Mới cập nhật

NHỮNG NGHIÊN CỨU MỚI VỀ CON NGƯỜI (Bài 2): NGUỒN GỐC NHÂN CHỦNG CỦA LOÀI NGƯỜI


  PGS,TS sử học, Cử nhân Ngữ văn Đàm Đức Vượng,  Viện trưởng Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực (!SSTH)          

  
1.Đọc Ađam và Eva, chúng ta thấy loài người xuất hiện đầu tiên trên trái đất, nhưng đó chỉ là truyền thuyết. Còn cái có thật về con người, chúng ta phải đi vào nghiên cứu nhân chủng. Vậy nhân chủng là gì? Nhân chủng là “giống người”, mở rộng khái niệm này ra, có thể hiểu nhân chủng là “nhân loại”.
Từ trước tới nay, các nhà khoa học đã từng nghiên cứu về nhân chủng, gọi là bộ môn nhân chủng học, hoặc bộ môn nghiên cứu về con người, cũng có thể nói đó là khoa học nghiên cứu về con người, về nhân loại, gọi là nhân loại học, một ngành khoa học nghiên cứu nhiều khía cạnh của loài người trong xã hội nguyên thủy, xã hội chiếm hữu nô lệ, xã hội phong kiến, xã hội tư bản và xã hội xã hội chủ nghĩa.
Theo “Từ điển Bách khoa toàn thư mở - Wikipedia”, thì khái niệm “nhân loại học” bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp “anthropos”, có nghĩa là “con người” và “logos” có nghĩa là “nghiên cứu”. Khái niệm “nguồn gốc nhân chủng” theo nghĩa rộng, dùng để chỉ cả quá trình chuyển biến vượn – người cho đến khi xuất hiện giống người đầu tiên tức là người vượn Hômô Sapiêng. Khái niệm “nguồn gốc nhân chủng” theo nghĩa hẹp là quá trình chuyển biến từ vượn Hôminít thành bầy người đầu tiên. Còn tất cả các quá trình phát triển tiếp theo về mặt sinh học và mặt xã hội liên tục diễn tiến, cho đến nay vẫn chưa kết thúc, bằng chứng là vẫn còn những gen di truyền trội, làm thay đổi hẳn một số giống người, màu da,…
Trong bộ sách 2 tập: “Con người- Những ý kiến mới về một đề tài cũ”, do các nhà khoa học Liên Xô và Cộng hòa Dân chủ Đức trước đây biên soạn, Nhà xuất bản Điétxơ xuất bản tại Liên Xô năm 1982, bằng tiếng Nga và tiếng Đức đã đề cập đến vấn đề nguồn gốc nhân chủng và xã hội nguyên thủy. Đây là một bộ sách được biên soạn trên tinh thần khoa học, rất có giá trị. Trong bài viết này, tôi xin bổ sung một số vấn đề về nhân chủng, góp phần làm rõ thêm những vấn đề mà bộ sách trên đã nghiên cứu.
Con người từ lâu đã biết tới chính mình, nhưng có thể chưa biết nguồn gốc nhân chủng của mình. Trong tác phẩm “Nguồn gốc con người và sự đào thải sinh dục” (1871), nhà nghiên cứu khoa học tự nhiên người Anh Sáclơ Rôbớt Đácuyn (1809-1882) đã giải thích bằng khoa học tự nhiên về nguồn gốc của con người, từ những tổ tiên động vật mà ra. Nhưng có điều là những nguyên nhân xã hội quyết định việc tách con người ra khỏi giới động vật, rồi vai trò của lao động, của ý thức xã hội, thì S.R.Đácuyn không phát hiện được. Dù sao, đây cũng là một phát minh vĩ đại của một nhà khoa học lớn sống ở thế kỷ XIX.
