành. Nếu đem cái tài điều khiển mà lắp vào cái tài điều hành và ngược lại, thì chẳng những không được việc mà con gây tai hại. Vì vậy, người có tài dùng người bao giờ cũng đem cái tài điều khiển đặt vào chỗ điều khiển, đem cái tài điều hành đặt vào chỗ điều hành. Sách xưa nói, có người ở nơi này, công việc nơi này bại hoại, khi chuyển sang nơi kia, công việc nơi kia tiến tới. Vấn đề cũng là con người ấy, nhưng hai người dùng khác nhau. Người dùng đúng chỗ, đúng lúc, thì người ta phát huy được tài năng, còn người dùng không đúng chỗ, đúng lúc thì người được dùng sẽ mai một hoặc thui chột tài năng. Tài của người chỉ huy quân sự có lúc biến, lúc động, còn tài của người làm chính trị có lúc cương, luc nhu, biết tự kiềm chế để mưu việc lớn, tùy theo tài của mỗi người mà sắp đặt cho đúng chỗ. Người có đức cao làm lãnh đạo, người có tài cao gánh vác công việc. Ai cũng làm hết phận sự của mình. Đó là quan điểm dùng người của Hồ Chí Minh.

Hồ Chí Minh đề ra phương pháp huấn luyện cán bộ là phải kết hợp chặt chẽ giữa lý luận với thực tế, học đi đôi với hành. Người đề ra những câu hỏi yêu cầu các học viên phải trả lời: Học xong, về làm gì? Làm như thế nào? Bước 1, bước 2, bước 3 như thế nào? Tất cả đều rất thiết thực. Huấn luyện xong, các cán bộ trở về địa phương để hoạt động và tuyên truyền, giác ngộ cách mạng cho nhân dân.

PGS,TS Đức Vượng cho biết, trong phương pháp dùng người, Hồ Chí Minh nêu trình tự các bước chỉ đạo, nâng cao, kiểm tra, cải tạo. Qua những bước này, sẽ đưa tới một phương pháp dùng người đúng. Kiểm tra, cải tạo cán bộ là rất quan trọng. Qua kiểm tra, cải tạo mà tìm ra được những khuyết điểm của cán bộ đó. Hồ Chí Minh chủ trương áp dụng phương pháp cải tạo cán bộ. Trong cải tạo, Người cho phương pháp thuyết phục vẫn là phương pháp chủ yếu. Phương pháp này đòi hỏi phải hết sức kiên nhẫn, bình tĩnh, làm từng bước chắc chắn. Phải hết sức tỉnh táo khi đánh giá một sai lầm. Hồ Chí Minh nói: “Không phải một sai lầm to lớn, mà đã vội cho họ là “cơ hội chủ nghĩa”, đã “cảnh cáo”, đã “tạm khai trừ”. Theo Người, những cách quá đáng như thế đều không đúng. Hồ Chí Minh là hiện thân của đức tính kiên trì giáo dục cán bộ. Có lần, một cán bộ cấp cao hỏi Người: “Nếu thuyết phục mãi mà cán bộ không chịu sửa chữa thì sao?”. Người hỏi lại: “Chú đã làm như vậy với bao nhiêu người?”. Người cán bộ nói: “Thưa Bác, tôi chưa làm với ai”. Người nói: “Vậy làm sao mà biết được người đó không chịu sửa chữa khuyết điểm”.

Sách xưa có câu: “Người ta không vấp ngã nơi núi non, mà vấp ngã nơi mô đất”. Bởi vì, núi non cao, cho nên người ta cẩn thận, còn mô đất nhỏ thấp, làm người ta coi thường.

Sinh thời, Hồ Chí Minh coi vấn đề đào tạo cán bộ là một trong những công việc trọng yêu của Đảng.

Toàn bộ công tác cán bộ theo quan điểm của Hồ Chí Minh được quy tụ ở “phép xử thế” và “phép dùng người”. Trong tác phẩm “Nhật ký trong tù”, Hồ Chí Minh viết:

“Xử thế xưa nay không phải dễ
Mà nay xử thế khó khăn hơn”.
Xử thế và dùng người khó, vì cả xử thế lẫn dùng người, vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật.

Trên đây là những nội dung cơ bản mà PGS,TS Đức Vượng đã trình bày trong cuốn sách “Hồ Chí Minh với vấn đề đào tạo cán bộ”. Sách ra đời cách đây (2018) đã được 23 năm. Điều mà chúng ta thấm thía nhất thể hiện trong cuốn sách của PGS,TS Đức Vượng là ở cái tâm, cái trí và cái chí của vị lãnh tụ cách mạng Việt Nam Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp đào tạo, huấn luyện, sử dụng cán bộ. Đội ngũ cán bộ nay đã trưởng thành, trước hết, bắt nguồn từ tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề cán bộ.

GS Vũ Ngọc Khánh cho biết bạn đọc đánh giá cuốn sách “Hồ Chí Minh với vấn đề đào tạo cán bộ” của PGS,TS Đức Vượng là cuốn sách viết tốt.

Quỳnh Nga – Quỳnh Anh