Câu chuyện sinh viên: Trong cuộc sống, định hướng hay mục tiêu quan trọng hơn?
Nếu mỗi chúng ta là một người thợ mộc đang đẽo gọt chính cuộc đời mình,
thì mục tiêu là công cụ và định hướng là bản thiết kế. Sẽ thật khó khăn
để người thợ mộc cho ra một tác phẩm xuất sắc nếu chỉ dựa trên những
công cụ.
Là một sinh viên
ngồi trên ghế nhà trường, tôi luôn băn khoăn rằng mục tiêu hay định
hướng quan trọng hơn. Không chỉ tôi mà nhiều bạn bè cũng mông lung rằng
học như thế nào, học để làm gì, học ra sao? Có nên định hướng sẵn công
việc mình sẽ làm sau tốt nghiệp hay cứ học, cứ đặt những mục tiêu cao xa
để cố gắng?
Tôi đã từng là một tín đồ của việc đặt ra những mục tiêu cho bản thân. Đến bây giờ tôi vẫn cho rằng đó là một việc làm hữu ích và vẫn đặt ra những mục tiêu, thế nhưng qua một số trải nghiệm của bản thân, tôi đã thay đổi cách nhìn nhận của mình về chúng: tập trung thái quá vào mục tiêu có thể ngăn cản bạn đạt được cuộc sống mà mình mong muốn.
Thế nên, thay vì quá chú trọng vào những mục tiêu, năm nay tôi quyết định quan tâm hơn tới những định hướng. Tôi khuyên bạn cũng nên thử làm vậy.
Sự khác biệt giữa mục tiêu và định hướng
- Mục tiêu
Mục tiêu thường cụ thể và có thể xác định số lượng. Chúng có một điểm đích. Một khi đã tới được cái đích ấy thì mục tiêu được hoàn thành và bước ra khỏi danh sách phải làm của bạn.
"Tôi cần phải giảm cân trước khi mùa hè tới", "năm nay tôi sẽ tiết kiệm 20% lương mỗi tháng của mình", "tôi sẽ đọc 10 quyển sách trong một năm", "tôi sẽ hoạt động công ích ít nhất 2 ngày mỗi tháng"…. Đây là ví dụ cho những mục tiêu cụ thể với thời hạn và đích đến rõ ràng.
- Định hướng
Khác với mục tiêu, định hướng cung cấp ý tưởng rộng và bao quát hơn về việc bạn muốn cuộc sống và bản thân trong tương lai trông ra sao. Khi nhắm mắt lại và tưởng tượng về cuộc sống lý tưởng mà mình mong muốn, đó chính là lúc bạn tìm thấy định hướng. Mục tiêu có đích đến cụ thể, còn định hướng thì không có giới hạn. Sẽ không có thời điểm xác định để bạn nói "tôi đã hoàn thành định hướng của mình".
Định hướng thường khó để định nghĩa hơn mục tiêu bởi để làm được như vậy bạn sẽ phải miêu tả chính xác một thế giới lý tưởng tạm thời chưa tồn tại.
Trong một bài diễn thuyết tại trường đại học Rice vào năm 1962, Cựu Tổng thống Mỹ John F. Kennedy nhấn mạnh định hướng dài hạn cho các chương trình nghiên cứu vũ trụ. Ông ấy không đặt mục tiêu cụ thể như là "bay đến mặt trăng" mà vẽ nên một bức tranh toàn diện hơn: Nước Mỹ là một đất nước rất hứng thú với những bí ẩn của vũ trụ, họ sẽ phát triển và tận dụng mọi công nghệ tiên tiến để chinh phục vũ trụ, đem đến một cuộc sống tươi sáng hơn cho loài người.
Mỗi thương hiệu nổi tiếng đều có định hướng riêng như một khẩu hiệu cho mình. Đương nhiên mọi nhãn hàng, dịch vụ đều hướng tới mục tiêu chung là có doanh số bán hàng cao, nhưng nếu chỉ dựa vào điều đó, họ sẽ không thể trường tồn. Định hướng sẽ đề ra giá trị và phương hướng xuyên suốt mà các thương hiệu cần theo đuổi.
Định hướng của Disney là "To make people happy" (Làm cho mọi người hạnh phúc); với Instagram là "Capture and Share the World’s Moments" (Bắt lấy và chia sẻ mọi khoảnh khắc của cả Thế Giới); còn Nike là "To bring inspiration and innovation to every athlete* in the world. *If you have a body, you are an athlete" (Đem đến cảm hứng và sự cách tân cho mọi vận động viên trên Thế Giới, với từ "vận động viên", họ chú thích rằng "chỉ cần có cơ thể, mọi người đều là vận động viên").
Đặt mục tiêu và định hướng lên bàn cân không phải để lựa chọn chỉ một trong hai. Trên thực tế, bạn nên có cả hai điều. Thế nhưng có một vài lý do cho việc vì sao bạn nên chú trọng vào định hướng hơn là mục tiêu.
Mục tiêu cho bạn biết mình PHẢI LÀM GÌ, thế nhưng không cung cấp cho bạn lý do TẠI SAO
Mục tiêu thường thiếu chiều sâu, trong khi đó định hướng hàm chứa nhiều ý nghĩa hơn.
