Hành trình vươn đến mục tiêu “quốc gia khởi nghiệp” của Việt Nam
Hành trình vươn đến quốc gia khởi nghiệp
của Việt Nam đang cần không chỉ những người làm kinh doanh, mà cả xã
hội có tinh thần khởi nghiệp. Đó là nhận định của Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ
tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – về mục tiêu “quốc
gia khởi nghiệp” của Việt Nam.
Tinh thần khởi nghiệp truyền cảm hứng
Trong buổi làm việc với giới startup trẻ vào tuần trước, ông Vũ Tiến Lộc đã chia sẻ rất lâu, hàm ý là các doanh nhân với tinh thần khởi nghiệp chính là niềm hy vọng, niềm tin của sự phát triển kinh tế tại Việt Nam. Nhưng, cũng còn đâu đó những phân vân về sự phân loại khởi nghiệp kinh doanh theo cách thông thường và khởi nghiệp sáng tạo – startup.
* Theo ông, đâu là con đường khởi nghiệp mà nền kinh tế Việt Nam cần hướng tới trong hành trình trở thành quốc gia khởi nghiệp?
Tôi muốn kể lại câu chuyện
tròn 20 năm trước. Khi đó, VCCI cùng với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO)
đã mở màn Chương trình Khởi sự doanh nghiệp và Tăng cường khả năng kinh
doanh (SIYB). Mục tiêu là hỗ trợ các nhà quản lý và chủ doanh nghiệp
nhỏ nắm vững các vấn đề cốt lõi để khởi sự và điều hành công việc kinh
doanh. Cũng từ chương trình này, những thuật ngữ về khởi sự kinh doanh,
vườn ươm doanh nghiệp v.v. đã có mặt trong nền kinh tế Việt Nam.
Tôi
tin là sự nở rộ của hàng loạt doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trong những
năm sau đó phần lớn đến từ sự hậu thuẫn của Luật Doanh nghiệp, cũng như
sự góp sức của các khóa đào tạo làm kinh doanh từ SIYB và các cuốn sách
đầu tiên về khởi nghiệp kinh doanh.
Đến
giờ, các khóa học vẫn được tiếp diễn. Người tham gia là những cá nhân
ít có cơ hội tiếp cận với kiến thức về kinh doanh trong thời đại cách
mạng công nghiệp lần thứ 4 hay những mô hình kinh doanh mới. Người tham
gia khóa học cũng có thể là những cá nhân đang làm chủ tại các cơ sở sản
xuất nhỏ ở nông thôn v.v..
Dẫu
vậy, không thể phủ nhận việc các phương án khởi nghiệp kinh doanh
truyền thống không giúp tạo nên những giá trị của một quốc gia khởi
nghiệp. Đặc biệt, khi mà những cá nhân sử dụng các phương án khởi nghiệp
kinh doanh truyền thống đã biết tận dụng rất tốt nền tảng công nghệ và
Internet để góp mặt vào nền kinh tế.
Thậm
chí, trên bàn nghị sự về những vấn đề kinh doanh trong khu vực và trên
thế giới, vai trò của các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ đang ngày một trở
nên đậm đà và có ý nghĩa hơn, khi mà mục tiêu của hội nhập kinh tế và
của toàn cầu hóa là không để ai bị tụt lại phía sau.
Tất
nhiên, trong dòng chảy của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và với
sự phát triển dường như không có giới hạn của công nghệ, thì sức sáng
tạo của người làm kinh doanh cũng trở nên phi giới hạn. Các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, các dự án startup trong giới kinh doanh Việt Nam đang đưa Việt Nam vào dòng chảy chung của thế giới.
Điều
quan trọng hơn là tôi đang cảm thấy tinh thần kinh doanh của những
người trẻ, của giới startup đang giúp truyền cảm hứng mạnh mẽ cho cộng
đồng và xã hội. Đây mới là điều mà nền kinh tế Việt Nam đang cần.
* Và đây là lý do ông vẫn hay nhắc tới mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020?
Mọi
con số đều có lý do của nó. Với nền kinh tế Việt Nam đang trong giai
đoạn phát triển, hội nhập mạnh mẽ cũng như sở hữu cơ hội kinh doanh rộng
mở, thì không thể không nhắc tới hàng triệu doanh nghiệp và con số
không dừng ở 1 triệu.
Cũng
có quan điểm cho rằng, doanh nghiệp bao nhiêu là đủ là do thị trường,
do cơ hội kinh doanh quyết định. Nhưng đó mới là một vế. Một cộng đồng
doanh nghiệp đông đảo hay không, có năng lực cạnh tranh hay không, phụ
thuộc rất lớn vào hệ thống chính sách, môi trường kinh doanh và điều
kiện kinh tế.
Ở Việt
Nam hiện tại, các mục tiêu thành lập doanh nghiệp vẫn rất cần được đưa
ra, như một sức ép, đòi hỏi của giới kinh doanh với Chính phủ trong nỗ
lực cải thiện môi trường kinh doanh. Một phần để những người kinh doanh
sẵn sàng bước vào thị trường. Một phần thúc đẩy những hộ kinh doanh lớn
lên, trở thành doanh nghiệp.
