Mới cập nhật

Câu chuyện giáo dục: Dạy cho con tiếng nói thật thà

Trẻ con đang nói dối ngày một nhiều?

Trong các cuộc hội họp chính thức hay khi trà dư tửu hậu, chúng ta vẫn thường nghe nhiều lời than phiền về tình trạng nói dối trong trẻ em hiện nay. Câu thành ngữ "Đi hỏi già về nhà hỏi trẻ" liệu có còn giá trị? Thế nên khi nghe than phiền về việc trẻ nói dối, chúng ta không thể không tìm hiểu nguồn cơn và hiện trạng ra sao. 

Sufring trên mạng, chúng ta đọc tin về Hội thảo "Thực trạng văn hóa học đường và nhu cầu giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trung học" tổ chức cách đây 3 năm vào tháng 9, GS-TS KH Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học lý luận và ứng dụng (Đại học Quốc gia TP.HCM) đã đưa ra một kết quả điều tra: Tỷ lệ nói dối cha mẹ ở học sinh cấp tiểu học là 22%, cấp THCS là 50%, cấp THPT là 64%, sinh viên là 80%(!). Có người còn lý luận nếu theo tỷ lệ tăng dần đều như thế thì "sau đại học" chắc là 100%? Phân tích các con số trên, có người hoài nghi tính chính xác vì chỉ ở cấp I, lứa tuổi từ 6-10, đã có hơn 20% số trẻ nói dối cha mẹ. Nghĩa là cứ năm (5) trẻ thì có một trẻ nói dối (?). Nhưng tại sao càng lớn lên càng có khuynh hướng nói dối nhiều hơn?


Minh họa: Nụ cười hồn nhiên, trong sáng trẻ thơ. Nguồn: Internet
.
Vì người lớn cũng nói dối

Trao đổi với trang mạng "Người Đưa Tin" về vấn đề này, GS. TS. Nguyễn Ngọc Phú, Phó chủ nhiệm kiêm Tổng thư ký, hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam cho biết: "Rõ ràng học sinh nói dối ngày càng nhiều so với trước đây. Bản thân trẻ em là tấm gương phản ánh xã hội. Nếu ở trong môi trường mà hàng ngày các em thấy cha mẹ nói dối, thầy cô nói dối thì trẻ em tự nhiên mà nhiễm thói nói dối. 

Chỉ đơn cử như việc nghe cha mẹ nói chuyện trong bữa ăn, ông bố nói với người mẹ rằng: "Hôm nay anh phải kê vượt số liệu thì mới kiếm được tí chút" và nhận được sự đồng tình của người mẹ thì trẻ sẽ hiểu rằng nói dối có lợi. Người lớn nói dối khắp nơi, trong mọi ngành nghề. Ông Phú phân tích: "Nguyên nhân sâu xa của hành vi này là do cơ chế buộc người ta phải nói dối. Ví dụ đơn giản nhất là các văn bản thanh toán về tài chính, theo quy định thì các đại biểu đến họp được 70.000 đồng thôi. Nhưng hiện nay ở nhiều nơi người ta vẫn "tạo điều kiện" để đại biểu được nhận 100.000 đồng bằng cách khai khống số lượng người tham gia hoặc chỉ họp một buổi nhưng lại ghi thành hai. Như vậy thì chính cơ quan Nhà nước cũng nói dối thì còn nói được ai? Nói cách khác thì xã hội hiện nay rất nhiều việc buộc người ta phải nói dối và người ta chấp nhận việc nói dối đó là hợp pháp vì các chế độ không đáp ứng được tình hình thực tế hiện nay.

