Cuộc sống sinh viên: Sinh viên ngày nay mà còn chờ đến tháng bố mẹ gửi tiền lên là kém cỏi!
Việc làm thêm ngoài xã hội rất nhiều, không
hề thiếu cơ hội cho sinh viên được thử sức và kiếm tiền. Nếu
cứ chăm chăm chờ đến tháng để bố mẹ gửi tiền lên thì chẳng
bao giờ lớn nổi đâu sinh viên ơi.
Sinh viên, đầu tháng dư dả, cuối tháng cháy túi vì không
biết chi tiêu hợp lý. Ai cũng chờ bố mẹ gửi tiền lên. Nhưng
sinh viên ơi, đã bao giờ các bạn nghĩ rằng mình nên tự đi làm,
bớt phụ thuộc quá vào bố mẹ đi không? 4.0 rồi,
hàng trăm công việc ngoài xã hội có thể kiếm được tiền. Cứ
tiêu tiền của bố mẹ hoài thì bao giờ mới lớn nổi, như thế có
thấy mình kém cỏi quá không. Những câu chuyện dưới đây phần nào
sẽ giúp bạn ngộ ra điều gì đó.Chuyện của Nghĩa.
Mỗi khi nhắc tới ý chí, nghị lực và tinh thần tự lập, cái tên đầu tiên xuất hiện trong đầu tôi là Bùi Trung Nghĩa (Nghĩa Bùi) - chàng sinh viên năm 4 khoa Tuyên truyền đồng thời là đội trưởng đội Kịch (Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Sinh ra trong gia đình khá giả từng có đến 2 người giúp việc, không ai có thể ngờ Nghĩa bước vào cuộc sống sinh viên với 2 bàn tay trắng.Bố mất, sự nghiệp đổ vỡ, mẹ vào miền Nam, Nghĩa đã phải tự mình kiếm việc làm ngay từ những ngày đầu lên Hà Nội học tập. Nghĩa kể: "Đồng lương đầu tiên mình kiếm được là 50.000 cát-xê vai phụ trong clip hài. Và chỉ vì không có ngoại hình mình nộp 15 bộ hồ sơ xin việc nhưng không chỗ nào nhận. May mắn có người quen giới thiệu cho làm bưng bê ở một khách sạn lớn, mỗi ngày làm 5 tiếng được trả 100.000 VNĐ. Không lâu sau, mình bị lừa vào công ty đa cấp làm khoảng 3-4 tháng rồi nghỉ."
Tưởng chừng như những khó khăn đã dừng lại với Nghĩa. Nhưng cuộc sống vẫn muốn thử thách cậu khi đầu năm hai, chị gái Nghĩa không may qua đời, khó khăn chồng chất khó khăn nhưng bù lại, Nghĩa nhận được sự giúp đỡ của những người bạn Đại học cùng việc có lịch đi diễn kịch và đóng clip đều hàng tháng cũng giúp Nghĩa có thu nhập để tự lo cho bản thân dù không nhiều. Sau đó, trong khoảng 2 tháng hè của năm hai đại học, Nghĩa mạnh dạn mượn xe máy của một người bạn để chạy grab, bằng sự cố gắng chỉ trong vòng 2 tháng Nghĩa đã tích góp được số tiền vừa đủ mua một chiếc xe máy cho riêng mình. "Khi có xe máy, mình có thể tự chủ về thời gian và thuận tiện trong việc đi làm, đi học. Ngày trước khi chưa có xe máy, mình từng phải đi bộ 4-5km từ chỗ làm về vì tiếc tiền xe ôm, xe buýt", Nghĩa tâm sự.
Nghĩa Bùi và những người bạn trong đội Kịch thường đóng kịch và video quảng cáo để kiếm thêm thu nhập
Chuyện của Ánh.
