NHỮNG NGHIÊN CỨU MỚI VỀ NGUỒN LAO ĐỘNG CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY
PGS,TS Đàm Đức Vượng
Phương hướng và giải pháp xây dựng nguồn lao động Việt Nam trong tương lai
Các công nhân đang làm việc tại một xưởng sản xuất
(BBS: Tạp chí
“Việt Nam hội nhập” ra số đặc biệt Chuyên đề nghiên cứu khoa học về chính sách,
pháp luật và quản lý - số 91 – 2019, đăng bài viết “Những nghiên cứu mới về
nguồn lao động của Việt Nam hiện nay” của PGS,TS Đàm Đức Vượng và giới thiệu về
PGS,TS Đàm Đức Vượng. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết này)
PGS,TS Đàm Đức Vượng
Chức vụ trước khi về
hưu: Chánh Văn phòng, Vụ trưởng, Thư ký Khoa học chuyên trách Hội đồng Lý luận
Trung ương.
Huy hiệu 55 tuổi Đảng.
Tặng thưởng Khoa học cao
nhất cho đến thời điểm này: Huân chương Lao động Hạng nhì của Chủ tịch nước
Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tặng, vì đã hoàn thành xuất sắc công trình nghiên
cứu khoa học về Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản và đã có một tác phẩm khoa học –
chính trị viết về Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản.
Hoạt động khoa học:
- Có thế mạnh về nghiên cứu khoa học trên ba
lĩnh vực: Khoa học lý luận và lịch sử; Khoa học về lý số; Thơ triết lý.
- Cử nhân Ngữ văn.
- Bảo vệ thành công Luận án Phó tiến sĩ (nay
là Tiến sĩ) sử học năm 1986 và được Nhà nước phong Phó giáo sư sử học năm 1992.
- Có 20 tác phẩm khoa
học lý luận và lịch sử viết riêng đã được xuất bản; Có 1 tác phẩm khoa học về
lý số đã được xuất bản; Có 6 tập thơ triết lý đã được xuất bản; Có 6 tác phẩm
đứng tên Chủ biên đã được xuất bản; Có 11 tác phẩm viết chung đã được xuất bản;
Có 10 tập Kỷ yếu Báo cáo khoa học (in chung) đã được xuất bản; Có hơn 100 bài
nghiên cứu đã in ở trên 20 tạp chí trong nước và ngoài nước; Có hơn 500 bài viết
khoa học đã đăng trên các báo và tạp chí; Hướng dẫn và bảo vệ thành công 3 luận
án tiến sĩ sử học; Hướng dẫn và bảo vệ thành công 3 luận văn thạc sĩ; Tham gia
nhiều hội đồng chấm luận án tiến sĩ và luận văn thạc sĩ; Tham gia 20 hội đồng
nghiệm thu đề tài khoa học cấp nhà nước; Trực tiếp làm Chủ nhiệm 3 đề tài cấp
Nhà nước, 2 đề tài cấp quốc tế và 1 đề tài cấp Bộ (Ban Đảng Trung ương). Tất cả
đều đã nghiệm thu cấp Nhà nước và đều đạt kết quả xuất sắc; Tham gia 15 đề tài
nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước; Thành viên kiêm Thư ký Khoa học Tổ Biên tập
tổng kết 20 năm đổi mới của Bộ Chính trị…
*
NHỮNG NGHIÊN CỨU MỚI VỀ
NGUỒN LAO ĐỘNG CỦA ViỆT NAM HIỆN NAY
Xây dựng hệ thống lý luận về nguồn lao động
của Việt Nam hiện nay
Vấn đề nguồn lao động (còn gọi là nguồn nhân
lực) đang là vấn đề lớn nhất, nóng bỏng nhất khi đất nước đang tiến bước những
chặng đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Vì vậy, cần phải nghiên cứu nó một cách thấu đáo, phải nâng nó lên thành khoa
học và nó phải được đối xử như một khoa học.
