Mới cập nhật

Chuyện châu chấu đá voi: Ông lớn FPT đã thua một ông lập trình viên tuổi ngũ tuần ở Cà Mau như thế nào?


FPT cung cấp dịch vụ eHospital, gọi nôm na là tin học hóa các bệnh viện. Riêng với tỉnh Cà Mau thì ông lớn này không làm cách nào vào được. Lý do là toàn bộ bệnh viện tỉnh này đã sử dụng dịch vụ của một lập trình viên tuổi đã ngũ tuần, trước làm thợ sửa xuồng… 

Tại Hội thảo chuyên đề "Kinh tế số hoá - Thế giới không chờ chúng ta", trước nỗi lo của các bạn trẻ, các chủ doanh nghiệp nhỏ, về sự chèn ép thị trường của các ông lớn nước ngoài, cựu CEO FPT Nguyễn Thành Nam đã kể câu chuyện FPT đã từng “thất trận” trước một ông lập trình viên Cà Mau.
FPTIS trực thuộc Tập đoàn FPT, cung cấp dịch vụ eHospital – hệ thống phần mềm quản lý tổng thể bệnh viện. Riêng với tỉnh Cà Mau thì ông lớn này không làm cách nào vào được.

Toàn bộ bệnh viện tỉnh này đã sử dụng dịch vụ của một ông lập trình viên tỉnh nhà. Ông này tự lập công ty theo mô hình trách nhiệm hữu hạn một thành viên, và đảm nhiệm tất cả công việc từ lập trình, thiết kế, triển khai…

Người đàn ông này đã ngoài 50, trước vốn là thợ sửa xuồng. Do con trai thích học lập trình, người cha đã đi học lập trình để về dạy con. Sau thấy công việc lập trình thú vị, ông theo luôn và bỏ nghề cũ.

Tại sao FPT lại thua?

“Vấn đề cốt yếu là ông này cực kỳ hiểu bệnh viện ở những nơi như vậy cần gì. Ông có nói với chúng tôi rằng: “Bọn em nói nhiều thứ, nhưng bệnh viện huyện cần nhất là gì?

Đơn giản là in ra được báo cáo bảo hiểm. Bệnh viện tuyến huyện sống là nhờ tiền bảo hiểm. Sai bên bảo hiểm không trả là nguy to, chứ đừng nói chuyện 4 chấm, 5 chấm, họ không quan tâm”", ông Nguyễn Thành Nam kể lại.

“Tôi kể câu chuyện này để các bạn thấy bé chưa chắc đã yếu. Để cạnh tranh với ông lớn thì cái gì bạn cũng cần biết nhưng chỉ tập trung giải quyết một việc thôi”, ông Nam khuyên nhủ.
Đừng cố gồng mình làm con Hổ, hãy cứ làm Mèo, nhưng là Mèo béo!

 Chuyện châu chấu đá voi: Ông lớn FPT đã thua một ông lập trình viên tuổi ngũ tuần ở Cà Mau như thế nào?  - Ảnh 1.
Ảnh minh họa

Ông Nam cũng cho rằng, việc đầu tiên khi bị các ông lớn chèn ép thì phải nhìn nhận đó là điều hết sức nhẹ nhàng. Còn để giải quyết thì có 2 phương án: Hoặc là cực hiểu nhu cầu thực sự của khách hàng như ông lập trình viên ở Cà Mau trong câu chuyện trên,; hoặc là đi thật nhanh. Khi đối thủ lớn chưa đánh chúng ta đã có thể xoay chuyển sang hướng khác.

“Đừng có làm dự án quá to, giữa chừng chưa kết thúc, chưa thu được tiền là chết. Cứ làm dự án nhỏ, thu xong tiền đối thủ tới đánh mình lại chạy ra chỗ khác. Ông to không nhanh đâu”.
“Các công ty Việt Nam bé đừng sợ. Tôi biết rất nhiều công ty công nghệ nhỏ Việt Nam đã thành công”, ông Nam nói.

Ông Bertrand Hassani, Giám đốc về khoa học dữ liệu của Capgemini Consulting, cũng bình luận về nỗi e ngại các ông lớn của các doanh nghiệp nhỏ trong cùng lĩnh vực: “Bạn nghĩ 10-15 năm nữa, những công ty này vẫn lớn không ? 10 - 15 năm trước, những công ty lớn nhất thế giới là ai? Hãy xem họ còn không?

Mọi thứ đều diễn ra hết sức nhanh chóng nhưng mọi thứ không tồn tại mãi đâu. Khả năng những công ty lớn này bị đánh bật bởi những công ty mang tính bước ngoặt khác là rất lớn”.
Về lời khuyên cho các doanh nghiệp nhỏ, ông Bertrand cũng đồng tình với ông Nam là các doanh nghiệp nhỏ thì chỉ nên bắt đầu nhỏ.

“Chúng ta đưa ra những dịch vu mang tính cá nhân, mang tính gắn kết với cộng đồng nhiều hơn, rồi chúng ta sẽ có thị trường, có người dùng, sẽ kiếm được lợi nhuận. Còn nếu đầu tư quá lớn thì có thể chúng ta gặp phải rủi ro”.

“Chúng ta muốn trở thành con Mèo hay con Hổ? Tôi khuyên chúng ta nên là con Mèo béo. Đừng để bị đánh bật. Mình có thể làm bất cứ những gì mình muốn. Chỉ cần tạo ra sự khác biệt, hiểu rõ thị trường của mình, chắc chắn là chúng ta sẽ có khách hàng”, ông Bertrand nhấn mạnh.

Theo Trí Thức Trẻ