Mới cập nhật

Câu chuyện giáo dục: Đề xuất 9 tiêu chí xếp hạng đại học Việt Nam


9 tiêu chí với trọng số từ 5 tới 30%, phụ thuộc vào đại học thuộc nhóm nghiên cứu, ứng dụng - kỹ thuật hay công nghệ - nghề nghiệp.
Trong báo cáo gửi Hội thảo Giáo dục 2018 của Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng, ông Trần Khánh Đức (Đại học Bách khoa Hà Nội) đề xuất tháp phân tầng và bộ tiêu chí xếp hạng cơ sở giáo dục đại học Việt Nam dựa trên kinh nghiệm quốc tế.

Phân chia đại học Việt Nam thành 3 tầng

Ông Trần Khánh Đức thông tin, Mỹ hiện có 4.386 đại học, cao đẳng. Hoạt động phân tầng và xếp hạng các cơ sở không chịu sự chi phối của cơ quan quản lý nhà nước mà do tổ chức truyền thông - xã hội thực hiện.
Tuy không có bảng phân tầng chính thức, hệ thống giáo dục đại học Mỹ có các nhóm/tầng cơ bản sau: nhóm đại học nghiên cứu đa ngành (như Harvard, Chicago, Stanford, MIT...); nhóm đại học ở các bang, tiểu bang (như Đại học bang California, bang New York); nhóm trường cao đẳng/cao đẳng cộng đồng thời gian đào tạo khoảng 2 năm.
Hệ thống giáo dục đại học Hàn Quốc với khoảng 250 trường cũng được xây dựng theo mô hình tương tự Mỹ với tầng 1 là trường quốc gia có đẳng cấp quốc tế như Đại học Quốc gia Seoul, Viện Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST). Tầng 2 là các trường ngoài hệ thống quốc gia như Đại học Incheon, Gachon. Và tầng 3 là các cao đẳng công nghiệp, kỹ thuật...
Còn ở Trung Quốc, hệ thống đại học gồm hơn 1.200 cơ sở được phân tầng theo công thức 10-100-1000. Trong đó, top đầu là 10 đại học nghiên cứu theo đẳng cấp quốc tế như trường Bắc Kinh, Thanh Hoa, Phúc Đán, Giao thông Vận tải Thượng Hải. Tầng 2 bao gồm 100 trường đẳng cấp quốc gia và tầng 3 là 1.000 đại học địa phương.
Từ kinh nghiệm của thế giới và dựa theo sứ mạng, mục tiêu của các đại học Việt Nam, ông Trần Khánh Đức chia đại học Việt Nam thành 3 tầng.
Đề xuất phân tầng đại học ở Việt NamĐơn vị: %Đại học Khoa học và Nghiên cứuĐại học Khoa học Ứng dụng và Kỹ thuậtĐại học Công nghệ và Nghề nghiệpĐại học Khoa học và Nghiên cứu Tỷ lệ tương đối: 10
Tầng đầu tiên là các đại học khoa học và nghiên cứu theo đuổi sứ mạng, mục tiêu đẳng cấp khu vực và quốc tế về nghiên cứu, đào tạo nhân lực trình độ, chất lượng cao (tiến sĩ, sau tiến sĩ và thạc sĩ theo hướng hàn lâm, nghiên cứu).

Một số cơ sở ở top này là Đại học Quốc gia Hà Nội và TP HCM, Đại học Bách khoa Hà Nội và TP HCM, Y-Dược Hà Nội và TP HCM, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Sư phạm Hà Nội hay Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Tầng này chiếm khoảng 10% tổng số trường.
Tầng thứ hai, theo ông Đức, là các đại học khoa học ứng dụng và kỹ thuật theo ngành, chuyên ngành, như: Đại học Xây dựng, Nông - lâm, Mỏ - địa chất, Công nghiệp, Sư phạm, Bưu chính viễn thông, Ngoại thương, Thương mại. Tầng này chiếm khoảng 30%.
Tầng cuối cùng chiếm khoảng 60% là các đại học công nghệ và nghề nghiệp bao gồm trường theo hướng thực hành, nghề nghiệp ở các vùng, địa phương, như: Đại học Điện lực, Đại học Thủ đô, Hải Phòng...
Gợi ý bộ 9 tiêu chí xếp hạng đại học Việt Nam

Có nhiều hệ thống xếp hạng quốc tế về giáo dục đại học với một số hệ thống nổi tiếng như ARWU, QS, THE.

