Mới cập nhật

Câu chuyện xã hội: Thật và giả


Ở đời luôn tồn tại thật, thật – giả, giả. Có lúc thật lại là giả, có lúc giả mà y như thật. Xưa cũng vậy, nay cũng thế.
Tại một trường cấp một miền núi nọ có mấy cô giáo tuổi khá cao vẫn chưa có chồng. Ai cũng muốn có một bóng đàn ông để nương tựa lúc sớm tối.
Hôm đó đến lân cô Lộc xuống chợ mua thức ăn, lúc về cô dẫn theo một anh chàng trông khá đẹp trai. Các cô khác trố mắt, ngạc nhiên. Không biết anh chàng này từ đâu rơi xuống. Mà sao cô Lộc lại vớ được “cục vàng” như thế. Đã vậy, với bộ quần áo bảnh bao, đôi giày đen bóng và đặc biệt là trên ngón giữa bàn tay trái còn đeo một chiếc nhẫn vàng to xù. Anh ta có nụ cười tươi đến nỗi cô nào cũng phát thèm. Nghĩ là mơ nên mấy hôm sau các cô nhân ngày nghỉ thứ năm rủ nhau xuống chợ huyện. Mục sở thị thấy anh Lâm (tên anh ta) đang ngồi ở bàn làm việc của Phòng lương thực. Thế là thật 100%. Tuần nào anh Lâm cũng đến chơi, ngồi một lúc lại rủ cô Lộc ra bìa rừng tâm sự. Ai cũng vun vén cho cô Lộc. Thế là sáu tháng sau cô Lộc dẫn anh Lâm lên hiệu trưởng báo cáo và xin đăng ký kết hôn. Hiệu trưởng ngắm nhìn anh Lâm và cô Lộc, khuyên bảo:
– Tôi rất vui vì hạnh phúc của các bạn. Nhưng anh Lâm nên đưa ông bà thân sinh lên đây để hai bên gia đình gặp nhau rồi sau đó làm thủ tục kết hôn theo quy định.
Chẳng có gì khó, tháng sau bố mẹ anh Lâm đến thăm trường. Tuy trông họ có hơi trẻ nhưng thời đó mọi người hay sinh con sớm nên chẳng ai để ý. Họ cưới nhau mới được ít lâu thì một hôm cô Lộc lên trường khóc nức nở:
– Em bị lừa rồi. Tất cả là giả hết. Anh ta không phải là cán bộ Phòng lương thực. Không có xe, không có nhẫn, thậm chí quần áo ấy cũng là đi mượn.
– Thế còn bố mẹ, nhà ở. Tất cả đồng thanh.
– Cũng mượn, cũng thuê hết.
– Thế anh ta là ma à. Mọi người hớt hải.
– Còn hơn cả ma. Không biết quê ở đâu cụ thể, làm thuê linh tinh.
Lúc Lộc sắp sinh con thì anh ta biến mất.
Chuyện trên tưởng chỉ có cách đây mấy chục năm trước, vậy mà bây giờ cũng khối chuyện còn hơn thế. Một tối, bà chi hội trưởng Người cao tuổi đến báo mọi người chuẩn bị hôm sau đến nhà văn hóa nghe tư vấn về sức khỏe, miễn phí. Cả tổ không khí thật háo hức. Người già được quan tâm về sức khỏe ai lại không vui. Bà chi hội trưởng còn báo tin: Mười người đến sớm còn có quà của nhà tài trợ. Chưa đến giờ, mọi người đã đến đông đủ. Bộ loa đài tăng âm xịn, phát bản nhạc êm dịu. Các hộp thuốc với nhãn hiệu bắt mắt được bầy trên bàn gọn gàng. Người đàn ông cao ráo bảnh bao đeo cặp kính trắng trông có vẻ trí thức, môi luôn nở nụ cười. Nhạc tắt, anh ta tự giới thiệu tên là Thái, Tiến sỹ khoa học, người phát ngôn của Công ty TNHH dược phẩm cao cấp.
Câu hỏi đầu tiên của anh ta đặt ra: Tuổi già chúng ta bệnh gì là thường gặp. Người bảo bệnh cao huyết áp, người bảo tim mạch, hầu hết bảo là bệnh về xương khớp.
– Đúng rồi. Đau cổ, đau cột sống, đau khắp chân tay. Nay công ty chúng tôi đến tư vấn, chữa bệnh cho các cụ.
Máy chiếu bật lên. Màn hình hiện rõ một số bệnh nhân sử dụng thuốc, rượu bổ của công ty. Từ lúc lệt bệt nằm liệt giường, nay đều khỏe mạnh trở lại.
– Vậy đó là thuốc gì? Đó là thuốc viên, là rượu cao hổ châu Phi, đã được cấp bằng sáng chế (lại hiện lên ảnh tấm bằng đỏ chói). Tiến sỹ khoa học Phạm Tuấn đang tu nghiệp ở châu Phi (nơi đó còn nhiều hổ sống hoang dã) đã khai thác xương hổ bên nước bạn, mang về nấu cùng một số vị thuốc. Đây chính là thuốc, rượu đó. Ai có nhu cầu mua chỉ cần ghi tên vào tờ giấy này, nộp tạm 500 nghìn. Quá nửa số người dự ghi tên, nộp tiền. Có người còn ghi tên, nộp hộ tiền cho người nhà ở nơi khác. Ngày hôm sau họ đến giao thuốc, rượu tận từng nhà và thu tiền. Thế là xong.
Một thời gian sau, mấy người được mách đi tìm mua đến địa chỉ đó thì hoàn toàn không thấy cửa hàng của công ty nào có tên như đã giới thiệu. Tất cả đều là giả.

Nguyễn Đình Tân