Câu chuyện văn hóa: Sòng phẳng lại hóa hay
Trước đây tôi có thời gian làm giáo viên cấp 3, nên giờ vẫn có học trò cũ đến chơi, tâm sự chuyện vui, chuyện buồn với cô; thỉnh thoảng chúng tổ chức họp lớp hay chơi bời đâu đó lại mời cô tham gia. Ngược lại, tôi cũng quan tâm đến những học trò ngày xưa của mình, chia sẻ từng bước trưởng thành cũng như vấp váp của họ. Trong số học sinh ngày ấy, tôi nhớ nhất Tùng. Cậu học giỏi nhưng hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Một lần bố Tùng ốm, cậu xin nghỉ học chăm bố và tính đến chuyện phải bỏ học đi làm sớm đỡ đần gia đình. Nhưng tôi cùng ban cán sự lớp đã kêu gọi phụ huynh và các bạn trong lớp quyên góp, đủ tiền trả viện phí cho bố Tùng và kéo Tùng trở lại lớp. Tùng bây giờ là một doanh nhân thành đạt. Cậu có công ty riêng, thu nhập cao, cuộc sống vật chất thoải mái. Mỗi lần gặp tôi và các bạn, Tùng đều nhắc lại chuyện ngày xưa “nếu không có cô và các bạn giúp đỡ, em không có ngày hôm nay…”.
Thế nên, khi tham gia các chuyến đi chơi, các cuộc liên hoan, tôi hay nghĩ: Chắc do Tùng là “Mạnh Thường Quân” “bao cấp” các hoạt động này. Hôm ấy, tôi rủ rỉ hỏi chuyện các bạn nữ trong lớp về việc tổ chức những chuyến đi chơi tập thể như thế này thì chi phí như thế nào? Tôi hơi ngạc nhiên nghe câu trả lời: “Chúng em cùng ăn, cùng chơi, hết bao nhiêu bổ đầu đóng góp cô ạ”. “Thế mà cô tưởng Tùng nó giàu có, nó “bao” mọi người”? “Không đâu ạ. Tùng cũng đôi lần đề nghị nhưng chúng em thống nhất là không nhận “bao cấp”. Trong nhóm có bạn giàu, bạn nghèo, ai có khả năng thì tham gia, không có khả năng thì thôi, ăn chơi như thế mới thoải mái và bền lâu cô ạ. Mà cô ơi, xấp tuổi 8x, 9x chúng em bây giờ có quan điểm sòng phẳng như vậy đấy. Nếu rủ nhau ăn, chơi thì chia tiền, nếu mời thì người mời trả tiền, rõ ràng lắm ạ.
Về nhà ngẫm nghĩ cách chi tiêu của lớp trẻ, tôi thấy cái sự sòng phẳng như thế lại hóa hay. Sẽ không còn cái cảm giác “nợ miệng” ai đó, “hàm ơn” ai đó; cũng không có chuyện ai đó nghiễm nhiên được “cầm trịch” cuộc ăn, cuộc chơi chỉ vì người đó đứng ra chi trả. Cũng sẽ không còn cái lo lắng ngại ngần vì mình đã được ai đó “bao cấp” rồi mà mình chưa có điều kiện “bao cấp” lại. Tất nhiên, đối với người thích dựa dẫm, ỉ lại, ăn theo… sẽ không thích thú cách làm này. Nhưng theo tôi, đó chỉ là số ít.
Dường như khi bỏ cái thói quen “bao đãi” trong quan hệ bạn bè, người ta sẽ bỏ được tư duy bao cấp khi ra ngoài xã hội. Chính vì thế chăng mà nhiều bạn tuổi 8x, 9x đã từ chối con đường chen chúc vào cơ quan nhà nước, chiếm cho mình một chỗ trong biên chế, hưởng đồng lương ổn định suốt đời, mà mạnh dạn quăng quật kiếm sống, chọn công việc chịu áp lực cao để thỏa ước mơ?
Tôi đem những điều tiếp nhận được của lớp trẻ trao đổi với một số “bạn già” tuổi 5x, 6x. Các bạn của tôi đều cho rằng: Đây là điều “lớp già” cần học tập. Bởi lẽ, đa số chúng tôi sống bằng lương hưu ít ỏi, trong khi vẫn có nhu cầu tham gia các câu lạc bộ như khiêu vũ, dưỡng sinh, đạp xe, bóng chuyền hơi; vẫn cần được tham quan du lịch, giao lưu văn hóa, văn nghệ ở nơi này nơi kia. Muốn có những hoạt động này chúng tôi phải tự nguyện đóng góp kinh phí. Học được cái cách “muốn ăn thì lăn vào bếp” của lớp trẻ, chúng tôi sẽ cởi bỏ được tư tưởng chờ đợi giúp đỡ từ đâu đó, kể cả con cái. Chúng tôi có thể sẽ tìm việc làm thêm để tự chủ tài chính, xóa tư duy “về hưu là chỉ nghỉ ngơi”, từ đó sẽ có thêm một lớp người năng động, trẻ trung?
Hóa ra, sòng phẳng có nhiều cái hay hơn tôi nghĩ.
Ngô Minh