Nhưng có đúng như ông nói là người lớn nói dối vì cơ chế trói buộc không? Hay là do cả xã hội dung túng thói dối trá từ lời ăn tiếng nói cho đến hành động thực tế. Từ việc nhỏ là báo cáo việc làm hàng ngày cho đến những bản tổng kết tô hồng số liệu, những dự án với số liệu "vẽ", kê khống lên để ăn chặn, ăn bớt. Từ lời nói đến hành động, người lớn đều đang có những tấm gương "phản diện": Vụ tuồn đề thi trong kỳ thi tuyển công chức tại Mỏ Cày bắc, Bến Tre đang gây xôn xao khi lộ việc đề thi tuồn ra ngoài bằng USB. Việc này xảy ra cách đây hai năm. Lý giải vì sao đến nay sự vụ mới được tiến hành xác minh, một quan chức cho hay vì vấn đề phức tạp, cần phải làm đúng theo quy trình thẩm tra xác minh nên có hơi chậm so với yêu cầu của người tố cáo. (Theo đơn tố cáo, giá của đề thi đáp án là 25 triệu). Nguyên nhân là vì có người thiếu sòng phẳng, thi đậu xong không trả tiền!

Trong công sở hay những buổi họp nhân dân, chúng ta chứng kiến hay nghe bên tai hàng ngày bao nhiêu lời nói dối từ những bản tổng kết, những hứa hẹn của các quan chức, nào là tăng phúc lợi xã hội, giảm giá xăng dầu, điện nước cho đến chống ngập, chống kẹt xe... Rồi trong đời sống chúng ta nghe nhìn những quảng cáo bán hàng trên mạng, trên TV, đầu đường góc phố... Lời nói nào cũng tốt cũng hay nhưng thực tế thì... Đấy có phải là phương tiện hay mục đích của kinh doanh và chính trị? Chính trị có đồng nghĩa với "nói dối" không? Có lần trên báo này chúng tôi đã đề cập đến mục đích của chính trị. Căn bản trong học thuyết Khổng Tử thời phong kiến là người lãnh đạo hay "quân tử" khi cầm quyền phải có kỷ luật, nên cai trị người dân của mình bằng chính tấm gương của mình, và nên đối xử với họ bằng tình thương và sự quan tâm. Niềm tin chính trị của ông gắn chặt với luận thường đạo lý và đạo dức cá nhân. Mà ngôn ngữ của quân tử là "Nhất ngôn ký xuất, từ mã nan truy". Hứa thì phải làm! Thậm chí đến Machiavelli - người chủ trương cai trị bằng thủ đoạn qua tác phẩm "Prince" (Quân vương), người cho rằng quân vương nào muốn thành công thì phải học được cách cất lòng tốt sang một bên, có vận dụng hay không tùy thời thế, cũng phải nhấn mạnh rằng điều quan trọng nhất đối với quân vương là cần tránh bị khinh miệt và thù ghét. Dù thuật ngữ "machiavelli" luôn được hiểu là lãnh đạo "quỷ quyệt", mị dân, toàn trị... chúng ta nên nhớ một quan điểm đáng lưu ý của "lòng dân". Bao nhiêu nhà lãnh đạo thế hệ trước đây đều nhấn mạnh tới việc thực hiện những điều đã hứa với dân, tránh hứa hão, hứa cho sướng miệng rồi chẳng làm được gì!

Khi truyền thông trở thành công cụ hai mặt

Ngày nay, việc nói dối, tung tin bịa đặt lại có nguy cơ lan rộng nhanh vì công nghệ internet. Những trang mạng xã hội đang trở thành một thứ công cụ hai mặt: cả tích cực và tiêu cực, phần tiêu cực không phải là ít, mà rất đáng kể. Mặt tích cực là khi người ta có không gian "mạng" để tự do ngôn luận, người ta mau mắn chia sẻ ý tưởng, thúc đẩy thông tin lan nhanh và trên diện rộng, khích lệ đổi mới, sáng tạo trong nhiều lãnh vực. Theo tổng thống Obama "Facebook hay các công ty công nghệ lớn đã hình thành như vậy. Khi có tự do báo chí, nhà báo và blogger đưa ra ánh sáng những bất công, sai phạm, quan chức sẽ bị giám sát và xã hội sẽ có niềm tin vào hệ thống chính trị".

Nhưng ở khía cạnh tiêu cực, người ta dễ dàng bêu riếu kẻ khác, phỉ báng, vu khống kẻ khác vì tư thù. Cư dân mạng tin và truyền đi một câu chuyện thương tâm, ngang trái nào đó được bịa đặt "post" lên facebook để câu "like". Chưa kể ngôn ngữ hôm nay thường đi kèm hình ảnh nên hiệu ứng xã hội rất dễ lan tỏa, tác động lớn. 

