Mới cập nhật

ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG SÁNG NGỜI CỦA BÁC TÔN*


Kỷ niệm lần thứ 130 ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20-8-1888-20-8-2018)

                             
PGS,TS Đàm Đức Vượng


Chủ tịch Tôn Đức Thắng  (1888-1980)


1. Chủ tịch Tôn Đức Thắng, còn có tên là Thoại Sơn, đồng bào miền Nam thường gọi là anh Hai Thắng, nhân dân thường gọi bằng cái tên thân mật: Bác Tôn, sinh ngày 20-8-1888, tại Cù lao Ông Hổ, làng Mỹ Hòa Hưng, tổng Định Thành, hạt Long Xuyên (nay thuộc xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang), trong một gia đình nông dân.

Năm 1906, sau khi tốt nghiệp sơ cấp Tiểu học Đông Dương tại Long Xuyên, Bác Tôn rời quê hương lên Sài Gòn học nghề thợ máy tại Trường Cơ khí Á Châu, tức Trường Bá nghệ. Sau khi tốt nghiệp Trường Bá nghệ Sài Gòn, Bác Tôn được nhận vào làm thợ tại nhà máy Ba Son của Hải quân Pháp tại Sài Gòn. Đây là xưởng đóng tàu và sửa chữa tàu biển. Năm 1912, Bác Tôn tham gia tổ chức công nhân bãi công đòi quyền dân sinh dân chủ, cho nên đã bị chủ nhà máy Ba Son sa thải. Một năm sau (1813), Bác Tôn sang Pháp, làm thợ ở thành phố Toulon. Năm 1914, Bác Tôn được tuyển mộ làm lính thợ cho một đơn vị hải quân Pháp trên chiến hạm France. Ngày 20-4-1919, tại chiến hạm này, Bác Tôn đã tham gia phản chiến, chống lại sự can thiệp của quân đội Pháp đánh vào nước Nga Xô viết, kéo cờ đỏ ủng hộ Cách mạng tháng Mười Nga.

Năm 1920, Bác Tôn về nước xây dựng cơ sở công hội, phát triển mạnh tại Sài Gòn và các vùng công nghiệp lân cận, có lúc lên tới 300 cơ sở. Những công hội mạnh nhất là nhà máy Ba Son, Nhà đèn Sài Gòn, Nhà đèn Chợ Quán. Bác Tôn vận động công nhân đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm, trì hoãn việc sửa chữa tàu chiến Pháp trên đường sang đánh Trung Quốc. Cuộc đấu tranh này kéo dài từ tháng 8 đến tháng 11 năm 1925.

Cuối năm 1926, đầu năm 1927, Bác Tôn tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội), một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời, tham gia Ban Chấp hành Thành bộ Sài Gòn và Kỳ bộ Nam Kỳ của Hội.
Năm 1929, Bác Tôn bị địch bắt. Sau khi kết án 20 năm tù khổ sai, nhà cầm quyền Đông Pháp đày Bác ra giam tại Côn Đảo với dòng ghi chú trong hồ sơ: “Phần tử nguy hiểm” và quản thúc rất chặt, đưa vào hầm xay lúa.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ra đời, nhà tù Côn Đảo được giải phóng, Bác Tôn cùng các tù chính trị được trả lại tự do. Về đất liền, Bác bắt tay ngay vào hoạt động cách mạng ở Nam Bộ, đảm nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Kháng chiến – Hành chính Nam Bộ.