“Cùng chung chuẩn mực về đào tạo và nghiên cứu cùng các điều kiện đảm bảo chất lượng, nhưng mỗi hệ thống xếp hạng có triết lý, mục đích và các chuẩn mực, tiêu chí khác nhau”, ông Đức nêu trong báo cáo và cho biết thêm nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Việt Nam hiện tại nên tham gia hệ thống xếp hạng QS Asia (bảng xếp hạng QS châu Á) và một số trường mạnh có thể tham gia QS Word hoặc THE để làm quen dần với luật chơi và chuẩn mực quốc tế.
Với cách phân chia cơ sở giáo dục đại học thành 3 tầng, ông Đức cho rằng xếp hạng đại học trong nước nên theo từng tầng đó với 9 tiêu chí đánh giá.

Tiêu chí 1 là chất lượng đào tạo, chiếm 20-30% được đưa ra dựa trên đánh giá của người học, người sử dụng lao động và mức độ phù hợp với sứ mạng, mục tiêu đào tạo.

Tiêu chí 2 là chất lượng nghiên cứu khoa học và công nghệ, chiếm 20-30%, được đánh giá qua các giải thưởng nghiên cứu khoa học và công nghệ của sinh viên, giảng viên; bài báo khoa học quốc tế; sản phẩm, thu nhập từ nghiên cứu; các giải thưởng khoa học và công nghệ trong nước và quốc tế; đánh giá của giới học thuật trong và ngoài nước.

Tiêu chí 3 là chất lượng đội ngũ giảng viên, chiếm từ 10 đến 15%, được đánh giá bằng tỷ lệ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ; tỷ lệ giảng viên/sinh viên; số giảng viên được mời thỉnh giảng trong nước và quốc tế; số/tỷ lệ giảng viên có các giải thưởng, bằng sáng chế khoa học và công nghệ quốc gia và quốc tế.

Tiêu chí 4 là chương trình đào tạo, chiếm 10-15%, được đong đếm bằng đánh giá của chuyên gia về chương trình đào tạo; số lượng/tỷ lệ chương trình đào tạo tiên tiến/chất lượng cao; số lượng/tỷ lệ chương trình đào tạo được kiểm định trong nước và khu vực/quốc tế.

Tiêu chí 5 là cơ sở vất chất/học liệu, chiếm 10-20%, được đánh giá dựa trên số liệu về giảng đường, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành, thư viện, khu thể thao; ý kiến đánh giá của sinh viên, giảng viên, chuyên gia về sự phù hợp, chất lượng và hiệu quả của cơ sở vật chất.

Tiêu chí 6 là uy tín quốc tế, chiếm 5-10%, dựa trên kết quả hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu, dịch vụ; thành viên các hiệp hội giáo dục đại học khu vực và quốc tế.

Tiêu chí 7 là uy tín trong nước, chiếm 5-10%, được đánh giá dựa trên kết quả hợp tác trong nước; ý kiến của đối tác trong nước (doanh nghiệp, tổ chức sử dụng lao động); đánh giá của báo chí, truyền thông, hiệp hội xã hội - nghề nghiệp.

Tiêu chí 8 là tỷ lệ việc làm sau tốt nghiệp và phát triển nghề nghiệp của sinh viên tốt nghiệp, chiếm 10-15%, được đo bằng kết quả khảo sát việc làm của sinh viên tốt nghiệp hàng năm và số lượng sinh viên thành đạt.

Tiêu chí 9 là quản trị đại học (10-15%), được đánh giá dựa trên tổ chức bộ máy và cơ chế quản lý nhà trường; đánh giá của chuyên gia, nhà quản lý; ý kiến của cán bộ quản lý, giảng viên, sinh viên nhà trường.
Ông Đức nhấn mạnh việc đánh giá xếp hạng dựa trên bộ tiêu chí này được thực hiện theo các phân tầng của cơ sở giáo dục đại học với sự điều chỉnh tỷ trọng % ở các tiêu chí cho phù hợp với từng tầng. Kết quả xếp hạng ở từng tầng dựa trên tổng số tỷ trọng % của từng tiêu chí đạt được của từng cơ sở giáo dục đại học được đánh giá (tương ứng 1% là 1 điểm và tối đa là 100 điểm).
 
Dương Tâm