Mới cập nhật

VẤN ĐỀ TIỀN TỆ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY (Bài 26)

PGS,TS Đàm Đức Vượng


1. Gần đây và hiện nay, trên các trang mạng tung ra nhiều bài viết, bài nói về Việt Nam sắp có đổi tiền và khuyên mọi người hãy rút ngay tiền gửi ngân hàng vì đã có luật phá sản ngân hàng và có hàng loạt ngân hàng ở Việt Nam sắp phá sản, mà sau khi ngân hàng tuyên bố phá sản, người gửi tiền chỉ được lĩnh lại tối đa chỉ là 75 triệu đồng, mặc dù trong sổ tiết kiệm của anh ta có hàng tỷ, hàng chục tỷ,… Cứ vài tháng, họ lại tung lên trên các trang mạng về Việt Nam sắp đổi tiền. Đây là một thủ đoạn đánh vào nền tài chính – tiền tệ nước nhà, đánh vào nền kinh tế quốc dân và đánh vào lòng người một cách ác ý, gây tâm lý sốc, hoang mang trong dư luận xã hội. Họ biện luận rằng, mệnh giá của đồng Việt Nam quá cao so với đồng đô la Mỹ (1 USD = 22 hoặc 23 nghìn đồng Việt Nam), nên phải đổi tiền? Lần này, họ tung lên nhiều bài hơn về đổi tiền, quy mô hơn, gây hoang mang dư luận xã hội rất lớn.
Tôi nghĩ rằng, Việt Nam chưa đến lúc phải đổi tiền, vì đồng tiền Việt Nam hiện nay vẫn ổn định tương đối, giá cả, lạm phát không tăng, kinh tế vẫn đang phát triển, không khủng hoảng kinh tế, thì đổi tiền làm gì?
Trên thế giới hiện nay có một số nước mệnh giá đồng tiền của họ cũng cao so với đồng đô la Mỹ, thậm chí còn cao hơn Việt Nam nhiều lần, mà họ có nghĩ đến chuyện đổi tiền đâu, mà kinh tế đất nước của họ vẫn phát triển không ngừng. Chúng ta cũng không nên quá lệ thuộc vào đồng đô la Mỹ, vì Việt Nam tiêu tiền Việt Nam là chủ yếu. Nhờ có đồng tiền Việt Nam hiện hành mà kinh tế đất nước, về cơ bản, vẫn ổn định và phát triển, đời sống nhân dân từng bước được nâng cao.
Theo lý thuyết, khi nghĩ đến chuyện đổi tiền là lúc đó đất nước rơi vào khủng hoảng kinh tế, nền sản xuất bị giảm sút tuyệt đối, vốn đầu tư cơ bản bị rút bớt, nạn thất nghiệp phát triển, các cơ sở sản xuất bị phá sản, lạm phát tăng 3 con số và những biến động khác trong nền kinh tế.
2. Nghiên cứu dưới góc độ kinh tế chính trị học, thì tiền tệ là một thứ hàng hóa đặc biệt, thể hiện sự giá trị của cải xã hội, đảm nhận vai trò vật ngang giá chung khi trao đổi hàng hóa, là sản phẩm của sự phát triển trao đổi của các hình thái kinh tế giá trị. Cùng với sự xuất hiện của tiền tệ, toàn bộ thế giới hàng hóa được chia thành hai cực: hàng hóa và tiền tệ. Tiền tệ biểu hiện lao động xã hội, chứa dựng trong tiền tệ và biểu hiện quan hệ xã hội giữa con người với con người. Tiền tệ là sự biểu hiện trao đổi bằng hàng hóa. Với sự ra đời của tiền tệ, thế giới hàng hóa có hình thức đặc biệt, biểu hiện giá trị của mình. Vì vậy, tiền tệ là thước đo lao động xã hội, thành hàng hóa và từ hàng hóa mà thành tiền, rồi từ tiền lại biến thành hàng hóa. Lao động của con người còn được thể hiện bằng khai thác vàng và từ vàng đã được khai thác, trở thành tiền và từ tiền có thể mua các hàng hóa khác. Nhờ tiền tệ, người ta tính toán một cách gián tiếp hao phí lao động xã hội chứa đựng trong hàng hóa.
