Mới cập nhật

NGÀY XUÂN LẠI NÓI CHUYỆN VỀ KHOA HỌC LÝ SỐ

PGS,TS Đàm Đức Vượng
       

Hằng năm, mỗi dịp xuân về, người ta lại nghĩ đến vận mệnh của mình và vận mệnh của đất nước năm đó. Nghĩ như vậy là đúng, vì mỗi một con người, mỗi cuộc đời đều có tướng, số, có số phận riêng của mình, gắn với đất nước, với cộng đồng người Việt Nam thân yêu của mình.
Số phận của mỗi con người đều liên quan đến tướng, số, tôi thêm vào chữ “vận” thành tướng - số - vận.
Tướng - số - vận hợp thành lý số. Đây không phải là mê tín dị đoan, mà là khoa học lý số, có pha chút tâm linh.
Trải qua hàng nghìn năm, với những điều mắt thấy, tai nghe, đúc rút kinh nghiệm, loài người đã khẳng định là mỗi người đều có số mệnh riêng của mình. Số mệnh ấy mờ mờ ảo ảo như không khí, không nhìn thấy, không nghe thấy, nhưng lại có thật. Không khí là lớp khí bao quanh mặt đất. Số mệnh mang yếu tố tâm linh bao quanh con người.
Trong sách “Truyện cổ Phật giáo”, tập 3, kế rằng, có một ông vua từ lúc lên ngôi báu đã giao cho một viên quan đại thần đi thu lượm những tinh hoa, triết lý cuộc đời, sưu tầm cái hay, cái dở ở đời để dâng nhà vua đọc và tổng kết thành nguyên tắc trị dân. Ba mươi năm trôi qua, viên quan đại thần mang về dâng vua hơn một nghìn cuốn sách quý. Nhà vua nhìn chồng sách khổng lồ, lắc đầu nói: Than ôi! Sao tinh hoa của trời đất nhiều đến thế. Trẫm đã nhiều tuổi rồi, làm sao mà đọc hết được. Khanh hãy mang về rút ngắn lại, rồi dâng trẫm. Viên quan đại thần ra đi. Một năm sau trở về, dâng lên năm trăm quyển sách tinh hoa của nhân loại. Nhà Vua vẫn lắc đầu: Vẫn nhiều quá, không thể đọc hết. Viên quan đại thần lại ra đi, một năm sau, mang về một quyển để dâng vua. Nhà vua vẫn cho là còn dài. Viên quan đại thần lại ra đi. Một năm sau lại trở về với bốn câu tổng kết: Đời người là sinh, lão, bệnh, tử. Nhà vua đọc xong, gật đầu, rồi tắt thở. Về sau, người ta dựa vào đây để tổng kết cuộc đời của mỗi con người là: sinh, lão, bệnh, tử.
Người ta sinh ra và sống, sau đó, trở về già, rồi sinh bệnh và cuối cùng là tử (chết). Như vậy, con người ta gồm bốn phần, nhưng chỉ có một phần sống (sinh), còn lại ba phẩn là lão, bệnh, tử. Số phận con người cũng xoay chung quanh vấn đề sinh, lão, bệnh, tử mà vận hành.
Trong hơn sáu tỷ người trên Trái Đất này với hai giống người đàn ông và đàn bà, mỗi người có một số phận, vận mệnh khác nhau, chẳng ai giống ai, có chăng chỉ có một số người gần giống nhau mà thôi. Có người sống rất tử tế, lại có trình độ, nhưng cả đời nghèo khổ, chẳng một ai giúp đỡ. Có người phụ nữ nết na chuẩn mực, lại xinh đẹp, nhưng vớ phải người chồng lưu manh, sống tàn nhẫn và bỏ rơi vợ con. Có người suốt đời vùi đầu vào nghiên cứu khoa học, mang lại nhiều công trình giúp ích cho đời, cho xã hội, nhưng bản thân người đó cả đời không gặp may, không có quý nhân phù trợ, thân tự lập thân, vô cùng vất vả và chịu nhiều thiệt thòi. Đó là số phận, vận mệnh của mỗi con người sống trong xã hội và trong Trái Đất này. Trớ trêu thay! Tạo hóa sinh ra con người vốn đã không bình đẳng, cho nên dẫn đến tình trạng người nghèo khổ, người sung sướng, người gặp may, người không gặp may, người “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi”, người “ngồi rung đùi để hưởng lộc”.