May mắn hơn Nghĩa, Bùi Ngọc Ánh (sinh viên năm ba khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nhận được sự ủng hộ rất lớn về mặt tài chính từ phía gia đình khi đứng trước ngưỡng cửa Đại học.Nhưng mỗi người lại có một nỗi khổ riêng khi bố mẹ Ánh lựa chọn cho con gái theo ngành công an để khoản "đầu ra" dễ dàng trong khi đam mê từ nhỏ của cô gái này là trở thành một MC, một biên tập viên truyền hình.
Ánh quyết tâm theo đuổi đam mê và trở thành thủ khoa chuyên ngành Xuất bản với 24 điểm. Nhưng điều đó dường như là chưa đủ để cô chứng tỏ cho bố mẹ mình thấy niềm say mê với môi trường báo chí. Vì vậy, ngay khi lên Hà Nội, Ánh đã quyết tâm thi đỗ câu lạc bộ người dẫn chương trình của Học viện Báo chí và Tuyên truyền (AMC), nhận làm biên tập, thu âm và làm MC cho những show ca nhạc, chương trình biểu diễn nghệ thuật ở Hà Nội.
Do đặc thù công việc yêu cầu trang phục, trang điểm, đầu tóc rất tỉ mỉ và tốn kém, nhưng sớm ý thức được rằng đó là những khoản tự túc và không nên xin trợ cấp từ bố mẹ, hơn nữa muốn bố mẹ hiểu rằng dù không trở thành 1 chiến sĩ công an thì Ánh vẫn sẽ độc lập được về tài chính.
Ánh cho biết: "Mỗi tháng bố mẹ chu cấp 1 triệu đồng để trả tiền thuê nhà, còn lại về những chi phí khác từ ăn uống, làm đẹp cho đến các quỹ phát sinh trên lớp thì mình đều cố gắng tự lo và xin phép bố mẹ được độc lập các khoản đó. Bố mẹ cũng bảo cho mình thêm để chi tiêu nhưng với những công việc hiện tại, mình hoàn toàn có thể tự lo cho những nhu cầu cần thiết nên không muốn xin thêm. Mình cũng nói rõ những khoản tiền đó bố mẹ có thể dành dụm để lo những việc sau này."
Hiện nay, cả Ngọc Ánh và Nghĩa Bùi đều đã có những thành công nhất định. Với Nghĩa Bùi, dường như những nỗ lực và cố gắng của chàng trai đa tài này được đền đáp xứng đáng khi có được những công việc với mức thu nhập cao.
Ngọc Ánh cũng dần khẳng định mình khi trở thành gương mặt MC triển vọng, xuất hiện ở rất nhiều các chương trình nghệ thuật, chương trình truyền hình và các bản tin dành cho sinh viên. Cả hai tuy hoàn cảnh khác nhau, nhưng lại gặp gỡ ở điểm chung là khả năng tự chủ tài chính, cùng suy nghĩ độc lập tự đứng dậy kiếm việc làm để không phải dựa vào gia đình.
Vẫn biết ở độ tuổi sinh viên, việc nhận được sự chu cấp từ gia đình hoàn toàn là điều chính đáng, nhưng khi tự mình kiếm ra những khoản tiền, dù nhỏ hay lớn, dù ít hay nhiều cũng sẽ giúp chúng ta hiểu ra rằng đồng tiền không dễ dàng kiếm ra như cách mà chúng ta nhận nó từ tay cha mẹ, để có được những khoản tiền dù nhỏ cũng phải chịu những khó khăn, áp lực, từ đó mà chúng ta biết trân quý hơn sức lao động, trân quý những đồng tiền mồ hôi nước mắt của gia đình, và đó cũng chính là học cách trưởng thành. Mỗi người có thể có một cách nhìn nhận cuộc sống riêng, một lựa chọn riêng, một hướng đi riêng nhưng theo tôi, cuộc sống sẽ ý nghĩa hơn rất nhiều lần khi nó được làm chủ bởi chính bạn.
Tiến Minh