NGUYỄN LƯƠNG BẰNG TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG SÁNG NGỜI *
Kỷ niệm lần thứ 115 ngày
sinh đồng chí Nguyễn Lương Bằng (2-4-1904-2-4-2019)
PGS,TS Đàm Đức Vượng
Nguyễn Lương Bằng (trong quá trình hoạt động cách mạng còn mang các tên: Anh Cả, Anh Cả Đỏ, Sao Đỏ…) là một nhà cách mạng chuyên nghiệp, rất nổi tiếng, một mẫu mực về đạo đức cách mạng, tấm gương rất trong sáng, một người toàn tâm toàn ý phục vụ sự nghiệp cách mạng, từng giữ các chức vụ: Ủy viên dự khuyết Trung ương, Ủy viên Trung ương, Ủy viên Thường vụ Trung ương, Tổng Thanh tra Chính phủ, Phó Chủ tịch nước,…
1. Theo Hồi ký của Nguyễn Lương Bằng: Những lần gặp Bác, in trong sách “Bác Hồ”, Nxb Văn học, Hà Nội, 1960, tr. 60.
PGS,TS Đàm Đức Vượng
Hàng đầu từ trái sang: Đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Tướng Phạm Kiệt và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Tư liệu
Nguyễn Lương Bằng (trong quá trình hoạt động cách mạng còn mang các tên: Anh Cả, Anh Cả Đỏ, Sao Đỏ…) là một nhà cách mạng chuyên nghiệp, rất nổi tiếng, một mẫu mực về đạo đức cách mạng, tấm gương rất trong sáng, một người toàn tâm toàn ý phục vụ sự nghiệp cách mạng, từng giữ các chức vụ: Ủy viên dự khuyết Trung ương, Ủy viên Trung ương, Ủy viên Thường vụ Trung ương, Tổng Thanh tra Chính phủ, Phó Chủ tịch nước,…
Nguyễn Lương Bằng sinh
ngày 2-4-1904 (cùng năm sinh với Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông
Dương Trần Phú), tại thôn Đông, xã Đoàn Lâm (nay là xã Thanh Tùng), huyện Thanh
Miện, tỉnh Hải Dương, trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống yêu
nước.
Về hoàn cảnh gia đình,
trong bản lý lịch của mình, Nguyễn Lương Bằng viết: “Khi tôi lớn lên, thì biết
rằng, tôi sinh trưởng trong một gia đình nghèo, không có ruộng đất, Theo lời
cha mẹ thuật lại, thì trước cũng có dăm ba sào ruộng do ông bà chia cho, nhưng
vì túng thiếu mà phải bán đi. Cha tôi làm nghề dạy chữ Nho ở nhà quê, thường
chỉ đủ ăn. Mẹ tôi tần tảo làm nghề hàng xáo để nuôi bốn chị em chúng tôi. Đời
sống gia đình vào tháng ba, ngày tám thường bị đói”.
Lớn lên, Nguyễn Lương Bằng
làm việc ở các tàu biển. Năm 1925, ông sang làm cho một tàu binh Pháp, đậu ở Sa
Diện (Sa Điện) thuộc tô giới Pháp ở Quảng Châu. Lúc này, tiếng bom của Phạm
Hồng Thái ở Sa Diện nhằm giết Toàn quyền Đông Dương Méclanh trong lúc đang ở Sa
Diện, nhưng không thành, đã làm thức tỉnh tâm hồn Nguyễn Lương Bằng. Ông đã đi
viếng mộ Phạm Hồng Thái ở Hoàng Hoa Cương.
