Văn hóa giao thông: Tham gia giao thông kiểu khôn lỏi, người Việt bó chân nhau
Đã 10 năm kể từ khi tôi
tốt nghiệp đại học và ở lại thành phố lập nghiệp. Và cũng từng đó thời
gian, hàng sáng tôi phải hòa vào dòng người ùn ứ bò từ nhà tới công sở
làm việc, buổi chiều từ công sở về nhà.
Tất nhiên, lựa chọn ở lại thành phố thì tôi phải chấp nhận sự đông
đúc. Thành phố cũng vì những người muốn ở lại lập nghiệp như tôi mà trở
nên quá tải. Tôi không có quyền phàn nàn gì về điều này. Tôi chỉ cảm
thấy buồn và mệt mỏi vì văn hóa giao thông bon chen của chúng ta vẫn
không thay đổi sau cả một thập kỷ.
Đành rằng lượng người tham gia giao thông đông, đường lại nhỏ thì
xảy ra tắc đường là đương nhiên. Thế nhưng nếu mỗi chúng ta biết nhường
nhịn nhau, biết tuân thủ luật thì cái sự tắc đường cũng thoải mái hơn
rất nhiều. Tôi sẵn sàng chờ đèn đỏ 5 phút để tới lượt đi theo thứ tự mà
không mảy may khó chịu nhưng lại rất bức xúc việc một xe máy nào đó từ
phía sau vươn lên để tạt đầu đi trước.
Chính kiểu giao thông khôn lỏi như hiện nay đang làm chúng ta bị bó
chân nhau. Đường đã tắc lại càng tắc hơn. Nếu muốn hiểu rõ điều này,
bạn có thể tới bất kỳ một ngã tư nào ở Hà Nội hoặc TP.HCM để cảm nhận.
|
Đầu tiên là việc đi ngược
chiều và dừng sai làn. Để cho nhanh, người ta sẵn sàng đi sang làn đường
ngược chiều và dừng đỗ luôn tại đó. Thậm chí đỗ kín cả làn ngược chiều
khiến các phương tiện phía đối diện muốn đi sang cũng không có khe nào
để chui vào và gây ùn tắc giữa ngã tư.
Việc dừng sai làn, chặn lối rẽ phải cũng rất thường xuyên. Thậm chí
nhiều người còn không biết hành vi đó là phạm luật. Còn gì bức xúc hơn
khi bạn có tín hiệu đèn xanh để rẽ mà lại phải đứng chôn chân tại đó.
Rồi còn chuyện bon chen vượt đèn đỏ. Có người đèn tín hiệu giao
thông chưa bật chuyển xanh đã rồ ga phóng đi. Nhiều lúc đèn đỏ còn 1 tới
2 giây mà các xe phía sau tôi cứ bấm còi loạn cả lên. Và đáng chê trách
không kém là những người cố gắng bám đuôi xe đi trước để vượt đèn đỏ.
Hai kiểu người này rất dễ va chạm nhau giữa ngã tư và gây tai nạn.
Tôi thực sự không hiểu các bạn tiếc một vài giây đồng hồ để làm gì
khi mà tới cơ quan, công sở vẫn dành cả tiếng đồng hồ để lướt web.
Xấu xí hơn, còn có hiện tượng vượt đèn đỏ theo trào lưu. Một người
vượt đèn đỏ kéo theo tất cả cùng vượt. Đáng lẽ, đám đông phải lên án
hành động của người vượt đèn đỏ đầu tiên nhưng họ lại sợ bị thiệt, lại
hùa theo dẫn đến một khung cảnh vô cùng lộn xộn.
|
Các ngã tư ở Hà Nội và
TP.HCM vào giờ cao điểm lưu lượng xe tham gia rất lớn, tuân thủ theo tín
hiệu điều khiển giao thông vẫn còn có thể xảy ra ùn tắc huống chi tình
trạng mạnh ai nấy đi như hiện nay.
Tôi để ý ở nước ngoài, tại giữa các ngã tư lớn hay ùn tắc họ thường
sơn một hình vuông lớn đánh dấu X. Họ gọi ký hiệu này là "Box
Junction". Nó có nhiệm vụ điều tiết lưu lượng giao thông.
|
Theo luật, hễ lái xe nào
dừng xe tại dấu X đó thì sẽ bị phạt, vì bất cứ lý do gì. Có thể hiểu
tình huống như thế này: bạn dừng xe trước đèn đỏ ở ngã tư, đèn chuyển
sang xanh, đáng lẽ bạn được quyền đi tiếp nhưng ở phía đối diện đường
vẫn chưa thông, nếu cố tình đi bạn có nguy cơ dừng xe tại vị trí đánh
dấu và bị phạt. Như vậy không gian giao cắt giữa ngã tư luôn được đảm
bảo thông thoáng. Không giống như tại Việt Nam, hễ đèn chuyển xanh là
chúng ta đi tiếp mặc kệ phía trước đang có ùn tắc và làm tình hình giao
thông trở nên tồi tệ hơn.
Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng khôn lỏi là một đức tính tốt. Và nhất là
khôn lỏi trong khi tham gia giao thông chỉ đem lại tác dụng ngược.
Trong tình hình hiện nay, lượng xe ô tô ngày một nhiều lên, chắc chắn ùn
tắc giao thông sẽ xảy ra thường xuyên hơn nên trước mắt chúng ta phải
xây dựng cho mình văn hóa giao thông lịch sự, chấp hành đúng luật thay
vì việc chờ đợi mở rộng đường hoặc xây thêm cầu vượt từ phía Nhà nước.
Tiến Hiệp