Mới cập nhật

PHẦN THỨ HAI: CON NGƯỜI VÀ SỰ HÌNH THÀNH CÁC PHƯƠNG THỨC SẢN XUẤT NHỮNG NGHIÊN CỨU MỚI VỀ CON NGƯỜI (Bài 16): CON NGƯỜI VÀ SỰ HÌNH THÀNH PHƯƠNG THỨC SẢN XUẤT CÔNG XÃ NGUYÊN THỦY


PGS,TS sử học, Cử nhân Ngữ văn Đàm Đức Vượng, Viện trưởng Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực (!SSTH)       




1.Trong Phần thứ nhất, từ bài 1 đến bài 15, tôi đã phân tích những vấn đề mới qua quá trình hình thành và hoạt động của con người. Phần thứ hai này, tôi phân tích về con người và sự hình thành các phương thức sản xuất của các xã hội đó: xã hội nguyên thủy; xã hội nô lệ; xã hội phong kiến; xã hội tư bản (tư sản); xã hội xã hội chủ nghĩa.
Các sách báo của Liên Xô trước đây, trong đó có các cuốn Từ điển Triết học; Từ điển Kinh tế chính trị học,… cũng đã nói nhiều đến phương thức sản xuất công xã nguyên thủy; phương thức sản xuất trong xã hội nô lệ (hoặc chiếm hữu nô lệ), phương thức sản xuất phong kiến, phương thức sản xuất tư bản, phương thức sản xuất xã hội xã hội chủ nghĩa. Trong các bài viết này, tôi xin bổ sung về con người sống và hoạt động trong 5 phương thức sản xuất  đó.
Trong bài viết này, tôi áp dụng phương pháp kết hợp giữa triết học và lịch sử, giữa lý luận và thực tiễn để phân tích.
Về mặt thuật ngữ, “nguyên thủy” là giai đoạn hình thành và phát triển đầu tiên của loài người cho đến khp xã hội đó trở thành xã hội có giai cấp và đấu tranh giai cấp. “Công xã nguyên thủy”, “cộng sản nguyên thủy”, “xã hội nguyên thủy”, theo tôi, đều cùng chung một nghĩa tương đối. “Công xã nguyên thủy” là tổ chức nguyên thủy của loài người để cùng sản xuất, cùng tiêu dùng trong một xã hội sơ khai. “Cộng sản nguyên thủy”, một tên gọi khác, do người đời sau đặt ra, đã được nêu trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” của C.Mác và Ph.Ăngghen, đó là một tổ chức của nhân loại, ý nói người nguyên thủy cùng làm việc, cùng ăn, cùng sinh hoạt ở trong thời kỳ sơ khai của loài người. “Xã hội nguyên thủy” được xem như những tụ người sống chung với nhau, có mối liên hệ mật thiết và một ý chí chung, hành động chung.  
Thời nguyên thủy không có nhà nước, nhưng lại có phương thức sản xuất của nó, rằng, tuy không có nhà nước, nhưng lại có xã hội sống theo kiểu quần hôn. Nhà nước là tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội, đối nội, đối ngoại, nhằm bảo vệ và giữ vững chế độ hiện có. Nhà nước thực chất là một bộ máy dùng để giữ vững sự thống trị của một hệ tư tưởng giai cấp này với giai cấp khác khi xã hội còn giai cấp và đấu tranh giai cấp. Nhà nước có ngôn ngữ riêng, có bộ máy cai trị, có cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, có các lực lượng vũ trang. Những yếu tố, quy định này, xã hội nguyên thủy chưa có.
Bây giờ, tôi xin nói đôi nét về phương thức là gì? Đó là cách thức và phương pháp được áp dụng và tiến hành trong một trường hợp và mọi trường hợp. Tiếng Anh viết là “Proceduce”, cũng có trường hợp viết là “method” (mêtót), giống như phương pháp và giải nghĩa cũng giống như phương pháp. Phương sách cũng có trường hợp dùng như phương thức, phương pháp. Vì vậy, có thể nói “phương pháp” (method - mêtót), “phương thức” (method - mêtót),. “phương sách” (method - mêtót), đôi khi cũng giống nhau phần nào về nội dung. Tuy nhiên, phương thức sản xuất trong xã hội nguyên thủy (“The original mode (method) of socian production) thường gắn với cơ sở kinh tế hơn là các vấn đề xã hội như phương pháp, phương sách. Trong các từ điển, phương thức cũng được giải nghĩa như là một phương pháp: cách thức và phương pháp.
