Mới cập nhật

HOẠT ĐỘNG VÀ CỐNG HIẾN CỦA ĐỒNG CHÍ LƯƠNG KHÁNH THIỆN VỚI PHONG TRÀO CÁCH MẠNG CÁC TỈNH KHU B (BẮC KỲ)*

PGS,TS Đàm Đức Vượng**

      Đồng chí Lương Khánh Thiện
  
Trong cuộc đời hoạt động của đồng chí Lương Khánh Thiện, có thời gian được Đảng phân công về Phụ trách Khu B. Đó là vào đầu năm 1940.
Khu B (Còn gọi là Liên Khu B) lúc đó do Xứ ủy Bắc Kỳ thành lập để chỉ đạo phong trào cách mạng của các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Kiến An, Quảng Yên, Hồng Gai1. Đây là một khu kinh tế rất quan trọng, cũng là khu tập trung nhiều công nhân nhất.
Người phụ trách ban đầu của Khu B là đồng chí Tô Hiệu, chứ không phải đồng chí Lương Khánh Thiện. Tháng 12-1939, đồng chí Tô Hiệu chủ trì cuộc hội nghị Ban Chỉ đạo Liên Khu B để nghiên cứu quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng tháng 11-1939 (tức Hội nghị Trung ương  6) và thực hiện phương châm chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng. Đồng chí Tô Hiệu đã phân tích tình hình thế giới và trong nước, đặc biệt là tình hình vùng mỏ và đề ra nhiệm vụ của Đảng bộ Khu Mỏ là phải khắc phục mọi khó khăn, xây dựng cơ sở ở vùng nông thôn làm bàn đạp, kiên quyết phục hồi và phát triển cơ sở ở Hồng Gai và Cẩm Phả; tiếp tục đẩy mạnh phong trào đấu tranh của công nhân để duy trì những thắng lợi đã giành được.
Trong lúc này, Hải Phòng và Khu mỏ Hồng Gai là hai yết hầu kinh tế của Bắc kỳ, là nơi phong trào phát triển mạnh, cho nên nhà cầm quyền Đông Pháp đã tập trung lực lượng để đàn áp. Nhiều cơ sở cách mạng bị vỡ. Nhiều đồng chí trong Xứ ủy, Thành ủy lần lượt vị sa vào lưới địch. Đồng chí Tô Hiệu bị địch bắt vào tháng 12-1939.
Người thay thế phụ trách Khu B sau khi Tô hiệu bị bắt chính là Lương Khánh Thiện. Lúc này, ngoài việc phụ trách Khu B, Lương Khánh Thiện còn kiêm chức Bí thư thư Thành ủy Hải Phòng và trước đó, đồng chí còn làm Bí thư Lâm thời Xứ ủy Bắc Kỳ và Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Trong thời gian Phụ trách Khu B, đồng chí Lương Khánh Thiện đã làm được những việc sau đây:
Một là: Lương Khánh Thiện đã ra sức phục hồi các tổ chức đảng bị địch phá vỡ và khủng bố. Lúc này, các tổ chức đảng ở Hải Phòng và khu mỏ thuộc Khu B bị địch lùng sục ráo riết. Có chi bộ bị chúng bắt và giết hết, trở thành chi bộ trắng. Đồng chí Lương Khánh Thiện kêu gọi mọi tổ chức và đảng viên trong Khu B phải rút vào hoạt động bí mật, tuyệt đối không được làm lộ phong trào. Thí dụ: Có hai đảng viên ở chung với nhau một nhà thì cũng không được bàn công việc riêng với nhau, người nào làm việc người nấy. Nếu có một đảng viên bị bắt, những đảng viên khác cùng ở trong tổ chức phải đề phòng ngay. Dời chỗ ở và thay đổi hình dạng (quần áo). Trong phố hay chỗ không người không nên thì thào với nhau có vẻ bí mật, không nên dùng từ “cách mạng” khi nói chuyện. Không được tò mò đến công việc của đảng viên ở các tổ chức khác, cũng không được biết nhiều đảng viên không phải ở tổ chức mình. Chi một mình bí thư là được liên lạc với thượng cấp và biết các tổ chức ở trên, chỉ những người nào có trách nhiệm về một việc gì mới được ủy quyền biết đến việc ấy. Các đảng viên ở cùng một chức phải xem xét và phê bình nhau.