Trong cuộc Tổng tuyển cử đầu năm 1946, nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn (nay là thành phố Hồ Chí Minh), nhất trí bầu Bác Tôn là đại biểu Quốc hội khóa I của nước Việt Nam mới.
Năm 1946, Bác Tôn được điều đồng về Trung ương công tác. Năm 1946, Bác được gặp Bác Hồ tại Hà Nội; trải qua nhiều chức vụ công tác: Trưởng ban Thi đua ái quốc Trung ương, Trưởng ban Thường trực Quốc hội, Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch nước,…
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Quốc hội khóa III họp kỳ đặc biệt vào tháng 9-1969, nhất trí bầu Bác Tôn làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ở cương vị Chủ tịch nước, Bác Tôn đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và củng cố chính quyền dân chủ nhân dân, động viên toàn dân tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và cho đến khi cách mạng giành toàn thắng, đất nước thống nhất.
 Chủ tịch Tôn Đức Thắng từ trần ngày 30-3-1980, tại Hà Nội, thọ 92 tuổi, để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với đồng bào, đồng chí
.
2. Toàn bộ cuộc đời hoạt động của Bác Tôn toát lên đạo đức cách mạng sáng ngời, thể hiện trước nhất ở tinh thần yêu nước, yêu đồng bào, đồng chí. Nói đến Bác Tôn là nói đến đạo đức chuẩn mực của một con người đi làm cách mạng, người công nhân chân chính. Đó là tình cảm sâu sắc nhất của Bác đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc và mưu cầu cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân, thể hiện ở lòng tự hào dân tộc của người Việt Nam. Bác Tôn hiểu rõ quần chúng lao động là những người yêu nước  nhất, họ biểu hiện lợi ích dân tộc thật sự. Tình yêu quê hương, đất nước của Bác  kết hợp với lòng căm thù chế độ bóc lột và Bác muốn giải quyết những bất công đó bằng cuộc đấu tranh sinh tử với mọi bất công và áp bức xã hội, cụ thể là với chế độ thực dân và phong kiến phản động. Bác Tôn hiểu rõ, muốn yêu nước thì phải đấu tranh chống lại áp bức, bất công xã hội, bằng những hành động cách mạng. Bác Tôn nhận thức sâu sắc rằng, trong chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, tính dân tộc và tính quốc tế thống nhất với nhau, chính vì vậy, hành động quốc tế đầu tiên là Bác đã giương cao lá cờ đỏ ủng hộ Cách mạng tháng Mười Nga bằng việc phản đối quân đội Pháp chống lại nước Nga cách mạng. Với Bác, chủ nghĩa yêu nước không chỉ mang tính chất dân tộc, mà còn mang tính chất quốc tế.

Đạo đức cách mạng của Bác Tôn thể hiện ở sự lựa chọn ý thức hệ. Bác không đi theo con đường tư bản chủ nghĩa mà đi theo con đường xã hội chủ nghĩa chân chính. Giá trị đạo đức của Bác mang tính giai cấp, còn nảy sinh và hình thành cả những giá trị đạo đức của con người, biểu hiện nhu cầu, lợi ích của các giai cấp tiến bộ, mà trước hết là ở nhân dân lao động. Đạo đức cách mạng của Bác Tôn biểu hiện của sự thống nhất trong việc lựa chọn tư tưởng, chính trị và đường lối, được thể hiện trong tiêu chuẩn đạo đức ở việc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, ngày đêm ra sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong mọi hoàn cảnh. Bác có lòng tin tuyệt đối vào sức mạnh của nhân dân, tinh thần đoàn kết anh em với với tất cả những người lao động và lấy đó làm điểm tựa, chỗ dựa để hành động cách mạng. Sự kết hợp hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể được chứng minh bởi những hành động đầy thiện chí của Bác Tôn.

Đạo đức cách mạng của Bác Tôn thể hiện ở tác phong quần chúng. Nhớ người xưa, cảnh cũ, có đôi lần Bác về thăm nơi làm việc việc xưa, đó là thăm nhà máy Ba Son. Vị Chủ tịch nước đến với công nhân. Bác không vào Văn phòng ngay, mà đi thẳng xuống phân xưởng Cơ khí, xưởng Trung tâm của nhà máy với hơn 300 công nhân mà trước đó Bác đã từng làm việc. Bầu không khí thân mật giữa vị Chủ tịch nước với công nhân diễn ra vô cùng thân mật và giản dị. Những ngày lễ, ngày nghỉ, Bác thường đi xuống các xóm thợ thăm công nhân hoặc về nơi ruộng đồng thăm nông dân bằng chiếc xe đạp mà Bác đã quen dùng.

