Mới cập nhật

NHỮNG NGHIÊN CỨU MỚI VỀ CON NGƯỜI (BÀI 20): CON NGƯỜI VÀ SỰ HÌNH THÀNH PHƯƠNG THỨC SẢN XUẤT XÃ HỘI CHỦ NGHĨA


PGS,TS Sử học – Cử nhân Ngữ văn Đàm Đức Vượng, Viện trưởng Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực (ISSTH)  



Phần 1

Chủ nghĩa xã hội khoa học ra đời

Chủ nghĩa xã hội khoa học ra đời trên thế giới và ở Việt Nam gắn liền với lý luận của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, gắn liền với Quốc tế 1 (Liên minh Công nhân quốc tế), Quốc tế 2 (Liên minh Quốc tế của các đảng xã hội), đặc biệt là với Quốc tế 3 (Quốc tế Cộng sản). Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, mốc ghi nhận sự ra đời của lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học được tính từ năm 1848, khi C.Mác và Ph.Ăngghen công bố “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”.

Quá trình hình thành và phát triển lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học gặp nhiều sóng gió bởi những luồng tư tưởng đi ngược lại với chủ nghĩa xã hội khoa học thổi vào; hơn nữa, cơ sở lý luận của chủ nghĩa xã hội dân chủ gắn liền với Quốc tế 2 (giai đoạn sau khi Ph.Ăngghen mất), rồi Quốc tế xã hội chủ nghĩa cho đến nay, tổ chức này vẫn đang còn hoạt động. Lý luận của chủ nghĩa xã hội dân chủ liên tục được bổ sung tại các đại hội của Quốc tế xã hội chủ nghĩa, trong khi Quốc tế Cộng sản đã giải tán từ năm 1943, cho nên cơ sở để phát triển lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học chung trên toàn thế giới hiện nay không có sự tập hợp lý luận, chỉ có lý luận riêng lẻ của một số đảng cộng sản cầm quyền. Đây cũng là sự thiệt thòi của chủ nghĩa xã hội khoa học.

Khi lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học ra đời, C.Mác và Ph.Ăngghen đã phải vật lộn bao phen đấu tranh quyết liệt với những trường phái tư tưởng khác nhau, ngay cả trong nội bộ của Liên đoàn những người cộng sản. Năm 1850, trong Liên đoàn những người cộng sản hình thành một nhóm biệt phái “tả khuynh”, đứng đầu là  Augustơ Vinlích và Cáclơ Sáppơ. Trong một bài giảng về “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” tại Hội Khai sáng công nhân Đức ở Luân Đôn, C.Mác xác định tính tất yếu của cách mạng, nhưng do hoàn cảnh thay đổi, cho nên phải có giai đoạn tạm thời không cách mạng ở châu Âu, đồng thời, chỉnh lý lại sách lược của Liên đoàn những người cộng sản.

Ngoài ra, thời C.Mác và Ph.Ăngghen, còn phải đương đầu với nhiều cuộc đấu tranh khác quyết liệt về quan điểm tư tưởng lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học.
Đến thời V.I.Lênin, chủ nghĩa xã hội khoa học cũng liên tiếp bị những quan điểm chống đối tấn công. Quan điểm của những người chống lại quan điểm tư tưởng lý luận của V.I.Lênin là chỉ có vấn đề giai cấp, chứ không thể có vấn đề dân tộc và thuộc địa, trong khi đó, quan điểm của V.I.Lênin là rất rõ ràng: Giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới đoàn kết lại cùng tiến hành cách mạng. Cuộc đấu tranh về quan điểm tư tưởng lý luận thời V.I.Lênin kéo dài nhiều năm, tháng, vật vã để chiến thắng những quan điểm tư tưởng lý luận sai trái. Sau khi V.I.Lênin mất, sự khác nhau về quan điểm tư tưởng lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học vẫn tiếp diễn và cho đến ngày nay vẫn chưa chấm dứt.

