Mới cập nhật

NHỮNG NGHIÊN CỨU MỚI VỀ CON NGƯỜI (Bài 11): BÀN VỀ PHÉP DÙNG NGƯỜI


    PGS,TS sử học, Cử nhân Ngữ văn Đàm Đức Vượng,  Viện trưởng Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực (!SSTH)       


            Vua kém dùng tài năng của mình
             Vua trung bình dùng sức của người.
            Vua giỏi dùng trí tuệ của người
            Thuật dùng người vua chớ xem khinh!
            Đức Vượng

Có thể nói mọi hoạt động của chính trị, xã hội đều quy về phép dùng người. Người xưa và người nay đã tổng kết tất cả thành công hay thất bại đều thu vào hai chữ “dùng người”. “Việc lớn trong thiên hạ không gì bằng biết người”. “Được người thì hưng vượng, mất người thì bại vong”. “Thử ngọc phải nung đủ ba ngày, thấy được người tài, phải đợi bảy năm”. “Có thể không biết chữ, không thể không biết người”. “Làm hại hiền tài, họa đến ba đời, vùi lấp hiền tài thì mình bị hại; đố kỵ với hiền tài thì danh tiếng không toàn vẹn; tiến cử hiền tài để phúc đức cho con cháu”. Dùng đúng người, đúng việc thì mang lại lợi ích cho quốc gia. Dùng không đúng người, không đúng việc thì hỏng việc quốc gia. Đặc biệt là những việc đại sự, liên quan đến việc tồn vong của đất nước thì việc dùng người phải hết sức cẩn thận, sáng suốt. Nhưng, muốn dùng người tốt thì phải có người biết dùng người. Đó là những người lãnh đạo, quản lý đất nước, những người làm công việc mà người xưa gọi là “thượng thư bộ lại” phải rất sáng suốt, rất tinh tường trong việc dùng người, phải là những người tâm thật là tâm, lòng thật là lòng, trí thật là trí. Rất tiếc, những loại người biết dùng người và những loại người biết tạo ra những người dùng người, từ xưa tới nay, rất hiếm. Lục tìm trong sử sách, tôi thấy người đời xưa học rộng, tài cao như Trang Tử, nhưng vẫn phải kêu lên:
      “Lòng người ta nham hiểm hơn núi sông, khó biết hơn là biết trời.
Trời thì hằng năm còn có xuân, hạ, thu, đông, hằng ngày còn có buối sáng, buổi tối, ta do đấy mà biết được.Đến như người ta thì có kẻ ngoài rõ như cẩn hậu, mà trong thật kiêu căng, có kẻ trông rõ thật tài giỏi mà ngoài coi ra ngu độn, có kẻ ngoài rõ như vững vàng, thư thái mà trong cuống rối, nóng nảy. Tâm tính bên trong, diện mạo bên ngoài trái nhau, khó lường như thế”1.
Rồi Trang Tử đưa ra một loạt biện pháp để xem xét con người, như điều động người đó đi xa để xem lòng trung thành, bố trí làm việc ở gần để xem lòng kính; sai làm nhiều việc để xem cái tài; hỏi lúc vội vàng để xem cái trí; hẹn cho ngặt ngày để xem có tín hay không; giao cho thật nhiều tiền của để xem có nhân hay không; giao cho công việc nguy biến để xem có khí tiết hay không; cho ăn uống thật no say để xem cử chỉ, lời nói ra sao; bố trí cho ở chỗ chật hẹp, phiền tạp để xem thần sắc thế nào. Trang Tử cho rằng, chỉ có làm theo cách đó, may ra mới biết được lòng người.