 Bên cạnh việc củng cố tổ chức là vấn đề phát triển đảng viên. Những chi bộ bị địch khủng bố trắng, Lương Khánh Thiện yêu cầu phải khôi phục lại bằng cách điều động đảng viên ở nơi khác về hoạt động, kiên quyết không để chi bộ trắng, mà phải nhuộm màu đỏ vào chi bộ đó để tiếp tục hoạt động. Nhờ vậy, mà chẳng bao lâu, các tổ chức đảng của Khu B được xốc lại nhanh chóng, đưa phong trào cách mạng tiếp tục tiến lên.
Hai là: Bên cạnh việc phục hồi các tổ chức đảng, là việc tổ chức các đoàn thể quần chúng, để đưa phong trào cách mạng của Khu B phát triển lên một tầm cao mới; bảo vệ các tổ chức đảng và bảo vệ chính các đoàn thể quần chúng. Lúc này, Khu B có nhiều thành phần giai cấp rất phức tạp, tiểu thương có, tư sản dân tộc có, tiểu tư sản có, công nhân có, nông dân có, trí thức có,… Vì vậy, vấn đề đặt ra đối với Lương Khánh Thiện là phải có sự chọn lọc, bỏ tạp lấy tinh, đưa những quần chúng tốt vào tổ chức quần chúng và qua phong tráo cách mạng, đưa những quần chúng ưu tú vào Đảng.
Hình ảnh một người cộng sản Lương Khánh Thiện mặc bộ quần áo xanh công nhân đã cũ với chiếc mũ lưỡi trai, đi vào các xóm thợ và có lúc đi gây dựng cơ sở cách mạng ở nông thôn. Đồng chí mặc bộ đồ nâu, đội chiếc nón rách, đi về những nơi ngõ ngách của cuộc sống nông thôn đã làm nhiều người cảm động.
Chính sách của Đảng lúc này là mở rộng Mặt trận dân tộc phản đế Đông Dương, thay cho Mặt trận Dân chủ Đông Dương, bằng việc liên hiệp tất cả các dân tộc Đông Dương, tất cả các giai cấp, các đảng phái, các phần tử phản đế muốn giải phóng cho dân tộc để tranh đấu chống đế quốc chiến tranh, chống xâm lược phát xít, đánh đổ đế quốc Pháp, vua chúa bản xứ và tất cả tay sai của đế quốc, đòi hòa bình, cơm áo, vươn tới nền độc lập hoàn toàn cho các dân tộc Đông Dương với quyền dân tộc tự quyết. Đồng chí Lương Khánh Thiện quán triệt tinh thần này, cho nên đã thành công trong công tác vận động quần chúng.
Ba là: Đồng chí Lương Khánh Thiện thực hiện “kế liên hoàn” trong đấu tranh cách mạng, có nghĩa là liên kết các tỉnh của Khu B với nhau để thực hiện mục tiêu đoàn kết và đấu tranh. Quan điểm của đồng chí là Khu B gần kề địa lý, cho nên liên kết trong đấu tranh là một việc nên làm và cần làm. Nếu đấu tranh riêng rẽ từng tỉnh một, thì có khác gì như chiếc đũa đơn độc dễ bị kẻ thù xâm lược bẻ gãy. Vì vậy, liên hành các tinh Khu B sẽ như một nắm đũa, không thể bẻ gãy. Đoàn kết bao giờ cũng tạo nên sức mạnh trong đấu tranh. Ông đã đi đến các tỉnh thuộc Khu B bàn kế hợp lòng đấu tranh chống áp bức giai cấp và áp bức dân tộc.
