Mới cập nhật

NHỮNG NGHIÊN CỨU MỚI VỀ CON NGƯỜI (Bài 18): CON NGƯỜI VÀ SỰ HÌNH THÀNH PHƯƠNG THỨC SẢN XUẤT PHONG KIẾN


PGS,TS Sử học – Cử nhân Ngữ văn Đàm Đức Vượng, Viện trưởng Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực (ISSTH)      


Các sách, báo từ trước tới nay đã nói nhiều đến xã hội phong kiến, một số sách, bào đã phân tích về phương thức sản xuất phong kiến. Trong bài này, tôi muốn nói đến con người trong phương thức sản xuất phong kiến đó. Đó là chỗ mới trong bài viết này.
Xã hội (hay chế độ) phong kiến là hình thái kinh tế xã hội được thiết lập do sự phân công hay tan rã của chế độ chiếm hữu nô lệ hay chế độ công xã nguyên thủy.
 Phương thức sản xuất phong kiến là phương thức sản xuất của cải vật chất mà cơ sở là chế độ sở hữu của giai cấp phong kiến về tư liệu sản xuất chủ yếu, tức là ruộng đất và sự lệ thuộc về thân thể của những người sản xuất, tức là nông dân, vào giai cấp phong kiến, lãnh chúa. Những người nông dân này tiến hành sản xuất nông nghiệp trên ruộng đất của các thế lực phong kiến, lãnh chúa.
Theo “Bách khoa Toàn thư mở Wikipedia” (tổng hợp các nguồn tài liệu khác), thì phong kiến có nghĩa là “phong tước và kiến địa”, một từ gốc Hán – Việt, tiếng Pháp gọi là “féodalité” bắt nguồn từ chữ “feod” trong tiếng Latinh, nghĩa là “lãnh địa cha truyền con nối”, mà điểm xuất phát từ hệ tư tưởng chính trị từ thời Tây Chu. Vào thời kỳ này, vua Chu ban hành chế độ đem đất đai phong cho những người thân thuộc để kiến lập các nước chư hầu, gọi là “phong kiến thân thích”.
 Chế độ phong kiến, nói chung, ra đời vào thế kỷ V cho đến khoảng thế kỷ thứ X, thì bị chế độ tư bản (tư sản) thay thế, do sự tan rã của chế độ chiếm hữu nô lệ. Nhưng trong một số nước (kể cả những dân tộc Xlavơ ở phương Đông), thì do sự tan rã của chế độ công xã nguyên thủy, vì những nước này không qua chế độ chiếm hữu nô lệ. Xã hội phong kiến phương Đông hình thành sớm, nhưng phát triển chậm, không đồng đều và kết thúc muộn hơn so với xã hội phong kiến phương Tây. Tại phương Đông, phong kiến Trung Quốc là nặng nề nhất. Quy mô của nó lớn chưa từng thấy, nó có cả một hệ thống từ vua chúa đến địa chủ. Xã hội phong kiến phương Tây phát triển muộn hơn và kết thúc sớm hơn, do sự phát triển của phương thức tư sản mọc lên nhanh và lấn át.
 Cả xã hội phong kiến phương Đông và xã hội phong kiến phương Tây có chung một nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, và do vậy, nền kinh tế chủ yếu trong chế độ phong kiến là kinh tế nông nghiệp. Phương Đông phần lớn là ở nông thôn. Phương tây phần lớn là ở trang trại, thái ấp.
 Khái niệm nông nghiệp lúc đầu chủ yếu là lúa nước, sau bao gồm cả cây trồng (lâm nghiệp), đánh bắt cá (ngư nghiệp) và chăn nuôi (gia súc và gia cầm). Tuy nhiên, đi vào cụ thể của từng nước, có nơi vẫn tách việc trồng lúa nước ra khỏi việc đánh bắt cá, trồng cây và chăn nuôi.
Phương thức sản xuất phong kiến là phương thức sản xuất thứ ba của loài người, sau các phương thức sản xuất nguyên thủy và phương thức sản xuất chiếm hữu nô lệ.
 Đặc điểm của phương thức sản xuất phong kiến là quyền sở hữu của chúa phong kiến về ruộng đất và quyền sở hữu bộ phận đối với người lao động sản xuất nông nô. Nông nô trong xã hội phong kiến khác với nô lệ trong xã hội nô lệ ở chỗ họ làm chủ cơ nghiệp và công cụ sản xuất của họ, vì thế, họ cũng có phần gắn bó với lao động, vì sau khi đã nộp tô cho chủ phong kiến (địa chủ), họ có thể làm việc của họ. Trong chế độ phong kiến, quan hệ giữa chúa phong kiến (ruộng đất) với nông dân dựa trên sự chiếm đoạt của địa chủ (giai cấp chúa đất) đối với những sản phẩm do lao động của nông dân làm ra, dưới những hình thức địa tô phong kiến khác nhau. Ngoài ra, nông dân còn phải nộp cho nhà nước cái gọi là thuế thân và những thuế khác, thực chất là sự ràng buộc của người nông dân vào địa chủ.