Đạo đức cách mạng của Bác Tôn thể hiện ở nếp sống giản dị, tinh thần cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, đời tư trong sáng và tình thương yêu đối với con người. Ở trong con người Bác: cần là cần cù chăm chỉ làm việc; kiệm là tiết kiệm mọi mặt sinh hoạt hằng ngày, kể cả tiết kiệm thời gian, tiết kiệm là không ăn chơi xa xỉ; liêm là liêm khiết, thanh liêm, không tham ô (tham nhũng); chính là chính trực, đường đường chính chính, không lắt léo làm những việc sai trái, đi ngược với đạo lý làm người. Bác rất quý trọng những người có đạo đức. Cần, kiệm, liêm, chính còn thể hiện ở tinh thần kiên nhẫn. Bác thấm thía câu nói của Bác Hồ:
      “Kiên trì và nhẫn nại
      Không chịu lùi một phân.
      Vật chất tuy đau khổ
      Không nao núng tinh thần”.
      (Hồ Chí Minh: Nhật ký trong tù).
      “Con người”, hai tiếng ấy vang lên trong lòng Bác Tôn. Bác thường nhắc đến câu nói của Bác Hồ: “Người là vốn quý nhất”, bởi có người là có tất cả, thu phục được lòng người là thu phục được tất cả. 

Đạo đức cách mạng của Bác Tôn thể hiện ở sự gương mẫu tuyệt đối của bản thân. Người ta thấy vị Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, cứ sau giờ làm việc, lại đi cuốc đất trồng cây; ngồi sửa chữa xe đạp mà Bác dùng nó để đi dạo phố và tập thể dục; nhiều lúc ngồi khâu vá quần áo, trông như một nhà hiền triết làm các công việc của đời thường. Nhà Bảo tàng tỉnh ở đường Thoại Ngọc Hầu, thị xã Long Xuyên, trưng bày chiếc xe đạp cũ. Chiếc xe đạp mang biển số đăng ký VR.735. Đó là chiếc xe đạp của Bác đã mang nó từ Việt Bắc về thủ đô Hà Nội. Từ núi rừng Việt Bắc, Bác dùng chiếc xe đạp này để đi công tác và đi họp. Còn ở Hà Nội, Bác dùng nó để tập thể dục và đi thăm bà con trong những ngày nghỉ. Bác thích lao động, bởi lao động tạo nên đạo đức trong xã hội, nó không đối lập lại sự kích thích bằng vật chất, mà nó kết hợp hài hòa với nhau. Hơn nữa, với Bác, tinh thần lao động thường mang lại niềm vui và niềm tin yêu, hy vọng cho con người. Ở Bác Tôn, sự gương mẫu còn thể hiện ở đời tư rất trong sáng, nếp sống giản di. Bác sống không cầu kỳ, mà rất đơn sơ, thắm đượm tình người; đối nhân xử thế thật tuyệt vời. Bác không bao giờ tranh giành, kèn cựa, địa vị với bất cứ ai. Đảng và Nhà nước phân công việc gì, Bác làm việc ấy. Từ việc nhỏ đến việc to, Bác đều hoàn thành đến nơi đến chốn. Bác ghét thói ganh tị, kèn cựa, địa vị, tranh giành ngôi thứ, vì Bác cho rằng, ở ngôi cao mà đức mỏng chẳng bằng ngôi thấp mà đức dày. Tài hèn, đức mọn mà ngồi ghế cao sẽ có lúc đổ kềnh. Bác thường tâm sự với anh em phục vụ là ở vị trí công việc thấp mà hoàn thành nhiệm vụ còn hơn ở vị trí công việc cao mà không hoàn thành nhiệm vụ.