Bốn là: Trên cơ sở kiện toàn tổ chức, đồng chí Lương Khánh Thiện đã quán triệt sâu sắc trong các tổ chức đảng ở Khu B thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 của Đảng và Nghị quyết của Xứ ủy Bắc Kỳ, làm rõ mục đích và tính chất của Chiến tranh thế giới lần thứ hai; vấn đề vị trí Đông Dương trong cuộc đế quốc chiến tranh; chính sách cai trị của Pháp ở Đông Dương; làm rõ tình hình và thái độ của các giai cấp xã hội ở Đông Dương như giai cấp địa chủ, giai cấp tư sản bản xứ, giai cấp tiểu tư sản thành thị, giai cấp nông dân, giai cấp thợ thuyền; làm rõ các đảng phái và xu hướng chính trị ở Đông Dương, cụ thể là Chính phủ Nam Triều Bảo Đại, Phe 18842 ở Trung Kỳ, Phe Cường Để thân Nhật; Đảng Lập hiến, Đảng Dân chủ, Phái Trực trị3, Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong các thế lực chính trị lúc bấy giờ ở Đông Dương, Đảng Cộng sản Đông Dương là mạnh hơn cả. “Trên võ đài chính trị trong xứ, Đảng Cộng sản Đông Dương là Đảng có thế lực mạnh nhất, có cơ sở vững vàng nhất trong quần chúng, chiến đấu cương quyết hơn hết để bệnh vực quyền lợi cho dân chúng và tranh đấu đòi tự do, độc lập cho dân tộc. Nhờ vậy, Đảng Cộng sản Đông Dương đã chiếm vai trò lãnh đạo trong phong trào cách mạng Đông Dương…”4.
Lương Khánh Thiện hiểu rõ mục tiêu của cách mạng lúc này là đánh đổ đế quốc Pháp, vua chúa bản xứ và tất cả bọn tay sai của đế quốc phản bội lại lợi ích dân tộc và ông đã mang tinh thần đó vào trong việc xây dựng cơ sở cách mạng ở các tỉnh Kiến An, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Quảng Yên, Hồng Gai,…
Sở dĩ Lương Khánh Thiện chủ trương quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 vào trong các tổ chức đảng ở Khu B, mà trước đó, Tô Hiệu đã làm một phần, vì nhằm để củng cố niềm tin của các tổ chức đảng và đảng viên vào sự lãnh đạo của Trung ương. Lúc này, trước sự khủng bố ác liệt của địch, một số đảng viên trong Khu B hoang mang, dao động. Nhưng sau khi được quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, thì niềm tin của các tổ chức đảng và đảng viên Khu B được củng cố một bước vững chắc.
Tiếp theo Hội nghị Trung ương 6, trong thời gian Lương Khánh Thiện hoạt động ở Khu B, thì Hội nghị Trung ương 7 họp từ ngày 6 đến ngày 9-11-1940, tại Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh. Tham dự Hội nghị có các đồng chí Trường Chính, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Phan Đăng Lưu, Trần Đăng Ninh,… Trong Hội nghị này, đồng chí Trường Chính được cử làm quyền Tổng Bí thư của Đảng. Đến Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5-1941, họp tại Cao Bằng), đồng chí Trường Chính được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Đồng chí Lương Khánh Thiện tuy không dự Hội nghị Trung ương 7, nhưng sau khi có Nghị quyết của Hội nghị, đồng chí đã tổ chức học tập Nghị quyết rất có kết quả. Lúc này, Nhật đã nhảy vào Đông Dương từ tháng 9-1940, bên cạnh đó là Pháp vẫn đang thống trị Đông Dương, đẩy nhân dân Đông Dương vào cảnh “một cổ hai tròng”.  
Hội nghị đã phân tích một cách nghiêm túc tình hình thế giới; phong trào cách mạng và cuộc vận động chống đế quốc chiến tranh. Ở các xứ thuộc địa và bán thuộc địa, trong cuộc chiến tranh này, các thế lực xâm lược không thể dùng những câu hứa hẹn “tự trị”, “độc lập” lừa dối nhân dân thuộc địa đi chết cho “mẫu quốc” được nữa. Bởi thế, Chiến tranh thế giới thứ hai mới nổ ra hơn một năm nay, mà phong trào đấu tranh đòi độc lập, tự do, chống chiến tranh xâm lược đã tiến bộ rất nhiều ở các nước thuộc địa.
