Mới cập nhật

NHỮNG NGHIÊN CỨU MỚI VỀ CON NGƯỜI (BÀI 20): CON NGƯỜI VÀ SỰ HÌNH THÀNH PHƯƠNG THỨC SẢN XUẤT XÃ HỘI CHỦ NGHĨA


PGS,TS Sử học – Cử nhân Ngữ văn Đàm Đức Vượng, Viện trưởng Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực            
 

Phần 2

Phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa

Phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa là lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất vốn có của hình thái xã hội chủ nghĩa. Sự diễn ra trong hình thái này bao gồm cả hai giai đoạn: giai đoạn thấp là chủ nghĩa xã hội, giai đoạn cao là chủ nghĩa cộng sản. Sự phát triển của phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa diễn ra trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Điểm chung của các giai đoạn sản xuất xã hội chủ nghĩa, theo nguyên lý Mác – Lênin, thì trước hết đều dựa trên cơ sở chế độ công hữu về tư liệu sản xuất. Vấn đề này có người hiểu lầm là tất cả của cải, vật chất xã hội là của chung, đều của chung, còn mỗi cá nhân không có gì. Thực ra, tỉnh theo tổng thể của nền kinh tế quốc dân đều là của chung đất nước, còn trong cái chung đó lại có cái riêng của mỗi người (nên hiểu nền kinh tế nhà nước, xét cho cùng, chính là nền kinh tế toàn dân). Dù chung hay riêng, thì tổng sản phẩm xã hội đều được tính là của nhà nước, tức là của toàn dân. Khái niệm nhà nước bao gồm cả “nhà”  và ‘nước”, chứ không chỉ riêng có nước. Việc định ra phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa đều phải phục tùng sự bảo đảm phúc lợi đầy đủ và sự phát triển toàn diện của mỗi thành viên trong xã hội. Người sản xuất trực tiếp sản xuất vừa làm việc cho mình, lại vừa làm việc cho xã hội. Dưới chủ nghĩa xã hội, lao động đã thoát khỏi sự bóc lột, vì cái của mình đóng góp chính là cái của xã hội và được xã hội thu nhận.

Nguyên tắc mọi người được lao động và bình đẳng được xã hội xác nhận. Quan hệ giữa người với người được xây dựng trên cơ sở chủ nghĩa tập thể, sự hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau trên tinh thần đồng đội của các thành viên, bình đẳng và tự do trong xã hội. Chế độ sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất quyết định trình độ mới về chất đối với việc xã hội hóa sản xuất, làm cho sản xuất có tính chất xã hội trực tiếp. Sự phát triển sản xuất trên cơ sở dự đoán khoa học. Bên cạnh các đặc điểm chung, giai đoạn sản xuất xã hội chủ nghĩa còn có đặc điểm riêng quan trọng, thể hiện sự tương đối thấp hơn của sản xuất trong giai đoạn xã hội chủ nghĩa gắn liền với việc chủ nghĩa xã hội ra đời không phải trên cơ sở kinh tế - xã hội của chính bản thân nó và tương ứng với nó, mà nó ra đời từ trong lòng từ chế độ tư bản chủ nghĩa và đến chủ nghĩa xã hội vẫn còn duy trì dấu vết của chủ nghĩa tư bản. Còn khi nào xã hội tiến đến chủ nghĩa cộng sản, thì hình thái đó được phát triển trên cơ sở của chính bản thân nó, và vì thế là giai đoạn trưởng thành cao nhất của sản xuất. Chủ nghĩa xã hội tạo điều kiện cho sự phát triển sản xuất một cách rộng lớn. Tuy nhiên, sự phát triển này vẫn chưa bảo đảm được sự dồi dào về vật phẩm tiêu dùng đến mức cho phép thỏa mãn được nhu cầu của toàn thể các thành viên trong xã hội. Nhiệm vụ này được giải quyết trên cơ sở xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật của chủ nghĩa cộng sản. Sở hữu xã hội về tư liệu sản xuất trong chủ nghĩa xã hội biểu hiện dưới ba hình thức: sở hữu nhà nước (toàn dân) xã hội chủ nghĩa;  sở hữu tập thể (hợp tác xã); sở hữu tư nhân, phù hợp với các hình thức sở hữu đó. Dưới chủ nghĩa xã hội, các hình thức hàng hóa của quan hệ sản xuất đóng vai trò quan trọng.

