Nguy cơ nhà khoa học rời viện nghiên cứu
Hiện tượng nhà khoa học rời các viện nghiên cứu đã xảy ra một vài năm gần đây, nhưng đang có dấu hiệu tăng lên từ đầu năm 2018 đến nay. Trong khi đó, việc thu hút nhân lực mới lại gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do chế độ đãi ngộ chưa thật sự hấp dẫn. Nếu không sớm có giải pháp ngăn chặn kịp thời, nhiều nguy cơ sẽ dẫn tới thiếu hụt nhân lực, ảnh hưởng công tác nghiên cứu khoa học những năm tới. | |||
Tại Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH và CN) Việt Nam, do toàn bộ cán bộ của Phòng Tin sinh học chuyển việc, viện đang phải gây dựng lại nhân lực của phòng. PGS,TS Chu Hoàng Hà, Viện trưởng Công nghệ sinh học chia sẻ, dù rất muốn giữ cán bộ có nhiều năm kinh nghiệm, nhưng ông cũng đành thông cảm với quyết định của họ vì mức lương ở đơn vị mới cao hơn gấp nhiều lần. Hiện nay, thu nhập trung bình của cán bộ trẻ ở Viện Công nghệ sinh học khoảng từ bốn đến năm triệu đồng/tháng; cán bộ trình độ tiến sĩ tính cả lương và thu nhập từ thực hiện đề tài chỉ khoảng 10 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, một số doanh nghiệp có thể trả lương cho họ 120 triệu đồng/tháng do nhân lực ngành công nghệ sinh học đang được các bệnh viện ngoài công lập thu hút để làm công tác xét nghiệm, giải mã gen tìm tác nhân gây bệnh... Tương tự, nhân lực ngành vật lý đang bị lôi kéo về làm việc tại một số đơn vị liên quan hoạt động chiếu xạ cho nông sản. Từ đầu năm 2018 đến nay, nhiều cán bộ tại Trung tâm Vật lý hạt nhân (Viện Vật lý, Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam) đã xin nghỉ việc để chuyển đến đơn vị có mức thu nhập cao hơn. Tình trạng cán bộ chuyển công tác diễn ra ở nhiều viện nghiên cứu và trường đại học. Ðáng lo ngại nhất là tình trạng nhân lực được đào tạo bài bản ở các viện nghiên cứu “bị” các doanh nghiệp nước ngoài thu hút. Nhiều người dự đoán, khi số lượng doanh nghiệp công nghệ cao của nước ngoài đầu tư vào Việt Nam tăng lên với mức lương và chính sách đãi ngộ tương đương nước ngoài thì tình trạng cán bộ trình độ cao tại các viện nghiên cứu “nhảy việc” sẽ còn tăng dài dài. Một số nhà quản lý cũng cảnh báo, do doanh nghiệp không mất chi phí, thời gian đào tạo cán bộ, cho nên việc trả lương cao là điều dễ hiểu. Chưa kể công việc của cán bộ nghiên cứu sẽ không ổn định, lâu dài do doanh nghiệp liên tục thay đổi chính sách. Thực tế đã có một số trường hợp chuyển sang làm cho doanh nghiệp được một thời gian thì bị mất việc. Việc tuyển dụng nhân lực mới để bù đắp số cán bộ đã chuyển đi lại không dễ dàng. Phòng Tin sinh học (Viện Công nghệ sinh học) đang phải điều động cán bộ kiêm nhiệm vì không tuyển dụng ngay được, hoặc tuyển xong phải đào tạo khá lâu mới đảm đương được công việc. PGS, TS Chu Hoàng Hà chia sẻ, những năm 70, 80 của thế kỷ 20 chỉ những người xuất sắc, được đào tạo ở nước ngoài mới được tuyển về Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam làm việc. Khoảng 15 năm trở lại đây, Viện Công nghệ sinh học cử hơn 200 cán bộ ra nước ngoài đào tạo, nhưng chỉ có khoảng từ 20 đến 30% số cán bộ cử đi về Việt Nam làm việc và một nửa trong số đó về Viện Công nghệ sinh học. Sau khi về Viện, nhiều cán bộ tiếp tục chuyển việc. GS, TS Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Toán học (Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam) lý giải: việc tuyển biên chế mới hết sức khó khăn do Viện có yêu cầu rất cao về chuyên môn nhưng lại không có khả năng đáp ứng mức lương hấp dẫn cho những người xuất sắc. Ngoài lương thấp, chính sách tinh giản biên chế cũng đang là một rào cản trong tuyển dụng cán bộ. Trước đây, cơ chế cho phép các viện nghiên cứu được ký hợp đồng thuê khoán chuyên môn, trả lương lấy từ ngân sách