Noi gương Phạm Hồng Thái,
ý nghĩ hoạt động cách mạng bắt đầu nảy nở trong lòng người thanh niên yêu nước
Nguyễn Lương Bằng. Ít lâu sau, ông gặp Hồ Tùng Mâu (đồng chí Ích), một nhà hoạt
động cách mạng chuyên nghiệp lúc ấy đang ở Quảng Châu. Thông qua Hồ Tùng Mậu mà
Nguyễn Lương Bằng được gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc (lúc này mang bí danh là
Vương) tại Quảng Châu. Đây là lần đầu tiên, Nguyễn Lương Bằng gặp Nguyễn Ái
Quốc. Tháng 12-1925, Nguyễn Lương Bằng tham gia lớp huấn luyện chính trị do
Nguyễn Ái Quốc tổ chức tại Quảng Châu và được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng
Thanh niên (Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội – Thanh niên). “Trong
buổi lễ kết nạp, đồng chí Vương (Nguyễn Ái Quốc) cũng có mặt”1.
Học xong lớp huấn luyện
chính trị, Nguyễn Lương Bằng xin về nước hoạt động. Nguyễn Lương Bằng tạm biệt
Nguyễn Ái Quốc vào khoảng tháng 9-1926. Nhiệm vụ chính của ông lúc này là tổ
chức đường giao thông Hải Phòng – Hương Cảng (Hồng Kông) để đưa thanh niên
trong nước ra nước ngoài học tập và chuyển tài liệu, sách báo từ nước ngoài vào
trong nước.
Về nước, Nguyễn Lương Bằng
hoạt động tại Hải Phòng. Hoạt động tại Hải Phòng một thời gian, ông xuống tàu
Sông Bô làm việc. Tàu này, một chuyến đi Hương Cảng, một chuyến lại ghé vào
Quảng Châu. Làm việc trên tàu Sông Bô, ông đã chuyển nhiều sách, báo, tài liệu
cách mạng về nước. Giữa năm 1929, Tổng bộ Thanh niên điều động ông sang Hương
Cảng giao cho ông công tác liên lạc giữa Hương Cảng và Quảng Châu. Đến Hương
Cảng, ông làm việc cho một tàu binh Pháp. Tại Hương Cảng, tháng 10 hoặc tháng
11-1929, ông được kết nạp vào một chi bộ của An Nam Cộng sản Đảng lúc ấy hoạt
động tại Hương Cảng. Cuối năm 1929, ông được tổ chức phân công đến công tác tại
Thượng Hải. Tại Thượng Hải, ông làm hầu bàn tại cửa hàng ăn uống Trần Tam Phạn
Điếm và hoạt động bí mật tại đây. Những ngày hoạt động tại Thượng Hải, ông đã
cùng với một số người ra báo “Kèn gọi lính”, đồng thời, vận động công nhân nhà
máy Ốcxigien lập Hội Tương tế nhằm giúp đỡ nhau trong cơn hoạn nạn và hướng về
Tổ quốc. Ông nói: “Từ các tổ chức của anh em công nhân, tôi phát triển sang anh
em bồi bếp, bà con buôn bán, rồi bắt mối với trại lính khố đỏ, khố xanh và lính
thủy. Từ tổ chức quần chúng, tôi tiến lên xây dựng cơ sở đảng. Phong trào lên
mạnh”2. Có thể nói, trong những ngày ở Thượng Hải, ông hoạt động rất
có hiệu quả. Đặc biệt, trong thời gian ở Thượng Hải, Nguyễn Lương Bằng lại được
gặp Nguyễn Ái Quốc lúc ấy đang dừng chân tại Thượng Hải trên đường sang Liên
Xô. Vào khoảng tháng 7 hoặc tháng 8-1930, cũng tại Thượng Hải, Nguyễn Lương
Bằng, một lần nữa, lại được gặp Nguyễn Ái Quốc.
