Câu chuyện khởi nghiệp: Gọi vốn thành công bằng những cách “điên khùng”
Bị mắc kẹt với vấn đề vốn khi kinh doanh? Bạn không hề cô đơn.
Tin tức trên các phương tiện truyền thông cho thấy có vẻ như mọi startup
đều nhận được hàng triệu đô la từ các công ty đầu tư mạo hiểm, nhưng
trên thực tế, có rất, rất nhiều doanh nhân phải tự xây dựng doanh nghiệp
mà không hề được hỗ trợ vốn ngay từ đầu. Và chính điều đó lại thường
khiến họ trở nên thông minh và sắc sảo hơn.
“Việc
tự thân vận động có thể giúp bạn bán được hàng ngay cả trước khi xây
dựng xong doanh nghiệp”, Patrick FitzGerald – doanh nhân, diễn giả tại
Trường Wharton nói và cho biết ông đã nhìn thấy ngày càng nhiều học viên
của mình ý thức sâu sắc về sự tự thân vận động. “Bản thân tôi cũng vậy.
Cha mẹ tôi là giáo viên, vì vậy, tôi chưa bao giờ được hưởng sự xa xỉ
của việc… không tự lực”, ông nhấn mạnh.
Dưới
đây là 6 bài học kinh doanh từ những doanh nhân thành công đã tự sáng
tạo, tự tìm ra các cách làm hiệu quả, trong đó có cả những cách làm bị
đánh giá là “khùng điên” để giúp doanh nghiệp mình tăng trưởng.
1. Mời chơi để bán hàng
Jason
Bockman muốn mở một cửa hàng bánh donut (loại bánh ngọt rán hoặc nướng
để ăn tráng miệng hoặc ăn vặt) ở thành phố St. Louis (bang Missouri,
Mỹ), nhưng không giống như những cửa hàng bánh donut khác. “Chúng tôi
muốn có thứ gì đó vui vẻ, và thu hút mọi người tham gia vào cùng một
việc, như đấu vật, vẽ tranh, bất cứ điều gì”, Bockman nói. Nhưng những
người cho vay vốn thì không bị thu hút bởi ý tưởng về một cửa hàng bánh donut kỳ lạ như vậy. 13 địa chỉ cho vay đã nói “Không” với họ.
Nhưng
chính lúc này sự sáng tạo của Bockman đã được “bật công tắc”. “Chúng
tôi tổ chức một trò chơi phổ biến của những thập niên 90”. Theo đó, họ
thu thập thật nhiều thứ mốt nhất thời đó, quảng bá cho sự kiện và thu
hút 200 người dân địa phương đến tham gia thi đấu, và thử bánh donut,
với một khoản phí nhỏ. “Chúng tôi chỉ thử nghiệm thị trường. Nhưng không
ngờ nó cực kỳ thành công”, Bockman cho biết.
Sau
đó, họ tổ chức thêm 6 sự kiện nữa, bao gồm một đêm đấu vật, thử bia và
một bữa tiệc. Những nét riêng độc đáo này của Strange Donuts dần được
mọi người chú ý, và gọi vốn được 20.000 USD. Một chiến dịch gọi vốn cộng
đồng tiếp theo trên Kickstarter mang về cho họ thêm 12.000 USD. Và
cuối cùng, họ vay thêm được một khoản vốn dành cho doanh nghiệp nhỏ nữa
từ một ngân hàng mà những nhà điều hành tại đây sau đó đều tham gia các
bữa tiệc của Strange Donuts.
Strange
Donuts mở cửa vào tháng 10/2013. Hiện tại họ có 2 cửa hàng ở Mỹ và một
cửa hàng nhượng quyền ở thành phố Mexico (Mexico). Và các nhà cho vay
vẫn đang tiếp tục đề nghị cung cấp cho họ các khoản vay. “Cái cách mà
mọi thứ diễn ra có vẻ điên khùng thế nào ấy”, Bockman tự nhận định một
cách hài hước.
2. Mượn hàng xóm làm nhân viên
Anthony
Byrne ra mắt Công ty tư vấn giải pháp bán hàng Product2Market vào năm
2010, cách cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 không lâu. Giai đoạn này
được nhận định là “thời điểm tệ nhất trong lịch sử thế giới để mở một
công ty”, Byrne thừa nhận. Nhưng bất chấp việc thiếu vốn, cả đội ngũ của
Byrne vẫn tiến lên. Họ mua đồ nội thất thanh lý của các công ty và cung
cấp thiết bị văn phòng. “Chúng tôi hội họp với những công ty mà thậm
chí chúng tôi còn không muốn làm việc cùng, hoàn toàn là vì để có thể có
được… văn phòng phẩm”, Byrne kể.