hoặc các nguồn của dự án, đề tài nghiên cứu. Nhưng hiện nay, các viện chỉ được tuyển dụng, chi trả lương và các khoản khác cho cán bộ nghiên cứu bằng nguồn thu sự nghiệp của đơn vị. GS, TS Hoàng Ngọc Long (Trung tâm Vật lý lý thuyết, Viện Vật lý) băn khoăn, hiện nay, một nhóm nghiên cứu hay viện nghiên cứu có thể thuê khoán với người nào đó, nhưng trả thù lao từ nguồn kinh phí tự trang trải của nhóm, của viện sẽ không đủ ổn định, lâu dài cho người lao động. Một số viện nghiên cứu không có nguồn thu sự nghiệp như Viện Toán, Viện Vật lý càng khó tuyển dụng. Thực tế cho thấy, việc tuyển dụng nhân lực bằng hình thức hợp đồng thuê khoán chuyên môn như trước đây rất hiệu quả. Quá trình đào tạo trong nước và nước ngoài mất khoảng năm đến bảy năm thì cán bộ mới có thể đảm đương được nhiệm vụ nghiên cứu; để thiết lập được các quan hệ nghiên cứu quốc tế thì cần nhà khoa học có khoảng từ 30 đến 40 năm kinh nghiệm. Nếu tuyển ngay nhân lực trình độ cao thì các viện nghiên cứu không có đủ ưu đãi hấp dẫn cho họ, do đó, cần có chế độ hấp dẫn để tuyển dụng, đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ kế cận. Ngoài ra, lực lượng sinh viên, học viên cao học, tiến sĩ tốt nghiệp ra trường ngày càng đông, được đào tạo ở trong nước và nước ngoài bằng nguồn kinh phí của Nhà nước và tư nhân; có nhiều người xuất sắc, muốn được tiếp tục học tập, nghiên cứu tại các cơ sở khoa học lớn của đất nước nhưng chưa có cơ chế đặc thù để thu hút lực lượng trẻ này. Nhiều người đã ở lại nước ngoài, hoặc làm cho doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân. Ðó cũng là sự lãng phí nhân lực. Tình trạng thiếu nhân lực trình độ cao đang gây nhiều lo ngại cho công tác nghiên cứu. PGS, TS Chu Hoàng Hà cho rằng, theo Chiến lược phát triển KH và CN giai đoạn 2011-2020 của Chính phủ, đến năm 2020, số cán bộ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt từ 11 đến 12 người/mười nghìn dân, nhưng hiện nay mới chỉ đạt gần bảy người. Nhu cầu nhân lực tăng nhưng số biên chế không tăng, thậm chí phải giảm, sẽ ảnh hưởng đến hoạt động nghiên cứu trong những năm tới. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều doanh nghiệp tư nhân có chiến lược đầu tư bài bản cho nghiên cứu ứng dụng; nhiều sản phẩm công nghệ cao hứa hẹn ra đời, tạo sức cạnh tranh của doanh nghiệp và quốc gia. Ðiều đó càng cho thấy các nhà khoa học nghiên cứu cơ bản cần được quan tâm đầu tư đúng mức, vì nghiên cứu cơ bản kích thích KH và CN phát triển. GS,TS Hoàng Ngọc Long cho rằng, không một quốc gia nào có thể phát triển nếu không dựa vào KH và CN, các nước sẽ cạnh tranh nhau bằng kết quả nghiên cứu khoa học cơ bản. Nếu tình trạng trên không sớm được ngăn chặn trong khoảng 10 năm nữa, nghiên cứu khoa học cơ bản sẽ thiếu nhân lực, các trường đại học sẽ thiếu giáo viên công nghệ, thiếu sinh viên môn khoa học cơ bản. Theo các nhà khoa học, cơ chế chính sách đối với cán bộ KH và CN chưa tạo động lực cống hiến và phát huy năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức KH và CN, nhất là người có trình độ cao, tài năng trẻ. Chủ trương tinh giản biên chế trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, nhưng cũng cần có cơ chế đặc thù cho KH và CN vì nhân lực lĩnh vực này đòi hỏi nhiều thời gian, công sức đào tạo. Hằng năm, nên cho phép tăng từ 5 đến 10% số biên chế để tuyển dụng lực lượng khoa học trẻ, tài năng và cần có cơ chế đặc thù để giữ chân, thu hút những người làm khoa học bằng chính sách tuyển dụng, nâng ngạch, bậc. Ngoài ra, cần có chế độ đãi ngộ thích hợp đối với những chuyên gia, những nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học lâu năm có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đào tạo, phát triển KH và CN. | |||
Hà Linh |