Tháng 5-1931, tại Thượng
Hải, Nguyễn Lương Bằng và Đỗ Ngọc Du (Phiếm Chu) bị mật thám Pháp bắt do sự
phản bội của một người lính khố xanh được ông giác ngộ. Suốt một tháng trời,
ông đã phải chịu mọi cực hình tra tấn cực kỳ dã man của mật thám Pháp, nhưng
ông nhất định không khai báo với địch, nên các tổ chức của ta ở Thượng Hải vẫn
được an toàn. Đánh đập và hỏi cung xong, nhà cầm quyền Pháp ở tô giới Thượng
Hải giải Nguyễn Lương Bằng và Đỗ Ngọc Du (Phiếm Chu) về nước, giam giữ tại một
số nhà tù3, trong đó có nhà tù Hải Dương.
Vào khoảng tháng 6-19314,
Tòa án thực dân tại Hải Dương xử Nguyễn Lương Bằng bản án phát lưu chung thân
và chuyển về giam tại nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội. Tháng 12- 1932, Nguyễn Lương Bằng
cùng một số tù chính trị tổ chức vượt ngục thành công tại nhà tù Hỏa Lò, Hà
Nội. Sau khi vượt ngục, ông trốn thoát lên Vĩnh Yên, rồi về huyện Thanh Miện,
Hải Dương tiếp tục hoạt động cách mạng. Cuối năm 1933, ông lại bị bắt trên
đường đi công tác ở một địa điểm tỉnh Bắc Giang. Đầu năm 1934, ông bị chuyển
lên giam tại nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội lần thứ hai. Tháng 5-1935, ông bị đày lên
giam tại nhà tù Sơn La. Tháng 8-1943, tổ chức đảng trong nhà tù Sơn La bố trí
cho ông vượt ngục thành công, về ở ẩn và hoạt động tại làng Vạn Phúc, Hà Nội.
Tại Hà Nội, ông đã gặp Hoàng Văn Thụ lúc này là Ủy viên Ban Thường vụ Trung
ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Vào thời điểm này, ông được Đảng phân công phụ
trách công tác tài chính và công tác binh vận của Đảng; đồng thời, được phân
công hoạt động trong Mặt trận Việt Minh, giữ chức Chủ nhiệm Tổng bộ. Sau khi
Hoàng Văn Thụ bị nhà cầm quyền Đông Pháp xử bắn và qua đời vào tháng 8-1943,
ông được cử làm Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Trong Hồi ký của mình,
ông viết: “Thường vụ Trung ương họp, bổ sung tôi vào Trung ương và Thường vụ
thay đồng chí Hoàng Văn Thụ bị địch bắt. Tôi không chịu nhận, nhưng cuối cùng
anh Trường Chinh và anh Hoàng Quốc Việt bảo rằng: Chúng tôi biết rõ khả năng
của anh rồi, cứ nhận đi”5. Làm Ủy viên Thường vụ Trung ương, ông
được Đảng phân công phụ trách công tác tài chính và công tác vận động binh lính
địch; đồng thời, được phân công hoạt động trong Mặt trận Việt Minh, giữ chức
Chủ nhiệm Tổng bộ.
Hội nghị Quân sự Cách mạng
Bắc Kỳ họp từ ngày 15 đến ngày 20-4-1945, tại nhà ông Ngô Văn Đông (Lý Đông),
thôn Liễu Ngạn, xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Hội nghị quyết
định những vấn đề bố trí quân sự trên phạm vi toàn quốc nhằm tiến tới tổng khởi
nghĩa. Vì vậy, ý nghĩa của Hội nghị là mang tính toàn quốc. Nguyễn Lương Bằng
tham dự Hội nghị cùng với Tổng Bí thư Trường Chinh (Chủ trì) và các ông Võ
Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh, Văn Tiến Dũng, Nguyễn Văn Trân, Lê Thanh Nghị,
Bạch Thành Phong, Cao Hồng Lãnh, Chu Văn Tấn.
