Hai lý do khiến Việt Nam thiếu nhân lực cao cấp
Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Hai lý do khiến Việt Nam thiếu nhân lực cao cấp
Theo LEADER: Chuyện
nguồn lực nhân sự cao cấp tại Việt Nam vừa yếu vừa mỏng là do trách
nhiệm của cả hai phía, công ty - cơ quan và người lao động.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.
Theo
thống kê của Bộ Giáo dục và đào tạo, có khoảng 130.000 công dân Việt
Nam đang học tập tại nước ngoài năm 2016, đất nước được du học sinh Việt Nam yêu thích nhất chính là Nhật Bản, sau đó là Úc, đến Mỹ cùng Trung Quốc, đứng cuối top 5 là Vương Quốc Anh.
Tuy
nhiên, một thực tế khá buồn là rất nhiều du học sinh sau khi học xong
đã ở lại các nước để làm việc vì nhiều lý do. Vấn đề này cũng đã được
tranh luận rất nhiều trên truyền thông trong nhiều năm qua.
Chia sẻ với TheLEADER, bà Tôn Nữ Thị Ninh,
nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho biết, mặc dù
lượng du học sinh trở về nước đã cải thiện trong vài năm gần đây nhưng
vẫn còn rất ít. Nếu giải quyết được vấn đề đó, nhân sự cao cấp của chúng ta sẽ không vừa thiếu vừa yếu như hiện tại.
Theo quan sát của bà, trong vài năm gần đây, lượng du học sinh hồi hương có tăng lên không?
Bà Tôn Nữ Thị Ninh:
Tôi đã thấy lác đác du học sinh trở về nước làm việc. Tôi không có
những con số thống kê chính thức nên không biết lượng du học sinh trở về
có tăng hơn năm trước hay không, nhưng tôi cảm thấy vui mừng, vì có vài
người xung quanh mình đã không ở lại.
Oxford là
một đại học danh giá nhưng cô thư ký cũ của tôi, sau khi học xong và
làm việc ở đó 1 năm đã quyết định trở về. Cô ấy về mở công ty riêng. Tôi
nghĩ rằng, các du học sinh sẵn sàng mang những kiến thức mình đã học ở
trời Tây về nước để vận dụng.
Ngoài ra, theo tôi, trừ khi là du học sinh
đó quá giỏi hoặc rất năng nổ, mới dễ dàng ở lại nước ngoài, còn nếu
không, thì không dễ. Nên nếu Việt Nam mình tạo điều kiện để họ vận dụng
cái đã học hoặc có cơ hội thể hiện năng lực, thì tôi tin không ít người
sẽ về.
Nếu các du học sinh hướng đến nhà nước
thì không nói, nếu hướng đến khu vực tư nhân rất dễ. Chúng ta hãy tự tạo
cơ hội cho bản thân, nếu không đủ nguồn lực, có thể hùn hạp với nhiều
người.
Một nhân tố quan trọng nữa là gia đình.
Đôi khi, chính gia đình cũng muốn con em ở lại. Cha mẹ nghĩ: "Sống ở Tây
tiện nghi hơn, nhiều tiền hơn, nên con cái hãy ở lại". Nếu chỉ tính 2
điều kể trên, Việt Nam mình thua chắc, không thể bàn cãi gì nữa.
Còn
nếu lấy 1 vài tiêu chí khác như gần đại gia đình, chăm lo cho cha mẹ,
đóng góp cho xã hội – cộng đồng Việt Nam... thì sẽ khác. Đất nước này
rất cần nhiều người trẻ có chí và có tâm.
Có
phải, việc các du học sinh không chịu về nước cũng là một trong những
nguyên nhân khiến Việt Nam chúng ta rất thiếu nhân sự cao cấp giỏi?
Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Chính
xác. Việc chúng ta thiếu trầm trọng nhân sự cao cấp là do 2 nguyên
nhân: Thứ nhất, nhiều bạn trẻ giỏi giang vẫn đang vùng vẫy ở trời Tây,
không chịu về nước.