Chúng ta đang từng bước
xây dựng hệ thống lý luận về nguồn lao động của Việt Nam hiện nay. Đây là một
trong những nghiên cứu mới về nguồn lao động. Trước đây, chúng ta mới chỉ có
hoạt động thực tiễn về nguồn lao động của Việt Nam. Nay xây dựng hệ thống lý
luận về vấn đề này là điều cần thiết.
Phương thức xây dựng lý luận về nguồn lao động
của Việt Nam hiện nay là sự kết hợp giữa lý luận và thực tiễn. Lý luận về nguồn
lao động của Việt Nam chính là những kinh nghiệm đã được khái quát qua ý thức
của những người lao động Việt Nam, là toàn bộ những tri thức đã được rút ra từ
thực tiễn lao động sản xuất. Còn thực tiễn, đó là những hoạt động của người lao
động nhằm làm cho xã hội tồn tại và phát triển, và trước hết, là quá trình
khách quan của sản xuất vật chất – quá trình này là cơ sở của đời sống người
lao động, đồng thời, đó cũng là hoạt động cải tạo – cách mạng của đời sống xã
hội nhằm góp phần làm biến đổi thế giới, biến đổi xã hội theo chiều hướng ngày
một tốt lên. Thực tiễn nguồn lao động còn là cơ sở để tổng kết thành lý luận về nguồn lao động. Lý luận và thực tiễn về nguồn lao động là ở trong một thể thống
nhất gắn bó, tuy không phải lúc nào cũng đồng nhất; cái này không thể tồn tại
nếu không có cái kia và hai cái luôn tác động lẫn nhau. Cơ sở của tác động qua
lại này chính là thực tiễn. Chính lao động sản xuất thực tiễn làm nảy sinh và ở
mỗi bước phát triển lại quy định ý thức của người lao động, và cùng với ý thức,
quy định cả sự nắm vững hiện thực về mặt lý luận. Người lao động hành động có ý
thức, lĩnh hội hiện thực bằng cách này hay cách khác. Phương thức sản xuất, sau
khi xã hội hóa lao động và phát triển lực lượng sản xuất, đã tạo nên những tiền
đề khách quan để khắc phục sự tách rời giữa lý luận và thực tiễn. Vì vậy, vai
trò của lý luận về nguồn lao động tăng lên trong quá trình lao động sản xuất.
Lý luận về nguồn lao
động chính là một bộ phận dân cư của đất nước, có toàn bộ những khả năng thể
chất và tinh thần có thể được sử dụng trong tiến trình lao động. Nguồn lao động
là một yếu tố quan trọng của tiềm lực kinh tế của đất nước và nói lên số lượng
tối đa có thể của dân cư có khả năng lao động sản xuất. Những tiêu chuẩn cơ bản
dùng để tính dân cư vào nguồn lao động là độ tuổi, tình trạng sức khỏe và khả
năng chuyên môn. Bộ phận chủ yếu của nguồn lao động là những người làm việc
trong các cơ quan kinh tế và hành chính, bao gồm cả lao động trí óc và lao động
chân tay.
Đặc trưng của nguồn lao động là những chỉ tiêu
số lượng và chất lượng, những chỉ tiêu này có thể thay đổi. Trong số đó, những
chỉ tiêu quan trọng nhất là số lượng, độ tuổi, giới tính, trình độ học vấn và
số người đang đi học, đang làm việc trong ngành kinh tế quốc dân và sự phân bố
theo lĩnh vực, theo ngành, theo lãnh thổ,… Những nhân tố kinh tế, xã hội đều có
ảnh hưởng đến sự vận động của nguồn lao động. Mức tăng nguồn lao động là sự
chênh lệch giữa số dân cư đến độ tuổi có khả năng lao động và số dân cư đến độ
tuổi về hưu. Sự thay đổi tỷ suất sinh đẻ chỉ sau một thời gian nhất định mới có
ảnh hưởng đến nguồn lao động. Các thế hệ thanh niên mới đến độ tuổi có khả năng
lao động có ảnh hưởng to lớn đến sự thay đổi thành phần chất lượng của nguồn
lao động. Trình độ học vấn và nghề nghiệp của nguồn lao động không ngừng tăng
lên, đó cũng là nâng cao chất lượng. Số lượng nguồn lao động và việc sử dụng số
lượng đó được phản ánh bởi chính lao động của người lao động.
