Mới cập nhật

Hàng hiệu second-hand ở Nhật Bản và xu hướng khởi nghiệp

Để chinh phục thị trường gần 1,9 tỷ USD tại Nhật Bản, các startup cần có chiến lược và định hướng kinh doanh đúng đắn. 

Thị trường hàng hiệu second-hand đang dần thành nền công nghiệp tại Nhật Bản với giá trị thị trường có thể đạt 200 tỷ Yên (gần 1,9 tỷ USD).
Nhìn thấy xu hướng này, nhiều người đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội, trong đó có Shinsuke Sakimoto, sáng lập của Sou – chuỗi cửa hàng kinh doanh đồ hiệu đã qua sử dụng. Nhờ có chiến lược truyền thông đúng trọng tâm và chất lượng hàng hóa đảm bảo, Sakimoto đã thu về khoản tiền tương đương 11 triệu USD trong một năm.


Trở thành thị trường mới với nhiều tiềm năng, ngành kinh doanh đồ hiệu cũ chịu không ít cạnh tranh. “Để tăng khả năng tồn tại và giảm cạnh tranh, chúng tôi phải chia nhỏ thị trường. Một số công ty sẽ chọn kinh doanh túi sách, giày hiệu trong khi một số khác sẽ kinh doanh quần áo… Trong trường hợp công ty tôi, chúng tôi chọn không bán đồ hiệu cho các cá nhân mà đóng vai trò chuyên gia thẩm định chất lượng hàng và thu lợi nhuận từ việc bán đấu giá lô sản phẩm qua kiểm định cho các nhà phân phối”, Sakimoto tiết lộ.


Hiện Sou đã mở hơn 57 điểm tập kết hàng trên toàn nước Nhật. Mỗi cửa hàng được thiết kế sang trọng, đặt tại những vị trí đắc địa nhất. “Điều này sẽ khiến người bán lại hàng cảm thấy thoải mái. Thời gian tới Sou sẽ tăng thêm số lượng điểm tập kết”, ông nói.
Sakimoto cho biết, công nghệ không phải là hướng đi chủ đạo của Sou. Ngược lại, kế hoạch phát triển của công ty dựa phần nhiều vào marketing, đây sẽ là yếu tố khiến khách hàng yêu thích và có nhu cầu mua hàng.
Điều này không có nghĩa Sou sẽ bỏ qua việc phát triển website và ứng dụng riêng. “Sou giống như các công ty khác đều hiểu rằng website và ứng dụng là một trong những kênh gắn kết khách hàng hiệu quả”, sáng lập Sou nhìn nhận.

Lạc Thảo