Tại Việt Nam, thuật ngữ “phương thức” xuất hiện trước thuật ngữ “phương pháp”. Trong văn kiện của Đảng, thuật ngữ “phương thức” xuất hiện từ năm 1934 hoặc năm 1935, trong khi thuật ngữ “phương pháp” mới xuất hiện từ trong kháng chiến chống Pháp xâm lược.
Phương thức là thuật ngữ dùng trong triết học trước C.Mác, chỉ một đặc tính vốn sẵn có và sẽ có của một vật thể trong một trạng thái của nó.  Nó thể hiện tính nhiều chiều, nhiều vẻ, phong phú, đa dạng của nó. Người ta cũng có thể diễn đạt từ “phương thức” như một chế độ xã hội: chế độ công xã nguyên thủy; chế độ nô lệ; chế độ phong kiến; chế độ tư bản, chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa.
Phương thức sản xuất (hoặc phương thức sản xuất của cải vật chất) nhằm phục vụ nhân dân, cần thiết cho đời sống con người, cho sự phát triển của xã hội loài người. Phương thức còn là cơ sở chế độ, nó quyết định tính chất phát triển của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Phương thức sản xuất thế nào thì bản thân xã hội thế ấy.
Tuy nhiên, phương thức sản xuất cũng có hai mặt của nó: một mặt là lực lượng sản xuất của xã hội và mặt khác là quan hệ sản xuất của xã hội. Lực lượng sản xuất biểu hiện quan hệ giữa người đối với những đối tượng, những lực lượng tự nhiên dùng để sản xuất ra những của cải vật chất cần thiết. Mặt khác của đối tượng phương thức là quan hệ sản xuất giữa người với người trong quá trình sản xuất của xã hội. Hai mặt này, luôn luôn gắn bó với nhau, tác động vào nhau, nếu không có mặt này thì cũng không thể có mặt kia, trong đó, lực lượng sản xuất quyết định quan hệ sản xuất. Đây cũng là chỉ là khái niệm tưong đối, còn trong thực tế, nhiều khi quan hệ sản xuất lại chỉ đạo lực lượng sản xuất. Khi quan hệ sản xuất đã lỗi thời, bắt đầu cản trở sự phát triển của lực lượng sản xuất. Khi giữa trình độ đã đạt được của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất đã trở nên lỗi thời và người ta phải khắc phục bằng cách thay thế quan hệ sản xuất cũ bằng quan hệ sản xuất mới thích ứng với lực lượng sản xuất mới. Quan hệ sản xuất mới trở thành nhân tố chủ yếu và quyết định, làm cho lực lượng sản xuất phát triển mạnh. Phương thức sản xuất công xã nguyên thủy thể hiện loại hình nguyên thủy của sản xuất hợp tác hay sản xuất tập thể.  
Mâu thuẫn giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất chính là nền tảng cho các cuộc cách mạng xã hội xảy ra.

2. Con người trong phương thức sản xuất công xã nguyên thủy thể hiện loại hình nguyên thủy của hợp tác sản xuất. Phương thức sản xuất công xã  nguyên thủy là phương thức sản xuất đầu tiên trong 5 phương thức sản xuất trong lịch sử xã hội loài người. Nó ra đời cách đây khoảng 2 triệu năm. Đặc điểm chủ yếu của nó là cơ sở của quan hệ sản xuất, là chế độ sở hữu tập thể của công xã riêng biệt đối với tư liệu sản xuất. Trong phương thức sản xuất công xã nguyên thủy, lực lượng sản xuất phát triển hết sức yếu; công cụ lao động thô sơ; lao động của con người mang tính chất tập thể. Tính chất tập thể của lao động và sở hữu chung về các tư liệu sản xuất đã quyết định tính chất tập thể của việc chiếm hữu các sản phẩm đã sản xuất ra. Chính việc quyết định tập thể này đối với các sản phẩm do chính mình làm ra đã không để xảy ra tình trạng tranh giành sản phẩm. Tất cả những điều đó đã quyết định sự bình đẳng về kinh tế của con người trong xã hội nguyên thủy, việc không có tình trạng người bóc lột người, do đó, không có các giai cấp, cũng không có nhà nước. Ph.Ăngghen nhận định rằng, sự phát triển kinh tế trong xã hội ngyên thủy chia thành hai thời kỳ: “Thời kỳ chiếm hữu những sản vật tự nhiên sẵn có là chính, còn gọi là thời kỳ chiếm hữu” và thời kỳ con người bắt đầu làm nghề chăn nuôi súc vật và canh tác, thời kỳ học được những phương pháp tăng sản xuất các sản vật tự nhiên nhờ hoạt động của con người, hay thời kỳ kinh tế tái sản xuất” (C.Mác và Ph.Ăng ghen: Toàn tập, tiếng Nga, tập 21, tr. 33). Hai thời kỳ mà Ph.Ăngghen nêu lên chính là thời kỳ đồ đá cũ và đồ đá mới. (Có người còn chia ra ba thời kỳ: thời kỳ đồ đá cũ, thời kỳ đồ đá giữa, thời kỳ đồ đá mới). Trong suốt hai thời kỳ (thời kỳ đồ đá cũ và thời kỳ đồ đá mới) mà Ph.Ăngghen đã nêu lên, thì tổ chức xã hội của xã hội đã trải qua chặng đường từ bầy người nguyên thủy đến công xã thị tộc, rồi sau đó đến công xã lãnh thổ mà Ph.Ăngghen gọi là “công xã láng giềng (hoặc công xã lãnh thổ)”.