Về mặt giai cấp, xã hội phong kiến có hai giai cấp cơ bản: địa chủ và nông dân. Ngoài ra, còn có những người làm nghề thủ công, buôn bán vừa và nhỏ, gọi chung là tiểu chủ. Giai cấp địa chủ và giai cấp nông dân thường xuất hiện ở phương Đông. Còn ở phương Tây thì có lãnh chúa và nông nô. Tuy nhiên, tại một số nước ở phương Tây cũng có địa chủ và nông nô như ở phương Đông.
 Con người trong phương thức sản xuất phong kiến là con người bóc lột và con người bị bóc lột. Con người bị bóc lột là nông dân, nông nô. Con người bóc lột là lãnh chúa, địa chủ, phong kiến tập quyền. Con người bị bóc lột chiếm số đông trong dân cư của xã hội phong kiến, nhưng của cải, vật chất ít. Còn con người bóc lột chiếm số ít, nhưng của cải, vật chất lại rất nhiều. Đây là chỗ khác nhau giữa những con người trong xã hội phong kiến. 
 Chế độ bóc lột của xã hội phong kiến chủ yếu là bằng tô thuế. Địa chủ ở phương Đông và lãnh chúa ở phương Tây đều nắm phần lớn ruộng đất, giao cho nông dân (phương Đông) và nông nô (phương Tây) lĩnh canh, cày cấy rồi thu địa tô. Địa tô là nộp một phần thóc lúa và các nông sản cho địa chủ và lãnh chúa. Đặc điểm cơ bản của chế độ phong kiến phương Tây là lãnh đại với giai cấp lãnh chúa và nông nô. Hệ thống đẳng cấp dựa trên quan hệ lãnh chúa và chư hầu, tình trạng cát cứ kéo dài. Tại phương Đông, quan hệ ruộng đất thực chất là quan hệ giữa địa chủ và nông dân. Địa chủ nắm ruộng đất, nông dân làm thuê trên mảnh đất đó. Một số hộ thuộc thành phần trung nông có ruộng đất riêng, nhưng nhỏ so với ruộng đất của địa chủ.
 Mâu thuẫn giai cấp đối kháng chủ yếu trong xã hội phong kiến là mâu thuẫn giữa địa chủ và nông dân, giữa lãnh chúa và nông nô.
 Nhà nước phong kiến ra đời ngay sau khi phương thức sản xuất phong kiến ra đời. Trong khi nghiên cứu, cũng có ý kiến cho rằng, giữa phương thức sản xuất phong kiến ra đời và nhà nước phong kiến ra đời cùng một thời điểm. Vấn đề này cần được tiếp tục nghiên cứu. Có điều là phương thức sản xuất thuộc hạ tầng (hạ tằng) cơ sở, còn nhà nước thuộc thượng tầng (thượng tằng) kiến trúc. Ở cả phương Đông và phương Tây, thể chế nhà nước phong kiến do vua đứng đầu, thực hiện chế độ quân chủ (quân là vua, chủ là làm chủ). Chế độ quân chủ tức là chế độ do vua (hoàng đế) đứng đầu. Ở phương Đông thực hiện chế độ tập quyền và ở phương Tây thì từ phân quyền đến tập quyền; nhưng cũng tùy theo hoàn cảnh của mỗi nước mà áp dụng cho thích hợp.
Đặc trưng của những điều kiện và những hậu quả của nền kinh tế lao dịch, điển hình của chế độ phong kiến là sự thống trị của nền kinh tế tự nhiên, sự  phân chia ruộng đất và công cụ lao động cho những người sản xuất trực tiếp, chế độ cưỡng bức siêu kinh tế và hậu quả của tình hình đó là trình độ kỹ thuật thấp, thủ cựu.