Có bậc thức giả đã nhận định: "Ngôn ngữ và hình ảnh như vậy có thể nó là những chất liệu truyền thông chính trong xã hội loài người. Vì là nguồn hướng dẫn và tạo dựng nhân cách cho con người, truyền thông có thể xây dựng một xã hội, một đất nước trở nên tốt đẹp, nó cũng có thể phá hoại, làm tan rã một đất nước, một xã hội, một cộng đồng... Và cái thế giới truyền thông này cũng đang trong vòng những cuộc chiến bất phân thắng bại với nhau. Họ đem ra những vũ khí, những kỹ thuật tối tân nhất, những chiến thuật, chiến lược tinh vi nhất để tham dự vào cuộc chiến đó, cuộc chiến tranh thủ độc giả, khán giả, đồng thời cũng là cuộc chiến chiếm lĩnh và ngự trị tâm hồn và trí óc của con người trong xã hội.
Với sự phát triển của internet và phương tiện di chuyển nhanh chóng, có thể nói chúng ta đang ở trong một cuộc chiến tranh toàn thế giới trên mặt trận phức tạp hơn vũ khí súng đạn nhiều. Cuộc chiến này không chỉ để đánh bại đối thủ, mà còn làm tê liệt tính độc lập, tự chủ của cá nhân hay tập thể trong xã hội. (Thị Giới - Một đường lối truyền thông đặt nền tảng trên trung đạo - Văn hóa Phật giáo số 200)

Ý thức sức mạnh của truyền thông, chúng ta phải làm thế nào để tránh được những tiêu cực do tâm tham lam và thù hận của con người gây ra, làm ô nhiễm đời sống chúng ta với những xúc thực, đoản thực độc hại... Có nhà xã hội học còn quy trách nhiệm của những hành vi tội ác do nhiễm từ phim ảnh, games, video clips trên mạng xã hội?

Sự việc trầm trọng đến mức theo nguồn tin trên báo Tuổi Trẻ Cuối tuần - 12/6/2016 - tuần trước, Ủy ban châu Âu (EC) vừa ký thỏa thuận với các công ty công nghệ lớn nhằm ngăn chặn sự lan rộng của những phát ngôn có tính chất khêu gợi sự thù hận (hate speech) đang ngày càng nhiều trên mạng (tiếc là chỉ mạng ở châu Âu thôi!) Vẽra Jourová - cao ủy Liên minh châu Âu (EU) về sự công bằng, người tiêu dùng và bình đẳng giới - bình luận: "Không may mạng xã hội lại là một trong những công cụ mà các nhóm khủng bố sử dụng để cực đoan hóa các thanh niên và sử dụng (thái độ) phân biệt chủng tộc để truyền bá bạo lực và sự thù ghét... Thỏa thuận này là một bước quan trọng để đảm bảo rằng Internet vẫn là nơi tự do và thể hiện dân chủ, nơi mà các giá trị và luật pháp châu Âu được công nhận". Các công ty cam kết sẽ xem xét phần lớn các thông báo tin mới để xóa những nội dung phát ngôn thù hận "trong vòng 24 tiếng, và nếu cần sẽ gỡ hoặc không cho phép truy cập tài khoản nữa".