Chủ nghĩa cộng sản là “làm theo năng lực, hường theo nhu cầu”, chủ nghĩa xã hội là “làm theo năng lực, hưởng theo lao động”. Làm theo năng lực, hưởng theo lao động là nguyên tăc cơ bản của chủ nghĩa xã hội, nó vạch rõ bản chất của chủ nghĩa xã hội, những quan hệ xã hội trong xã hội đó, cũng như những đặc điểm của chế độ phân phối của cải vật chất và tinh thần trong xã hội đó. Theo nguyên tắc này, mọi thành viên trong xã hội đều có nghĩa vụ như nhau là lao động, làm cho tài sản xã hội phong phú thêm và đều được quyền nhận từ xã hội những phương tiện để sống phù hợp với số lượng và chất lượng lao đọng đã hao phí; bảo đảm bằng pháp luật cho mỗi người đều có việc làm.

Mục đích của nền sản xuất xã hội chủ nghĩa là thỏa mãn ngày càng đầy đủ hơn các nhu cầu vật chất và văn hóa của những người lao động. Muốn đạt được mục đích này, ngoài sự quản lý của nhà nước, cũng phải tính đến sự nỗ lực, tính tự giác của mỗi thành viên trong xã hội. Tuy nhiên, nền sản xuất xã hội chủ nghĩa vẫn chưa thể bảo đảm dồi dào các phương tiện sinh sống và cũng chưa thể thỏa mãn đầy đủ mọi nhu cầu của các thành viên trong xã hội. Vì vậy, cần phải kiểm kê và kiểm soát hết sức chặt chẽ mức độ lao động và mức độ tiêu dùng. Dưới chủ nghĩa xã hội, số lượng và chất lượng lao động, mức độ như thế nào, thì mức độ thỏa mãn các nhu cầu cũng như thế ấy. Việc thỏa mãn các nhu cầu của mỗi người lao động tương xứng với mức độ tích cực lao động của họ, với sự đóng góp của họ vào tài sản xã hội; ai làm việc được nhiều hơn và tốt hưn, người đó nhận được nhiều lợi ích hơn.

Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, sự đối lập giữa thành thị và nông thôn, giữa lao động trí óc và lao động chân tay sẽ dần dần được xóa bỏ và sự kết hợp hữu cơ với nhau trong hoạt động của sản xuất và con người được xác lập. Tuy nhiên, giữa chúng vẫn còn có sự khác biệt đáng kể về kinh tế, xã hội. Trình độ của lực lượng sản xuất, tính chất lao động và điều kiện của văn hóa, sinh hoạt, đời sống ở nông thôn sẽ được từng bước nâng lên ngang trình độ ở thành thị; đồng thời, bộ mặt của thành thị cũng thay đổi. Những thay đổi đáng kể cũng sẽ diễn ra trong các quan hệ xã hội khác và trong kiến thức thượng tầng chính trị và tư tưởng; những yếu tố của sự khác biệt về kinh tế, xã hội giữa các thành viên trong xã hội sẽ dần dần biến mất; các quan hệ hài hòa giữa cá nhân và xã hội sẽ được thiết lập trên cơ sở thống nhất giữa lợi ích xã hội, lợi ích tập thể và lợi ích cá nhân. Sự phát triển của chế độ nhà nước xã hội chủ nghĩa dần dần sẽ đưa đến sự biến đổi nó thành tinh thần tự giác của mỗi thành viên trong xã hội. Lúc đó, trình độ sản xuất dần dần được nâng cao. Tuy nhiên, đó không thể là lý do để coi chúng là các phương thức sản xuất riêng, độc lập hay tương đối độc lập. Cơ sở của chủ nghĩa xã hội vẫn là phát triển lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất.

Trong khuôn khổ lịch sử của chủ nghĩa xã hội phát triển, chủ yếu và cơ bản sẽ diễn ra sự thiết lập cơ cấu xã hội không còn giai cấp. Mọi người trong xã hội là bình đẳng, sống chan hòa trong tình cảm xã hội và lý trí xã hội.