Dưới chế độ phong kiến, người chiếm hữu ruộng đất là giai cấp thống trị, vua chúa, quan lại, địa chủ và đối lập với giai cấp đó là nông dân. Quyền sở hữu ruộng đất là cơ sở để cho các thế lực phong kiến chiếm đoạt lao động hoặc sản phẩm không công tức là địa tô phong kiến. Tính độc lập tương đối về kinh tế của nông dân đã dẫn đến chỗ phát triển lực lượng sản xuất mà trước hết là phát triển kinh tế nông nghiệp – ngành quyết định của phương thức sản xuất phong kiến. Người nông dân đóng vai trò quan trọng nhất trong việc phát triển lực lượng sản xuất của xã hội phong kiến, nhưng lợi nhuận thu về lại là vua chúa, quan lại, địa chủ, còn nông dân chỉ là người  làm thuê. Đó là chỗ bất công nhất và cũng là cơ sở để dẫn đến mâu thuẫn đối kháng trong xã hội phong kiến. Đó cũng là một lý do quan trọng để giải thích vì sao trong xã hội phong kiến lại có nhiều cuộc khởi nghĩa của nông dân đến thế. Vào thế kỷ XIV, XV, tại các nước Tâu Âu đã bắt đầu diễn ra cuộc đấu tranh để giải phóng của nông dân khỏi sự lệ thuộc về thân thế vào các tầng lớp trong kiến, sau đó là việc dùng bạo lực để tách họ khỏi ruộng đất trong sự làm thuê. Đây cũng là một tiền đề dẫn đến phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Cuộc đấu tranh giai cấp giữa những người bị bóc lột và những người bóc lột đã được tiến hành trong suốt cả thời kỳ của chế độ phong kiến. Đây thực chất là cuộc khởi nghĩa của nông dân phương Tây, như phong trào Giắccơly ở Pháp vào năm 1358; cuộc khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của của Oát Taylơ ở Anh vào năm 1381; những cuộc chiến tranh Huxít ở Séc vào nửa đầu thế kỷ XV; cuộc chiến tranh nông dân ở Đức (1524-1525); những cuộc chiến tranh dưới sự lãnh đạo của I.Bôlốtnicốp (1606-1607), của X.Rađin (1667-1671) của E.Pugatờsốp (1773-1775) ở Nga,… Những cuộc cách mạng tư sản, đặc biệt là cuộc cách mạng tư sản Pháp vào cuối thế kỷ XVIII đã giáng một đòn quyết định vào chế độ phong kiến. Chủ nghĩa tư bản đã chính thức bước lên vũ đài chính trị  để thay thế chế độ phong kiến. Tại nước Nga, chế độ phong kiến chiếm địa vị thống trị từ thế kỷ IX đến thế kỷ XIX. Đầu thế kỷ XX, Cách mạng tháng Mười nổ ra vào năm 1917, nước Nga trở thành một nước xã hội chủ nghĩa, lấy tên là Liên Xô. Đến năm 1991, Liên Xô sụp đổ, trở về với nước Nga như hiện nay. Đến nay, người ta khó đoán định nước Nga hiện nay thuộc xu hướng chính trị nào? Cuộc cải cách nông dân năm 1861 đã xóa bỏ chế độ nông nô ở Nga. Song, những tàn tích của chế độ phong kiến ở Nga vẫn còn cho đến trước khi nổ ra Cách mạng tháng Mười Nga vào năm 1917. Sắc lệnh về ruộng đất do Đại hội II toàn Nga các Xôviết thông qua ngày 26 tháng Mười 1917 (ngày 8 tháng Mười một, lịch Nga) năm 1917, lần đầu tiên trong lịch sử loài người, bắt đầu thủ tiêu chế độ ruộng đất của địa chủ và xóa bỏ những tàn tích của chế độ phong kiến ở Nga. Những tàn tích của chế độ phong kiến, chế độ đại sở hữu ruộng đất của địa chủ, chế độ lao dịch,… là đặc trưng của một số nước ở châu Phi, châu Á và các nước Mỹ latinh. Vì vậy, việc thủ tiêu các quan hệ ruộng đất phong kiến và nửa phong kiến là một trong những nhiệm vụ của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.
Từ những cuộc nổi dậy của nông dân, dẫn đến những cuộc cải cách ruộng đất. Cải cách ruộng đất là biện pháp của nhà nước nhằm thay đổi quan hệ chiếm hữu và quan hệ sử dụng ruộng đất. Những cuộc cải cách này thường diễn ra dưới chủ nghĩa tư bản.
Sự ra đời của các thành thị, trong đó tập trung thủ công nghiệp và thương nghiệp, thể hiện sự phát triển phân công lao động xã hội, tức là việc tách nghề thủ công ra khỏi nông nghiệp, làm cho một tầng lớp xã hội mới ra đời, đó là tầng lớp thị dân, mà sau đó, người ta tách tầng lớp này ra khỏi giai cấp nông dân, thành giai cấp tiểu tư sản. Nông dân đóng vai trò phát triển nông nghiệp, trong khi tầng lớp thị dân đóng vai trò phát triển sản xuất hàng hóa.