2. Cho đến nay, qua nghiên cứu và đối chiếu các tài liệu và khảo cổ,  chúng ta ước đoán loài người xuất hiện cách đây khoảng 5 triệu năm. Nhưng chúng ta cũng mới chỉ biết những cứ liệu cổ nhất của vấn đề nhân chủng vào khoảng nửa cuối kỳ thời kỳ đồ đá cũ, cách đây khoảng từ 75 nghìn đến 40 nghìn năm. Trong tác phẩm “Lịch sử nguồn gốc con người” xuất bản năm 1978, tác giả Ruđônpho Phoisten xác định qua một bộ xương người mới tìm thấy, người ta biết rằng, đó là lớp người sống cách đây khoảng từ 60 đến 40 nghìn năm. Theo Ruđônpho Phoisten, thì lúc ấy, các bầy người cổ đại đã biết chăm lo đến người chết và những người sống bị tàn tật. Ruđônpho Phoisten nhận xét rằng, những tác phẩm nghệ thuật xa xưa thuộc thời kỳ đồ đá cũ cũng đủ nói lên rằng, con người phải trải qua một quá trình phát triển rất lâu dài mới đạt tới chỗ hoàn thiện như thế.
Vào cuối những năm 50, thế kỷ XX, nhà khảo cổ học R.S.Sôlétxki tìm được một bộ xương người đàn ông ở Saniđa, Irắc, cho thấy lúc còn trẻ, cánh tay phải của người ấy được nối ở phía trên khuỷu tay. Thành tựu y học này cho thấy bệnh nhân này đã được người đương thời chăm sóc nuôi dưỡng và miễn lao động trong thời gian dài vì tình trạng thương tật, thể hiện hành động nhân đạo của con người thời ấy.
 Kể từ khi khoa nhân chủng học ra đời cách đây khoảng trên 100 năm, cho tới nay, người ta đã nghiên cứu khá nhiều về con người, hiểu được cơ cấu tâm lý, sinh lý của con người vốn có, thủy tổ bắt nguồn từ loài vật, dần dần phát triển lên thành người. Tuy nhiên, về vấn đề này cũng còn nhiều lỗ hổng trong khi nghiên cứu về quá trình chuyển biến từ loài vật thành loài người, như khi nào bộ não vượn – người phát triển thành não người để có những con người như ngày nay và có phải chỉ thông qua lao động mà loài vật phát triển thành loài người không, hay là còn do yếu tố của tự nhiên như kim, mộc, thủy, hỏa, thổ, âm – dương tác động vào. Cách đây mấy năm, có lần tôi đọc trên trang mạng, thấy có bài viết cho rằng, không có chuyện chuyển biến từ vượn thành người mà ngay khi trời đất sinh ra, con người đã mang sẵn yếu tố người và bộ óc cũng đã là bộ óc người, gọi là sinh vật người. Con người hình thành đồng thời với những sinh vật khác. Tôi nghĩ vấn đề này cần phải được nghiên cứu thận trọng.
Từ các hiện vật tìm thấy đã được trưng bày bảo tàng lịch sử của nhiều quốc gia, chúng ta biết rằng, trong cuộc đấu tranh với tự nhiên, các bầy người nguyên thủy đã đạt đến trình độ tổ chức xã hội nhất định. Khi loài người chưa có ngôn ngữ (tiếng nói), thì người ta giao ước với nhau bằng những tín hiệu tiếng hú. Những tục lệ kiêng kỵ cùng với các đặc trưng khai thác được từ các hiện vật cho phép chúng ta hình dung về sự xuất hiện và các giai đoạn sơ khai của các hình thái ý thức xã hội lúc bấy giờ.