Khổng Minh Gia Cát Lượng khi còn nằm tại núi Ngọa Long đã viết ra sách “Tri nhân” (Biết người), cho rằng, tính tình con người thật khó hiểu; dung mạo bất nhất, hành động trăm ngàn lối; có kẻ trông hiền lành, nhu thuận mà vô đạo đức; kẻ bề ngoài cung kính mà trong lòng trí trá vô lễ; kẻ trông rất hùng dũng, nhưng lại nhát sợ; kẻ có vể tận lực mà rất bất trung. Tuy nhiên, Theo Khổng Minh Gia Cát Lượng cho rằng, biết người cũng có mấy cách, như đem điều phải, lẽ trái hỏi họ để biết chí hướng; lấy lý lẽ dồn vào họ thế bí để biết biến thái; lấy mưu trí trị họ để trông thấy kiến thức; nói cho họ biết hết những khó khăn để xét đức, dũng; cho họ uống rượu thật say để dò tâm tính; đưa họ vào vòng lợi lộc để biết tấm lòng liêm chính; hẹn công việc với họ để xem chữ tín.
Xưa kia, Hoàng Sào cũng chỉ vì Vua Đường lại không dùng ông, mà dùng người khác, nên ông phẫn uất nổi dậy phá tan cơ nghiệp Nhà Đường và còn nhiều người tương tự như thế, vì họ là bậc thực sự có tài, mà không được dùng, lại đi dùng bọn cơ hội, bất tài, nên tạo sự phẫn uất và sự sụp đổ của Nhầ Đường cũng là điều tất yếu.
Sử sách đã ghi lại về nhân vật Lưu Cơ (Lưu Bá Ôn), một người biết dùng người một cách khách quan.Nhớ lại đêm 30 Tết Nhâm Ngọ, 11-2-2002, tôi đến biên giới Séc - Đức để chúc Tết bà con người Việt Nam làm ăn sinh sống tại nơi đây. Đêm 30 Tết, tôi đến ở nhà một người quen tại một vùng biên giới Séc - Đức. Tết Nguyên đán của những người ở xa quê hương thật là buồn tẻ. Nhà ai biết nhà nấy. Đón giao thừa, tôi chẳng biết làm gì ngoài việc ngồi nói chuyện với chủ nhà. Chủ nhà là một người từng trải, có học thức, biết nhiều chuyện đông, tây, kim, cổ. Anh mang chuyện Lưu Cơ (Lưu Bá Ôn) và Lý Thiện Trường ra kể với tôi. Cả đêm ấy, tôi suy nghĩ về nhân vật Lưu Cơ và làm bài thơ về Ông. Thật hiếm thấy một con người có nhân cách và sống cao thượng như Lưu Cơ. Mặc cho Lý Thiện Trường tố cáo với nhà vua là Lưu Cơ sắp mưu phản, nhưng không vì thế mà Lưu Cơ không thù oán đối với Lý Thiện Trường. Trái lại, Lưu Cơ vẫn đàng hoàng tiến cử Lý Thiện Trường làm tể tướng, vì Lưu Cơ biết rõ tài năng trông coi đất nước của Lý Thiện Trường. Một con người như Lý Thiện Trường chắc chắn sẽ điều khiển được ba quân, mặc dù Lưu Cơ biết rõ tật xấu của Lý Thiện Trường là hay trả thù. Rõ ràng, suy nghĩ của Lưu Cơ là suy nghĩ của một bậc đại trượng phu, vượt lên tầm nhìn bình thường, tất cả vì non sông xã tắc, vì sự hưng thịnh của đất nước. Muốn vậy, cần phải có những người tài năng ra giúp nước, không vì mâu thuẫn cá nhân mà dìm đi nhân tài. Nói tóm lại, Lưu Cơ rất biết dùng người.
Lưu Cơ là một bậc trí thức có học vấn uyên thâm, là người tinh tường mọi sự diễn biến. Ông làm quan thanh liêm, lúc nào cũng chống lại bọn tham quan ô lại, chủ trương làm việc cho đất nước một cách trong sạch. Tính tình của Ông rất ngay thẳng, không biết sợ cường quyền, không a dua theo bọn quyền quý. “Ông là người siêu thoát trong các cuộc đấu tranh giữa các hệ phái chính trị trong triều đình, tự mình giữ mình trong sạch, đứng ngoài sự quyến rũ về vật chất. Chỉ đáng tiếc một người tài trí hơn người như Ông lại không thoát khỏi sự hãm hại của kẻ tiểu nhân hèn hạ. Đứng trước sự vu cáo Ông không có cách nào chống đỡ, dẫn đến phải ôm hận mang xuống tuyền đài. Sự thật đó phản ánh một cách sâu sắc sự khuynh đảo tàn nhẫn giữa nhau trong tập đoàn chính trị xã hội phong kiến”2. Cảm phục nhân cách và tài dùng người của Lưu Cơ, trong những ngày công tác ở châu Âu, tôi làm bài thơ về ông: 