Chủ nghĩa Mác ra đời vào những năm 40 thế kỷ XIX, do những nhu cầu của sự phát triển xã hội biểu lộ những mặt hạn chế của chế độ tư bản, của toàn bộ hệ thống bóc lột; sự thức tỉnh của giai cấp công nhân với ý thức chính trị; những phát minh kỳ diệu của khoa học tự nhiên; trình độ nghiên cứu của khoa học xã hội và lịch sử, tất cả những cái đó đặt ra cho tư tưởng xã hội một nhiệm vụ xây dựng một lý luận mới, khoa học. Đó là lý do ra đời của chủ nghĩa Mác. C.Mác và Ph.Ăngghen đã giải quyết nhiệm vụ lịch sử này. Kế tục sự nghiệp lý luận khoa học và cách mạng của C.Mác và Ph.Ăngghen là V.I.Lênin. Các tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin đã hình thành và phát triển trong điều kiện của chủ nghĩa tư bản nắm độc quyền về kinh tế, các phương tiện giáo dục và hoạt động khoa học. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, V.I.Lênin đã bảo vệ chủ nghĩa Mác, ra sức chống trả có hiệu quả sự tấn công trên mặt trận tư tưởng lý luận, khi chủ nghĩa tư bản bước sang chủ nghĩa đế quốc.  Đây cũng là thời điểm hình thành chủ nghĩa xã hội khoa học trên thực tế khi Cách mạng tháng Mười Nga do V.I.Lênin khởi xướng và lãnh đạo thành công vào năm 1917. V.I.Lênin đã tổng kết về mặt lý luận các thành tựu mới nhất của khoa học xã hội, khoa học chính trị và rút ra những kinh nghiệm của các cuộc đấu tranh giai cấp, đã nâng lý luận mácxít lên một trình độ phát triển mới về chất. Những kết quả đã dẫn đến việc hình thành chủ nghĩa Mác – Lênin. Sau khi V.I.Lênin mất, năm 1925, G. Xíttalin công bố khái niệm “chủ nghĩa Mác – Lênin”, từ đấy, thuật ngữ “chủ nghĩa Mác – Lênin” ra đời. Sự hình thành chủ nghĩa Mác – Lênin là bước ngặt cách mạng trong lịch sử tư tưởng xã hội loài người. Đồng thời, chủ nghĩa Mác – Lênin chính là sự tiếp tục và phát triển những thành tựu của tư tưởng xã hội trong các lĩnh vực triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học, làm phong phú các khoa học xã hội khác bằng những tư tưởng mới mang tính phát triển. Về triết học: chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Về kinh tế chính trị học: học thuyết về giá trị thặng dư và bóc lột thặng dư; chế độ sở hữu tư liệu sản xuất; về một nền đại công nghiệp phát triển theo hướng xã hội chủ nghĩa; về mối tương quan giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất; chính sách kinh tế mới.  Về chủ nghĩa xã hội khoa học: sự chuyển biến  từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa xã hội; sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, trở thành hệ tư tưởng của giai cấp công nhân; vấn đề chuyên chính vô sản; đảng chính trị, đảng cộng sản, đảng công nhân; dân chủ xã hội chủ nghĩa; những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa xã hội; cơ cấu xã hội dưới chế độ xã hội chủ nghĩa và phân phối dưới chế độ xã hội chủ nghĩa; chủ nghĩa quốc tế xã hội chủ nghĩa và vấn đề thời đại mới. Mỗi bộ phận cấu thành của chủ nghĩa Mác – Lênin lại chia ra thành nhiều bộ phận hoặc các môn độc lập. Tư tưởng chính có tính chất chỉ đạo đã xuyên qua tất cả các bộ phận cấu thành của chủ nghĩa Mác – Lênin. Chủ nghĩa Mác – Lênin thể hiện tính phê phán, tính sáng tạo, tính phát triển. Với tư cách là học thuyết cách mạng và khoa học, chủ nghĩa  Mác – Lênin đối lập với chủ nghĩa cải lương. Chủ nghĩa Mác – Lênin trưởng thành trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội dưới mọi máu sắc. Chủ nghĩa cơ hội che đậy sự xa rời chủ nghĩa Mác – Lênin bằng việc công nhận nó trên lời nói, bằng những lời kêu gọi “phát triển” nó bằng cách vứt bỏ những nguyên lý chủ yếu của chủ nghĩa Mác – Lênin, viện cớ là đã “lỗi thời, cũ kỹ”.