Chuẩn bị khởi nghĩa trong
Cách mạng tháng Tám năm 1945, Nguyễn Lương Bằng được bổ sung vào Ủy ban Dân tộc
giải phóng do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Hội nghị toàn quốc của
Đảng họp từ ngày 14 đến ngày 15-8-1945, tại xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh
Tuyên Quang. Nguyễn Lương Bằng với tư cách là Ủy viên Thường vụ Trung ương,
tham gia Hội nghị và phát biểu tại Hội nghị về cách mạng Việt Nam trong giai
đoạn mới.
Sáng 16-8-1945, Quốc dân
Đại hội khai mạc ở đình xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Nguyễn
Lương Bằng với tư cách Ủy viên Ủy ban Dân tộc giải phóng, tham dự Hội nghị.
Sau Cách mạng tháng Tám
năm 1945, Nguyễn Lương Bằng lần lượt giữ chức Tổng giám đốc Ngân hàng quốc gia
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, từ tháng 5-1951 đến tháng 4-1952; Đại sứ đầu tiên
của Việt Nam tại Liên Xô, Nhiệm kỳ từ tháng 4-1952 đến tháng 4-1956; Tổng Thanh
tra Chính phủ từ tháng 4-1956 đến ngày 11-10-1965; Phó Chủ tịch nước Việt Nam
Dân chủ Cộng hòa từ ngày 22-9-1969 đến ngày 2-7-1976; Phó Chủ tịch nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 2-7-1976 đến ngày 20-7-1979.
Nguyễn Lương Bằng, mất
ngày 20-7-1979, tại Hà Nội, thọ 75 tuổi.
Có thể nói, trong quá
trình hoạt động cách mạng, Nguyễn Lương Bằng nổi lên tấm gương đạo đức cách
mạng mẫu mực tuyệt vời. Có lần, trong ngục tù Hỏa Lò, Hà Nội, anh em tù chính
trị giữ được một số tiền do người nhà gửi vào. Số tiền này, giao cho Nguyễn
Lương Bằng quản lý. Trước khi vượt ngục Hỏa Lò, Hà Nội, ông đã chia số tiền đó,
cùng quần áo, thuốc men cho anh em chuẩn bị vượt ngục. Bản thân mình không giữ
một đồng nào của anh em.
Trong khi giữ các chức vụ
của Đảng và Nhà nước giao phó, Nguyễn Lương Bằng chắt chiu từng xu để bổ sung
vào quỹ Đảng. Ông đi công tác, không dám lấy tiền của Đảng, mà bí mật về quê
bán thóc, lấy tiền đi đường. Vì vậy, đồng chí của ông gọi ông là “Anh Cả Đỏ”,
đồng chí “Sao Đỏ”. Tổng Bí thư Trường Chinh có lần nói với chúng tôi là thời
gian phụ trách công tác tài chính của Đảng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã thể
hiện đức tính liêm khiết tuyệt đối, rất minh bạch trong hoạt động tài chính. Vì
vậy, Đảng rất yên tâm khi giao cho đồng chí phụ trách tài chính. Nguyễn Thọ
Chân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Chợ lớn,
bình luận về đạo đức của Nguyễn Lương Bằng: “Ai thì tôi chưa biết, chứ Anh (Nguyễn
Lương Bằng – ĐĐV) rõ ràng là người thực hiện cần kiệm liêm chính, chí công vô
tư theo gương Hồ Chí Minh vĩ đại. Anh theo Bác không phải bằng thuyết giảng về
đạo đức, mà bằng cách sống và chiến đấu theo phong cách hằng ngày của Người”7.
Đạo đức cách mạng của
Nguyễn Lương Bằng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: “Đó là một cử chỉ vô
tư, tốt đẹp, không ham chuộng địa vị, đặt lợi ích của dân tộc, của đoàn kết
toàn dân lên trên lợi ích cá nhân. Đó là một cử chỉ đáng khen đáng kính mà
chúng ta phải học tập”8.