Khởi
đầu nhọc nhằn này là bước chuẩn bị để họ đi đến khoảnh khắc có bước
thay đổi đột phá. Microsoft muốn thuê Product2Market thực hiện một dự
án, nhưng trước tiên, “ông lớn” này muốn đến tham quan qua văn phòng
Product2Market để đảm bảo rằng đối tác này có đủ nguồn lực nhân sự để
triển khai dự án. Trên thực tế, họ không có đủ người. Nhưng điều đó cũng
không thể ngăn cản họ.
“Chúng tôi dẫn bạn bè, gia đình và cả hàng xóm
vào văn phòng để cố gắng chứng tỏ cho họ thấy quy mô của chúng tôi lớn
gấp đôi so với thực tế”, Byrne nói. Và cách làm này đã thành công.
“Microsoft
là công ty công nghệ bluechip (khái niệm “bluechip” được dùng để gọi
các dạng cổ phiếu chất lượng cao do các công ty lớn phát hành) đầu tiên
trao cho chúng tôi một hợp đồng”, Byrne cho biết.
Số
lượng nhân viên hiện tại của Product2Market là 125 và họ hợp tác làm
việc với những thương hiệu lớn như Twitter và Zendesk. “Cách làm trong
quá khứ không được ‘mỹ miều’ lắm, nhưng nó giúp chúng tôi tiến lên giai
đoạn tăng trưởng tiếp theo”, Anthony Byrne nhận định.
3. Chơi trò… giả vờ
Ở
tuổi 24, Jane Lu bỏ công việc đang làm, đi du lịch và theo đuổi những
mục tiêu cá nhân. Nhưng khi tất cả trôi qua, điều còn lại là… một khoản
nợ 60.000 USD. Lu không muốn thú thật với cha mẹ – những người Trung
Quốc nhập cư vào Australia để mong muốn đứa con gái duy nhất của họ có
được cuộc sống tốt hơn. Vì thế thay vì khiến họ thất vọng, Lu nói dối
rằng mình đang làm việc tại Ernst & Young, nhưng thực ra là đang khởi nghiệp với một thương hiệu bán lẻ nhỏ với tên gọi Showpo.
Lu
xây dựng website, mua hàng hóa và trả tiền thuê cửa hàng bằng thẻ tín
dụng. “Tôi phải thức dậy vào sáng sớm, mặc bộ vest, ăn sáng với cha mẹ,
mang túi laptop và bắt xe buýt vào thành phố cùng với mẹ”, Lu kể. Cứ như
vậy trong vòng 18 tháng, Lu mới nói thật với cha mẹ về Showpo – thương
hiệu lúc đó đã thành công và phát triển nhanh chóng.
“Tôi
nói với họ rằng, ‘Con sẽ trả hết các khoản nợ của cha mẹ, và con sẽ mua
cho cha mẹ một chiếc xe hơi’. Họ không thể tin được”, Showpo nhớ lại.
Showpo hiện bán hàng đến 80 quốc gia và dự kiến đến năm 2020 kiếm được 100 triệu USD.
4. Kiếm tiền bằng cách… đi thi
Khi
khởi nghiệp với công ty chuyên cung cấp các sản phẩm vệ sinh hữu cơ
dành cho phụ nữ Femly, Arion Long tìm đến nhiều nhà đầu tư nhưng không
hề nhận được chút phản hồi nào. Và cô nghĩ rằng mình biết lý do tại sao:
có ít hơn 1% vốn mạo hiểm được trao cho các nữ sáng lập da màu.
Lúc
đó, Arion Long tìm cách khác để gọi vốn, đó là tham gia một cuộc thi
thuyết trình ý tưởng kinh doanh ở địa phương, và giành được chiến thắng.
Có
rất nhiều cuộc thi tương tự ở khắp nơi, vì thế cô nghĩ “Nếu tôi thực sự
tốt, tôi sẽ nhận được vốn!”. Nhưng ở 5 cuộc thi tiếp theo, cô đều thất
bại. Để cải thiện, nhà sáng lập Femly học tập các phong cách diễn thuyết
của Steve Jobs và Gary Vaynerchuk. Nhưng thời khắc thay đổi chỉ thực sự
đến khi cô chợt nghĩ về khán giả của mình “Không dễ để giúp họ hiểu một
cách sâu sắc khi nói đến vấn đề kinh nguyệt. Họ phải hiểu được rằng tại
sao nó lại quan trọng”.