Chủ nghĩa Mác trải qua một chặng đường phát triển lâu dài hơn một thế kỷ rưỡi. Thời kỳ thứ nhất: đánh dấu sự hình thành và trưởng thành cả giai cấp công nhân ở các nước phát triển, thời kỳ bắt đầu có sự kết hợp chủ nghĩa xã hội khoa học với phong trào công nhân. Thời kỳ thứ hai: lý luận của chủ nghĩa xã hội khoa học được kiểm nghiệm trên thực tế bằng cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga gắn liền với cách mạng giải phóng dân tộc ở nhiều nước và sự ra đời của một loạt nước xã hội chủ nghĩa ở châu Âu, châu Á, châu Mỹ. Thời kỳ thứ ba: Chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và chủ nghĩa xã hội ở các nước châu Âu sụp đổ, những chủ nghĩa xã hội ở một số nước châu Á vẫn đứng vững và phát triển; phong trào cánh tả ở các nước Mỹ la tinh có cảm tỉnh với chủ nghĩa xã hội khoa học bắt đầu trỗi dậy, tuy còn gặp nhiều khó khăn.

Trong điều kiện ngày nay, ở một số nước xã hội chủ nghĩa, việc tiếp tục phát triển sáng tạo lý luận Mác – Lênin cũng như nghiên cứu những vấn đề chính trị - xã hội và lý luận – tư tưởng trong việc quản lý xã hội một cách khoa học, vấn đề lý luận trong công tác tư tưởng có một ý nghĩa đặc biệt. Việc áp dụng lý luận Mác – Lênin trong tình hình hiện nay của mỗi đảng cộng sản và mỗi nước phải trên cơ sở vận dụng sáng tạo và phát triển; lý luận gắn với thực tiễn. Nếu không vận dụng sáng tạo và phát triển, lý luận Mác – Lênin, không két hợp giữa lý luận với thực tiễn, rất khó đứng vững được ở nước đó. Việc làm cho những luận điểm này hay những luận điểm khác phù hợp với những điều kiện đã thay đổi, với những dữ kiện mới nhất mà các khoa học khác đã đạt được, bảo đảm khả năng phát triển hơn nữa lý luận Mác – Lênin và duy trì nó với tư cách là khoa học và cách mạng, nhìn thấy trước được tương lai và tiếp tục mở đường để đi đến đó. Sức mạnh của chủ nghĩa Mác – Lênin là ở chỗ không ngừng phát triển sáng tạo và ở phương pháp tiếp cận nghiên cứu. Lý luận Mác – Lênin đã đem lại cho nhân dân lao động sự giải phóng, từ người làm thuê trở thành người làm chủ đất nước, giúp con người một phương hướng hành động đúng, xây dựng niềm tin về mặt tư tưởng, kiên định về mặt chính trị, tính nguyên tắc, tính nhân đạo, tính khoa học và tính cách mạng sâu sắc.

Chủ nghĩa Mác – Lênin là học thuyết mang tính quốc tế, phạm vi phổ biến lý luận Mác – Lênin là toàn thế giới. Các luận điểm mang ý nghĩa phổ biến, nhưng không thể áp dụng một cách máy móc ở bất kỳ nước nào và trong khi áp dụng lý luận Mác – Lênin phải tính kỹ các đặc điểm lịch sử, dân tộc,…, phải phân tích hoàn cảnh cụ thể trong một nước cụ thể. Lý luận Mác – Lênin không khoan nhượng với bất kỳ chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa cải lương nào.

Lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học:

Lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học xuất phát từ lý luận Mác – Lênin, đã được các nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội bổ sung và được các nhà chính trị, nhà khoa học kế tiếp không ngừng hoàn thiện. Đó là lý luận khẳng định vai trò lịch sử của giai cấp công nhân, giải phóng người lao động thoát khỏi ách áp bức, bóc lột, bất công, giải phóng các dân tộc bị áp bức giành quyền độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc, thực hiện giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người.

