Nền tảng để xây dựng thương hiệu cá nhân thành công
Muốn thương
hiệu cá nhân nổi bật, trước hết phải biết giới thiệu bản thân. Tại hội
thảo chủ đề “Xây dựng thương hiệu cá nhân”, các doanh nhân đã chia sẻ với sinh viên nhiều bí quyết thành công của mình.
Hội
thảo “Xây dựng thương hiệu cá nhân” là một phần của chương trình Hội
trại “Lập nghiệp thời 4.0”, trong khuôn khổ cuộc thi Giải thưởng Tài
năng Lương Văn Can 2018. Hội trại do báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức tại khu du lịch Làng Tre Việt, vào ngày 30/05.
Hội
thảo diễn ra với sự điều phối của doanh nhân trẻ Huỳnh Công Thắng – nhà
sáng lập, CEO VICGO. Các doanh nhân tham gia chia sẻ tại hội thảo gồm:
bà Lê Thị Thanh Lâm – Phó tổng giám đốc Công ty CP Saigon Food; ông Lê
Đăng Khoa – Đồng sáng lập, Tổng giám đốc 38º Flower Market Tea house
& 38º Flower; ông Phan Công Chính – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc
GESO; ông Nguyễn Thanh Phong – Phó giám đốc khối SME Ngân hàng AB Bank.
Muốn tạo thương hiệu – Phải biết giới thiệu
Trước
thắc mắc thương hiệu cá nhân là gì từ phía sinh viên, cả năm diễn giả
khách mời cùng cho rằng bản thân mỗi người luôn có sẵn một thương hiệu
riêng. Thương hiệu cá nhân là hình dung về mình trong suy nghĩ của bạn
bè, người thân, người xung quanh. Vấn đề là làm sao để thương hiệu ấy
trở nên nổi bật và góp phần làm nên thành công cho bản thân khi lập
nghiệp.
Từ tìm hiểu cá nhân, nữ doanh
nhân Lê Thị Thanh Lâm nhận thấy các bước xây dựng thương hiệu thành
công có thể gói gọn trong 4 chữ: Biết – Thích – Nhớ – Thương.
“Trước
hết, bạn cần xuất hiện làm sao để người ta biết bạn là ai. Tiếp đến,
bạn phải có được một điểm đặc biệt nhất định để người ta thích. Điểm đặc
biệt này cần tạo ra một giá trị riêng để khi kết thúc cuộc gặp mọi
người phải nhớ đến bạn. Cuối cùng, bạn phải “nuôi” được sự nhớ ấy để dần
dần người nhớ sẽ thương bạn”, bà Thanh Lâm phân tích.
Trong
bốn bước trên, ông Nguyễn Thanh Phong đánh giá tự giới thiệu là bước
quan trọng nhất. Ông Phong chia sẻ, từ ngày còn là sinh viên, ông đã chủ
động tham gia nhiều hoạt động bên ngoài lớp học, dựa trên nền tảng hiểu
rõ điểm mạnh và điểm yếu của bản thân.
Cụ
thể, chiến lược của ông là: “Luôn xung phong làm những việc mình mạnh
nhất. Dần dần, bạn bè, thầy cô nhớ và tìm đến mình khi cần xử lý các
công việc đó. Chiến lược này mang đến ba lợi ích. Thứ nhất, thương hiệu
bản thân được tạo dựng tốt. Thứ hai, giảm được rủi ro bị giao những công
việc không thích hoặc không giỏi làm. Cuối cùng, mình có thể chủ động
tìm cách phát triển kỹ năng còn yếu kém mà không ảnh hưởng đến hình ảnh
cá nhân”.
“Ban đầu,
hình thức bên ngoài sẽ làm người khác để ý và thích bạn. Nhưng về lâu
dài, bạn phải làm cho người ta nhớ đến mình vì chính nội lực và giá trị
bên trong. Phải làm sao để người ta thương mình, như vậy mới là xây dựng
thương hiệu thành công”, theo bà Thanh Lâm.
Đồng
quan điểm, doanh nhân trẻ Lê Đăng Khoa nhấn mạnh: “Điều quan trọng là
xây dựng một thương hiệu cá nhân không chỉ cần nổi bật mà còn phải tốt.
Muốn có thương hiệu tốt thì phải hoạch định tương lai của mình, ngay từ
khi còn rất trẻ, rất mới như bây giờ”
.
Muốn thành công – Hãy học yêu điều mình ghét
Được
biết đến nhiều nhất sau khi tham gia chương trình Shark Tank 2017 trong
vai trò một “shark” (nhà đầu tư), doanh nhân trẻ Lê Đăng Khoa tự nhận
bản thân không thông minh, nhưng là người quyết liệt, và bày tỏ niềm tin
rằng không có thành công nào không được chuẩn bị trước.
Trên
con đường lập nghiệp, phần lớn chúng ta đều phải cân nhắc giữa ước mơ
của bản thân và ước mong của gia đình, phải đối diện với những việc mình
không thích. Lê Đăng Khoa cũng không phải là ngoại lệ.