Tâm sự một đời quan
Có một viên quan giám sát pháp luật tên là Lưu Cơ
Dâng sớ tâu vua chém đầu Lý Bân
Một quan lớn trong triều phạm tội nhiều lần.
Lý Thiện Trường tể tướng lừng danh
Xin cho Lý Bân khỏi tội chết
Lưu Cơ không chịu và án vẫn thi hành
Lý Thiện Trường đem lòng oán giận Lưu Cơ
Liền tâu với vua: Lưu Cơ sắp làm loạn cơ đồ.
Có điều là Lưu Cơ vẫn không oán ghét 
Lý Thiện Trường và trước sau vẫn tiến cử
Lý Thiện Trường làm tể tướng
Rằng chức trọng ngôi cao vẫn không thể xem thường
Nên phải cử người sai khiến được ba quân
Đó là Lý Thiện Trường.
Vua lại muốn Lưu Cơ làm tể tướng
Việc chọn của vua làm Lưu Cơ lúng túng.
Lưu Cơ tâu: “Thần làm tể tướng sẽ bị vướng
Cũng không đủ sức đứng dưới trướng”.
Rồi quyết lui về ẩn dật chốn rừng  xanh
Để đón ánh nắng mai với không khí trong lành
Cùng với chim trời đua hót.
Ông nói: “Nước có đạo thì làm quan
Nước vô đạo nằm nhà đọc sách”.
Sung sướng thay khi được “quy khứ lai từ”
Thả dòng đời với những cuộc ngao du
Gửi gắm thân phận vào những ước mơ
Cho tâm hồn khuây khỏa với dòng thơ.
Ông đã nhận ra cái giả của cuộc sống thật
Nhận ra cái thật của cuộc sống giả
Cùng những tang thương biến đổi của nhân tình.
Nhìn ngôi cao bổng lộc nghĩ mà kinh.