Thời ký quá độ lên chủ nghĩa xã hội:

C.Mác, Ph.Ăngghen, V,I,Lênin, Hồ Chí Minh đều khẳng định thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Hồ Chí Minh giải nghĩa “quá độ” là qua đò. Thí dụ, bên này bờ sông là chủ nghĩa tư bản, bên kia bờ sông là chủ nghĩa xã hội, muốn sang bên kia bờ sông, thì phải qua đò, đó là “quá độ”. Đây chính là thời kỳ cải tạo xã hội tư bản chủ nghĩa thành xã hội xã hội chủ nghĩa bằng cách mạng và khoa học và thực hiện chuyên chính vô sản. Các nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học thực hiện chuyên chính vô sản trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, vì sau khi cách mạng giành được chính quyền về tay nhân dân, nhà nước xã hội chủ nghĩa cũng không thể đem áp dụng ngay chủ nghĩa xã hội được, cho nên phải có quá độ thực hiện chuyên chính vô sản. V.I.Lênin viết: “Mục đích đó, người ta không thể đạt ngay tức khắc được; muốn thế cần phải có thời kỳ quá độ khá lâu dài từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, vì cải tổ sản xuất là việc khó khăn, vì cần phải có thời gian mới thực hiện được những thay đổi căn bản trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, vì phải trải qua một cuộc đấu tranh quyết liệt, lâu dài mới có thể thắng được sức mạnh to lớn của thói quen quản lý theo kiểu tiểu tư sản và tư sản. Bởi vậy, C.Mác có nói đến cả một thời kỳ chuyên chính vô sản, thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội”1. Vì theo giải thích của các nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học, thì trong quá triển của lịch sử, chủ nghĩa xã hội trực tiếp kế tiếp chủ nghĩa tư bản, cho nên nó còn mang trên mình các dấu vết của xã hội cũ và còn sử dụng một số hình thái kinh tế - xã hội đã được hình thành trong các giai đoạn trước của quá trình phát triển của xã hội loài người. Dưới chủ nghĩa xã hội, vẫn còn tồn tại các quan hệ hàng hóa, tiền tệ, vẫn còn những sự khác biệt nhất định về mặt xã hội giữa công nhân, nông dân, trí thức, còn trong lĩnh vực chính trị, nhà nước vẫn được duy trì.

Chuyên chính vô sản:

Khi tôi viết những dòng này, có người bảo tôi: “Bây giờ mà còn nhắc đến chuyên chính vô sản, thật quá lạc hậu”. Tôi nói: “Tại sao lại không nhắc đến một vấn đề quan trọng, mà C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin, Hồ Chí Minh đã từng nói. Cái gì của lịch sử phải trả lại cho lịch sử. Xin đừng hiểu “chuyên chính vô sản” là “tắm máu”, như các thế lực thù địch đã nêu, mà nó là vấn đề cải tạo xã hội, cải tạo con người, bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Theo C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin, Hồ Chí Minh, chuyên chính vô sản là công cụ chủ yếu để giải quyết những nhiệm vụ của bước quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Cụ thể là xóa bỏ quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa và thay thế bằng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; xóa bỏ các giai cấp bóc lột, nạn người bóc lột người và những nguyên nhân đẻ ra bóc lột; xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội bằng cách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cải tổ về mặt kỹ thuật toàn bộ nền kinh tế quốc dân; xây dựng cơ sở hạ tầng của chủ nghĩa xã hội; cải tạo dần dần nền sản xuất hàng hóa nhỏ thành nền sản xuất lớn; tập thể hóa nông nghiệp; thực hiện cách mạng văn hóa.     

Các giai đoạn của thời kỳ quá độ:

Thời kỳ quá độ của chủ nghĩa xã hội có thể trải qua nhiều giai đoạn, nhiều chặng đường, tùy theo hoàn cảnh của mỗi nước mà ấn định cho phù hợp.

Nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa xã hội là “làm theo năng lực, hưởng theo lao động”, có sức lao động mà lười biếng không làm, thì không được hưởng lợi ích. Nguyên tắc này vạch rõ bản chất, mối quan hệ và phân phối dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Với nguyên tắc này, mọi thành viên trong xã hội đều có nghĩa vụ như nhau là lao động, làm cho tài sản xã hội phong phú thêm và đều được quyền nhận của xã hội sự thù lao với chất lượng lao động đã bỏ ra. Nguyên tắc “làm theo năng lực, hưởng theo lao động” còn là sự giáo dục nghĩa vụ lao động và rèn luyện tính tổ chức và tính kỷ luật, là phương tiện quan trọng để đấu tranh chống tệ ăn bám.

Mâu thuẫn của chủ nghĩa xã hội:

Có người hỏi chủ nghĩa xã hội có mâu thuẫn không? Câu trả lời là có. Nhưng đây là mâu thuẫn không đối kháng.

Đặc điểm của xã hội xã hội chủ nghĩa:

Là phát triển nhanh về kinh tế, chính trị, xã hội, tinh thần, cái quyết định là những quan hệ xã hội, những quan hệ sản xuất mới đang tạo điều kiện phát triển những lực lượng sản xuất hiện đại.
Về mặt xã hội, chủ nghĩa xã hội là xã hội của mối quan hệ các giai cấp: giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động tạo ra các giá trị vật chất trong công nghiệp, nông nghiệp. Số lượng và chất lượng tầng lớp trí thức thường xuyên tăng lên. Thanh niên dưới chủ nghĩa xã hội là lực lượng hùng hậu, xung kích trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Về mặt chính trị, là việc củng cố nhà nước trên mọi phương diện, nhất là lĩnh vực kinh tế của nhà nước. Phát triển dân chủ xã hội chủ nghĩa là yếu tố có tính quyết định thể hiện bản chất của nhà nước xã hội chủ nghĩa. Trình độ văn hóa và chính trị của nhân dân được nâng cao, ý thức tư tưởng và chủ nghĩa yêu nước của nhân dân sẽ làm cho đời sống tinh thần của xã hội thêm lành mạnh. Hoạt động của đảng cộng sản và hệ thống chính trị của chủ nghĩa xã hội là những yếu tố quyết định bảo đảm xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công.

Về mặt vật chất, chủ nghĩa xã hội bảo đảm cho mỗi người dân có nhà ở, cơm no, áo đẹp, học tập, đi lại thuận tiện, vui chơi giải trí, có chế độ bảo hiểm xã hội, người già, trẻ em, phụ nữ được chăm sóc chu đáo, mọi người dân đều được điều trị khi ốm đau.

Về mặt tinh thần, chủ nghĩa xã hội tạo ra một quá trình dân chủ hóa nền văn hóa, nâng cao dân trí, dân sinh; truyền thống văn hóa được phát huy, nét đẹp văn hóa được phát triển hài hòa với đời sống xã hội; giáo dục, khoa học, văn học, nghệ thuật phát triển với tinh thần xây dựng một xã hội phát triển toàn diện và đồng thuận.

 Về quan hệ dân tộc dưới chủ nghĩa xã hội là những quan hệ hình thành và phát triển trên cơ sở tình hữu nghị, anh em giữa các dân tộc, sắc tộc trong cộng đồng xã hội; sự hợp tác toàn diện; sự tôn trọng lẫn nhau và giúp nhau phát triển. Các dân tộc sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa bao gồm các giai cấp và tầng lớp nhân dân lao động, có những mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội, sự thống nhất của xã hội về chính trị, tư tưởng, ý thức dân tộc xã hội chủ nghĩa, hành vi xã hội chủ nghĩa, sự kết hợp hài hòa giữa các lợi ích xã hội. Các quan hệ dân tộc được xây dựng trên cơ sở liên kết kinh tế - xã hội. Các quan hệ dân tộc dưới chủ nghĩa xã hội sẽ làm phong phú cho nhau về văn hóa giữa các dân tộc và sắc tộc; phát triển giáo dục tới trình độ cao.

