NHỮNG NGHIÊN CỨU MỚI VỀ CON NGƯỜI (BÀI 6) SỰ TÁC ĐỘNG CỦA NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CON NGƯỜI VÀ CON NGƯỜI ĐỐI VỚI NHÀ NƯỚC VÀ XÃ HỘI
PGS,TS sử học, Cử nhân Ngữ văn Đàm Đức Vượng, Viện trưởng Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực (!SSTH)
Nhà nước và xã hội quy định cuộc sống
con người:
Trong cuốn sách “Con người – những ý kiến mới về một đề tài cũ”(1) đã có
những trang phân tích rất hay về “quyết định của xã hội đối với hành vi con
người”. Ở đây, tôi xin viết bổ sung một số vấn đề về sự tác động của nhà nước
và xã hội đối với con người và con người đối với nhà nước và xã hội.
Nói đến nhà nước là nói đến tổ chức
chính trị của một xã hội. Nói đến xã hội là nói đến những con người (công dân,
cá nhân) trong nhà nước đó, được xây dựng trên quan hệ về sản xuất, chính trị,
văn hóa, gia đình và quan hệ giữa con người với con người.
Sự tác động của nhà nước và xã hội đối với con người và con người đối
với nhà nước và xã hội phản ánh mối quan hệ hai chiều giữa xã hội – con người
và con người – xã hội.
Lý luận và thực tiễn đã chứng minh về mối giao lưu giữa xã hội và con
người, con người và xã hội mang tính lịch sử. Nhà nước và xã hội như thế nào,
thì con người như thế ấy.
Con người ra đời và sinh sống phụ thuộc vào nhà nước và xã hội. Nhà nước
và xã hội quy định cuộc sống đối với từng cá nhân riêng lẻ ở từng mức độ.Cái mà
nhà nước và xã hội có được là được tạo nên bởi mỗi cá nhân trong hoạt động vật
chất và tinh thần của họ.
Hoàn cảnh tạo nên cuộc sống của con người, đồng thời nó cũng là kết quả
hoạt động của con người. Những mối giao lưu và quan hệ giữa nhà nước và xã hội
đối với con người đều mang tính hiện thực khách quan. Môi trường xã hội có một
cơ cấu nhất định đối với con người, trong đó, từ cơ cấu này sẽ dẫn đến sự quy
định đối với mỗi con người và hình thành mối quan hệ giữa nhà nước và xã hội
với mỗi con người và mỗi con người đối với nhà nước và xã hội. Hình thức chung
nhất trong sự khác nhau của các quan hệ xã hội là sự phân chia chúng thành các
quan hệ vật chất và quan hệ tư tưởng. Các quan hệ kinh tế thuộc phạm vi các
quan hệ vật chất có ảnh hưởng lớn đối với toàn bộ cơ cấu của môi trường xã hội
của con người. Các quan hệ tư tưởng có tác động trở lại đối với các quan hệ
kinh tế và quan hệ giữa con người với con người.
Một nhà nước mà không có luật pháp, nhà nước ấy sẽ trở nên hỗn loạn.
Nhưng nếu luật pháp mà không soạn thảo theo quy luật phát triển của một quốc
gia và của thời đại, mà theo chủ quan của một nhóm người soạn thảo ra nó, thì
luật pháp ấy sẽ biến thành riêng tư, và như vậy, đất nước sẽ rơi vào khủng
hoảng về chính trị và pháp luật. Ở đây, nhà nước và xã hội phải tính đến vai
trò của quan hệ xã hội đối với đời sống và mục đích cuộc sống và số phận của
mỗi con người; phải tính đến yếu tố của quan hệ sản xuất, tức là ở sự phân công
lao động cũng như sự trao đổi các hoạt động của con người. Sự phân công lao
động của nhà nước và xã hội (cụ thể là của mỗi tổ chức) cho mỗi con người, trên
thực tế đã chi phối cuộc sống riêng tư của mỗi cá nhân.
