CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN NIỀM TIN YÊU VÀ HY VỌNG CỦA LOÀI NGƯỜI (Bài 27)
PGS,TS Đàm Đức Vượng
1. Trên một số trang mạng gần đây, có người viết
bài: “Nhìn lại chủ nghĩa cộng sản sau hơn 100 năm” (tính từ Cách mạng tháng
Mười Nga năm 1917) kèm theo đó là một số bài phụ họa vào bài viết đó. Trong bài
viết này, Tác giả luận chứng về chủ nghĩa cộng sản không đúng. Tai hại hơn là
Tác giả đã viết về những hậu quả của chủ nghĩa cộng sản như “dưới thời
V.I.Lênin đã giết chừng 1,5 triệu người trong chiến dịch tận diệt điền chủ. Tồi
tệ hơn là dưới thời Stalin, chỉ trong năm 1937 và 1938 đã có trên 1,5 triệu người
bị giết, trong đó có 700.000 người bị xử bắn. Năm 1936, có hơn 5 triệu người
Nga bị giam trong các nhà tù cải tạo. Vì muốn tiến nhanh lên công nghiệp hóa,
cho nên Stalin đã tạo ra cơn đói năm 1932-1933, có chừng 8 triệu người chết,
được biết dưới tên Holodomor”. Rồi tác giả dẫn ra có “gần 100 triệu người chết
vì nạn cộng sản qua đấu tố, giết hại, thanh trừng, giết trực tiếp, thủ tiêu,
đói chết,… và được chia theo các quốc gia như sau: Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa:
65 triệu người, Liên Xô: 30 triệu, Campuchia: 2 triệu, Bắc Hàn: 2 triệu, Phi
Châu: 1,7 triệu, Ápganistan: 1,5 triệu, Đông Âu: 1 triệu, Việt Nam: 1 triệu, Mỹ
Latinh: 150.000 người”…. Những con số mà tác giả công bố trên đây đều là phỏng
đoán và không có cơ sở.
2. Bình luận về chủ nghĩa cộng sản, Tác giả viết:
“Chủ nghĩa cộng sản có nghĩa là một cộng đồng dân chúng sống chung hòa với nhau
trong cùng một lối sống và mọi người đều bình đẳng trong xã hội”. Tác giả đánh
giá “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” của C.Mác và Ph.Ăngghen mang tính “cực đoan
trong triết lý”; rằng, “ người cộng sản đặt thế giới cộng sản lên trên quyền
lợi của đất nước mình và luôn tranh giành quyền lãnh đạo độc tôn”… Những lời
bình luận trên đây về chủ nghĩa cộng sản là mang tính ngộ nhận, suy diễn chủ
quan, bập bõm, bóp méo và nói sai về những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản,
chứng tỏ chưa bao giờ Tác giả đọc một cách nghiêm túc về những tác phẩm của
C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I Lênin mà đã vội vã phê phán một cách vô căn cứ.
Nhìn lại lịch sử, thấy
rằng, C.Mác và Ph.Ăngghen công bố “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” vào năm 1848,
đến năm 2018 đã được 170 năm. Đây cũng là dấu mốc hình thành về mặt lý luận chủ
nghĩa cộng sản. Nhưng trên thực tế, thời C.Mác và Ph.Ăngghen sống, trên thế
giới chưa xuất hiện một đảng cộng sản nào, chỉ có “Liên minh những người cộng
sản”. Mãi đến năm 1895, V.I.Lênin thành lập “Liên minh chiến đấu giải phóng
giai cấp công nhân”, mầm mống đầu tiên cho sự ra đời của đảng cộng sản ở nước
Nga và trên thế giới. Đến năm 1898, trên cơ sở tổ chức “Liên minh chiến đấu
giải phóng giai cấp công nhân”, V.I.Lênin thành lập “Đảng Công nhân dân chủ xã
hội Nga” và đến năm 1918, trên cơ sở “Đảng Công nhân dân chủ xã hội Nga”,
V.I.Lênin đổi tên thành “Đảng Cộng sản Bônsơvích (B) Nga”, rồi Đảng Cộng sản Liên
Xô. Từ đó, mới hình thành đảng cộng sản và cũng từ đó, lý luận chủ nghĩa xã hội
(chủ nghĩa cộng sản) mới bắt đầu được chứng minh và phát triển trên thực tế.