Tôi yêu những mục tiêu, khi có chúng, tôi cảm thấy cuộc đời mình có những hoạch định rõ ràng. Thế nhưng tôi nhận ra khi mình chỉ cắm đầu bằng mọi cách hoàn thành nó, tôi bắt đầu cảm thấy mất phương hướng. Tôi không biết mình thực sự cố gắng vì điều gì, cũng chẳng cảm nhận được gì trong suốt quá trình phấn đấu để đạt được mục tiêu đã đề ra.
Nếu có lúc nào bạn đạt được một mục tiêu lớn trong cuộc đời nhưng trái lại cảm thấy trống rỗng đến ngạc nhiên, thì đó là vì: mục tiêu cho bạn biết mình phải làm gì, thế nhưng không cung cấp cho bạn lý do tại sao.
Bởi vậy, hãy gắn mục tiêu vào trong định hướng cuộc đời mình để chúng trở nên có ý nghĩa hơn trong cả quá trình theo đuổi lẫn khi đã đạt được.
Mục tiêu đóng khung ta trong một đích đến, định hướng cung cấp khoảng trống cho những thay đổi
Khi đặt ra mục tiêu cho mình, ta thường dựa trên hiểu biết về môi trường và bản thân tại chính thời điểm đó. Thế nhưng thế giới luôn không ngừng biến đổi. Có thể trở thành bác sĩ không còn là tất cả những gì bạn muốn trong cuộc đời mình. Hoặc có những cơ hội may mắn chưa xuất hiện lúc bạn đặt ra mục tiêu. Nếu vô tình bị khóa chặt trong chiếc khung mà mục tiêu nhét bạn vào, bạn sẽ mãi mãi bị nhốt ở đó và sống một cuộc sống mình chẳng mong muốn.
Quyết tâm là một đức tính tốt, thế nhưng cứng đầu theo đuổi một mục tiêu không còn là những gì bản thân cần lại là một tội lỗi.
Trái lại, định hướng chừa chỗ cho sự thay đổi. Định hướng cung cấp cái nhìn rộng hơn, đồng nghĩa với việc có nhiều con đường để lựa chọn hơn, miễn là nó vẫn đi theo đúng hướng đã được đặt ra. Ví dụ, định hướng cuộc sống mà bạn theo đuổi là sống có ích và giúp đỡ người khác, vậy khi thấy không còn phù hợp để làm bác sĩ, bạn có thể đổi sang làm giáo viên, làm nhân viên cứu hộ, hay bất cứ nghề nghiệp nào khác giúp ích cho cuộc đời.
Mục tiêu có thể dẫn đến sự chán nản và trầm cảm, định hướng đem lại sinh lực bền bỉ
Với một số người quá coi trọng mục tiêu, khi không đạt được những gì đã đề ra, họ trở nên chán nản, buồn bực và chìm sâu trong sự thất bại.
Thế nhưng nguy hiểm hơn, những người đã đạt được mục tiêu cũng có thể trở nên chán nản và trầm cảm. Chỉ chăm chăm để chinh phục mục tiêu, đến khi đã đạt được, họ cảm thấy trống rỗng, không còn mục đích sống và dễ dàng dẫn đến sa ngã. Có không ít vận động viên đạt được huy chương vàng Olympic chia sẻ khi được phỏng vấn, họ cảm thấy vô cùng lo lắng sau khi đạt được tấm huy chương mà mình đã theo đuổi cả đời. Sau khi những tung hô của xã hội dần lắng xuống, họ trở về cuộc sống đời thường tĩnh lặng với câu hỏi to đùng trước mắt: "Mình nên làm gì với bản thân?"
Tuy nhiên, không phải vận động viên nào cũng thế. Có những người sở hữu định hướng rõ ràng ngay từ đầu: đạt đến giới hạn cao nhất của bản thân, cống hiến hết mình cho thể thao. Khi đó, huy chương chỉ là một phần trong cuộc sống của họ. Kể cả đến khi đã ngừng thi đấu, họ vẫn có thể tiếp tục cống hiến dưới cương vị một huấn luyện viên.
Mục tiêu rất hữu dụng, nhưng khi quá coi trọng nó mà quên đi những lý tưởng lớn của đời mình, nó sẽ trở thành con dao hai lưỡi hủy hoại bạn ngay cả khi đã thành công. Có cho mình một định hướng tốt, bạn sẽ giữ được nhiệt huyết như buổi ban đầu dù bất cứ điều gì xảy ra.
Có thể ví von, mục tiêu là động lực để bạn cưỡi con ngựa của mình về đích, nhưng định hướng mới là thứ giúp bạn ngồi vững trên yên mà không ngã xuống giữa chừng.
Tạm kết
Nếu mỗi chúng ta là một người thợ mộc đang đẽo gọt chính cuộc đời mình, thì mục tiêu là công cụ và định hướng là bản thiết kế. Sẽ thật khó khăn để người thợ mộc cho ra một tác phẩm xuất sắc nếu chỉ dựa trên những công cụ. Cái không thể thiếu chính là những bản thiết kế, những phác thảo cho việc tác phẩm trông như thế nào.
Mục tiêu là một công cụ tuyệt vời để phát triển bản thân, thế nhưng nếu chúng ta kỳ vọng chỉ dựa hoàn toàn vào mục tiêu để đạt được một cuộc sống viên mãn, sẽ có lúc những gì ta nhận lại được chỉ là sự thất vọng, mất phương hướng.
Vậy nên, điều bạn có thể thử làm ngay là: Cứ đặt mục tiêu đi, nhưng cố gắng biến chúng thành một phần của định hướng mà bạn chọn cho mình
Theo Trí Thức Trẻ