Nguồn nhân lực: Lao động chất lượng cao không nhất thiết phải là giáo sư, tiến sĩ
Theo
PGS.TS Cao Văn Sâm, lao động chất lượng cao không có nghĩa chỉ là những
người có trình độ cao, dù là lao công hay bảo vệ nếu làm tròn vai, tạo
ra năng suất cao thì vẫn có thể coi là lao động chất lượng cao.
PGS.TS Cao Văn Sâm
Công nhân giỏi của Samsung vẫn chỉ được coi là lao động giản đơn
Trong một chuyến công tác đến các nhà máy sản xuất của Samsung ở
Bắc Ninh, Thái Nguyên, PGS.TS Cao Văn Sâm, nguyên Phó tổng cục trưởng
thường trực Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động thương binh và xã
hội) và những người đi cùng được giới thiệu về quy trình đào tạo lao
động của doanh nghiệp này.
Với hơn 120 nghìn lao động tại các nhà máy ở Việt Nam, Samsung thực hiện quy trình đào tạo kết hợp kiến thức lẫn kỹ năng mềm.
Trong
khoảng hai tuần đến một tháng đầu, công nhân được đào tạo về kỹ năng
làm việc, các kiến thức chuyên môn. Tiếp đến, họ được đào tạo một số kỹ
năng mềm và đặc biệt là kỹ năng khởi nghiệp để có thể làm việc chủ động,
tự tin từ đó nâng cao năng suất, gia tăng chất lượng sản phẩm. Ngoài
ra, họ còn được học thêm về văn hoá doanh nghiệp.
Như
vậy, chỉ sau một thời gian ngắn đào tạo nhưng theo quy trình chuyên
nghiệp, bài bản, lao động trong các nhà máy của Samsung có thể nhanh
chóng hoà nhập, đạt năng suất lao động cao ngay khi chỉ mới nhận việc.
Thế
nhưng, ông Sâm cho biết, 120 nghìn lao động này và rất nhiều lao động
được đào tạo bài bản trong thời gian ngắn tại các doanh nghiệp khác lại
đang được quy vào danh sách 43 triệu lao động giản đơn của Việt Nam hiện
nay.
Vì theo định nghĩa được đưa ra bởi các
chuyên gia của Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia
(Bộ Kế hoạch và đầu tư), lao động giản đơn là lao động chưa qua đào tạo
từ 3 tháng trở lên ở một trường hay một cơ sở đào tạo thuộc hệ thống
giáo dục quốc dân và không có văn bằng/chứng chỉ chứng nhận đã đạt một
trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ nhất định.
“Là
một quốc gia đang hội nhập quốc tế sâu rộng và nền kinh tế có độ mở cao
nhưng lao động trong nền kinh tế nước ta chỉ vàng về số lượng chứ chưa
vàng về chất lượng. Đây là một nút thắt lớn trong trục phát triển kinh
tế - xã hội của Việt Nam và được cho là không dễ khai thông trong một
sớm một chiều bởi lực lượng lao động giản đơn vẫn còn quá đông và chưa
có dấu hiệu giảm nhanh trong suốt hàng thập kỷ qua”, TS. Nguyễn Văn
Thuật, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia nhận
định.
Theo ông Thuật, với hơn 43 triệu lao động
giản đơn hiện nay, phần lớn không phải lao động làm công ăn lương trong
khu vực chính thức mà chủ yếu là những lao động nông nghiệp, lao động tự
do, lao động trong khu vực phi chính thức.
Trao
đổi với TheLEADER, PGS.TS Cao Văn Sâm cho rằng con số thống kê này
không chính xác vì được tính toán dựa trên góc độ chưa qua đào tạo. Ông
Sâm cho rằng, Bộ Lao động thương binh và xã hội và Bộ Kế hoạch và đầu tư
cần xem xét xây dựng một thông tư về thống kê và đào tạo để phù hợp với
hệ thống đào tạo nhưng tương thích với lao động có kỹ năng trong thị
trường lao động, tránh thống kê sót hoặc chồng chéo nhằm đưa ra các
chính sách phù hợp.
