Mới cập nhật

HOẠT ĐỘNG VÀ CỐNG HIẾN CỦA NGUYỄN VĂN TỐ TRÊN CƯƠNG VỊ HỘI TRƯỞNG HỘI TRÍ TRI*

Nhân tài đất Việt
     Kỷ niệm lần thứ 130 năm ngày sinh Nguyễn Văn Tố (5-6-1889 – 5-6-2019)

PGS,TS Đàm Đức Vượng**

    
  

      1. Nguyễn Văn Tố, bút danh Ứng Hòe, sinh ngày 5-6-1889 (Kỷ Sửu); quê quán Hà Đông (nay thuộc Hà Nội); dòng dõi con nhà trí thức.
       Thuở nhỏ, Nguyễn Văn Tố học chữ Hán. Sau khi đọc thông viết thạo chữ Hán, ông sang Pháp học đỗ bằng Thành Chung (Trung học). Về nước, ông vào làm việc tại Trường Viễn Đông Bác Cổ, Hà Nội; chuyên nghiên cứu về văn học cổ Việt Nam và những vấn đề xã hội.
      Tại Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, xuất hiện nhiều đoàn thể hoạt động xã hội, một trong những đoàn thể đó, phải kể đến Hội Trí Tri với sự hiện diện của Nguyễn Văn Tố. Trước khi nói về vai trò của Nguyễn Văn Tố trong Hội Trí Tri, chúng ta cần tìm hiểu những nét cơ bản của Hội.
       Các sách, báo viết về Hội Trí Tri khác nhau nhiều, nên cần có sự chọn lọc và đối chiếu cẩn thận.
      Theo tài liệu của Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 do Bùi Thị Huệ tổng hợp, thì Hội Trí Tri (tên tiếng Pháp là Société d’Enseignement Matuel du Tonkin) là một hiệp hội dân lập với chủ trương tuyên truyền và quảng bá tân học. Hội thực hiện các đề tài khoa học như các vấn đề xã hội, phong tục tập quán cùng các kiến thức mới có liên quan đến trí thức và tri thức Việt Nam.
      Tên Hội Trí Tri được rút từ sách “Đại học” của Mạnh Tử, một trong Tứ thư. Trong sách Đại học có câu “Tiên trí kỳ tri, trí tri, tại cách vật”, có nghĩa là “Trước hết để biết tường tận do biết nguyên lý sự vật”. Vậy “Trí Tri” là biết tường tận, nghĩa là sự học hỏi cần phải dựa vào khoa học. Nói nôm na, có thể hiểu Hội Trí Tri là Hội Trí thức Việt Nam dưới chế độ thực dân, phong kiến. “Trí” là trí thức, “Tri”  là kiến thức, sự hiểu biết.
      Hội Trí Tri thành lập vào ngày 1-4-1892, tại Hà Nội và giải tán vào năm 19461 (tồn tại được 54 năm, một thời gian tương đối dài), do sáng kiến của một số trí thức, học giả và một số học sinh Trường Thông ngôn Hà Nội đề xướng.
      Địa bàn hoạt động của Hội chủ yếu là ở Bắc Kỳ.
           Các sáng lập viên của Hội gồm: Nordemann, giáo viên tiểu học, sau đó là Chánh Sở học chính Trung Kỳ; Lê Đình Tĩnh, Búi Xuân Phái, Bùi Thế Xuân, thông ngôn Tòa Đốc lý Hà Nội; Nguyễn Hữu Long, thông ngôn, lục sự phủ Thống sứ Bắc Kỳ; Nguyễn Hữu Sung, cựu thư ký Nha Công chính; Trần Hữu Đức, Phạm Văn Hữu, Phạm Quang Lãng, Đặng Văn Mỹ, Bùi Xuân Phái, giáo viên tiểu học… Tất cả có 19 người Pháp và 108 người Việt Nam tham gia, hầu hết là các trí thức2.
      Vì đây là một hội lớn, nên có mời các Toàn quyền và cựu Toàn quyền Đông Dương tham gia. Trong số các Toàn quyền Đông Dương là thành viên danh dự của Hội Trí Tri xuất hiện những tên như Paul Doumer, Paul Beau, A.Piquié, A.Saurraut, M.Long, M.Monguillot, R.Robin, A.Varenne, A. Pasquier.
