Vần đề tài và tật
Báo Kiến thức ngày nay (trong một một số báo điện tử) có đăng bài không ký tên tác giả với nhan đề rất hấp dẫn "20 biểu hiện của nhân tài".
Bài viết thể hiện một sự nghiên cứu công phu sâu sắc, một cái tâm xây dựng, mong muốn đóng góp cho các cấp quản lý có một cái nhìn đúng đắn, đầy đủ hơn đối với người tài và cách xử sự thích hợp, đối với cái tật của họ vì người tài thường có tật.
Song đọc kỹ nội dung bài viết, tôi thấy đây không phải là những biểu hiện của người tài (như bản thân đầu đề nêu lên) và càng không phải là cách của người tài. Trong 20 tính cách (mà tác giả gọi là biểu hiện) thì có đến khoảng một nửa là tật xấu (như vô kỷ luật, khắt khe, thiếu kiên nhăn, lơ đãng, sống cô độc tự do. thích ngược với số đông... còn lại là những tính cách khác (như ghét xu nịnh, ghét bè phái, cầu toàn, ghét gò bó, tự trọng, coi thường kinh nghiệm...). Hoàn toàn không phải đó là biểu hiện của nhân tài. Nói đến biểu hiện của tài năng, người ta thường đề cập đến sự nhạy cảm, nhận thức nhanh, hay có ý mới, suy nghĩ sâu sắc, tư duy độc đáo chứ chẳng ai nói đến nội dung trên. Chắc tác giả dùng từ nhầm lẫn, hoặc muốn nói đến một nhận xét của tác giả là người tài thường hay có những tính cách đó. Nhận xét này có thể đúng ở một số trường hợp nào đó nhưng lại không đúng ở nhiều trường hợp khác.
Điều tôi muốn trao đổi chính ở đây là vấn đề tật của người tài mà tác giả nêu lên như một định mệnh, như một cấu trúc liên kết tự nhiên, có tính tất yếu.
Có phải tài bao giờ cũng đi liền với tật? Có phải thiếu tật thì không thể thành tài?
Tôi có thể nói ngày hoàn toàn không phải thế. Ai khái quát thực tế lên như vậy là sai hoặc chỉ đúng ở một vài trường hợp cá biệt nào đó.
Trên đời này, có không ít những tài năng đức độ vẹn toàn. Càng có tài con người càng nhận thức, một cách sáng sủa, đúng đắn những vấn đề trong các mối quan hệ, trong cách ứng xử trước mọi tình huống phức tạp, trong việc trau dồi nhân cách. Những người xuất chúng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng... những tri thức lớn như: Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Minh Giám, Phan Anh, Nguyễn Xiển... những tài năng chuyên ngành danh tiếng như: Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ, Lương Định Của. Nguyễn Cảnh Toàn, Hoàng Tụy, Nguyễn Văn Hiệu, Võ Tuyên Hoàng... với phẩm chất toàn diện của mình, họ đã chứng minh rõ ràng tài cao phải đi đôi với đức trọng.
Trong cuộc sống thường nhật ta cũng đã từng thấy có những người tài rất dễ thương, dễ mến chứ không phải người tài nào cũng có nhiều đức tính dễ ghét. Quan niệm tài phải đi liền với tật là một định kiến, là một nhận định khập khiễng, là sự khái quát từ một tỷ lệ thực tế không nhiều.
Tài là biểu hiện nổi trội của năng lực, là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố ưu việt mà chủ yếu là gen giòng giống, ý chí rèn luyện và môi trường giáo dục sinh hoạt thuận lợi. Tài năng rất cần yếu tố thiên bẩm tốt, càng rất cần sự nỗ lực bản thân, sự tác động giáo dục hiệu lực, môi trướng sống và công tác thích hợp.
Tài năng không bắt nguồn từ những tính cách xấu. Không phải ai kiêu căng, khinh người là có tài, không phải ai có tài là tất yếu trở thành kẻ vô kỷ luật, kẻ lập dị. Tài và tật là hai phẩm chất không có cấu trúc liên kết tất yếu. Dĩ nhiên, tôi không hề phủ nhận, có một tỷ lệ nào đó người có tật kèm theo hoặc tài với tật kết với nhau. Đó là theo sự phát triển đa dạng của người tài. Có người thấy mình có tài càng muốn học tập vươn lên thêm. Song cũng có người thấy mình tài lại sinh ra thỏa mãn, chơi bời tắc trách. Những người tài thuộc loại 2 thường có 4 cái tật phổ biến:
1. Tự do, phớt nguyên tắc, thậm chí vô kỷ luậtNhững tật này nhiều lúc hạn chế khá nhiều tác dụng và sự phát triển tài năng của người tài, đó là không nói đến trường hợp do có tật mà “tài đi liền với tai một vần".
2. Kiêu căng, chủ quan, coi thường mọi người, nhất là cán bộ quản lý kém tài.
3. Thẳng thắn quá mức, thậm chí thô bạo, cực đoan.
4. Thiếu kiên nhẫn, lơ đãng, trốn tránh nhiệm vụ.
Người tài mà có tật phải luôn luôn ý thức rằng những tật đó là cái xấu, là mặt đen tối trong phẩm chất của mình, cần phải được sửa chữa, cần phải được xóa bỏ. Đừng bao giờ coi đó là đặc tính tự nhiên của người tài, đừng yêu cầu mọi người phải chấp nhận những tật xấu đó của mình thì mình mới phát huy cái tài. Người tài mà càng khiêm tốn, càng tử tế, càng được mọi người kính nể, ngưỡng mộ, ảnh hưởng càng lớn, tên tuổi càng vang xa.
Những cán bộ quản lý cần tinh tế, bao dung và tế nhị trong việc đối xử với những tật xấu của người tài để thực sự giúp họ rèn luyện có hiệu quả đạo đức mà tài năng không bị thui chột. Thành kiến, vô hiệu hóa. thậm chí truy trù, diệt những người có tài có tật là phũ phàng, là có tội với lịch sử, với đất nước. Phải nhìn con người trong trạng thái động, trong sự tiến hóa của xã hội, cho rằng người tài mà có tật là vứt đi, không làm nên cơm cháo gì cũng là một quan niệm phiến diện, lệch lạc, không hợp với tính chất của thời đại.
Song không phải ai có tật đều có tài. Tật không phải là dấu hiệu của tài. Tật vẫn là tật. Tật không phải do tài tạo ra. Trên thực tế, những người lắm tật mà không có tài vẫn nhiều. Thậm chí những người lắm tật thường bị hạn chế rất nhiều kết quả trong học tập trau dồi tài năng.
Rõ ràng phải phân biệt tinh tế giữa tài và tật, phải hiểu đầy đủ nội hàm độc lập của nó và mối quan hệ giữa chúng với nhau. Điều kỳ diệu của người lãnh đạo, của cộng đồng là sử dụng được, phát huy được tài mà không khuyến khích tật, hạn chế tật, xóa bỏ tật mà không bóp chết tài.
Trường Giang (Tạp chí Trí tuệ)