Câu chuyện khởi nghiệp của chàng sinh viên bỏ học ở Mỹ về Việt Nam
Trong năm
2017, mỗi ngày có gần 150.000 vé xe được đăng bán thông qua Vexere,
tương đương 20% tổng lượng vé bán ra trên thị trường. Đây là câu chuyện khởi nghiệp thành công của Trần Nguyễn Lê Văn – chàng sinh viên bỏ học ở Mỹ để về Việt Nam bán… vé xe đò
Tháng
7.2013, cái tên VeXeRe xuất hiện lần đầu trên thị trường thông qua
chương trình tiếp sức mùa thi. VeXeRe lúc đó là cổng thông tin kết nối
với 40 nhà xe cung cấp vé xe khuyến mãi cho thí sinh dự thi đại học ở
TP.HCM.
Sau 5 năm,
VeXeRe đã kết nối với 300 nhà xe có từ 4 xe trở lên ở 2 đầu Hà Nội và
TP.HCM, chiếm 10% tổng số nhà xe đang hoạt động trên toàn quốc. Trong
năm 2017, mỗi ngày có gần 150.000 vé xe được đăng bán thông qua hệ thống
VeXeRe, tương đương 20% tổng lượng vé bán ra trên thị trường.
Theo
Similarweb, tính đến tháng 10.2017, VeXeRe có hơn 2 triệu lượt truy cập
mỗi tháng, bỏ xa 2 nhà xe lớn nhất hiện nay là Phương Trang và Thành
Bưởi, có lượt truy cập lần lượt là hơn 560.000 và 157.000.
Cùng
với việc đối thủ cạnh tranh trực tiếp một thời là Pasoto đã bán lại cho
Easybook.com vào năm 2016 và gần như dừng hoạt động ở thị trường Việt
Nam từ đó đến nay, VeXeRe tự tin đang là đơn vị dẫn đầu thị trường bán
vé trực tuyến.
Hành trình thay đổi thói quen
Ý tưởng thành lập VeXeRe đến với Trần Nguyễn Lê Văn trong một lần đọc báo về tình hình khan vé xe mùa Tết. Từng kinh doanh
bánh đúc, phân phối thịt cho các cửa hàng, ý tưởng khởi nghiệp trong
anh lại trỗi dậy. Bên cạnh đó, anh đọc được một báo cáo cho thấy mỗi năm
có hơn 100 triệu vé xe bán ra ở Việt Nam, tương đương hơn 2 tỷ USD. Văn
quyết định bỏ ngang chương trình học quản trị kinh doanh ở Mỹ và về
nước lập VeXeRe.
“Bán
vé xe là một mô hình thương mại điện tử phức tạp, trong đó, người tham
gia là người mua, là nhà xe với nhiều chức năng khác nhau”, Văn giải
thích. Vì thế, anh tìm đến Lương Ngọc Long, người bạn học cùng Đại học
Bách Khoa TP.HCM. Long từng đoạt giải Olympic Tin học Quốc gia và là
người chịu trách nhiệm toàn bộ hệ thống của VeXeRe.
Người
thứ hai Văn tìm đến là Đào Việt Thắng, bạn học cùng trường Trung học
Phổ thông chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM). Lúc đó, Thắng đang làm việc ở
ngân hàng. Văn thừa nhận thuyết phục Thắng và Long thời điểm đó rất khó,
cả hai đều có thu nhập cao và đang công tác ở các doanh nghiệp lớn.
“Tôi
hỏi cả hai rằng họ muốn dành 8 tiếng làm việc mỗi ngày hay cùng tôi làm
một cuộc cách mạng trong việc đặt vé xe ở Việt Nam. Nếu chúng ta chiếm
được 20% thành công trong cuộc cách mạng này là đã có thể tạo ra doanh
nghiệp trị giá hàng chục triệu USD và tiết kiệm rất nhiều thời gian cho
xã hội”, anh Văn kể lại.
Cả
Thắng và Long đều lay động trước lời mời đó, VeXeRe được thành lập và
bắt đầu đi thuyết phục các nhà xe; bởi để khách hàng có thể đặt vé, kiểm
tra tình trạng vé xe theo thời gian thực, đồng nghĩa với việc các nhà
xe phải sử dụng hệ thống phần mềm do VeXeRe cung cấp.
Thời
gian đầu, công ty bị từ chối vì nhiều chủ xe không quan tâm, họ đã quen
với việc quản lý thủ công và rất ngại thay đổi. Vào năm 2013, số lượng
nhà xe ứng dụng công nghệ vào quản lý chỉ đếm trên đầu ngón tay. VeXeRe
không phải là doanh nghiệp đầu tiên chào mời các giải pháp công nghệ hỗ
trợ quản lý, trước đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam khác đã thử và thất
bại.
Cuối cùng, Văn
cũng thuyết phục được các nhà xe vì họ thừa nhận quản lý truyền thống
thất thoát rất nhiều và là bài toán chưa có lời giải. Tuy nhiên, lúc
này, VeXeRe lại vấp phải cạnh tranh gay gắt của nhân viên nhà xe vì khi
mọi thứ đều minh bạch đồng nghĩa với việc thu nhập của họ giảm đi.