Theo các nhà nghiên cứu về nhân chủng thế giới, thì đầu tiên trên Trái Đất của chúng ta, cách đây khoảng từ 35 đến 30 triệu năm xuất hiện giống vượn thuần chủng có tên là Prôpliôpitêcuxơ. Đây chính là thủy tổ của giống vượn, mà sau đó, trải qua hàng triệu năm đã chuyển biến từ vượn thành người, gọi là vượn – người1 và cũng là giai đoạn mông muội của loài người. Từ giống vượn Prôpliôpitêcuxơ, trải qua một thời gian rất dài, dần dần trở thành giống vượn mang tên Hôminít và Pônggít. Thực ra, hai giống vượn này đều chung một nguồn gốc, rồi về sau mới tách ra, nên có thể gọi chung là giống vượn Hôminít – Pônggít, hoặc giống vượn Hôminít. Nghiên cứu giống vượn Hôminít hóa thạch đã tìm được cho thấy đây là giống vượn mũi tẹt, sống ở trên cây và dưới đất, cũng chưa phải giống biết đi thẳng bằng hai chân. Đó là giống vượn có xương sống gù, thích hợp với cách vận động leo trèo, nắm bắt và với tay lên cao. Loài vượn này có đôi mắt ở vào khoảng giữa mặt, do đó, tầm nhìn còn hạn chế, tuy vẫn có thể nhìn bằng hai mắt ở vào một khoảng cách nhất định. Các chi của loài vượn này đều có 5 ngón. Các bộ phận của cơ thể dần dần được chuyên môn hóa, có chức năng hoạt động riêng. Dần dần, nhờ lao động kiếm sống, cột xương sống thay đổi, đi được bằng hai chân sau, còn hai chân trước trở thành hai tay; răng cũng được định hình theo hình vòm cánh cung. Thời gian qua đi, bầy vượn Hôminít đã trải qua những biến đổi về hình hài, kết cấu, chức năng và hành vi. Đó là kết quả của quá trình phát triển thuần túy về mặt sinh học. Như vậy, có thể nói giống vượn Hôminít là giống người cổ nhất. Nhưng bản thân giống vượn Hôminít cũng tách làm hai. Một bộ phận trở thành người, còn một bộ phận vẫn ở lại với loài vượn.
Một nghiên cứu nữa cho thấy giai đoạn chuyển biến từ vượn sang người có thể bắt đầu cách đây khoảng 5 triệu năm cho đến khi giống vượn Hômô xuất hiện tách ra từ giống vượn Auxtralôpitêxin ra đời cách đây khoảng từ 3 đến 2 triệu năm3.
Như vậy, có thể nói tổ tiên của chúng ta xưa kia là loài động vật có vú, giống như loài vượn. Đó là vượn – người, một loài vượn khác với loài vượn hiện nay.
 Xét theo sự phát triển về mặt sinh học và xã hội học, giai đoạn tiếp theo sau giai đoạn chuyển biến vượn – người là giai đoạn con người thực sự, đó là những con người đầu tiên xuất hiện với tư cách ngày càng có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của loài người, hình thành giai đoạn mở đầu của xã hội loài người, tức là xã hội nguyên thủy tiền thị tộc, hay còn gọi là giai đoạn quá độ về mặt sinh học – xã hội. Xã hội nguyên thủy “trải qua nhiều giai đoạn và kéo dài cho đến khoảng từ thiên niên kỷ thứ tư đến thiên niên kỷ thứ ba trước Công nguyên, rồi tự giải thể biến thành xã hội có giai cấp đầu tiên ở vùng Viễn đông cổ thuộc châu Á.
Thời đại xã hội nguyên thủy tiền thị tộc mà tiền thân là giống vượn -  người Hôminít chấm dứt cách đây khoảng 40 nghìn năm khi con người đạt đến trình độ phát triển nhất định và đã để lại những dấu vết của họ và chuyển sang xã hội thị tộc, gắn liền với những biến đổi khí hậu dữ dội của thời kỳ băng hà cuối cùng. Đây là bước chuyển tiếp từ thời kỳ đồ đá cũ sang thời kỳ hậu đồ đá cũ. Thời kỳ đồ đá nói chung, chia ra thời kỳ đồ đá cũ, thời kỳ đồ đá giữa, thời kỳ đồ đá mới. Cả ba thời kỳ đồ đá này đều năm trong xã hội nguyên thủy. Lúc đầu, xã hội ấy còn mang nặng dấu vết của giai đoạn phát triển trước, rồi sau các quan hệ xã hội mới dần dần hình thành và ngày càng phát triển lên. Thời kỳ đó với tính cách là giai đoạn chuyển tiếp từ hình thái vận động sinh học của vật chất sang xã hội thị tộc, thể hiện sự phát triển hơn của hình thái vận động xã hội và chính “lao động đã sáng tạo ra bản thân con người” như Ph.Ăngghen đã nhận định.
3. Khi từ loài vượn – người trở thành loài người thật sự, thì việc chế tạo ra các công cụ sản xuất được bắt đầu, tuy còn đơn sơ và làm bằng tre, nứa, lá, vỏ cây,... Những người cổ Habilin có khả năng chế tạo ra các công cụ. Đây là giai đoạn thứ nhất của xã hội loài người. Từ giống vượn Hôminít đến giống người Habilin thể hiện bước chuyển biến từ vượn sang người thực sự. Khi còn là giống vượn thì không chế tạo ra được công cụ, nhưng khi đã chuyển sang người, thì đã chế tạo ra được công cụ, thể hiện tính chất xã hội của con người đầu tiên, đó là bước chuyển biến thứ nhất về chất. Có được bước nhảy vọt đó, chủ yếu là do con người nguyên thủy đã biết tác động tích cực, làm thay đổi môi trường, tức là đã sáng tạo ra hoạt động về chất thực tế của con người.