Bản chất của tiền tệ thể hiện ở chức năng thước đo giá trị, thể hiện ở giá trị hàng hóa với tư cách là những đại lượng cùng tên, có chất lượng như nhau và so sánh về mặt lượng. Điều này thực hiện được là nhờ so sánh giá trị của tất cả các hàng hóa với vàng. Vàng thực hiện chức năng thước đo giá trị của hàng hóa, nên có mối quan hệ rất chặt chẽ với tiền tệ. Vàng chẳng qua cũng chỉ là một loại tiền tệ ngang giá. Để xác định giá trị của hàng hóa (sự biểu hiện bằng tiền của giá trị hàng hóa), cần phải so sánh tiền với một số vàng nhất định. Khối lượng vàng nhất định do nhà nước quy định, có thể dùng làm đơn vị tiền tệ, gọi là tiêu chuẩn giá cả. Trong chức năng phương tiện lưu thông, tiền tệ thực hiện vai trò vật môi giới trong lưu thông hàng hóa, nhưng chúng phải là tiền thật. Tiền tệ thực hiện chức năng này chỉ trong chốc lát, vì nó liên tục chuyển từ tay người này sang tay người khác, thông qua hàng hóa. Chức năng của tiền tệ làm phương tiện lưu thông là sự phát triển hơn nữa của nền sản xuất hàng hóa, thể hiện ở sự mua và bán cả về thời gian lẫn không gian. Chức năng của tiền tệ còn có ý nghĩa quan trọng đối với việc điều tiết lưu thông tiền tệ. Nếu trong lưu thông không có đủ vàng, thì vàng sẽ phải ra khỏi nơi cất trữ, còn nếu có nhiều vàng, thì vàng sẽ đi vào lưu thông. Tiền tệ còn thực hiện chức năng là phương tiện thanh toán. Vì mỗi nước có những đồng tiền khác nhau, nên chức năng tiền tệ thế giới được thực hiện bằng vàng hoặc sự trao đổi giữa tiền của nước này với tiền của nước khác. Tiền tệ thế giới chính là vàng. Các loại tiền bằng kim loại hoặc bằng giấy được lưu hành trong nước do pháp luật quy định. Trong lịch sử có nhiều loại hình chế độ tiền tệ mà chủ yếu là chế độ đơn bản vị và chế độ song bản vị. Chế độ đơn bản vị là chế độ chỉ lấy một thứ hàng hóa tiền tệ (vàng hay bạc) làm vật ngang giá chung. Chế độ song bản vị là chế độ tiền tệ lấy hai thứ kim loại tiền tệ là vàng hay bạc làm thước đo giá trị. Tiền giấy chẳng qua chỉ là dấu hiệu của vàng, còn vàng đóng vai trò vật ngang giá chung, nên tiền giấy chỉ thay thế vàng trong chức năng phương tiện lưu thông và phương tiện thanh toán. Điều này có cái lợi, nhưng cũng có cái hại là tạo cơ sở cho nạn lạm phát kinh niên, nạn phá giá tiền tệ thường xuyên và các cuộc khủng hoảng tiền tệ triền miên. Tiền tệ chỉ có thể ổn định tương đối khi nền kinh tế của nước đó cũng ổn định và phát triển, do tính ưu việt của hệ thống kinh tế nước đó. Cơ sở bảo đảm tính ổn định của tiền tệ là khối lượng hàng hóa đưa vào lưu thông cũng ổn định và dồi dào. Trữ lượng vàng hiện có của mỗi nước đóng vai trò nhất định trong việc bảo đảm tính ổn định của tiền tệ. Vào những năm 70 thế kỷ XIX, phần lớn các nước đều lấy vàng làm cơ sở tiền tệ. Khi đó, được đúc tiền vàng, đổi tiền giấy thành tiền vàng và vàng được vận chuyển từ nước này sang nước khác. Khi tiền giấy không đổi được vàng, thì tiền giấy có thể bị mất giá và tiền giấy bị lạm phát.
Mỗi nước đều hình thành chế độ tiền tệ. Đó là hình thức lưu thông tiền tệ trong nước được pháp luật ghi nhận. Chế độ tiền tệ bao gồm: Hàng hóa đóng vai trò vật ngang giá chung; phương tiện lưu thông và phương tiện thanh toán đã được hợp pháp hóa bằng tiền kim loại, tiền giấy, tiền tín dụng, giấy bạc ngân hàng; thể lệ phát hành giấy bạc ngân hàng và giấy kho bạc (tiền giấy) trong lưu thông. Từ Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918), phần lớn các nước lớn chuyển sang chế độ tiền giấy, trong đó, vàng thực hiện chức năng thước đo giá trị, còn giấy bạc ngân hàng và tiền giấy thực hiện chức năng phương tiện lưu thông và phương tiện thanh toán. Việc điều tiết kế hoạch lưu thông tiền tệ dựa trên cơ sở lưu chuyển hàng hóa. Trên cơ sở chủ trương lưu thông tiền tệ do ngân hàng phát hành, tức là quỹ tiền mặt, chính phủ quy định tổng số tiền tối đa đưa vào lưu thông tiền tệ hoặc tổng số tiền thu hồi từ lưu thông. Sở dĩ số lượng tiền tệ trong lưu thông phù hợp với nhu cầu của lưu chuyển hàng hóa là do phần lớn khối lượng hàng hóa tập trung đưa vào lưu thông cùng với trữ lượng vàng là sự bảo đảm tính ổn định của tiền tệ. Trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa không có khủng hoảng kinh tế sản xuất thừa; điều đó loại trừ khả năng gây ra các cuộc khủng hoảng tiền tệ. Sự ổn định của lưu thông tiền tệ còn là do ngân sách nhà nước không bị thiếu hụt và nhà nước giữ độc quyền về tiền tệ. Sự độc quyền nhà nước về tiền tệ bảo vệ cho lưu thông tiền tệ tránh khỏi tác động tự phát, tránh được nạn lạm phát và các cuộc khủng hoảng tiền tệ.