Theo C.Mác, Ph.Ăngghen,
V.I.Lênin, những người phát hiện và phát triển lý luận cộng sản chủ nghĩa, thì
chủ nghĩa cộng sản là giai đoạn cao nhất của hình thái kinh tế - xã hội cộng
sản chủ nghĩa dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất; là hình thái kinh
tế xã hội mà sự phát triển toàn diện, không hạn chế của mỗi người đang trở
thành mục đích trực tiếp của sự phát triển đó. Khác với các nhà xã hội chủ
nghĩa không tưởng, C.Mác đã hình dung xã hội cộng sản chủ nghĩa là sản phẩm tất
yếu của quá trình vận động lịch sử thế giới hiện đại, là sản phẩm của đấu tranh
giai cấp. Ngay từ đầu, học thuyết của C.Mác về chủ nghĩa cộng sản đã hình thành
với tư cách là một lý luận khoa học dựa trên việc nghiên cứu những quan hệ xã
hội đang tồn tại thực sự và sự phát triển của những quan hệ đó.
Lý luận khoa học về chủ
nghĩa cộng sản hình thành trên cơ sở quan niệm duy vật về lịch sử, tức là quan
điểm coi lịch sử như một quá trình hợp quy luật mà nguyên nhân, suy cho cùng là
sự phát triển sản xuất vật chất. Việc nghiên cứu quá trình đó đã dẫn đến các
nhà sáng lập ra chủ nghĩa Mác đi tới kết luận chủ nghĩa cộng sản là sự xây dựng
“những điều kiện vật chất của sản xuất mà chỉ chúng mới có thể trở thành cơ sở
thực tế của một hình thái xã hội cao hơn mà nguyên tắc cơ bản là phát triển đầy
đủ và tự do của mỗi cá thể” (C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, tiếng Nga,
tập 23, tr. 605). Chủ nghĩa cộng sản sẽ khắc phục sự khác biệt về giai cấp,
thay đổi tính chất của lao động, từng bước biến lao động thành như cầu sống còn
của con người phát triển toàn diện và hài hòa.
Chủ nghĩa xã hội là giai
đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản. Chủ nghĩa cộng sản khác với chủ nghĩa xã hội ở
sự phát triển phi thường của những lực lượng sản xuất có khả năng sản xuất dồi
dào các vật phẩm tiêu dùng. Ngày nay, tự động hóa sản xuất đang là cơ sở vật
chất, kỹ thuật thiết thực để thay đổi tính chất của lao động. Nguyên tắc cơ bản
của chủ nghĩa xã hội là “làm theo năng lực, hưởng theo lao động”. Nguyên tắc cơ
bản của chủ nghĩa cộng sản là “làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu”, tạo sự
công bằng xã hội, nhưng không cào bằng.
Ưu điểm vượt trội của
chủ nghĩa cộng sản là đào tạo ra những con người có nhân cách, có khả năng sáng
tạo hết sức đa dạng, con người của hoạt động cải tạo, hoạt động sáng tạo. Một
xã hội dưới chủ nghĩa cộng sản, đặt mục đích cho mình là biến mỗi người thành
một người sáng tạo, hoạt động của con người được thực hiện với tính cách là một
hoạt động chủ động, sáng tạo. Chủ nghĩa cộng sản không phải là sự kìm hãm cá
nhân, mà là sự phát triển toàn diện của cá nhân. Trong xã hội cộng sản chủ
nghĩa, con người sẽ trao đổi hoạt động chứ không phải trao đổi các vật phẩm,
người với người tạo nên mối quan hệ hết sức tốt đẹp vì lợi ích chung. Sự thay
đổi quá trình sản xuất và tính chất hoạt động của con người kéo theo cả sự thay
đổi trong tất cả các quan hệ xã hội, mà trước hết là quan hệ sở hữu. Xã hội
trong chủ nghĩa cộng sản là xã hội mà mỗi người đều có khả năng tự do phát
triển, chính là vì toàn xã hội quan tâm tới điều đó, vì lúc ấy, mỗi người không
phải hoạt động với tư cách là thành viên của một nhóm người, mà là thành viên
của toàn xã hội; mà với tư cách là đại biểu của toàn xã hội, sự tự đo phát
triển của mỗi người trở thành điều kiện cho sự tự do phát triển của tất cả mọi
người; con người sẽ được phát triển đầy đủ, toàn diện và vững chắc.
