Câu chuyện văn hóa: Sống trên đời, càng biết cảm ơn càng nhiều phúc báo và may mắn
Không phải ngẫu nhiên mà người
phương Tây cho rằng “cảm ơn” là một từ “thần kỳ”. Sức mạnh của lòng biết
ơn đến từ vẻ đẹp nội tâm của người biết ơn và sự thấu hiểu đạo lý,
những điều sẽ mang lại nhiều may mắn trong cuộc đời họ.
Từ chuyện chàng trai Việt nhặt của rơi
Một chàng trai người Việt làm việc tại
Nhật Bản nhặt được chiếc ví của ai đó đánh rơi trên đường và đem chiếc
ví đến trình báo cảnh sát Nhật. Sau khi được nhận lại ví, người đàn ông
Nhật Bản đã có hành động cảm ơn vô cùng bất ngờ, khiến chàng trai xúc
động không nói lên lời.
Chàng trai Việt viết: “Chú mất ví chạy
ra xe lục lọi và đem vào 2 chai nước chấm cho tôi để cảm ơn (chắc vừa đi
siêu thị xong). Tôi không dám nhận nhưng chú ấy cảm ơn cúi người như
muốn quỳ xuống luôn làm tôi ngại quá nên phải nhận cho chú ấy vui”.
Tưởng thế đã là quá lắm nhưng vẫn chưa
hết: “Tôi được chú cảnh sát trao cho phong thư cảm ơn, có thông tin của
tôi trong thư, xác nhận đóng dấu của cảnh sát nhặt được của rơi và trả
lại cho khổ chủ không mất bất cứ thứ gì trong ví cả”.
Chàng trai Việt cũng chia sẻ: “Tôi cảm
thấy việc làm này cũng bình thường không có gì phải khoe cả. Dù ở đâu, ở
Việt Nam hay Nhật thì tôi và các bạn cũng hãy làm thế”.
Đến chuyện Hàn Tín tạ ơn “Bát cơm nghìn vàng”
Hàn Tín là cậu bé sớm mồ côi nên có tuổi
thơ cơ cực, kiếm sống bằng nghề đi câu cá ở sông Hoài để sống qua ngày.
Mùa đông rét mướt không câu được nên rất đói khổ. Tuy vậy Hàn Tín lại
mê đèn sách, nghiên cứu binh thư, luyện võ nghệ nên thường đeo kiếm.
Xóm chợ có bà Phiếu Mẫu kiếm ăn bằng
nghề giặt đồ thuê, cũng thiếu trước hụt sau nhưng thương tình cậu bé đói
khát nên thường chia cơm cho Hàn Tín ăn cùng. Tín lấy làm cảm tạ mà nói
rằng: “Tôi ngày sau công thành danh toại sẽ xin báo đáp”.
Phiếu Mẫu hiền hậu trả lời: “Thấy ngươi
đói khát nên chia sẻ miếng cơm giọt nước, mong gì báo đáp. Mà đàn ông
như ngươi miếng cơm không có mà ăn thì nói gì quyền cao chức trọng ngày
sau”.
Hàn Tín lấy làm hổ thẹn mà không dám qua
Phiếu Mẫu nữa nhưng bà già đôn hậu thương người cùng khổ hàng ngày vẫn
đặt cơm trước lều Tín. Người xóm chợ biết chuyện thường gọi đó là “Bát
cơm Phiếu Mẫu”.
Ngày sau Hàn Tín phò tá Lưu Bang lập nên
cơ nghiệp thống nhất thiên hạ. Ông được phong tước hầu, sau được về quê
cũ phong làm Sở Vương. Khi về quê ông lập tức cho người đi tìm bà Phiếu
Mẫu. Hàn Tín sai người lấy ngàn vàng thưởng cho Phiếu Mẫu để đền ơn
ngày xưa đã cưu mang thuở cơ hàn.
Và câu chuyện của nhà hiền triết
Một hôm, một bậc hiền triết và một nhóm
người đến nhà hàng ăn tối, trong số đó có một ông chủ đã nghe danh vị
hiền triết có trí tuệ phi thường, bèn đến bái kiến. Trong lúc mọi người
đang cười nói vui vẻ thì nhân viên phục vụ đem các món ăn nóng hổi rồi
đặt lên bàn. Mọi người ngồi quanh bàn ăn, vị hiền triết chuyển chủ đề
sang các món ăn ngon lành trên bàn.
Hiền triết nói: “Nhìn thấy các món ăn
trước mặt, trong lòng các bạn có nảy sinh lòng cảm ơn không? Cảm ơn các
thực phẩm, rau quả đã thành tựu bữa ăn này, cảm ơn người đầu bếp, cảm ơn
người phục vụ chúng ta…”
Ông chủ nói: “Tại sao phải cảm ơn? Chúng ta ăn đều phải trả tiền mà!”.
Mọi người nhìn nhau không biết nói sao.
Hiền triết nói: “Thế tại sao ông không trực tiếp ăn đồng tiền đó đi”.
Lời bàn:
Người không biết cảm ơn, coi mọi việc là
tự nhiên, là lẽ thường, là nghĩa vụ của người khác, chắc chắn là kẻ có
nhân cách thấp kém, tự tư tự lợi, chỉ biết đến mình, chính là loại người
mà người xưa mắng “phường vong ân bội nghĩa”.
Ngược lại, người biết cảm ơn là người có
nhân cách lớn, sống có nghĩa có tình, có thủy có chung. Họ thường là
người luôn biết nghĩ cho người khác, là người tiên tha hậu ngã, chính là
người nhân đức, bậc quân tử mà người đời thường ngưỡng mộ. Ví như Hàn
Tín tri ân, báo ơn “Bát cơm nghìn vàng”,
Gia Cát Lượng “Cúc cung tận
tụy, đến chết mới thôi” để báo ân tri ngộ của Lưu Bị.
Trong cuộc đời chúng ta được ban cho
nhiều đặc ân, đặc ân của vạn vật tự nhiên ban cho, đặc ân của cha mẹ ban
cho… Do đó phải học cách biết cảm ơn.
Ca dao xưa dạy chúng ta, đến bữa bưng
bát cơm, phải biết ơn người cày ruộng một nắng hai sương, vất vả khó
nhọc mới làm ra hạt gạo:
“Cày đồng đang buổi ban trưa,
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.
Ai ơi bưng bát cơm đầy,
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”.
Cách ngôn của Chu Tử dạy cháu con cũng viết:
“Một bát cháo, một hạt cơm, nên nghĩ kiếm được không dễ.
Nửa tấm vải, nửa sợi vải, phải nhớ làm ra rất khó”.
Người biết cảm ơn người khác là người
biết quý trọng mối nhân duyên, hiểu đạo lý nhân sinh, trong lòng luôn
cảm kích, tự nhiên sẽ thấy mỗi ngày trôi qua là một ngày đầy ý nghĩa,
gắng sức để báo đáp những đặc ân mà chúng ta gặp hàng ngày.
Người biết cảm ơn vạn vật, là người thấu
hiểu đạo lý của tự nhiên, của vũ trụ, biết trân quý sinh mệnh, nên sống
thuận theo tự nhiên, hợp với Đạo, là người trí huệ, đi trên con đường
trở về với bản nguyên của sinh mệnh.
Người sống tuân theo mệnh, thuận theo
Đạo, hài hòa với tự nhiên là người thường tích đức hành thiện, ắt sẽ có
phúc dày. Tâm thảnh thơi tự tại, không việc gì vướng bận trong lòng, lại
được phúc báo thì sinh mệnh đó quả là hạnh phúc và may mắn.
Nam Phương