Câu chuyện xã hội: Chuyện gây ngạc nhiên trong quán ăn
Sáng Chủ nhật vừa rồi, tôi đến ăn sáng tại quán
phở quen thuộc ở Q.Thủ Đức (TP.HCM) và được chứng kiến câu chuyện đáng
để học tập.
Một đôi vợ chồng trẻ và con trai khoảng 5 tuổi từ ôtô bước vào quán phở. Khi người phục vụ bưng ba tô phở cùng đĩa rau thơm ra, người chồng hỏi mượn thêm một cái đĩa nhỏ. Nhân viên phục vụ và nhiều thực khách đều ngạc nhiên, tò mò với đề nghị này.
Và rồi khi chiếc đĩa nhỏ được nhân viên phục vụ mang đến, người vợ dùng đũa sạch gắp gần một nửa số rau thơm trong đĩa lớn sang đĩa nhỏ này để gửi trả lại quán với lý do chắc chắn không ăn hết và muốn quán tận dụng lượng rau còn lại.
Bắt đầu từ đó, hầu như những người đang có mặt tại quán phở đều dành sự chú ý đến gia đình này. Khi họ bắt đầu ăn, anh chồng chỉ lấy một miếng chanh lớn vắt thật kiệt nước vào ba tô phở, chứ không cần dùng đến miếng chanh tiếp theo.
Do ngồi ăn gần bàn với họ nên tôi thấy rõ cả ba tô phở đều được ăn hết cả cái lẫn nước. Khăn giấy trên bàn cho phép khách dùng thoải mái, nhưng họ chỉ lấy vừa đủ và tất cả rác sau đó đều được bỏ vào giỏ đựng rác dưới gầm bàn.
Chỉ có vậy, họ lặng lẽ đến ăn rồi lặng lẽ đi nhưng lại gây khá ngạc nhiên cho những người có mặt tại quán hôm ấy. Cách ứng xử giản dị, khiêm tốn và ý thức tiết kiệm cho chủ quán, tránh lãng phí cho xã hội của họ thật đáng quý.
Đặc biệt, với đứa con của họ, cháu đã sớm được học và thực hành văn hóa ứng xử để sau này lớn lên cũng sẽ là người tốt, biết quý trọng, giữ gìn tài sản cho cộng đồng.
Chợt nhớ đến những bữa tiệc mình từng tham gia mà tôi thấy ngượng. Mỗi bàn chỉ có 10 khách nhưng thức ăn bày lên ê hề, ai cũng biết chắc là không thể dùng hết.
Vậy mà không có người nào nghĩ đến việc gắp riêng ra để lại hoặc cho vào bịch mang theo trên đường về, giúp người bán vé số dạo, người chạy xe ôm có bữa ăn ngon miễn phí.
Nhiều người Việt chúng ta hay mắc căn bệnh rất tai hại là "sĩ diện hão", cứ tưởng tiêu xài phung phí, thả ga là "sang" mà quên rằng chính những việc tưởng chừng đơn giản như tiết kiệm điện, nước nơi công cộng, gắp thức ăn ở tiệc buffet vừa đủ nhu cầu mới là việc làm tốt, đáng được nêu gương.
Mong sao một ngày gần đây sẽ không còn những tấm bảng bằng tiếng Việt trong các nhà hàng tại Thái Lan, Nhật Bản mang nội dung nhắc nhở thực khách khi tự chọn và lấy thức ăn.
Để rau không thành rác
Gia đình tôi từng mở quán phở nhỏ nhiều năm trước. Không ít lần chúng tôi chứng kiến thực khách của mình ăn rau thơm mà chỉ ăn mấy lá non ở phần ngọn khiến những cành rau quế, rau húng còn mơn mởn ấy đành phải bỏ đi bởi không thể tận dụng lại cho người ăn sau. Giá như họ ý thức được rằng họ cần lặt sạch phần lá rau trên mỗi cành rau thơm ấy, thay vì mỗi cành chỉ lấy mấy lá non.
Nhưng câu chuyện lãng phí không chỉ ở người ăn. Bởi người Việt mình thường ăn bằng mắt nên người bán quán cũng chiều theo cái cảm quan ấy. Mỗi khi khách kêu giá trụng, đầu hành hay rau thêm, chúng tôi đều mang ra những đĩa rau, đĩa giá nhìn sao cho mướt mắt, cho người ăn cảm thấy thà dư còn hơn thòm thèm! Rồi vô hình trung bao nhiêu cọng giá, cây rau bị đổ vào sọt rác một cách lãng phí.
Bước vào quán, nhiều người mang tâm lý mình là "thượng đế" nên có thể mặc sức hành xử với phần thức ăn đã được trả tiền, nào thì tương tiêu nước mắm thoải mái đổ ra cái chén nhỏ để chấm, nhưng cả buổi có khi không chấm lấy một lần. Nào thì ớt xắt, chanh lát cũng lấy, cũng vắt nhiệt tình vào tô thức ăn dù có khi không hợp khẩu vị...
Để tránh lãng phí, nếu không ăn rau thì mọi người nên dặn quán đừng phục vụ rau, nếu ăn thì lấy vừa đủ. Chanh ớt mắm tương - tưởng là nhỏ đó nhưng mình không ăn cũng dặn quán không lấy (nếu mua về), vì thực phẩm còn tươi nguyên không đáng bị biến thành rác
.
TRẦN THANH