      Hội thành lập Ban Trị sự gồm 1 Hội trưởng; 2 Hội phó; 1 Thư ký; 1 Thủ thư; 1 Thủ quỹ; 1 người phụ trách việc giảng dạy; 2 ủy viên lãnh đạo.
      Hội trưởng Hội Trí Tri từ khi thành lập đến năm 1946 gồm: E. Nordemann (1892). Đây là ông Hội trưởng đầu tiên của Hội; Đặng Văn Mỹ (1893); Bùi Xuân Phái (1894-1895); Phạm Xuân Tuyết (1896); Bùi Đình Tá (1897-1905); Nguyễn Liên (1906-1911); Bùi Huy Độ (1912); Bùi Đình Thinh (1915); Bùi Đình Tá (1916-1919); Đào Văn Sử (1920); Nguyễn Quý Toản (1921-1923); Phạm Quỳnh (1924-1927); Ngô Vi Liễn (1928-1933); Nguyễn Văn Tố (1934-1946).  
      Trụ sở của Hội đặt ở số nhà 59, phố Rue des Evenrails, tức phố Hàng Đàn, nay là số nhà 47, phố Hàng Quạt, Hà Nội.
     Hội xuất bản tập san “Trí Tri” (Bulletin de la Société d’enseignement mutuel du Ton Kin) để phổ biến kiến thức phổ thông, tạo tiền đề cho Hội Truyền bá Quốc ngữ ra đời.
      Thư viện của Hội có các sách, báo bằng tiếng Việt, tiếng Hán và tiếng Pháp. Năm 1931, Thư viện có 1.300 cuốn sách. Đến năm 1932, số sách đã tăng lên 1391 cuốn.
      Kinh phí hoạt động của Hội lấy từ hội phí của các học viên, một phần trợ cấp của chính quyền thành phố Hà Nội và một số cơ quan bảo hộ. Kinh phí của Hội còn lấy tiền từ các khoản thu dịch vụ, tiền thu chiếu bóng, bán vé số và bán tập san Trí Tri.
      Theo các nhà nghiên cứu, thì mục đích ban đầu của Hội là giúp đỡ các học sinh học tiếng Pháp và truyền bá ngôn ngữ này ở Bắc Kỳ; cùng nhau trau giồi ngôn ngữ và văn hóa Pháp. Trong quá trình hoạt động, mục đích này có thay đổi ít nhiều, hướng tới sự nghiệp “Khai dân trí, chấn dân khí, đào tạo nhân tài”. Năm 1908, Hội Trí Tri bị mật thám Pháp theo dõi và khủng bố. Từ sau cuộc khủng bố này, Hội Trí Tri tiếp tục tổ chức các lớp học dành cho các lứa tuổi, tuyên truyền về giá trị văn học, văn hóa Việt Nam và kiến thức khoa học của thế giới. Mô hình Hội Trí Tri đã được nhân rộng nhiều nơi trong cả nước, góp phần xóa nạn mù chữ, truyền bá kiến thức khoa học tiến bộ vào Việt Nam dưới chế độ thực dân và phong kiến.
       Chương trình của Hội được lập ra và bổ sung trong quá trình hoạt động, gồm:
      - Mở trường học và dạy tiếng Pháp, chữ Quốc ngữ cho người bản xứ.
      - Tổ chức diễn thuyết và giới thiệu sách.
      - Phổ biến kiến thức khoa học.
      - Xuất bản tập san Trí Tri.
      - Mở Thư viện.
      Nhìn lại lịch sử của Hội, thấy rằng, từ năm 1892 đến năm 1894, Hội hoạt động cầm chừng. Năm 1896, Hội chỉ có một chi hội ở Hải Phòng và một lớp học miễn phí tại Hà Nội. Năm 1990, Hội có 13 chi hội với 83 hội viên. Năm 1904, Hội có 14 chi hội với 478 hội viên. Năm 1908, Hội có 19 chi hội với 500 hội viên. Năm 1912, Hội có 18 chi hội với 582 hội viên. Từ năm 1920, số hội viên tăng nhanh. Con số hội viên ở Hà Nội khi đó là 500 người. Tổng số hội viên trên toàn xứ Bắc Kỳ lúc bấy giờ là 1000 người. Đến năm 1928, Hội có 19 chi hội, lớn nhất là các chi hội ở Nam Định, Hải Phòng, Ninh Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Vĩnh Yên, Yên Bái, Cao Bằng, Quảng Yên.