3. Tại Việt Nam, nhìn lại các vụ đổi tiền từ sau ngày miền Bắc được giải phóng (1954) đến khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975) và những năm sau khi đất nước thống nhất, đã diễn ra những mặt tích cực và những mặt tiêu cực đan xen nhau. Cũng phải nói rằng, chúng ta chưa có kinh nghiệm về vấn đề quản lý tài chính – tiền tệ và quản lý ngân hàng, nên khi thực hiện các vụ đổi tiền và tiêu tiền đôi lúc còn lúng túng.
Ngày 12-2-1959, Ban Bí thư khóa II ra Chỉ thị số 126-CT/TW, về việc lãnh đạo công tác phát hành tiền ngân hàng mới, thay đổi đơn vị tiền tệ và thu hồi tiền ngân hàng cũ. Ban Bí thư xét thấy các loại giấy bạc hiện hành lúc ấy diện ngạch quá lớn, không thích hợp với yêu cầu lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế, cho nên Trung ương đã quyết định việc phát hành tiền ngân hàng mới, thay cho tiền ngân hàng cũ. Chủ trương này nhằm nâng cao giá trị của đồng tiền trong nước và trên thế giới, đẩy mạnh hơn nữa giao lưu hàng hóa và phát triển sản xuất.
Về mức đổi chênh lệch: 1 đồng tiền mới ăn 1 nghìn đồng tiền cũ. Để ngăn chặn những hoạt động đầu cơ trở ngại cho việc cải tạo và phát triển kinh tế, đối với những người có nhiều tiền, khi thu đổi chỉ trả tiền mặt đến mức 2 triệu đồng ngân hàng cũ cho mỗi hộ, còn lại bao nhiêu thì trả bằng séc ngân hàng.
Ngày 23-2-1959, Ban Bí thư khóa II ra Chỉ thị số 130-CT/TW, bổ sung Chỉ thị 126-CT/TW, ngày 12-2-1959, về việc lãnh đạo công tác phát hành tiền ngân hàng mới, thay đổi đơn vị tiền tệ và thu đổi tiền ngân hàng cũ, coi đó là “trung tâm đột xuất” trong một thời gian ngắn theo kế hoạch đã định.
Sau khi đất nước thống nhất vào năm 1975, đến năm 1985, Việt Nam đã diễn ra ba lần đổi tiền:
Lần thứ nhất diễn ra vào ngày 2-9-1975. Tại miền Nam, đổi tiền của chính quyền Sài Gòn cũ bằng tiền giải phóng mới theo tỷ giá 500 đồng tiền cũ đổi lấy 1 đồng tiền mới giải phóng. Có phát hành thêm các loại tiền: 10 xu, 20 xu, 50 xu và 1 đồng, 2 đồng, 5 đồng, 10 đồng, 50 đồng.
Lần thứ hai diễn ra vào ngày 3-5-1978, để thống nhất tiền tệ trong cả nước. Theo Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 1-4-1978 của Bộ Chính trị khóa IV: “Về việc phát hành tiền ngân hàng mới, thu hồi tiền ngân hàng cũ ở hai miền, thống nhất tiền tệ trong cả nước”.
Về tỷ lệ thu đổi, Bộ Chính trị quyết định 1 đồng tiền ngân hàng cũ đổi băng 1 đồng tiền ngân hàng mới; 0,8 đồng ngân hàng cũ ở miền Nam đổi bằng 1 đồng ngân hàng mới.