Trong đó vô số nội dung, hình ảnh, bình luận, video chứa đầy những phát ngôn khơi gợi thù hận... nhằm đe dọa, quấy rối (thường nhắm vào những người thuộc nhóm thiểu số), chiêu mộ và khuyến khích những người có thái độ căm ghét tương tự, thậm chí xúi giục tấn công người khác ngoài đời thực. Sự thù hận trên mạng còn hơn cả "ô nhiễm", nó ảnh hưởng tới con người rất nghiêm trọng". Chúng ta hình dung hậu quả ra sao với Facebook, mạng xã hội lớn nhất thế giới với 1,6 tỷ người dung, nếu những phát ngôn thù hận gieo rắc trên mạng được quần chúng tán đồng! Thế nên những nhà quản lý Facebook tuyên bố sẽ dành ngân sách 1 triệu USD để chặn phát ngôn thù hận thông qua Online Civil Courage Initiative (Sáng kiến khuyến khích sự dũng cảm của người dân trên mạng), nhằm ngăn chặn và đẩy lùi những phát ngôn thù hận và chủ nghĩa cực đoan trên Internet ở châu Âu.
Còn tại Việt Nam "Chúng ta cần nuôi dưỡng và thúc đẩy một môi trường mà ai cũng có thể thể hiện ý kiến của họ mà không bị những phát ngôn thù hận tấn công" (Hạnh Nguyên, Trường Sơn - Để không còn chỗ cho thù hận, Tuổi Trẻ chủ nhật).

Nhiều nước đã có luật cấm các hình thức phát ngôn khiêu khích, bôi nhọ, kích động bạo lực... dù "hate speech" có thể hiểu một cách tổng quát rằng đó là những phát ngôn chống lại người khác, đặc biệt vì nguồn gốc chủng tộc, tôn giáo, giới tính, xu hướng tình dục, khiếm khuyết cơ thể, nguồn gốc quốc gia hay tình trạng di cư... (theo định nghĩa của Facebook). Còn tại Việt Nam, điều 122 bộ luật Hình sự cũng quy định về: "Tội vu khống" - xin trích một đoạn: Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai (02) năm hoặc phạt tù từ ba (03) tháng đến hai (02) năm..." (và tăng nặng nếu vi phạm nghiêm trọng hơn).

Trong nhiều trường hợp, lằn ranh giữa có tội và vô tội là khá mong manh. Các mạng xã hội đều có muốn nhanh chóng gỡ bỏ những nội dung kích động hận thù quá rõ ràng, nhưng thực tế đặt ra nhiều vấn đề không dễ xử lý, như một số nội dung có thể mang ý xúc phạm nhưng lại dưới hình thức châm biếm thiếu thẩm mỹ, nếu phạt thì lại có nguy cơ xâm phạm quyền tự do ngôn luận (?).

Phải xây dựng chánh ngữ

Chánh ngữ theo Tương Ứng Bộ Kinh định nghĩa "... là từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm". Như vậy, không chỉ nói điều không thực, mà nói những lời hại người, khích động thù hận cũng phải lên án và cần ngăn ngừa hành vi ấy!
Đây là giới luật mà Phật tử phải thực hiện "Điều Giới Tránh Xa Sự Nói Dối. Người phạm điều giới nói dối nếu có 4 chi pháp sau: 1- Điều không thật, vật không có (atthavatthu). 2- Tâm nghĩ lừa dối (visamvãdanacittatã). 3- Cố gắng lừa dối bằng lời nói hoặc bằng thân cử động theo tâm nghĩ lừa dối của mình (payoga). 4- Người nghe tin theo sự lừa dối ấy (tadattha vijãnanam).

Chúng ta khắc ghi những lời dặn dò của Đức Phật cho các đệ tử:
"Người tu hành chỉ nói những lời hòa giải để giảng hòa những người hiềm khích lẫn nhau và kết chặt thêm sự hòa đồng. Người tu hành yêu chuộng sự hài hòa, tìm thấy vui thích trong sự hài hòa, niềm hân hoan trong sự hài hòa. Từ bỏ những lời thô bao, người tu hành không nói lên những lời thô bạo. Người tu hành chỉ thốt ra những lời nói không sao chê trách được, êm ái, trìu mến, đi thẳng vào trái tim, nhã nhặn và tử tế đối với thật nhiều người, làm cho thật nhiều người ưa thích. Từ bỏ những lời nói phù phiếm, người tu hành không nói những lời phù phiếm, chỉ thốt lên những lời nói đúng lúc, trung thực, có ý nghĩa, phù hợp với Đạo pháp và giới luật, xứng đáng để lưu lại, hợp lẽ, thích nghi với mục đích tối hậu và bổ ích".
(trích trong kinh Maha-Tanhasankhaya-Sutta, bản dịch Pháp ngữ của Moohan Wijayaratna, trong quyển La Philosophie du Bouddha, Ed. De la Sagesse, 1995, trang 69).
Là cư sĩ và nhất là tu sĩ luôn phải khắc ghi lời dạy ấy. Đó đây chúng ta vẫn nghe có vị cư sĩ và nghiêm trọng hơn có cả tu sĩ trong khi thuyết pháp, tự ý "vận dụng pháp", giảng theo biên kiến hay tâm tư chủ quan của mình, đôi lúc còn sân hận, khiến tín đồ không hiểu đúng về Phập pháp.