Thực tiễn (thực trạng)
về nguồn lao động của Việt Nam hiện nay
Tại Việt Nam, luật pháp
quy định giới hạn độ tuổi và khả năng lao động là từ 18 đến 60 tuổi đối với nam
giới và từ 18 đến 55 tuổi đối với nữ giới. Trên thực tế, ngoài độ tuổi từ 18,
còn một số lao động có độ tuổi 15 trở lên.
Nguồn lao động của Việt Nam hiện nay bao gồm
người Việt Nam lao động ở trong nước, người Việt Nam lao động ở nước ngoài và
người nước ngoài đang lao động tại Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Thống
kê, lực lượng lao động của Việt Nam từ 15 tuổi trở lên của cả nước tính đến quý
1-2018 có 55,1 triệu người. Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tính đến
quý 1-2018 là 48,4 triệu người. Lao động có việc làm đã qua đào tạo từ trình độ
sơ cấp nghề trở lên trong quý 1-2018 ước tính là 11,6 triệu người, chiếm 21,5%
tổng số việc làm trong cả nước. Tỷ lệ này còn rất thấp so với yêu cầu. Tỷ lệ
lao động đã qua đào tạo mới chỉ đạt trên 50% tổng số lao động trong cả nước.
Thu nhập bình quân tháng từ công việc chính của lao động làm công hưởng lương
trong quý 1-2018 là 5,8 triệu đồng tháng/người, tăng 263 nghìn đồng so với quý
trước và tăng 147 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.
Lao động Việt Nam đi làm
việc ở nước ngoài: Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước trực thuộc Bộ Lao động,
Thương binh và Xã hội, ước tính năm 2018, cả nước có hơn 140 nghìn lao động đi
làm việc theo hợp đồng lao động ở nước ngoài, tăng 7% so với năm 2017. Với việc
đưa hơn 140 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài, năm 2018 là năm thứ năm
liên tiếp xuất khẩu lao động với mốc 100 nghìn người/năm. Đặc biệt, năm 2018,
lần đầu tiên, Nhật Bản vượt qua Đài Loan (Trung Quốc), trở thành nước tiếp nhận
nhiều lao động Việt Nam nhất với hơn 67 nghìn người. Việt Nam cũng trở thành
nước có số lượng thực tập sinh nhiều nhất trong số 15 nước có thực tập sinh
sang nghiên cứu và học tập tại Nhật Bản. Số lượng thực tập sinh sang Nhật Bản
tăng dần từng năm (năm 2015 là 27.010 người; năm 2016 là 39.938 người; năm 2017
là 54.504 người). Cũng theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, năm
2018 có 28 thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam với quy mô từ 1.000 lao động
trở lên, bao gồm các thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc, Rômani,
Saudi Arabia. Mới đây, Nhật Bản đã chính thức thông qua luật mới về việc tiếp
nhận người lao động nước ngoài. Theo đó, cho phép nước này tiếp nhận nhiều nhân
công nước ngoài hơn nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động kéo dài tại
Nhật Bản. Dự kiến, tiếp nhận trong 14 ngành nghề, gồm xây dựng, đóng tàu, nông
nghiệp, ngư nghiệp, hộ lý, nhà hàng, vệ sinh tòa nhà, công nghiệp rèn đúc, bảo
dưỡng, sửa chữa ô tô, hàng không và một số ngành nghề khác.