Về mức đổi, Nghị quyết chỉ rõ mỗi hộ độc thân được đổi ngay đến mức tối đa ở thành thị là 100 đồng, ở nông thôn là 50 đồng. Mỗi hộ gia đình có 2 nhân khẩu được đổi ngay ở thành thị mức tối đa là 200 đồng, ở nông thôn là 100 đồng. Mỗi hộ gia đình có 3 nhân khẩu trở lên được đổi thêm cho mỗi nhân khẩu ở thành thị là 50 đồng, ở nông thôn là 30 đồng. Những hộ nhiều nhân khẩu nhất cũng chỉ đổi được ngay đến mức tối đa ở thành thị là 500 đồng, ở nông thôn là 300 đồng. Ngoài số tiền mặt được đổi ngay, số tiền còn lại được ghi vào sổ tiết kiệm hay tiền gửi và được rút ra để tiêu dùng và sản xuất kinh doanh theo chính sách quy định.
Thực hiện Nghị quyết số 08, tại miền Bắc, đổi từ tiền cũ sang tiền mới theo tỷ giá 1 đồng tiền cũ đổi lấy 1 đồng tiền mới thống nhất. Tại miền Nam, đổi tiền giải phóng sang tiền thống nhất theo tỷ giá 1 đồng tiền giải phóng đổi được 8 hào tiền thống nhất. Có phát hành thêm các loại tiền 5 hào, 1 đồng, 5 đồng, 10 đồng, 20 đồng, 30 đồng, 50 đồng, 100 đồng.
Lần thứ ba diễn ra vào ngày 4-9-1985, đổi tiền cũ (tiêu tiền thống nhất trong cả nước) theo tỷ giá 10 đồng tiền cũ đổi lấy 1 đồng tiền mới. Có phát hành tiền loại 10 đồng, 20 đồng, 50 đồng.
Việc đổi tiền lần thứ nhất, lần thứ hai không có gì sai, vì lần thứ nhất thay tiền của chế độ cũ sang tiền của chế độ mới là lẽ đương nhiên. Lần thứ hai đổi theo tỷ giá xấp xỉ ngang nhau để cho thống nhất đồng tiền trong cả nước, cũng không có gì sai. Nhưng việc đổi tiền lần thứ ba, tỷ giá quá chênh lệch là sai, vì chỉ trong một thời gian rất ngắn, giá của 1 đồng tiền mới cũng chỉ bằng 1 đồng tiền cũ. Như vậy, người dân bỗng dưng mất đi 9 lần tiền, làm cho đời sống nhân dân vốn đã khó khăn càng thêm khó khăn chồng chất. Hơn nữa, mỗi người đều chỉ được đổi một lượng tiền nhất định, theo kiểu cào bằng, chứ không phải công bằng, quy định mỗi gia đình chỉ được phép đổi 2 nghìn đồng tiền mới. Số tiền cũ còn lại vượt trội cũng có thể đổi, nhưng phải gửi vào ngân hàng để xem xét sau. Vì vậy, sau khi đổi tiền, ai cũng như ai. Khi tiến hành đổi tiền lần thứ ba, các nhà tham mưu và chuyên gia về tiền tệ của Đảng và Nhà nước tưởng rằng, sau khi đổi tiền, lạm phát sẽ tụt xuống và giá trị của đồng tiền mới sẽ được nâng lên. Nào ngờ, do hàng hóa khan hiếm, lại có sự tiếp tục trượt giá của đồng tiền, nên chỉ ít lâu sau, mệnh giá tiền mới tăng gấp 10 lần tiền cũ, làm cho toàn bộ tiền gửi tiết kiệm của các tầng lớp nhân dân chỉ còn lại 1/10 trong khi giá cả lại tăng hơn trước, ảnh hưởng xấu đến nhiều mặt hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống  nhân dân.
Đây là một sai lầm nghiêm trọng về đổi tiền mà Hội nghị Trung ương 9, khóa V (tháng 12-1985) của Đảng đã kiểm điểm sâu sắc. Đại hội VI (1986)  cũng đã kiểm điểm vụ đổi tiền năm 1985:
“Việc giải quyết vấn đề giá, lương, tiền đã phạm sai lầm. Thiếu biện pháp đồng bộ, có hiệu quả để Nhà nước nắm được hàng và tiền. Các giải pháp cụ thể về định mức giá và quản lý giá, về định mức lương và quản lý quỹ lương, về đổi tiền và bước đi trong việc điều chỉnh giá, lương, tiền được tiến hành thiếu chuẩn bị chu đáo, không phù hợp với tình hình thực tế.       
Sai lầm trong lĩnh vực phân phối, lưu thông là sai lầm rất nghiêm trọng trong lãnh đạo và quản lý kinh tế”1.
“Những sai lầm nói trên là những sai lầm nghiêm trọng và kéo dài về chủ trương, chính sách lớn, sai lầm về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện”2.
Tiền tệ là một khoa học, mà một khi đã nói đến khoa học, thì nó phải được đối xử như một khoa học, tức là phải nghiên cứu nó một cách nghiêm túc.
------
1, 2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1987, tr.25-26.