Trong hoạt động cách mạng,
Nguyễn Lương Bằng rất chú trọng đến xây dựng Đảng. Nét nổi bật là ông dựa vào
quần chúng để xây dựng Đảng, xem đó là phương châm công tác của ông. Ông cho
rằng, nếu không dựa vào quần chúng để xây dựng Đảng, Đảng sẽ dẫn đến tình trạng
“lỏng chân đứng”. Vì vậy, ông đã ra sức tổ chức, xây dựng các tổ chức, đoàn thể
quần chúng, lấy đó làm bàn đạp để xây dựng Đảng. Quan điểm của ông là các tổ
chức, đoàn thể quần chúng lớn mạnh, phát triển rộng rãi, thì Đảng cũng sẽ lớn
mạnh, phát triển rộng rãi. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, đồng thời,
cũng là sự nghiệp của Đảng, đem kết hợp hai yếu tố đó sẽ tạo nên sức mạnh của
Đảng.
Trong phương pháp dựa vào
quần chúng để xây dựng Đảng, Nguyễn Lương Bằng rất chú trọng đến các thành phần
công nhân, nông dân, vì công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng, còn nông dân
là lực lượng của cách mạng, tạo thành công nông liên minh. Đối với tầng lớp trí
thức, trước khi đưa họ vào Đảng, cần có sự chọn lọc, vì nếu không chọn lọc cẩn
thận sẽ dẫn đến tình trạng đông về số lượng, nhưng lại kém về chất lượng. Nói
như vậy, không có nghĩa không có sự chọn lọc công nhân, nông dân trước khi đưa
họ vào Đảng. Nhưng sự chọn lọc đối với trí thức khác với sự chọn lọc công nhân,
nông dân ở chỗ phải kiểm tra toàn diện, giáo dục toàn diện và đặc biệt phải chú
ý đến đặc điểm của trí thức.
Tấm gương Đạo đức cách
mạng sáng ngời của Nguyễn Lương Bằng thể hiện ở phẩm chất một nhà cách mạng bản
lĩnh, liêm khiết, lăn lộn với phong trào cách mạng của quần chúng, dưới sự lãnh
đạo của Đảng.
Con người ấy đã đi vào
lịch sử cách mạng Việt Nam như một chiến sĩ cộng sản bản lĩnh, kiên cường và
rất liêm khiết.
------
* Bài đăng báo Quân đội Nhân dân,
số ra ngày 2-4-20191. Theo Hồi ký của Nguyễn Lương Bằng: Những lần gặp Bác, in trong sách “Bác Hồ”, Nxb Văn học, Hà Nội, 1960, tr. 60.
2. Theo Hồi ký của Nguyễn Lương
Bằng: Những lần gặp Bắc, sđd, tr. 63.
3. Có tài liệu viết sau khi bị
giải về nước, Nguyễn Lương Bằng bị nhà cầm quyền Đông Pháp giam tại bốt Catina,
Sài Gòn, sau đó, Nguyễn Lương Bằng bị
đưa xuống tàu biển Cờlốtđờsáp, chở ra Hải Phòng và từ Hải Phòng, bị chuyển lên
giam tại nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội. Bị giam tại nhà từ Hỏa Lò, Hà Nội một thời
gian, thì được đưa về giam tại quê hương ông ở Hải Dương.
4. Có tài liệu viết tháng 6-1932.
Qua xác minh, tôi (ĐĐV) cho rằng, Tòa án thực dân xử Nguyễn Lương Bằng vào
tháng 6-1931, chứ không phải tháng 6-1932.
5. Theo Hồi ký của Nguyễn Lương
Bằng, bản đánh máy, rút từ băng ghi tiếng nói của Nguyễn Lương Bằng (ĐĐV).
6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện kiện Đảng Toàn tập , Nxb Chính
trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 7, tr. 513.
7. Dẫn theo “Bách khoa toàn thư
mở Wikipedia”, mục: Nguyễn Lương Bằng.
8. Dẫn theo “Bách khoa toàn thư
mở Wikipedia”, mục: Nguyễn Lương Bằng.