      Năm 1892, Hội có 1 lớp học. Năm 1900, Hội có 12 trường và lớp học. Năm 1904, Hội có 10 trường và lớp học. Năm 1908, Hội có 15 trường và lớp học. Năm 1912, Hội có 14 trường và lớp học. Từ năm 1918, Hội đứng ra bảo trợ cho Trường Phú Tài, do ông Nguyễn Quý Toản sáng lập. Năm 1922, Hội thành lập được 8 trường đại học ở Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, Ninh Bình, Hải Dương, Cao Bằng, Hưng Yên, Thái Bình. Chương trình học tại 8 trường này giống như chương trình ở các trường công lập Pháp – Việt. Nhiều học sinh bản xứ được theo học miễn phí. Năm 1922, số học sinh của 8 trường này là 1200 người, trong đó, Hà Nội có 500 học sinh. Hai tháng một lần, Hội tổ chức các buổi diễn thuyết về các chủ đề văn học, khoa học, địa lý, lịch sử, thể dục, vệ sinh,…Trong số các diễn giả thành công nhất của Hội, phải kể đến một số tên tuổi lớn lúc bấy giờ như Thượng thư Bộ Học Nam triều Thân Trọng Huề, các học giả Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Vĩnh,…
      Khi Hội ra đời, Nguyễn Văn Tố mới 7 tuổi. Nhưng trong quá trình hoạt động của Hội, Nguyễn Văn Tố lớn lên và tham gia các hoạt động của Hội. Từ năm 1934 đến năm 1946, ông làm Hội trưởng Hội Trí Tri. Như vậy, ông làm khá lâu, tới 12 năm.
      Trên cương vị Hội trưởng Hội Trí Tri, Nguyễn Văn Tố đã mang hết sức mình ra phục vụ Hội. Ông rất chú trọng đến vấn đề phát triển hội viên. Chủ trương của ông là phát triển hội viên ra toàn quốc, nhưng trên thực tế chỉ phát triển được ở Bắc Kỳ. Với uy tín cá nhân, ông đã kết nối các tầng lớp trí thức trong xã hội lại với nhau, đoàn kết, phấn đấu, mở mang trường học, mở mang kiến thức cho nhân dân ta dưới chế độ thực dân, phong kiến. Đó cũng là biểu hiện tinh thần yêu nước của ông. Có tài liệu viết rằng, mỗi tuần một lần, ông đều đến kiểm tra các lớp học, trường học. Bản thân ông tuyên truyền sâu rộng cho việc học chữ Quốc ngữ. Ông quan niệm rằng, học chữ Quốc ngữ là trách nhiệm của mọi người dân.
      Ngày 13-2-1934, vua Bảo Đại ra chỉ dụ về luật trừng phạt những người dùng báo chí, sách vở để cổ động “phiến loạn”. Chỉ dụ không chỉ áp dụng cho Trung Kỳ, mà còn áp dụng cho cả Bắc Kỳ. Chỉ dụ định rằng, tất cả những người nào du nhập, xuất bản, tàng trữ, lưu hành, phát mại, triển lãm, chiếu bóng, đĩa hát, tranh vẽ, huy hiệu, phim ảnh,… mà không được nhà chức trách cho phép, người đó sẽ bị phạt từ 2 đến 10 tháng và phạt tiền từ 20 đến 100 đồng Đông Dương. Chỉ dụ này không làm cho Nguyễn Văn Tố nhụt ý chí, trái lại, ông vẫn tổ chức hoạt động ngầm, tổ chức đọc sách, báo tiến bộ, vẫn mở mang kiến thức cho nhân dân.
      Ngày 3-2-1938, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định về việc thành lập Viện Nghiên cứu Nhân chủng Đông Dương (Institut, Indochinoits pour  L’Étude de l’Homme). Nhiệm vụ của Viện là tăng cường sự hiểu biết về nhân chủng ở vùng Viễn Đông. Nhiều bậc trí thức như Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Văn Huyên, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Xuân Nguyên,… đã tham gia vào Ban Lãnh đạo của Viện này và kêu gọi các hội viên Hội Trí Tri tham gia hoạt động trong Viện này.