Thứ hai là các công ty ở Việt Nam không chịu đào tạo người thay thế, không chịu quy hoạch nguồn nhân lực. Rất ít công ty chịu phát hiện các nhân sự cấp dưới có tài năng và lòng trung thành để đào tạo lực lượng kế thừa, thay thế.
Cách
đây chưa lâu, có một giám đốc công ty lớn mời tôi tới nói chuyện, giám
đốc đó phàn nàn, nhiều bạn trẻ bây giờ nhảy việc liên tục. Tôi mới
khuyên các bạn trẻ ở đó, ví dụ như các bạn trưởng hay phó phòng: Các bạn
nên hướng tới một sự nghiệp thay vì một công việc.
Các
bạn cần 1 công việc, thêm quyền lợi, mỗi lần nhảy việc thêm vài trăm
đô, nhiều công việc nhỏ không thể tạo nên một sự nghiệp. Ngồi mãi một
chỗ không tốt, nhưng nếu thay đổi liên tục 6 tháng/1 lần, thì chẳng ai
dám tin bạn.
Thế nên, chuyện nguồn lực nhân sự cao cấp tại Việt Nam vừa yếu vừa mỏng là do trách nhiệm của cả hai phía, công ty và cả người lao động.
Theo bà, việc Đại học Fulbright (Mỹ) khai giảng trong năm nay có khiến thực trạng đó không còn nữa trong tương lai?
Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Theo
tôi, không hẳn như vậy. Đại học quốc tế thì có từ lâu rồi ví dụ như
trường RMIT đã có từ lâu. Nhưng có thể vì nó đến từ Úc, thương hiệu về
các ngành quản lý không nổi tiếng bằng Mỹ hoặc vì chưa thuộc top đại học
hàng đầu ở Úc.
Nghe đâu, những người học RMIT
ra cũng dễ xin việc, nhưng có lên thành lãnh đạo cao cấp hay không thì
tôi không biết. Có thể, do Fulbright đến từ Mỹ, nên người ta gửi gắm
nhiều hy vọng vào nó. Tuy nhiên, theo tôi, phải sau 1 khóa đào tạo,
chúng ta mới có thể kết luận chất lượng của nó như thế nào. Bây giờ kết
luận gì cũng là võ đoán!
Bà nghĩ gì về việc nhiều người giỏi, nhất là các du học sinh, không thích làm việc ở khu vực công?
Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Nhiều
du học sinh không muốn làm việc cho bộ máy nhà nước, vì không thích sự
quan liêu hay nghĩ phải chạy tiền. Nhưng theo tôi, không hẳn là như thế.
Có thể, một số chỗ vào và làm sếp ngay thì không dễ, nhưng những chỗ đi
lên từ từ thì không phải hoàn toàn không có cơ hội.
Tôi
đã từng phát biểu rồi, về mặt nhân lực, sự hài hòa giữa công và tư là
rất cần thiết cho sự phát triển lành mạnh của đất nước.
Nhân tài đổ qua khu vực tư nhân thì
cũng tốt, nhưng nếu đổ quá nhiều đến mức mỏng bên khu vực công, đất
nước sẽ gặp nguy hiểm. Hoặc ngược lại, nếu khu vực công sáng giá bởi có
nhiều nhân tài nhưng khu vực tư mờ mờ thì đất nước sẽ đi về đâu?
Khu
vực tư cũng cần bộ máy nhà nước, không thể tự hoạt động được. Khu vực
tư muốn phát huy hết khả năng của mình, cần một khu vực công mạnh, giỏi
và sạch.
Thế nên, tôi hy vọng sẽ có những thanh
niên giỏi, đủ bản lĩnh phấn đấu làm trong khu vực công, giúp bộ máy nhà
nước trong sạch và hiệu quả. Đây là con đường hơi dài và khó, nhưng tôi
hy vọng có nhiều thanh niên không ngại khó.
Xin cảm ơn bà!
Quỳnh Như