Arian Long thay đổi bằng cách mở đầu phần thuyết trình của mình với một câu chuyện
cá nhân, về một khối u cổ tử cung. Lúc đó, cô hỏi “Có ai biết một chiếc
bao cao su được làm từ chất liệu gì?”. Tất cả mọi người đều biết. Rồi
sau đó là “Có ai biết một chiếc tampon được làm từ chất liệu gì?”. Tất
cả mọi người đều không biết. Vì thế, cô mới nói về các loại hóa chất có
trong hầu hết các loại tampon, rồi sau đó mới nói về giải pháp hữu cơ mà
mình đưa ra.
Kể từ
năm 2016, Arion Long tham gia 30 cuộc thi và giành chiến thắng một nửa
trong tổng số đó, kiếm được 200.000 USD tiền thưởng, có mặt trên nhiều
phương tiện truyền thông và được giới thiệu đến với nhiều nhà đầu tư
hơn.
5. Nói điều người khác muốn nghe
CEO
Erik Huberman điều hành Công ty tiếp thị Hawke Media ở thành phố Los
Angeles (bang California, Mỹ). Công ty cung cấp CMO (Giám đốc tiếp thị)
thuê ngoài, giúp định hình thông điệp cho các thương hiệu, từng hợp tác
với những “đại gia” như Verizon Wireless và eHarmony.
Hồi
năm 2011, khi khởi nghiệp với một công ty quá khác biệt, Huberman học
được một bài học giá trị về thuyết trình. Thời điểm đó, Huberman cho ra
mắt một dịch vụ đăng ký cho áo thun nam, được gọi là “Swag of the
Month”, nhưng gặp nhiều khó khăn ở khâu truyền thông. Nhờ một người bạn
nói về cách mà các công ty gọi được vốn nhờ các trang blog công nghệ,
CEO Hawke Media nghĩ ra một ý tưởng, đó là viết bài trên trang
TechCrunch và khẳng định rằng mình đã gọi vốn được 100.000 USD (thực tế
số vốn đó là từ… cha của Huberman).
“Tôi
nhận được một cuộc gọi trong vòng 30 phút sau khi đăng bài. Bài đăng đó
hiệu quả trong nhiều giờ, giúp “Swag of the Month” kiếm thêm được 600
lượt đăng ký mới. Không bao giờ “mập mờ đánh lận con đen” như vậy nữa,
nhưng Huberman đã học được một bài học vô giá. “Trao cho người đọc tiêu
đề mà họ muốn. Tôi đã học được cách để kể những câu chuyện. Nó giúp tôi
biết được cách hoạt động của toàn bộ bộ máy truyền thông”, Erik Huberman cho biết.
6. Tiếp thị theo cách “thủ công”
Khi
ra mắt dịch vụ giao hoa Farmgirl Flowers ở thành phố San Francisco
(bang California, Mỹ), công việc hằng ngày của Christina Stembel là ra
chợ hoa vào lúc 3h sáng, mua hoa, lái xe về nhà, dỡ hàng ra khỏi xe bán
tải và bỏ vào các xô nước đặt trong bồn tắm. “Tôi hoàn thành các bó hoa
trước khi người giao hàng bắt đầu đến vào lúc 9h sáng”, Stembel kể lại.
Đó
chỉ mới là các phần việc cơ bản, còn những phần việc tiếp theo mới thực
sự giúp mang đến thành công cho Farmgirl Flowers. Ngoài các đơn đặt
hàng, Stembel sau đó làm thêm nhiều bó hoa khác và giao miễn phí đến các
cửa hàng cà phê trong thành phố kèm theo 50 name card của Farmgirl
Flowers. “Hằng tuần, tôi quay trở lại các quán cà phê đó và đếm xem còn
lại bao nhiêu chiếc name card. Nếu hầu hết name card đều biến mất, nghĩa
là tôi đã tìm thấy một cửa hàng phù hợp để thu hút khách hàng của mình,
và cửa hàng đó xứng đáng để được tặng nhiều hoa hơn nữa. Ngược lại, tôi
sẽ tìm một cửa hàng khác để thay thế”, Stembel chia sẻ bí quyết.
Cách
làm này được Stembel áp dụng trong một năm, và nó hoàn toàn bõ công.
“Tất cả các cuộc trò chuyện hỏi thăm ban đầu về Farmgirl Flowers đều bắt
nguồn từ những cửa hàng cà phê này. Nó là cách rẻ nhất mà tôi có thể
làm”, Stembel cho biết.
Theo DNSG Online.