Theo “Bách khoa toàn thư
mở Wikipedia”, thì xuất khẩu lao động góp phần giải quyết việc làm và cải thiện
đời sống cho nhiều người dân, góp phần tăng nguồn ngoại tệ cho đất nước và
nhiều lợi ích kinh tế khác. Nhưng bên cạnh đó diễn ra song song những vấn đề
bất cập về cơ chế, chính sách, quản lý từ cả hai phía trong và ngoài nước,
những hạn chế về trình độ và ý thức người lao động, tình trạng lưu trú bất hợp
pháp. Ngoài ra, lao động còn có thể đối mặt với việc bị lừa đảo, bóc lột và
ngược đãi.
Theo số liệu của Bộ Lao
động, Thương binh và Xã hội, tính đến tháng 5-2016, cả nước có tổng số 82.585
lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Lao động nước ngoài đang
làm việc tại Việt Nam đến từ 110 quốc gia, trong đó lao động mang quốc tịch
Trung Quốc chiếm tỷ lệ cao nhất với 30,9% (tương ứng với hơn 25.700 người),
tiếp đó là Hàn Quốc (hơn 15.300 người), Đài Loan (hơn 10.700 người), Nhật Bản
(hơn 7.900 người).
Số lượng lao động người
nước ngoài làm việc tại Việt Nam liên tục tăng, đòi hỏi cần phải hoàn thiện
chính sách, luật, bảo đảm quyền của người lao động di cư, nhất là quyền đối xử
bình đẳng về an sinh xã hội. Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 của Việt Nam đã quy
định người lao động nước ngoài phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc kể
từ năm 2018.
Một vài vấn đề rút ra về
nguồn lao động của Việt Nam hiện nay
- Những nghiên cứu mới về nguồn lao động của
Việt Nam hiện nay, thấy rằng, do dân số tăng nhanh, nên về số lượng lao động
cũng tăng nhanh. Do tăng nhanh về số lượng,
nên chất lượng không chạy theo được số lượng, dẫn đến tình trạng lao động giản
đơn quá nhiều, trong khi lao động có tay nghề cao lại còn rất thấp.
- Mức lương của người lao động Việt Nam làm
việc ở trong nước với người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài còn chênh
lệch nhiều, điều này dẫn đến tình trạng năng suất lao động của người Việt Nam
làm việc ở trong nước thấp hơn năng suất lao động của người Việt Nam làm việc ở
nước ngoài.
- Các tổ chức xuất khẩu lao động ở Việt Nam
làm việc còn chủ quan, chưa có sự điều tra kỹ lưỡng đối tượng xuất khẩu lao
động trước khi tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài, dẫn đến một số trường
hợp khi ra nước ngoài, người lao động bỏ trốn, hoặc cơ sở tiếp nhận lao động
Việt Nam ở nước ngoài còn bất cập, làm người lao động phải chờ đợi một thời
gian mới có việc làm; thủ tục đôi khi còn rườm rà.
- Khả năng ngoại ngữ của người lao động Việt
Nam còn hạn chế, ảnh hưởng ít nhiều đến giao tiếp và trao đổi công việc, nghề
nghiệp khi lao động ở nước ngoài.
- Cơ quan chức năng quản lý các đơn vị xuất
khẩu lao động chưa tốt, dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy làm.
- Chính sách về nguồn lao động và người lao
động còn một số bất cập, cần phải tiếp tục sửa chữa, bổ sung cho hoàn chỉnh.