Về chủ nghĩa quốc tế dưới chủ nghĩa xã hội, theo các nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học, đó là chủ nghĩa quốc tế vô sản. Trong quá trình phát triển, học thuyết này được gọi là chủ nghĩa quốc tế xã hội chủ nghĩa; chủ nghĩa quốc tế.

Ngày nay, khi không còn tiếng nói chung của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa và các đảng cộng sản, đảng công nhân, đảng cách mạng, thì lý luận của chủ nghĩa xã hội khoa học được phát triển ở mỗi nước xã hội chủ nghĩa riêng lẻ.

Lý luận mới về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam:

Việt Nam qua 32 năm đổi mới (lấy mốc từ Đại hội VI - 1986-2018)2, lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở thời kỳ quá độ đã đạt những thành quả mới. Lý luận về đổi mới toàn diện ở Việt Nạm bắt đầu từ Đại hội VI của Đảng, họp từ ngày 15 đến ngày 18-12-1986, tại Hà Nội. Nhưng trước đó đã có Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa IV của Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 20-9-1979, thực hiện việc xóa bỏ “ngăn sông cấm chợ”, làm cho sản xuất “bung ra”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, khóa V, ngày 17-6-1985, về giá, lương, tiền; Kết luận của Bộ Chính trị khóa V, họp từ ngày 25-8-1986 đến ngày 1-9-1986, với ba quan điểm: (1) Lấy nông nghiệp làm mặt trận hàng đầu, đồng thời, ra sức phát triển công nghiệp nhẹ, công nghiệp nặng được phát triển có chọn lọc. (2) Trong cải tạo xã hội chủ nghĩa, phải xác định cơ cấu kinh tế nhiều thành phần là đặc trưng của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. (3) Trong quản lý kinh tế, lấy kế hoạch làm trung tâm, nhưng đồng thời phải sử dụng đúng quan hệ hàng hóa – tiền tệ; dứt khoát xóa bỏ tập trung, quan liêu, bao cấp; chính sách giá phải vận dụng quy luật giá trị, tiến tới thực hiện cơ chế một giá3.

Ngoài ba bước đột phá trên đây mà chúng tôi đã nghiên cứu được, trong các nghị quyết Đại hội Đảng và một số nghị quyết Hội nghị Trung ương của Đảng tiếp tục nêu những vấn đề mới có tính lý luận, thể hiện sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời kỳ mới ở Việt Nam.

Đại hội VI của Đảng (1986) đề ra đường lối đổi mới toàn diện, mở ra bước ngoặt lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Ý nghĩa lịch sử và lý luận của Đại hội VI thể hiện ở sự phân tích đúng đắn những nguyên nhân của tình hình khủng hoảng kinh tế - xã hội từ nhiều năm trước đó, để rồi đề ra các định ra các định hướng lớn, từng bước đưa Việt Nam thoát khỏi tình trạng khó khăn và lạc hậu về kinh tế; từng bước giải quyết vấn đề nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và văn hóa của nhân dân.

Lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, thể hiện ở sự phát triển kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; ở việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; ở việc lấy kinh tế làm trung tâm, xây dựng Đảng làm then chốt; ở việc Đảng đã xây dựng một hệ thống lý luận về Đảng và xây dựng Đảng trong thời kỳ mới, trong đó lấy phương hướng phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa làm tiêu chí, vẫn lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng. “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc”4. 

Về ý thức hệ, Việt Nam vẫn kiên trì xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa  trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đại hội VII của Đảng và Cương lĩnh năm 1991 (bổ sung và phát triển năm 2011), khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản”5.

Đó là những vấn đề lý luận cơ bản của Đảng phát triển trong tình hình mới.  
----------  
1. V.I.Lênin: Toàn tập, tiếng Việt, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, tập 38, tr. 464.
2. Cùng ở dạng “đổi mới”, Liên Xô trước đây gọi là “cải tổ”, Trung Quốc gọi là “cải cách mở cửa”, Việt Nam gọi là “đổi mới”.
3. Lúc bấy giờ, cùng một mặt hàng, nhưng giá cả lại khác nhau, cho nên mới có câu :”tiến tới thực hiện cơ chế một giá”.
4. Đẳng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, tr. 130.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII,  tr. 127.