Có người bóc tách chủ
nghĩa cộng sản và chủ nghĩa cộng sản khoa học ra làm hai. Kỳ thực, chủ nghĩa
cộng sản và chủ nghĩa cộng sản khoa học là một, sự nối tiếp của một tiến trình
lý luận cộng sản, sự chuyên sâu của những vấn đề của chủ nghĩa cộng sản. Khi
nói đến chủ nghĩa cộng sản, người ta cũng có thể hiểu đó là chủ nghĩa cộng sản
khoa học và nói đến chủ nghĩa cộng sản khoa học, người ta cũng có thể hiểu đó
là chủ nghĩa cộng sản. Theo nghĩa rộng hơn, chủ nghĩa cộng sản khoa học chính
là chủ nghĩa Mác – Lênin nói chung với tính cách là sự luận chứng toàn diện về
triết học, kinh tế, chính trị - xã hội, ba bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác –
Lênin; học thuyết về nhận thức và cải tạo thế giới, về những quy luật phát
triển của xã hội, tự nhiên và tư duy con người, về những con đường cách mạng
lật đổ chế độ bóc lột và xây dựng chủ nghĩa cộng sản; thế giới quan của giai
cấp công nhân và đội tiên phong của nó là các đảng cộng sản, đảng cách mạng,
đảng công nhân. Chủ nghĩa cộng sản khoa học là khoa học về đấu tranh giai cấp
của giai cấp công nhân và các cuộc cách mạng; về các quy luật chính trị - xã
hội của toàn bộ quá trình cách mạng thế giới.
Là một bộ phận cấu thành
chủ nghĩa Mác – Lênin, chủ nghĩa cộng sản khoa học gắn liền hữu cơ với triết
học và kinh tế chính trị học mácxít, dựa vào nền tảng lý luận chung và phương
pháp luận của triết học và kinh tế chính trị học mácxít. Theo nhận định của
Ph.Ăngghen, chủ nghĩa cộng sản khoa học ra đời được là nhờ hai phát minh vĩ đại
nhất của chủ nghĩa Mác, đó là quan niệm duy vật về lịch sử và lý luận về giá
trị thặng dư; là sự tiếp tục một cách lôgích, triệt để, phát triển và hoàn
thiện học thuyết triết học và kinh tế chính trị học của chủ nghĩa Mác – Lênin.
Khác với chủ nghĩa duy vật lịch sử, chủ nghĩa cộng sản khoa học nghiên cứu
không phải là những quy luật xã hội học chung có tác dụng trong tất cả hay
trong nhiều hình thái kinh tế - xã hội, mà là những quy luật đặc thù, riêng
biệt của hình thái cộng sản chủ nghĩa, những quy luật ra đời, hình thành và
phát triển của hình thái này. Khác với kinh tế chính trị học, chủ nghĩa cộng
sản khoa học không phải là các quan hệ kinh tế, mà là các quan hệ chính trị -
xã hội của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản và các quy luật phát triển
của nó. Là lý luận chung về xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản,
chủ nghĩa cộng sản khoa học là cơ sở, phương pháp luận cho các khoa học xã hội
chuyên ngành, cho các công trình nghiên cứu xã hội. Như vậy, chủ nghĩa cộng sản
nói chung nghiên cứu về chủ nghĩa Mác – Lênin, chủ nghĩa cộng sản khoa học nói
riêng đi vào nghiên cứu theo từng bộ môn của chủ nghĩa Mác – Lênin như kinh tế
chính trị học, triết học, lý luận của chủ nghĩa cộng sản…. Có người nói rằng,
chủ nghĩa cộng sản khoa học là bước phát triển của chủ nghĩa cộng sản.