Sự tác động của môi trường tự nhiên và môi trường xã hội tác động mạnh
đến hoạt động của con người. Sự khác nhau tự nhiên giữa giới tính, đặc điểm,
lứa tuổi, sự khác nhau về trí lực và thể lực (xét về mặt bản chất sinh lý của
cơ thể con người), cũng như hàng loạt yếu tố khác đều có ảnh hưởng ít nhiều đối
với các quá trình phân công lao động trong xã hội loài người. Những tiền đề xã
hội có ý nghĩa quyết định đối với phân công lao động. Những tiền đề này vừa gắn
với tổ chức và kỹ thuật của quá trình lao động,vừa gắn với tổ chức và kỹ thuật
của quan hệ giữa người với người trong quá trình lao động. Sự phân công lao
động ngày một rõ ràng hơn và đi vào chuyên môn hóa. Sự phân công lao động đến
từng mỗi cá nhân, xét cho cùng, nó là một biểu hiện của quy luật khách quan của
mọi hoạt động của con người. Điều này cũng phản ánh trong tư duy,trong tinh
thần và tình cảm của mỗi con người, cũng giống như sự phân công lao động trong
khoa học, văn hóa, nghệ thuật. Quan hệ xã hội và quan hệ sản xuất nắm vai trò
quyết định đối với quá trình hoạt động của con người. Các quan hệ kinh tế,
chính trị, dân tộc cũng là quan hệ xã hội, đều có tác động trực tiếp đến mỗi
con người. Lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể và những hình thức biểu hiện của
nó, phản ánh rõ nét ở nhân cách của từng người. Điều đó chỉ rõ rằng, tính quyết
định (về mặt xã hội) của hoạt động con người được tạo ra bởi những mối quan hệ xã
hội trong khuôn khổ luật pháp của nhà nước đó. Các kiểu người nhất định về cơ
cấu cũng như nhân cách con người được hình thành phù hợp với các cấu trúc nhất
định của quan hệ xã hội. Các quan hệ xã hội bao gồm hành động của các cá nhân,
là nguồn gốc và kết quả hoạt động xã hội của con người.
Lực lượng sản xuất quyết định quan hệ sản xuất và quan hệ sản xuất chi
phối hoạt động của con người. Trong lĩnh vực quan hệ sản xuất, hình thức cơ bản
về quan hệ giữa người và người xuất hiện, bao gồm quan hệ sở hữu, sự phân công
lao động xã hội và sự trao đổi lao động cũng như các hoạt động xã hội khác.
Nhà nước và xã hội chi phối cuộc sống con người, bởi con người nằm trong
khuôn khổ của nhà nước và xã hội đó. Xét cho cùng, nhà nước và xã hội là nguồn
gốc quan trọng nhất cho sự phát triển của cá nhân (con người). Những thành quả
mà xã hội đã đạt được như sự giải phóng xã hội, giải phóng con người đã tạo
điều kiện cho mỗi con người có điều kiện phát triển. Muốn cho nhà nước và xã
hội phát triển ổn định, thì nhà nước và xã hội đó phải có sự đối xử tốt bình
đẳng với mỗi thành viên trong xã hội. Nhà nước và xã hội không thể đối xử tốt
với người này mà đối xử xấu với người kia; không thể mang lại lợi ích cho người
này mà không mang lại lợi ích cho người kia. Cách đối xử bất công thường mang
lại hậu quả!
