Thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt 10 tỷ USD 4 năm tới
Theo đánh giá của các chuyên gia, thương mại điện tử
Việt Nam đang là thị trường đầy tiềm năng khi số người dùng Internet
đang ngày càng tăng.
Tốc độ tăng trưởng nhanh
Theo đánh giá của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam năm 2017 đạt trên 25% và tốc độ này có thể được duy trì trong giai đoạn 2018 - 2020. Tốc độ tăng trưởng trong một số lĩnh vực cụ thể rất ngoạn mục.
Cụ thể, với lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, thông tin từ hàng nghìn website thương mại điện tử cho thấy tỷ lệ tăng trưởng doanh thu năm 2017 tăng 35%. Khảo sát gián tiếp qua một số doanh nghiệp chuyển phát cho thấy tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ chuyển phát từ 62% đến 200%.
Thương mại điện tử ở Việt Nam đang tăng trưởng rất nhanh (Ảnh minh họa: KT)
Thương mại điện tử ở Việt Nam đang tăng trưởng rất nhanh (Ảnh minh họa: KT)
Với
lĩnh vực thanh toán, thông tin từ Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt
Nam (NAPAS), năm 2017 tăng trưởng số lượng giao dịch trực tuyến thẻ nội
địa khoảng 50% so với 2016 trong khi giá trị giao dịch tăng trưởng tới
75%. Còn trong lĩnh vực tiếp thị trực tuyến, một số công ty tiếp thị
liên kết (afiliate marketing) có tốc độ tăng trưởng năm 2017 đạt từ 100%
đến 200%.
Kết quả khảo sát Hàng Việt Nam chất lượng cao (BSA)
công bố gần đây cũng cho thấy, xu hướng mua bán online ngày càng rõ rệt,
đặc biệt với giới tiêu dùng trẻ. Cụ thể: Kết quả khảo sát 2017 về nơi
chọn mua sản phẩm, cho thấy mua sắm online mới chỉ chiếm 0,9%. Và chỉ
sau một năm, kết quả khảo sát 2018 cho thấy số người tiêu dùng chọn mua
online đã tăng gấp ba lần (2,7%).
Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam
chất lượng cao đánh giá, những năm gần đây, với sự ra đời của hàng loạt
các website thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Adayroi…
việc mua sắm online đã không còn mấy xa lạ với người người tiêu dùng
Việt, đặc biệt là người tiêu dùng trẻ thuộc thế hệ 8x, 9x, 2000.
Còn
theo nghiên cứu của Nielsen, Việt Nam đang có khoảng 23 triệu người
thường xuyên mua sắm trực tuyến, chi tiêu của nhóm này đang chiếm 1/3
chi tiêu trên thương mại điện tử của người tiêu dùng tại Việt Nam. Dự
báo, con số này tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.
Vẫn còn vùng “trắng”
Dù
TMĐT ở Việt Nam có mức tăng trưởng nhanh trong thời gian qua, tuy
nhiên, hiện vẫn có vùng “trắng” về TMĐT tại các tỉnh, thành ở Việt Nam.
Thương mại điện tử của Việt Nam vẫn còn nhiều vùng "trắng"
Nhìn
vào bảng xếp hạng có thể thấy điểm số giữa TPHCM và Hà Nội - hai thành
phố lớn nhất của Việt Nam có khoảng cách khá xa so với các tỉnh, thành
còn lại.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội TMĐT cho
rằng, có khoảng cách chênh lệch trên là do ở những thành phố này có
nhiều người tiếp cận với TMĐT, có những công cụ để hỗ trợ và sống ở môi
trường hiện đại.
Hiệp hội TMĐT Việt Nam cũng tiến hành cuộc khảo
sát về tình hình ứng dụng TMĐT tại gần 4.150 doanh nghiệp trên toàn quốc
vào cuối năm 2017. Theo đó, 32% số doanh nghiệp có kinh doanh trên mạng
xã hội và chỉ 11% số doanh nghiệp tham gia vào việc kinh doanh trên các
sàn TMĐT.
Theo bà Đặng Thúy Hà,
Giám đốc bộ phận Nghiên cứu hành vi người tiêu dùng, Công ty Nielsen
Việt Nam, TMĐT tại Việt Nam chưa đạt như tiềm năng mong đợi là do quan
ngại của người dân về chất lượng của hàng hóa, thời gian chuyển hàng
cũng như một số phần mềm TMĐT vẫn chưa dễ sử dụng với tất cả mọi
người...
Thị trường TMĐT Việt Nam đang “hút” nhiều gương mặt lớn
của thế giới như Amazon, Alibaba... cho thấy nhiều tín hiệu tốt cho thị
trường và người tiêu dùng. Tuy nhiên, khi thị trường có thêm những nhà
cung cấp lớn, đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước cũng phải tự nâng tầm
của mình lên để có thể cạnh tranh.
Bà Đặng Thúy Hà cho rằng, các
doanh nghiệp của Việt Nam cần có chiến lược tốt hơn trong việc giữ gìn
thương hiệu để người tiêu dùng có đủ sự tin tưởng khi mua sản phẩm trên
nền tảng thương mại điện tử.
“Để thu hút khách mua hàng trực
tuyến, người bán cần quảng bá sản phẩm trung thực để khách hàng nhận
được chất lượng sản phẩm như đã được quảng cáo và cần thiết kế trang
web, ứng dụng mua sắm dễ sử dụng nhằm tạo sự thuận tiện cho người mua
hàng truy cập vào các trang web của mình”, bà Hà khuyến cáo.
Hiện
quy mô thị trường TMĐT Việt Nam đạt khoảng 5 tỷ USD. Trong 4 năm tới,
con số này được dự đoán có thể đạt tới 10 tỷ USD. Do đó, các chuyên gia
nhìn nhận mặc dù vẫn còn những thách thức, đặc biệt trong bối cảnh toàn
cầu hóa và sự phát triển của công nghệ cho phép doanh nghiệp nước này dễ
dàng bán hàng trực tuyến ở nước khác, nhưng TMĐT tại Việt Nam vẫn là
một mảnh đất tiềm năng cho các doanh nghiệp trong nước, trong đó có cả
các doanh nghiệp khởi nghiệp./.
Cẩm Tú
Thương mại điện tử của Việt Nam vẫn còn nhiều vùng "trắng"