Đạo đức cách mạng của Bác Tôn còn thể hiện ở mối quan hệ, tình sâu nghĩa nặng, gắn bó keo sơn giữa Bác và Bác Hồ. Trong những năm, tháng Đảng chưa ra đời, tuy chưa được gặp Bác Hồ, song, người thợ máy Tôn Đức Thắng đã có cảm tình với đồng chí Nguyễn Ái Quốc qua những bài bào của Người viết trên tờ “Người cùng khổ” (Le Paria), nhất là tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”. Những trang sách, bài báo của đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã gieo vào lòng người thợ máy Tôn Đức Thắng một tình yêu nồng cháy đối với giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam. Trong những ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945, lúc ấy, Bác Tôn đang bị giam cầm ở hầm xa lúa nhà tù Côn Đảo, nghe tin cách mạng đang sục sôi trong cả nước, Bác Tôn cùng anh em cũng rộn lên một không khi cướp chính quyền trên đảo, qua chiếc máy thu thanh cũ do tự tay Bác sửa chữa lại. Bác Tôn đến với Bác Hồ vào một ngày nắng đẹp của giữa năm 1946, khi Bác Tôn được điều động về công tác tại Trung ương lúc ấy đóng ở Việt Bắc. Giây phút gặp mặt lịch sử đã đến. Hai Bác ôm chầm lấy nhau trong mừng vui khôn xiết. Đến bây giờ mới thấy đây, mà lòng đã chắc những ngày xa xưa. Một hình ảnh rất đẹp đã đi vào lịch sử. Đó là ngày 19-8-1958, tại Câu lạc bộ Ba Đình, Hà Nội, Bác Hồ đã thay mặt nhân dân và Chính phủ trao tặng Bác Tôn Huân chương Sao Vàng, nhân dịp Bác Tôn tròn 70 tuổi. Khi Bác Tôn bước vào nhà, Bác Hồ cũng vừa đến. Hai Bác nắm chặt tay nhau, ôm chầm lấy nhau, nghẹn ngào xúc động. Bác Hồ vui vẻ nói:

“Hôm nay, chẳng những chúng ta ở đây mà toàn thể đồng bào ta từ Bắc đến Nam và toàn thể nhân dân thế giới yêu chuộng hòa bình đều vui mừng chúc người lão thành chiến sĩ cách mạng Tôn Đức Thắng sống lâu, mạnh khỏe.
Thay mặt nhân dân và Chính phủ, tôi trân trọng trao tặng đồng chí Tôn Đức Thắng Huân chương Sao Vàng là Huân chương cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mà đồng chí Tôn Đức Thắng là người đầu tiên và người rất xứng đáng được tặng Huân chương ấy”.
“Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng; suốt đời cần, kiệm, liêm, chính; suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”.
Xúc động trước lời tuyên dương của Bác Hồ, Bác Tôn đáp lại bằng những lời lẽ thắm thiết:
“Trong buổi lễ vinh quang này, tôi nghĩ đến thời kỳ tôi còn ấu trĩ, đến những lúc khó khăn, hiểm nghèo, Đảng đã dìu dắt, giáo dục tôi, nhân dân đã rèn luyện và giúp đỡ tôi để có được ngày nay.
 Huân chương này mãi mãi nhắc nhở tôi, lời Hồ Chủ tịch nói hôm nay sẽ mãi mãi khuyến khích tôi trung thành đến phút cuối cùng trong cuộc đấu tranh cho hòa bình và thống nhất đất nước thân yêu, cho chủ nghĩa xã hội, cho hạnh phúc yên vui của toàn thể nhân loại.
Trong giờ phúc cảm động này, tôi không biết nói gì hơn là hứa lấy cố gắng của tôi để đền đáp công ơn của Đảng, công ơn của Hồ Chủ tịch, người sáng lập và xây dựng Đảng, đã đưa tôi vào con đường vẻ vang và để đền đáp sự tín nhiệm của nhân dân và Chính phủ”.

Bác Hồ là linh hồn của chính sách đại đoàn kết dân tộc, Bác Tôn là người tiêu biểu cho chính sách đó. Cả hai Bác đều luôn luôn mong muốn cho dân tộc mình, đất nước mình mãi mãi nở hoa độc lập, kết quả tự do!
 ------
* Bài đăng báo Quân đội Nhân dân, số ra ngày 16-8-2018.