Về tình hình Đông Dương, Nghị quyết đã phân tích sâu sắc về sự rối loạn và khủng hoảng kinh tế Đông Dương. Số thợ thuyền thất nghiệp ngày một thêm nhiều. Dân cày làm ăn không được phát đạt. Tiểu thương, tiểu chủ bị phá sản, sa sút. Nhiều nhà tư sản, nhà thương mại, nhà kỹ nghệ cũng bị phá sản lây, hoặc đang sống gượng, không có triển vọng. Trong khi đó, các thế lực đế quốc lại ra sức đè đầu cưỡi cổ nhân dân Đông Dương để vơ vét của cải và làm giàu mang về chính quốc.
Về chính trị, chúng đã phát xít hóa bộ máy thống trị và đàn áp dân chúng, thực hiện chính sách phỉnh phờ, vơ vét của cải, bóp cổ dân chúng lấy tiền.
Về tình hình Đảng và các hội quần chúng, Nghị quyết đã phân tích sâu sắc về số lượng và chất lương của các tổ chức đảng, đảng viên, số lượng và chất lượng các tổ chức quần chúng.
Trên cơ sở phân tích tình hình trên, Nghị quyết xác định cách mạng Đông Dương vẫn là cách mạng tư sản dân quyền, đây chính là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, vì nhiệm vụ của nó không phải là chỉ đánh đuổi đế quốc chủ nghĩa, mà nó còn tiến tới thành lập chính phủ dân chủ cho nhân dân tiến tới thực hiện cách mạng xã hội (tức cách mạng xã hội xã hội chủ nghĩa). Như vậy, cuộc cách mạng Đông Dương trong giai đoạn này phải bao gồm cả hai tính chất phản đế và thổ địa. “Cuộc cách mạng gồm hai tính chất phản đế và thổ địa ấy gọi là cách mạng tư sản dân quyền (révolution democratique bourgeoise)5. Quyền lãnh đạo cách mạng tư sản dân quyền là giai cấp công nhân với đội tiền phong là Đảng Cộng sản Đông Dương.
Để thực hiện cuộc cách mạng này phải thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế.
Đó là những nội dung cơ bản của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 của Đảng, cùng với tài liệu “Tự chỉ trích” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, mà đồng chí Lương Khánh Thiện đã quán triệt trong các tổ chức đảng và đảng viên tại khu B. Đồng chí Lương Khánh Thiện đã trực tiếp phổ biến Nghị quyết tới các tổ chức cơ sở đảng của Khu B và kêu gọi các tổ chức đảng và đảng viên sinh hoạt đảng tại Khu B phải thực hiện Nghị quyết cho tốt.
Lúc này, tuy chưa có Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 về khởi nghĩa vũ trang, những Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 đã dọn đường để chuẩn bị đi đến khởi nghĩa vũ trang.
Trong thời gian Lương Khánh Thiện Phụ trách Khu B, phong trào cách mạng ở Khu B đã phát triển đi vào chiều sâu. Nhiều phong trào cách mạng nổi lên ở  nhiều nơi trong Khu B, như Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Yên, Kiến An, Khu mỏ Hồng Gai,…
Lương Khánh Thiện Phụ trách Khu B từ đầu năm 1940 đến năm 1941 thì bị địch bắt lại lần thứ hai và bị xử bắn vào ngày 1-9-1941, tại Kiến An. Năm ấy, ông 38 tuổi.
Thời gian Phụ trách Khu B tuy không nhiều, nhưng đồng chí Lương Khánh Thiện đã làm được nhiều việc có ích cho phong trào ở các tỉnh Hải Phòng, Hải Dương, Hưng yên, Kiến An, Quảng Yên, Hồng Gai,... Việc làm của đồng chí Lương Khánh Thiện ở Khu B đã được lịch sử ghi nhận.
------
*Báo cáo Khoa học tại Hội thảo kỷ niệm 115 ngày sinh đồng chí Lương Khánh Thiện, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy Hà Nam tổ chức, ngày 9-9-2018.
** Hội đồng Lý luận Trung ương.
1.Có tài liệu viết Khu B bao gồm cả Móng Cái, Cầm Phả.
2.Phe 1884 tức là phe Khôi, Diệm muốn dựa trên nền tảng pháp luật yêu cầu đế quóc Pháp thi hành đúng Hiệp ước 1884 tăng quyền cho bọn vua quan bản xứ.
3. Phái trực trị ở Bắc Kỳ do Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Huy Lục cầm đầu.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 527.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 67..