Nền
kinh tế Việt Nam không thể hội nhập bằng hàng triệu hộ kinh doanh cá
thể, mà cần những doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, có thể tham gia
các chuỗi giá trị. Nền kinh tế Việt Nam cũng cần nhiều hơn nữa những
doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, đi cùng với xu hướng của thế giới.
Hệ sinh thái khởi nghiệp đòi hỏi những thay đổi nền tảng
Hệ sinh thái khởi nghiệp đòi hỏi những thay đổi nền tảng
* Nhưng vẫn có doanh nghiệp sáng tạo tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài, thưa ông?
Tôi
muốn nhắc đến một nghiên cứu mới đây của Mạng lưới Khởi nghiệp toàn cầu
khi khảo sát 60 nền kinh tế. Việt Nam nằm ở top đầu 20 quốc gia về tinh
thần khởi nghiệp. Cũng ở cuộc khảo sát này, khả năng thực hiện ý tưởng
của người Việt lại nằm trong nhóm 20 nền kinh tế đứng cuối.
Chúng
ta làm sao sản sinh ra Grab hay Uber “made in Việt Nam” nếu doanh
nghiệp vận tải chỉ được hoạt động trong 5 phương thức, chỉ có thể đăng
ký đi theo những con đường, lộ trình với số lượng đầu xe cố định và các
phương án kinh doanh được duyệt.
Chúng
ta cũng không thể có một giới khởi nghiệp sáng tạo nếu buộc người kinh
doanh phải chọn một mã ngành nào đó để đăng ký thành lập…
Chúng
ta cũng không thể có những người sẵn sàng chấp nhận thất bại, chấp nhận
phá sản những ý tưởng không hiện thực để tìm đường đi mới khi các quy
định về phá sản quá khó khăn, đòi hỏi những giải trình mệt mỏi… thậm chí
là bị hình sự hóa.
*
Ông đã từng nói, nếu như những người hoạch định chính sách được đào tạo
về kinh doanh, có kiến thức thực tiễn trong hoạt động sản xuất, kinh
doanh, có lẽ sẽ không có những quy định theo kiểu can thiệp thô bạo như
vậy?
Tôi
vẫn giữ quan điểm này. Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp
lần thứ 4 với sự xuất hiện không thể đoán trước của những mô hình,
phương thức kinh doanh mới, có lẽ những nhà hoạch định chính sách và cả
những công chức thực thi phải có cả tinh thần khởi nghiệp.
Ở đây, tinh thần khởi nghiệp có nghĩa là chấp nhận sự sáng tạo, chấp nhận rủi ro và chấp nhận sự thất bại…
* Rất khó yêu cầu các công chức chấp nhận sự thất bại trong chính sách?
Điều
này không phải hàm nghĩa là chấp nhận sự thất bại trong đề xuất và xây
dựng chính sách mà là nhìn nhận thực tế kinh doanh với thái độ của người
khởi nghiệp, để sẵn sàng thay đổi cách làm cũ…
Trong
những ngày vừa rồi, doanh nghiệp kinh doanh vận tải cảm thấy phấn khích
vì những quy định can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp
được Bộ Giao thông – Vận tải, Bộ Y tế… đề xuất bãi bỏ.
Mặc
dù cần thời gian để Chính phủ xem xét, hoàn tất các thủ tục để các đề
xuất này trở thành chính sách, nhưng rõ ràng, có sự chuyển động trong tư
duy quản lý nhà nước khi nhìn nhận các điều kiện kinh doanh.
Chỉ
khoảng 2 năm trước, khi VCCI đưa ra khảo sát về điều kiện kiện kinh
doanh với những nhận định về sự can thiệp của cách thức quản lý nhà nước
trong nhiều ngành, lĩnh vực, nhiều cơ quan tỏ thái độ không ủng hộ. Khi
đó, quan niệm nhà nước phải quản lý chặt bằng điều kiện kinh doanh gần
như chi phối các phương thức quản lý nhà nước. Cũng với tư duy này, dịch
vụ công mà nhà nước trực tiếp thực hiện cũng được coi là tất yếu.
Nhưng hiện tại, tư duy của các công chức đã thay đổi theo hướng thực tiễn hơn và quan trọng là thấm tinh thần khởi nghiệp hơn.
* Hệ sinh thái đó sẽ tạo nên sự thay đổi trong hoạt động khởi nghiệp, thưa ông?
Một
quốc gia khởi nghiệp cần một hệ sinh thái được xây dựng trên tinh thần
khởi nghiệp. Tôi tin là khi từng công chức nhìn nhận các ý tưởng kinh
doanh với trách nhiệm nâng đỡ, hỗ trợ và thúc đẩy sự sáng tạo, hành vi
ứng xử của họ sẽ khác.
Khi
đó, môi trường kinh doanh sẽ không còn sự can thiệp một cách hành chính
vào thị trường, chi phí giảm, rủi ro giảm, người kinh doanh sẽ tiên
liệu được con đường kinh doanh, dám sáng tạo để tận dụng cơ hội kinh
doanh mới.
Nhưng, vẫn
cần sự thay đổi mạnh mẽ hơn trong cơ quan quản lý nhà nước, cần coi
khởi nghiệp không phải là lãnh địa riêng của người kinh doanh mà của cả
Chính phủ. Khi đó, nền kinh tế Việt Nam chúng ta mới thực sự có hệ sinh
thái thuận cho khởi nghiệp.
Theo Báo đầu tư