“Chúng
tôi thuyết phục họ rằng phần mềm vẫn có thể cân đối quyền lợi của đôi
bên. Khi nhà xe kiểm soát được thất thoát, họ sẽ trả lương theo thị
trường. Trước đây, do không kiểm soát được thất thoát nên họ thường trả
lương rất thấp”, Văn cho biết.
Trong
mô hình các công ty nền tảng, có một yếu tố gọi là Network Effect (hiệu
ứng mạng lưới), khi một số doanh nghiệp trong ngành tham gia sẽ tạo
động lực cho các doanh nghiệp còn lại mà không tốn nhiều chi phí. Càng
nhiều doanh nghiệp tham gia, khách hàng càng có nhiều lựa chọn hơn, từ
đó tăng sự trung thành với nền tảng đó.
VeXeRe
đã khai thác yếu tố này khá tốt, trong 3 năm trở lại đây, công ty giữ
được mức tăng trưởng doanh thu 300%/năm trong khi đầu tư rất ít cho hoạt
động quảng bá, tiếp thị.
Đây
cũng là yếu tố giúp VeXeRe hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư. Tháng
1.2018, công ty nhận đầu tư mới từ Quỹ Spiral Ventures (Singapore).
Trước đó, công ty đã nhận đầu tư từ CyberAgent Ventures (Nhật) và Pix
Vine Capital (Singapore) vào năm 2013 và 2015.
Cỗ xe tăng tốc
Đào
Việt Thắng sinh năm 1987, là thành viên nhỏ tuổi nhất trong nhóm (Văn
và Long sinh năm 1985). Việt Thắng tốt nghiệp ngành tài chính Đại học
St.John’s University (Mỹ). Thắng nhớ ngày đầu tiên Văn về Việt Nam là
tìm anh để bàn về ý tưởng thành lập VeXeRe. Nhưng phải đến lần thứ ba,
Việt Thắng mới đồng ý.
“Văn
là người kiên trì nhất trong số những người tôi gặp. Chúng tôi là một
đội đánh bóng bàn ở trường. Chưa bao giờ tôi thấy anh Văn bỏ cuộc dù
nhiều lần bị dẫn trước”, Thắng nói.
Thắng
là người lo về vận hành kiêm Giám đốc Tài chính, cũng là người lo việc
gọi vốn của công ty trong thời gian qua. Theo Thắng, trước khi gọi vốn,
doanh nghiệp cần xác định được có thực sự cần vốn hay không vì bất cứ
nhà đầu tư nào tham gia cũng kéo theo các điều khoản bảo vệ nhà đầu tư.
Điều này có thể ảnh hưởng đến định hướng phát triển của doanh nghiệp.
Điều
thứ hai là ngoài tài chính, nhà đầu tư còn có thể hỗ trợ doanh nghiệp
điều gì. Có quỹ đầu tư chuyên về vận hành, nhóm này có mối quan hệ rất
tốt với các cá nhân có kinh nghiệm, các nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ uy
tín… giúp doanh nghiệp trong giai đoạn tăng trưởng nhanh. Ngược lại, các
quỹ chuyên về đầu tư tài chính sẽ giúp doanh nghiệp gọi vốn với giá trị
cao.
Việt Thắng cho
biết, các công ty như VeXeRe có hai nguồn thu chính. Một là từ việc cung
cấp phần mềm cho các nhà xe, hai là đến từ chiết khấu trên mỗi vé xe
bán ra. Cho đến nay, 80% doanh thu của VeXeRe đến từ việc bán vé xe. Dù
không chia sẻ doanh thu của công ty nhưng Thắng cho biết chiết khấu từ
vé bán được dao động từ 10 – 15%.
Nếu
so với ngành bán vé xe trực tuyến với vé máy bay hay du lịch trực tuyến
thì quy trình là như nhau, nhưng do giá trị vé xe thấp hơn nên ngành
này được xem là ngành lượm bạc cắc. Để tồn tại, các công ty phải đầu tư
vào công nghệ để có thể phục vụ nhiều khách hàng hơn trong khi chi phí
nhân lực tăng không đáng kể.
“Rào
cản đầu tư cao, thời gian thu hồi vốn dài khiến đây là một thị trường
kén người chơi. Nhưng ngược lại đó cũng một lợi thế, ngay cả những doanh
nghiệp có tiềm năng về tài chính, họ cũng phải cân nhắc chuyện đầu tư.
VeXeRe tự tin đã trải qua giai đoạn sống sót, hiện nay là tìm cách tăng
trưởng nhanh hơn trong thời gian tới”, Việt Thắng nói.
Theo
đó, VeXeRe sẽ tăng số lượng các nhà xe tham gia lên con số 500 trong
thời gian tới. Việc tăng số lượng nhà xe sẽ kéo thêm một lượng khách
hàng mới. Công ty cũng sẽ đầu tư vào các chiến dịch quảng cáo, điều rất hiếm gặp ở 5 năm trước.
Đồng
thời, VeXeRe bổ sung các tính năng và đẩy mạnh việc đặt xe qua ứng dụng
di động, hệ thống sẽ gợi ý theo nhu cầu mua vé dựa theo lịch sử mua
hàng của hành khách. “Chúng tôi muốn củng cố vị thế của mình chắc chắn
hơn trong năm 2018 trước khi tăng tốc”, Việt Thắng khẳng định.
Theo NCĐT