Số phận con người phụ thuộc vào nhà nước và xã hội:
Từ khi xuất hiện giai cấp và tiến đến đấu
tranh giai cấp, thì số phận của con người phụ thuộc vào nhà nước và xã hội. Con
người không thể sống một mình, riêng lẻ, mà nó phụ thuộc vào nhà nước và xã hội
đó. Có chăng, con người hoạt động độc lập trong khuôn khổ luật pháp và chính
sách của nhà nước đó. Chẳng có nhà nước và xã hội nào để cho anh hoạt động độc
lập, thoát ra khỏi pháp luật. Trên thực tế, chẳng có nhà nước nào mà luật pháp
không áp sát mọi hành vi của con người, vì mọi hành vi của con người đều có mối
liên hệ chằng chịt, qua lại với nhà nước và xã hội và mối quan hệ qua lại giữa
con người và con người trong xã hội đó. Điều này giải thích con người không thể
đứng một mình trong xã hội được, mà phải đứng trong một thành tố của luật pháp
nhà nước và trong khuôn khổ hoạt động của xã hội. Anh chấp nhận điều đó thì anh
tồn tại và ngược lại. Nói như vậy, không có nghĩa con người là vật thụ động của
nhà nước và xã hội đó,trái lại, con người có thể chủ động hoạt động trong khuôn
khổ pháp luật của nhà nước và xã hội đó. Cá nhân (con người) dưới một nhà nước
và trong một xã hội đều mang quan hệ xã hội, trở thành chủ thể của các quan hệ
xã hội và của đời sống xã hội trong những điều kiện nếu cá nhân đó hành động
phù hợp với các quy luật khách quan và phù hợp với sự phát triển của xã hội. Nó
kết hợp một cách hữu cơ việc nhìn con người như là một sản phẩm của môi trường
xã hội với việc thừa nhận vai trò tích cực của con người trong sự nhận thức và
cải tạo xã hội. Hoạt động xã hội của cá nhân trở thành những sự kiện xã hội
hoặc những sự kiện của một tổ chức chính trị mà cá nhân đó tự nguyện tham gia.
Nhiều cá nhân hợp thành có thể làm thay đổi chế độ nhà nước nếu nhà nước đó
phản bội lại lợi ích của nhân dân và dân tộc mình. Khi xuất hiện chủ nhà máy,
tất phải có công nhân và khi chủ nhà máy trả đồng lương thấp hơn giá trị lao
động của công nhân, thì tất nhiên, công nhân phải vùng lên lật đổ chủ nhà máy.
Bất kỳ một nhà nước nào cũng xuất hiện mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội dựa
trên cơ sở sự thống nhất ngày càng chặt chẽ giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã
hội.
Để có được một nhà nước mạnh, một xã hội giàu có, thì mỗi con người phải
biết vun trồng cho sự hưng thịnh của nhà nước và xã hội đó, phải mang tinh thần
sáng tạo ra làm việc, ở tinh thần trách nhiệm đối với xã hội cao và ở khuynh
hướng tự hoàn thiện mình.
Vai trò xã hội của cá nhân tăng lên được thể hiện không chỉ trong lao
động, mà cả trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội với tư cách là một công dân
hoạt động trong các tổ chức chính trị - xã hội. Ở đây, vai trò của dân chủ xã
hội có ý nghĩa đặc biệt to lớn trong việc bảo đảm các quyền công dân chân chính
và quyền tự do cho mỗi con người bên cạnh sự giám sát của luật pháp. Con người
trong xã hội không phải là một thực thể đơn độc, mà phải nằm trong cộng đồng xã
hội. Vì vậy, việc nâng cao vai trò của cá nhân trong xã hội phải được gắn liền
với những hoạt động của nhà nước và xã hội đó, tạo thành tính tích cực xã hội.
Công cuộc xây dựng đất nước không thể phát triển nếu không có sự tác
động của mỗi thành viên trong xã hội và sự tác động của nhà nước và xã hội đến
với mỗi thành viên trong xã hội.
“Con người”, hai tiếng ấy vang lên một
cách kiêu hãnh trong mọi thời đại!
-----------------------------
1. Cuốn sách này do một tập thể các nhà khoa học Liên Xô và Cộng hòa Dân chủ Đức trước đây biên soạn, do các GS,VS Đitơbécnơ và Sêraphim Mêliuchim làm Chủ biên, đã được dịch sang tiếng Việt, do cử nhân An Mạnh Toàn dịch, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1986.
-----------------------------
1. Cuốn sách này do một tập thể các nhà khoa học Liên Xô và Cộng hòa Dân chủ Đức trước đây biên soạn, do các GS,VS Đitơbécnơ và Sêraphim Mêliuchim làm Chủ biên, đã được dịch sang tiếng Việt, do cử nhân An Mạnh Toàn dịch, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1986.