Với tư cách là một khoa
học độc lập, chủ nghĩa cộng sản khoa học có những quy luật và những phạm trù
của nó. Những quy luật và phạm trù đó biểu hiện những mặt chủ yếu của quá trình
thông qua cách mạng tổ chức lại xã hội tư bản thành xã hội xã hội chủ nghĩa và
xã hội cộng sản. Các quy luật và phạm trù của chủ nghĩa cộng sản khoa học là những
quy luật và phạm trù riêng biệt hơn, cụ thể hơn so với các quy luật của các
phạm trù của chủ nghĩa duy vật lịch sử.
Chủ nghĩa cộng sản khoa
học gắn liền với thực tiễn đấu tranh cách mạng. Nó biểu hiện những quy luật
phát triển và những khía cạnh chủ yếu của mặt tích cực trong quá trình lịch sử
chuyển biến của loài người từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa cộng sản. Quá
trình khách quan có tính chất lịch sử tự nhiên này được chủ nghĩa cộng sản khoa
học xem xét trong mối liên hệ chặt chẽ và tác động của nhân tố chủ quan, trước
hết, dưới góc độ của việc thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân do
đảng cộng sản lãnh đạo. Chủ nghĩa cộng sản khoa học là lý luận của phong trào
công nhân, phong trào giải phóng dân tộc và các phong trào yêu nước trên toàn
thế giới.
Nhiệm vụ của chủ nghĩa
cộng sản khoa học là giải thích và luận chứng để xóa bỏ xã hội cũ và thay bằng
một xã hội tiến bộ hơn; xóa bỏ những tàn tích của xã hội cũ bằng cách mạng đổi
mới.
Chủ nghĩa cộng sản khoa
học mang tính quốc tế, giải quyết những nhiệm vụ quốc tế, biểu hiện lợi ích
quốc tế, mang tính đặc thù dân tộc trong các quan điểm cụ thể của mỗi nước đối
với việc giải quyết nhiệm vụ quốc tế chung, phù hợp với yêu cầu của thời đại.
Vì vậy, chủ nghĩa cộng sản khoa học với tư cách là học thuyết mang tính quốc
tế.
Chủ nghĩa cộng sản khoa
học là một học thuyết sáng tạo, sinh động, đối lập với chủ nghĩa giáo điều, chủ
nghĩa cải lương, chủ nghĩa xét lại và mọi màu sắc của chủ nghĩa cơ hội. Tính
sáng tạo của cuộc sống, thực tiễn đấu tranh cách mạng, xây dựng chủ nghĩa xã
hội và chủ nghĩa cộng sản là sức mạnh quyết định sự phát triển sáng tạo chủ
nghĩa cộng sản khoa học.
Chủ nghĩa cộng sản khoa
học là khoa học mang tính đảng sâu sắc, nó trực tiếp biểu hiện những lợi ích xã
hội chủ nghĩa và những lý tưởng cộng sản chủ nghĩa. Do những lợi ích và những
lý tưởng này phù hợp với những nhu cầu của tiến bộ xã hội, cho nên tính đảng
của chủ nghĩa cộng sản khoa học quyết định thái độ thực sự khoa học khách quan
đối với các vấn đề của quá trình cách mạng thế giới.
Có nghiên cứu sâu về chủ
nghĩa cộng sản và chủ nghĩa cộng sản khoa học mới thấy hết cái đẹp, cái ưu
việt, cái văn hóa, văn minh, trí tuệ của nó. Mục đích của nó là đưa loài tiến
đến đỉnh cao của cuộc sống nhân loại. Có điều là từ nay đến khi có được một chủ
nghĩa cộng sản thực sự là cả một thời gian rất dài, có rất nhiều việc phải làm;
nó diễn ra với tất cả sự quanh co, vô cùng phức tạp. Hiện nay, đất nước của
chúng ta mới chỉ ở giai đoạn đầu của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, một
giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản.
Trên đây là sự trình bày
một cách cơ bản về nội dung của chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa cộng sản khoa
học. Những người cố tình xuyên tạc và phủ nhận chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa
cộng sản khoa học sẽ bị dư luận xã hội lên án.
Chủ nghĩa cộng sản trong
tương lai là niềm tin yêu và hy vọng của loài người!