Nhìn lại lịch sử, chúng ta thấy tại Trung Quốc vào những năm đầu của Cách mạng Tân Hợi (1911), mọi người đều biết đến cái tên Trương Tôn Xương. Ông ta xuất thân từ bồi bàn; văn bập bẹ đôi ba chữ; võ chẳng biết miếng nào; binh thư đồ trận lại càng mù tịt; có thể nói đây là một con người văn dốt, vũ dát trăm phần trăm. Vậy mà Trương Tôn Xương đã một thời làm mưa làm gió trên chính trường miền Bắc Trung Quốc. Khi ông ta làm Tổng đốc (Tỉnh trưởng) tỉnh Sơn Đông, gặp kỳ hạn hán, dân chúng theo tục lệ cổ, mời quan Tổng đốc đến long vương văn miếu lập đàn cầu mưa. Đứng trước bàn thờ, quan Tổng đốc không biết đọc sớ, cũng không biết khấn, toàn làm những động tác khua chân múa tay, trông như ông thầy đồng bóng. Thấy mọi người nhìn chằm chằm vào mình, bực bội, Trương Tôn Xương lấy tay chỉ mặt tượng thần nói: “Đ…m…, không mưa làm bách tính khổ… Nếu mày còn để nắng mãi, tao sẽ đập tan miếu này cho coi”. Các kỳ lão trong tỉnh ai nấy đều toát mồ hôi trước câu nói của quan Tổng đốc, nhưng không ai dám hé răng. Đã ba ngày trôi qua, trời vẫn không mưa. Tổng đốc Trương Tôn Xương bèn hạ lệnh cho một tiểu đoàn pháo binh đem 10 khẩu súng đại bác xếp hàng trước núi Thiên Phật, bắn lên trời. Quả nhiên, hôm sau, trời mưa như trút nước. Tại sao một người như thế lại ở ngôi nhất phẩm Triều đình Thanh. Về vấn đề này, nhà tướng học Vũ Tài Lục, cho rằng, tại số tốt. Trương Tôn Xương sinh năm Nhâm Ngọ, tháng Nhâm Dần, ngày Nhâm Dần, giờ Nhâm Dần. Bốn chữ “Nhâm”, sách gọi là “thiên nguyên nhất khí hành chi dần, ngọ hợp thành ngọn lửa bùng cháy”. Thời kỳ Trương Tôn Xương làm bồi bàn, thầy tướng - số đoán là đại quý mệnh. Xương chắp tay vái thầy xem tướng xin đừng giễu cợt, cái thân bồi bàn làm gì đại quý, đại phú. Đến khi Xương làm đến chức quan Tổng đốc, ông giàu đến nỗi tiền của có bao nhiêu không biết; quyền thế đến nỗi quân lính có bao nhiêu cũng không biết. Ông đi đến đâu lấy vợ đến đấy, đến nỗi có bao nhiêu vợ cũng không hay. Có nhà lý số đã phải lấy trường hợp Trương Tôn Xương làm điển hình, để khẳng định cái số là quan trọng biết nhường nào đối với mỗi con người trong mỗi cuộc đời.
Trong cuộc sống có nhiều cái liên quan đến tướng - số - vận như cái ngẫu nhiên và cái tất nhiên; nhân và quả; hình thức và nội dung; bản chất và hiện tượng. Tướng - số -  có quy luật của nó. Đó là mối liên hệ cơ bản bên trong của con người xảy ra đối với các hiện tượng, sự kiện, chi phối sự phát triển tất yếu của những hiện tượng, sự kiện ấy. Nó biểu hiện một trình tự nhất định của mối liên hệ nhân quả, tất yếu giữa các hiện tượng, sự kiện sắp xảy ra. Thật đáng thương thay cho số phận của mỗi con người, số phận của mỗi cuộc đời!
Người đời xưa xem số giờ sinh, ngày sinh, tháng sinh, năm sinh, thường gọi là “Bát tự”. Khi xem vận mệnh của mỗi người, thì cần phải có sự kết hợp, đối chiếu với nhiều yếu tố khác nữa như “Bốn mùa”, ‘Bát quái”, “Âm Dương”, “Ngũ hành” và đặc biệt phải biết kết hợp giữa tướng - số - vận, xem đó như một khoa học, thì may ra mới có lá số tương đối đúng. Tướng ở đây là tướng mạo; số ở đây là giờ, ngày, tháng, năm sinh; vận ở đây là thời vận mang yếu tố xã hội.
Trong cuộc sống, ai vượt lên được số phận, tự khẳng định mình, đấy mới chính là bậc chính nhân quân tử ở đời. Người có đức năng siêu việt là người có số tốt. Hòa trong cuộc sống của cộng đồng, thành viên gương mẫu của cộng đồng là người biết sống và biết cách điều chỉnh cuộc sống, điều chỉnh số phận.
Lý luận cơ bản của tướng - số là Thiên can - Địa chi, Âm dương - Ngũ hành. Ngoài ra, lý luận về tướng - số còn phải tính đến Tứ trụ, số Tử vi; Chiêm tinh học, lại có liên quan đến Kinh dịch (Chu dịch), thì mới thành khoa học lý số hoàn chỉnh.
Khoa học về lý số chính là môn khoa học nhằm giải thích có căn cứ về những hiện tượng tự nhiên, hiện tượng xã hội và tư duy. Nếu như trước kia, lý số hiển hiện lên như một thể chế xã hội bị cô lập, thì ngày nay, nhờ có khoa học, lý số bắt đầu thâm nhập vào đời sống xã hội như một món ăn tinh thần không thể thiếu. Khi lý số trở thành khoa học, thì nó phải được đối xử như một khoa học, tức là nó phải trở thành một bộ môn của khoa học và phải nghiên cứu nó một cách nghiêm túc.

Xuân Kỷ Hợi -  2019