“Tốt
nghiệp đại học tại New York chuyên ngành tâm lý, anh về Việt Nam và làm
việc với nông dân về phân bón. Thích không em? Chắc chắn là không
thích. Biết gì về phân bón? Chắn chắc không rành. Nhưng đó là công việc
anh phải làm… Lúc đó, anh có ba lựa chọn: bỏ công việc, đánh mất sản
nghiệp gia đình; hoặc làm mà không thích và cảm thấy bế tắc, chán
chường; hoặc đi làm một cách vui vẻ. Người thông minh sẽ chọn đi làm một
cách vui vẻ, và chủ động tìm niềm vui trong công việc lúc đầu mình cho
là không thích đó”, Lê Đăng Khoa chia sẻ với đàn em.
Lời
khuyên shark Khoa dành cho sinh viên là “Dù đang đi học hay đi làm thì
mình phải biết đương đầu với thử thách, phải theo đuổi điều mình ghét
cho đến khi thích thì thôi”.
Từ
góc độ chuyên gia tư vấn, ông Phan Công Chính gợi ý ba yếu tố giúp bạn
trẻ định hướng khi lựa chọn giữa việc mình thích và thích việc mình làm:
“Thứ
nhất, bạn cần xác định mục tiêu cụ thể cho con đường lựa chọn. Ví dụ,
bạn cần biết chính xác công việc muốn làm, học bổng muốn đạt được cần kỹ
năng tiếng Anh đến mức độ nào. Từ đó, lập kế hoạch cụ thể để phát triển
kỹ năng cho bản thân.
Thứ
hai, con người có khuynh hướng thích dễ – né khó, thích sướng – né khổ.
Do đó, hãy xem lại, liệu quyết định sự nghiệp của mình hiện tại có đang
bị khuynh hướng này khống chế hay không? Gian khổ trên con đường thành
công, phần chính là nỗ lực làm điều bản thân không thích, nhưng phải làm
để đi tiếp.
Thứ ba,
khi suy nghĩ nhiều về một điều nhất định, con người sẽ dần dần thấy
thích điều ấy. Vì vậy, hãy dành thêm thời gian tìm hiểu những công việc
mình không thích. Hãy cho bản thân cơ hội tiếp nhận, mở rộng năng lực
bản thân”.
Muốn giữ vững hệ giá trị – Hãy kiên trì
Trong
quá trình xây dựng thương hiệu cá nhân, khả năng rất cao là bạn sẽ vấp
phải những phản ứng, bình luận trái chiều về hệ giá trị mà bạn lựa chọn.
Khi đó, tiếp tục giữ lấy hay buông tay thỏa hiệp là câu hỏi chung của
nhiều bạn trẻ hiện tại.
Từ
trải nghiệm cá nhân, ông Phan Công Chính cho rằng điều mình cần làm là
tiếp tục nuôi dưỡng và kiên định với giá trị ấy. Là một doanh nhân không
thích những cuộc vui xã giao trên bàn nhậu, chỉ thích cà phê trao đổi
công việc, kinh nghiệm quản trị, ông Chính thừa nhận đã bỏ lỡ rất nhiều
mối quan hệ, theo người khác, là tốt. Song, theo thời gian, bằng sự kiên
trì với giá trị riêng, dần dần ông tạo nên được cộng đồng cùng giá trị,
gồm những người bạn sẵn sàng đón nhận mình ở hiện tại.
“Hãy
tập trung vào sự bình an và niềm tin. Vì nếu không em sẽ có cảm giác
mình bị sụp đổ trước những ý kiến trái chiều. Nhưng sự thực không phải
vậy. Nội lực là thứ không ai có thể lấy đi từ em. Vì vậy hãy bình an và
đi tiếp”, doanh nhân Phan Công Chính chia sẻ với giới trẻ.
Nhiều
sinh viên bày tỏ quan điểm “mình là người hướng nội nên không thể giao
tiếp xã hội được”. Theo ông Chính, trên thực tế, sự căng thẳng khi bắt
chuyện với người lạ là vấn đề không chỉ riêng với người hướng nội. Từng
trải qua nỗi e ngại này, ông khuyên bạn trẻ cần dành thời gian để tìm
hiểu bản thân mình sâu hơn.
Anh tự hỏi điều gì làm mình sợ đến vậy? Rồi anh nhận ra, vấn đề là anh không biết bắt chuyện như thế nào. Mình là người mới ra kinh doanh,
vậy thì hãy hỏi kinh nghiệm từ các đàn anh, đàn chị trong những buổi
networking. Họ sẽ trả lời mình thôi. Từ câu hỏi này mà anh thoát ra được
nỗi sợ và đi tiếp”, ông Chính gợi ý giải pháp.
Và
cuối cùng, để có được một thương hiệu cá nhân tốt, người trẻ phải chủ
động phá vỡ sức ì của bản thân, biến mình thành người xứng đáng để thành
công tìm đến.
Theo DNSG Online.