Lời nói hay ngôn từ là trung gian giữa tâm thức (tác ý) và thân xác... Chúng ta đang đối mặt với một thế giới tràn ngập bởi các phương tiện truyền thông khiến chúng ta có khi không kịp suy nghĩ vì khối lượng thông tin nhận vào quá lớn. Thế nên, chúng ta cần những nguồn truyền thông tích cực. "Và với Phật giáo, truyền thông tích cực không nằm ngoài con đường Bát chánh đạo hay Trung đạo. Và văn hóa Phật giáo không gì khác hơn là sự áp dụng con đường Trung đạo đó trong mọi sinh hoạt của đời sống cá nhân và xã hội. Có thể nói văn hóa Phật giáo là tất cả những phương tiện, những hình thái sinh hoạt của đời sống đưa đến chỗ bớt tham, bớt sân, bớt si cho cá nhân và tập thể". (Thị Giới - bđd).

Minh họa: Nụ cười hồn nhiên, trong sáng trẻ thơ. Nguồn: Internet
.
Chúng ta phải giáo dục con trẻ và tự mình, những người trưởng thành từ nhân dân cho đến quan chức tu tập tính trung thực trong hành động và lời nói, song song rèn luyện tâm thức với tình yêu thương và lòng khoan dung để tránh nói điều xấu, ác, gây hiềm khích trong các mối quan hệ xã hội. Vì bát chánh đạo, trong đó có Chánh ngữ, là cửa ngõ mở ra con đường xây dựng những cộng đồng lành mạnh, hạnh phúc, hướng đến một đời sống văn minh. Nó vừa là phương tiện, mà cũng vừa là cứu cánh. Chúng ta hiểu ý nghĩa của tương tức, tương sinh, tương dung giữa con người với con người và với môi trường xung quanh. Một người nói dối sẽ tác động dây chuyền đến người khác và cứ thế nếu không ngăn chặn, chúng ta sẽ "vong thân" với chính mình vì cá nhân ảnh hiện trong cộng đồng và ngược lại. Chúng ta hiểu để có Chánh ngữ, chúng ta phải có Chính kiến để nhận định trung thực về thế giới chung quanh, bên cạnh Chánh tư duy và Chánh định tạo sức mạnh nội tâm khiến ta kiên trì với quan điểm của mình.

Đã có thời chúng ta lên án lối sống tha hóa theo những giá trị ảo hay giả dối mà Jean Paul Sartre gọi là "ngụy tín" (mauvais foi). Người ta không dám nói thật điều mình nghĩ, hay nghĩ thật về việc mình làm. Văn Cao có lần bộc bạch:

"Buổi sáng nay cả phố phường như mở hội
Mọi con người đeo mặt nạ đi chơi
Những bước chân nhảy múa
Vui lên cành non
...
Những mặt nạ gặp nhau chào hỏi
Những em bé búp-bê mùa xuân"
(Năm buổi sáng không có trong sự thật)

Vậy đó, đã đến lúc đi đến nơi làm việc và về nhà với cùng một khuôn mặt. Khuôn mặt ấy vui buồn hiện ra như lời nói - không che dấu, khuất tất và trung thực. Phải đi lại từ đầu, như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có lần đã viết: "Dạy cho con tiếng nói thật thà, con chớ quên màu da, nước Việt xưa...". Vâng, "Gia tài của Mẹ" sẽ là một nước Việt buồn nếu có những đứa con thiếu thật thà. Hãy vì một nước Việt ngày mai hạnh phúc và trung thực!

Nguyên Cẩn