Đức Vượng
Biên giới  Séc - Đức
Đêm 30 Tết Nhâm Ngọ, 11-2-2002 

Phạm Văn Trình, một viên quan Nhà Thanh cũng nổi tiếng là người chính trực, rất biết dùng người. Năm thứ mười niên hiệu Thuận Trị (1653), Phạm Văn Trình thấy hiện tượng triều đình trọng người Mãn mà khinh người Hán, cũng như chỉ dùng người thân để kết bè kết cánh, Ông bèn dân sớ tâu nhà vua, xin nhà vua xuống sắc lệnh cho các đại thần ở các bộ, huyện được phép tự mình tiến cử những nhân tài mà mình quen biết, bất luận họ là người Mãn hay người Hán, không phân biệt người thân hay sơ, chỉ cần có tài, đức là tiến cử. Đối với người tiến cử nếu làm tròn trách nhiệm, lập được thành tích, người tiến cử cũng được thưởng như người được tiến cử. Trái ngượi, nếu người tiến cử không làm tròn trách nhiệm, hoặc có lỗi lầm, thì người tiến cử cũng bị xử phạt. Hoàng đế Thuận Trị đã chấp nhận đề nghị của Phạm Văn Trình. Đề nghị này đã chuyển từ chế độ dùng người theo kiểu thân quen sang chế độ trọng dụng nhân tài.    
Ở Việt Nam, đời xưa có Thái úy3 Tô Hiến Thành, thời Lý, còn đời nay, tôi thấy có Chủ tịch Hồ Chí Minh là những người biết dùng người. Thái sư Trần Thủ Độ cũng biết dùng người, nhưng không bằng Tô Hiến Thành.
Về Thái úy Tô Hiến Thành, trong sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép rằng, khi Ông nằm bệnh, Tham tri chính sự4 Vũ Tán Đường ngày đêm hầu hạ bên cạnh. Gián đại phu5 Trần Trung Tá vì bận công việc chung, không lúc nào rỗi đến thăm Tô Hiến Thành được. Đến khi bệnh của Tô Hiến Thành nguy kịch, thái hậu đến thăm và hỏi rằng: “Nếu chẳng may... thì ai là người đáng thay Ông?”. Tô Hiến Thành trả lời: “Trung Tá có thể thay được”. Thái hậu nói: “Tán Đường ngày nào cũng hầu thuốc thang, Ông lại không nói đến làm sao?”. Tô Hiến Thành trả lời: “Vì bệ hạ hỏi người nào đáng thay tôi, nên tôi nói là Trung Tá, nếu như hỏi người hầu nuôi thì không phải Tán Đường còn ai nữa!”. Thái hậu khen Tô Hiến Thành là người trung, nhưng rút cục không dùng Trần Trung Tá, mà dùng Vũ Tán Đường. Ở đây, phải nói rằng, Tô Hiến Thành rất sáng suốt trong việc dùng người, vì Ông hiểu rằng, nếu ai đó cứ suốt ngày hầu hạ mình, thì còn thời gian đâu mà làm việc công; hơn nữa, phàm những kẻ suốt ngày cặp kè bên mình, hẳn có tham vọng chức quyền hoặc ý đồ gì đây, cho nên phải cẩn thận với những hạng người này. Nhưng trớ trêu thay, những người như Trần Trung Tá lại không được dùng, còn những người như Vũ Tán Đường lại được dùng, bởi vì những người như Thái hậu lại quá nhiều, trong khi những người như Tô Hiến Thành lại quá ít.       Than ôi! Nhân sự là như vậy đấy!
Về Hồ Chí Minh, bậc chính nhân quân tử trong việc dùng người, đi đến đâu, Người đào tạo cán bộ đến đấy. Người đã bồi dưỡng được nhiều thế hệ cán bộ trưởng thành từ phong trào yêu nước và cách mạng. Hồ Chí Minh hiểu con người trên phương diện khoa học tâm lý. Vì vậy, Người đòi hỏi cán bộ lãnh đạo các cấp khi đánh giá con người phải đánh giá họ trong trạng thái động, chứ không thể trong trạng thái tĩnh, đánh giá đúng người, đúng việc. Theo Người, muốn dùng người đúng, trước hết, phải đánh giá đúng người. Nếu không đánh giá đúng người, thì không thể dùng người đúng. Vì vậy, nhận xét, đánh giá người là rất quan trọng. Trong rèn luyện cán bộ, Hồ Chí Minh làm theo cách của mình. Để cán bộ có lòng trung thành với nước với dân, Người giáo dục lý tưởng cách mạng cho họ; để cán bộ có đạo đức, Người giáo dục đức tính cần, kiệm, liêm, chính cho họ; để cán bộ phát triển được tài năng, Người khuyên họ không ngừng học tập, rèn luyện, sáng tạo và kiên nhẫn làm việc.
Khi dùng người, Hồ Chí Minh, trước hết, xem tư cách của người đó. Người xem tư cách của con người là lương tâm và danh dự. Một người cán bộ chân chính, theo Người, phải hội đủ các yếu tố nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm. Nhân là người thật thà thương yêu, hết lòng giúp đỡ mọi người, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn. Nghĩa là người ngay thẳng, không vòng vo thiên thẹo. Trí là người sáng suốt. Dũng là người dũng cảm, gan góc, gặp việc phải có gan làm, khuyết điểm phải có gan sửa chữa. Liêm là người không tham lam tiền tài, địa vị, quang minh chính đại. Muốn dùng người tốt phải có tâm tốt. Người cho rằng, đối với những người không có tâm, khi dùng người thường mắc những sai phạm như dùng người thân thuộc không có tài, đức; dùng người khéo nịnh hót, bợ đỡ, chán ghét những người chính trực; dùng người hợp với mình, mặc dù người đó tuy hợp với mình, nhưng lại không có tài, đức, bỏ những người không hợp với mình, mặc dù những người không hợp với mình là những người tài, đức, chỉ hiềm một nỗi là quan hệ của họ không được khéo léo. Vì vậy, dùng người trước hết, phải có cái tâm thật sáng, cái trí thật minh, tâm sáng dùng người cũng sáng, trí minh dùng người cũng minh. Đó là phẩm chất dùng người của Hồ Chí Minh.
------
1 Xem Ôn như Nguyễn Văn Ngọc - Tử An Trần Lê Nhân: Cổ học tinh hoa, Nxb Văn học, Hà Nội, 2006, tr. 324.
2 Tang Du: Mười đại mưu lược gia Trung Quốc, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2006, tr. 537.
3 Thái úy là chức võ quan cao cấp, chỉ huy quân đội thời phong kiến.
4 Tham tri chính sự là một chức quan tương đương với chức thứ trưởng bây giờ.
5 Gián đại phu là một chức quan chuyên làm việc can gián triều đình.