Phương hướng và giải pháp xây dựng nguồn lao động Việt Nam trong tương lai
Qua tính toán và nghiên
cứu, tôi thấy phương hướng phấn đấu đến năm 2025, có tính đến năm 2030, cả nước
có khoảng 60 triệu lao động làm việc, chiếm 2/3 dân số, trong đó, lực lượng lao
động đã qua đào tạo có khoảng 60% trong tổng số lao động của cả nước. Chúng ta
cần tập trung vào đầu tư đào tạo nguồn lao động có chất lượng cao, nhất là đào
tạo về kỹ năng lao động. Nghịch lý của lao động Việt Nam hiện nay là thiếu lao
động có tay nghề cao, trong khi lại xảy ra tình trạng thất nghiệp đối với những
người này. Hiện nay, số người thất nghiệp có trình độ đại học chiếm khoảng gần
3% so với tổng số lao động. Khi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào cuộc, rất có
thể xảy ra tình trạng thất nghiệp do người máy làm thay lao động. Vì vậy, vấn
đề đặt ra là phải làm thế nào để khắc phục được tình trạng thất nghiệp khi
người máy thay thế, tức là phải tạo ra những việc làm mới.
Muốn thực hiện được
phương hướng trên đây, cần phải có những giải pháp tổng thể và giải pháp cụ thể
về nguồn lao động, nguồn kinh doanh, nguồn đào tạo,… Cụ thể là:
- Trước hết phải rà soát lại các chính sách về
lao động, xem chính sách nào còn phù hợp thì tiếp tục phát huy, chính sách nào
không có phù hợp thì bãi bỏ; bổ sung chính sách mới. Hoàn thiện hệ thống chính
sách đối với người lao động là rất quan trọng, vì nó quyết định mọi mặt công việc
và đời sống xã hội của người lao động.
- Dựa hẳn vào địa phương, cơ quan chức năng và
đơn vị cơ sở để khai thác triệt để mọi nguồn lao động tiềm tàng đang ẩn náu
trong nhân dân. Phát hiện nguồn lao động chất lượng cao để có phương hướng đào
tạo và sử dụng.
- Nói đến nguồn lao động
phải nói đến chất lượng sinh đẻ. Muốn có một thân hình khỏe mạnh, tráng kiện,
tinh thông trong quá trình lao động, trước hết, hãy nghĩ đến chất lượng sinh
đẻ. Đẻ ra những đứa con còi cọc sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc tạo nguồn lao
động (nguồn nhân lực) sau này.
- Giáo dục tinh thần lao động cần cù, sáng tạo
trong những người lao động. Giáo dục đào tạo phải được quán triệt trong các
trường học từ phổ thông đến đại học. Vấn đề này, chúng ta làm chưa tốt, làm cho
người lao động chưa hiểu hết tình hình thực tế và kỹ năng lao động. Vì vậy,
giáo dục tinh thần lao động cho người lao động phải được đặt lên hàng đầu.
- Phải có kế hoạch tổng thể và kế hoạch cụ thể
về đào tạo trong phạm vi cả nước và trong từng địa phương, đơn vị. Vấn đề đào
tạo nguồn lao động cũng phải đặt lên hàng đầu. Phải khắc phục tình trạng đào
tạo theo kiểu manh mún, nhỏ giọt từng người một của các đơn vị lao động tư
nhân.
- Xây dựng hình mẫu và tố chất người lao động
sao cho xứng đáng với giá trị lao động, trở thành tấm gương lao động sản xuất
trong mọi hoàn cảnh và mọi thời cơ, kể cả lao động ở trong nước và lao động ở
ngoài nước.
- Thực hiện sự phản biện xã hội, chức năng
giám sát và cạnh tranh lành mạnh đối với các tổ chức tuyển dụng lao động, kể cả
ở trong nước và ngoài nước. Phản biện chính là sự nhận xét, đánh giá việc tuyển
dụng lao động của cơ quan đơn vị chức năng. Giám sát chính là xem xét, theo dõi
việc tuyển dụng lao động. Cạnh tranh là sự tranh đua để giành lấy phần hơn,
phần thắng về mình.
Hy vọng trong tương lai,
nguồn lao động của Việt Nam sẽ phát triển mạnh, tăng nhanh về số lượng và nâng
cao về chất lượng trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0).