Khi trở thành con người, thì nguồn thức ăn chủ yếu là thịt kết hợp với thức ăn rau, cỏ. Khi chưa tìm ra lửa, con người lúc bấy giờ thường ăn thịt sống. Khi loài người đã tìm ra lửa (cách đây khoảng 790 nghìn năm, tại Gesher Benot Yaaqov), thì thức ăn thịt được nấu chín. Sự thay đổi ăn uống có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của cơ thể, đặc biệt là phát triển của bộ óc và phát triển tinh thần. Cuộc săn thú diễn ra mỗi lúc một quy mô, do đó, công cụ cũng được chế tạo với nhiều loại dụng cụ và cũng qua đó, xuất hiện từng bầy người, dần dần hình thành các bộ lạc. “Như vậy, các bộ lạc nguyên thủy có những đặc điểm là: lao động sản xuất chế tạo và sử dụng các tư liệu lao động, phân công lao động theo giới tính, có quan hệ hợp tác và phân phối thức ăn. Từ quan hệ tự nhiên, dần dần trở thành quan hệ có tính chất kinh tế - xã hội. Các quan hệ sản xuất và mầm mống đầu tiên của ý thức xã hội bắt đầu xuất hiện”4.
Trong xã hội nguyên thủy lúc ấy, công việc chính của người đàn ông là săn bắn, còn công việc chính của người đàn bà là hái lượm, trữ lửa để nấu nướng. Các tư liệu sản xuất chính vẫn thuộc về bộ lạc, như toàn bộ đất đai, thú vật, cây cối, núi đá và nguồn nước, là nơi họ săn bắt và hái lượm.
Khi từ thời kỳ đồ đá cũ chuyển sang thời kỳ đồ đá mới, thì quan hệ sinh lý giữa người đàn ông và người bà cũng phát triển. Lúc đầu thường là quần hôn, dần dần có sự quan hệ giữa bộ lạc này với bộ lạc khác, dẫn đến sự quan hệ của người đàn ông của bộ lạc này với người đàn bà của bộ lạc khác và do vậy, tính chất quần hôn dần dần bớt đi. Do số người ngày càng đông và do kỹ thuật ngày càng cải tiến, dần dần trở thành những khu rừng đông dân, trù phú.
Trên đây là một số vấn đề về nhân chủng mà tôi đã nghiên cứu được qua các sách, báo xuất bản ở nước ngoài. Tôi cũng chưa có điều kiện và thời gian đi sâu nghiên cứu về nhân chủng, vì đang còn nhiều đề tài khác về con người hiện tại mà tôi cần phải nghiên cứu. Dù sao, đây cũng là một đóng góp nhỏ trong hệ thống nghiên cứu nhân chủng để bạn đọc tham khảo và trao đổi.
 ------
1. Nghiên cứu này do Hebớt Unrích nêu ra trong bài “Nghiên cứu di tích giống vượn Hôminít trong giai đoạn mông muội và giai đoạn chuyển biến vượn – người” đăng trong tạp chí Khảo cổ học, tháng 5-1971. Sau đó, được các nhà khoa học Liên Xô và Công hòa Dân chủ Đức nghiên cứu trong bộ sách “Con người – những ý kiến mới về một đề tài cũ”, sđd.
2. Xem “Con người – những ý kiến mới về một đề tài cũ”, tập 1, bản dịch ra tiếng Việt của An Mạnh Toàn, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1986, tr. 59.
3. “Con người – những ý kiến mới về một đề tài cũ”, tập 1, sđd, tr. 80.
4. Theo Rôđônpho Phoisten trong bài “Sự xuất hiện và phát triển các quan hệ xã hội trong xã hội nguyên thủy”, được trích lại trong bộ sách “Con người – những vấn đề mới của một đề tài cũ”, sđd, tr. 85.