 Trong giai đoạn đầu của phương thức sản xuất xã hội nguyên thủy, con người đã học được cách chế tạo công cụ lao động bằng đá hết sức đơn giản. Thí du, họ kiếm được thanh đá dài, đem mài đi, thành dao, rìu, thanh đá tròn, đem mài đi, thành búa, rìu…
Trong giai đoạn này, người nguyên thủy còn học cách lấy được lửa, từ ăn sống nuốt tươi đến việc ăn chín, nấu chín, làm cho sức khỏe của con người được nâng lên rõ rệt. Lửa được phát sinh từ thời kỳ nguyên thủy, đó là bước rẽ ngoặt trong lịch sử xã hội loài người.
Công xã thị tộc được đặc trưng bằng sự phân công lao động tự nhiên theo giới tính và lứa tuổi, bằng việc tổ chức ra xã hội của con người, gắn với nhau bằng huyết tộc.
Trong xã hội nguyên thủy, một vài thị tộc tạo thành bộ lạc. Bộ lạc chưa phải là một nhà nước.
Trong giai đoạn đầu của chế độ thị tộc, phụ nữ đóng vai trò chủ đạo trong công xã, gọi là chế độ mẫu quyền. Họ làm công việc hái lượm những quả rừng, chuẩn bị thực ăn, chăn nuôi súc vật và canh tác phôi thai (còn gọi là canh tác nguyên thủy. Giai đoạn đầu của công xã nguyên thủy chưa có gia đình, cho nên mọi thứ của người đàn bà hái lượm được đều là dùng chung.
Cùng với sự phát triển của lực lượng sản xuất, khi mà ngành chăn nuôi súc vật trên đồng cỏ và ngành canh tác được phát triển thêm, bắt đầu đóng vai trò ngày càng to lớn, thì địa vị lãnh đạo thị tộc và lãnh đạo gia đình chuyển sang nam giới. Chế độ phụ quyền ra đời khoảng giữa thời ký đồ đá mới.
Trong xã hội nguyên thủy, sự phát triển mạnh của ngành chăn nuôi súc vật, của ngành canh tác và sau đó là ngành nghề thủ công đã dẫn đến sự phân công lao động xã hội và trao đổi. Trong những điều kiện đó, việc nâng cao năng suất lao động và sự xuất hiện sản phẩm thặng dư đã nảy sinh xu hướng cá thể hóa sản xuất. tạo mầm mống để con người chuẩn bị bước vào xã hội và phương thức chiếm hữu nô lệ. Đến khoảng cuối thời kỳ công xã nguyên thủy, thì những hộ gia đình riêng biệt được tách ra, công xã láng giềng (lãnh thỏ) cũng dần dần hình thành. Lao động cá thể  của những hộ riêng biệt tách ra, làm nảy sinh chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, đối lập với chế độ sở hữu tập thể trong điều kiện công xã thị tộc. Sự ra đời và phát triển của chế độ tư hữu đã dẫn đến sự không bình đẳng về tài sản, dẫn đến sự phát sinh tình trạng người bóc lột người. Mâu thuẫn này dẫn đến sự hình thành giai cấp và đấu tranh giai cấp.
Cùng với sự ra đời của quan hệ nô lệ là sự tan rã hoàn toàn của công xã nguyên thủy. Các giai cấp xuất hiện. Nhà nước ra đời. Xã hội nguyên thủy kết thúc, loài người bước vào xã hội có giai cấp và đấu tranh giai cấp, bắt đầu từ xã hội nô lệ.
Phương thức sản xuất, qua đó, cũng chuyển từ xã hội nguyên thủy sang xã hội nô lệ.