Để tránh lãng phí, nhiều
doanh nghiệp quyết định tuyển dụng đúng người, đúng việc và đúng vị trí;
trong thang bảng lương, vị trí đào tạo sẽ tương thích với mức lương của
vị trí công việc. Cụ thể, có những công việc đòi hỏi kỹ sư tốt nghiệp
đại học, có công việc yêu cầu lao động kỹ thuật tốt nghiệp cao đẳng,
trung cấp hoặc thấp hơn là sơ cấp; cũng có những vị trí đòi hỏi thấp hơn
nữa thì doanh nghiệp tuyển lao động giản đơn vào để đào tạo.
Theo
ông Sâm, đến thời điểm hiện nay, chương trình đào tạo trong các doanh
nghiệp đang thiết thực hơn bởi nó phản ánh ngay vị trí việc làm của
người lao động. Hơn nữa, lao động có thể thực hành ngay trong quá trình
học nên kỹ năng giải quyết vấn đề ở vị trí việc làm tốt hơn, có khả năng
hoà nhập ngay và có hiệu quả tức thì.
Ngoài đào
tạo về chuyên môn, nhiều doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam
còn đào tạo kỹ năng mềm, văn hoá và truyền thống cũng như nội quy, quy
chế của doanh nghiệp để giữ thương hiệu, niềm tự hào và vị thế của doanh
nghiệp trên thị trường. Ông Sâm cho rằng, đào tạo trong doanh nghiệp là
đào tạo chuyên nghiệp, năng suất lao động là thật chứ không ảo.
Chính
vì vậy, ông Sâm nhận định, việc thống kê lao động giản đơn theo góc độ
chưa qua đào tạo như hiện nay sẽ dẫn đến trùng đối tượng dẫn đến lãng
phí về tiền bạc và thời gian trong chính sách đào tạo lao động.
Băn khoăn tiêu chí đánh giá lao động
Theo
đó, lao động chất lượng cao không có nghĩa là những người có trình độ
cao. Dù với trình độ nào, làm vị trí gì đi chăng nữa nhưng nếu cho ra
năng suất lao động cao thì đều được gọi là lao động chất lượng cao.
“Nếu
một người dọn vệ sinh làm tròn vai, lao động với năng suất, hiệu quả
cao thì họ cũng là lao động chất lượng cao chứ đâu chỉ giáo sư, tiến sĩ.
Việc đánh giá phải căn cứ vào thực tiễn, năng suất lao động. Có những
người làm không đúng việc, hoặc làm đúng chuyên môn nhưng năng suất lao
động không cao thì không thể gọi là lao động chất lượng cao”, ông Sâm
lấy ví dụ.
Nếu có thể thay đổi cách đánh giá
như vậy, ông Sâm cho rằng xã hội sẽ vô cùng trân trọng người lao động dù
họ làm bất cứ công việc gì, vị trí nào bởi họ là những người làm ra của
cải thực chất cho xã hội. Lúc này, xã hội cũng sẽ trở nên hơn văn minh
hơn.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang
nổ ra và được dự báo sẽ phát triển công nghệ mới trong sản xuất, nhiều
việc làm giản đơn cũng sẽ bị thay thế bởi máy móc. Tuy nhiên, ông Sâm
cho rằng cần phải bình tĩnh bởi lẽ nhiều việc làm cho lao động giản đơn
cũng sẽ được tạo ra vì không phải công việc nào cũng bị thay thế bởi
công nghệ.
Dù vậy, việc làm mới đặt ra các vấn
đề về mặt kỹ năng, nổi bật nhất là kỹ năng mềm và kỹ năng khởi nghiệp.
Công việc của một lao động giản đơn không chỉ quét dọn mà còn phải biết
cách giao tiếp, sử dụng các máy móc hiện đại phục vụ công việc…
Khảo sát mới đây của Viện Khoa học lao động và xã hội về “Nhu cầu về kỹ năng trong kỷ nguyên công nghệ mới”
tại doanh nghiệp cho thấy, việc thiếu kỹ năng mềm ở người lao động đang
ở mức nghiêm trọng hơn thiếu kỹ năng cứng, bởi các kỹ năng kỹ thuật có
thể được đào tạo tại doanh nghiệp nhưng các kỹ năng mềm cần cả một quá
trình mới đạt được.
“Kỹ năng mềm được nhắc đến
khá mờ nhạt trong các cơ sở đào tạo, trong đời sống nên người lao động
nghe qua thì biết nhưng còn bối rối khi thực hiện”, ông Sâm nhìn nhận.
Đặng Hoa