      Ngày 21-8-1940, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định ban hành đạo luật ngày 13-8-1940 của Tổng thống Pháp về việc cấm các hội kín hoạt động. Theo đạo luật này, thì tất cả các tổ chức hội, đoàn thể hoạt động bí mật đều phải giải tán. Sự kiện này làm cho nhiều hội viên trong Hội Trí Tri lo lắng, có người khuyên Hội trưởng Nguyễn Văn Tố nên ngừng hoạt động. Hội trưởng Nguyễn Văn Tố thấy vậy, nói rằng, chúng ta không việc gì phải sợ, tuyên truyền học chữ Quốc ngữ để mở mang dân trí, nếu ai đó cấm chúng ta hoạt động, người đó đi ngược lại với nguyện vọng của người dân nước Nam. Sự vững vàng trong việc chèo lái con thuyền Trí Tri của Hội trưởng Nguyễn Văn Tố đã làm cho nhiều hội viên vững tin và tiếp tục ở lại Hội hoạt động.
      Khi Việt Nam độc lập Đồng Minh (Mặt trận Việt Minh) được thành lập vào ngày 19-5-1941, Hội trưởng Hội Trí Tri Nguyễn Văn Tố tuyên bố ủng hộ Việt Minh và khi báo “Cứu Quốc”, cơ quan của Tổng bộ Việt Minh ra số đầu tiên vào ngày 25-1-1942, Hội trưởng Hội Trí Tri Nguyễn Văn Tố hoan nghênh việc ra đời của tờ báo này.  
      Ngày 3-6-1941, tạp chí “Tri Tân” của một nhóm học giả ra số đầu tiên. Hội trưởng Hội Trí Tri Nguyễn Văn Tố ủng hộ việc ra đời của tạp chí này, vì đây là tạp chí chuyên khảo về văn hóa và lịch sử. Ông khuyên những biên tập viên, phóng viên của tạp chí này hãy làm điều ích quốc lợi dân.
      Trong những năm 1944,1945,1946, Hội Trí Tri hoạt động có phần xuống cấp. Hội trưởng Nguyễn Văn Tố tập trung vào công việc của Hội Truyền bá Quốc ngữ.
      Một phần công việc của Hội Trí Tri, nhất là vấn đề học tập đã được chuyển sang cho Hội Truyền bá Quốc ngữ đảm nhiệm.   
      Đến năm 1946, Hội Trí Tri hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình và tự giải tán.
      Trong lúc Hội Trí Tri vẫn đang còn hoạt động và ông Nguyễn Văn Tố vẫn đang làm Hội trưởng, thì ngày 25-5-19383, Hội truyền bá Quốc ngữ được thành lập.
      Theo đề nghị của Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ Đảng Cộng sản Đông Dương lúc ấy, Việt Nam cần thành lập một tổ chức công khai chống nạn mù chữ. Tháng 5-1938, các vị Trần Huy Liệu, Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp, Phan Thanh cùng một số nhân sĩ, trí thức tiến bộ đứng ra thành lập Hội Truyền bá Quốc ngữ. Những người sáng lập cử Nguyễn Văn Tố, Hội trưởng Hội Trí Tri, một trí thức có tên tuổi và có tinh thần yêu nước làm Hội trưởng. Như vậy, lúc này, Nguyễn Văn Tố vừa làm Hội trưởng Hội Trí Tri, vừa làm Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ của Việt Nam. Đây là một tổ chức hoạt động công khai, Hội Truyền bá Quốc ngữ được nhà cầm quyền Đông Pháp cấp Giấy phép hoạt động từ ngày 29-7-1938. Có thể nói Hội Trí Tri và Hội Truyền bá Quốc ngữ là hai tổ chức anh em, vì cùng chung mục đích hoạt động là chống nạn mù chữ, mở mang dân trí.     
      Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Nguyễn Văn Tố là đại biểu Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; làm Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội từ ngày 2-9-1945 đến ngày 2-3-1946; Chủ tịch Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa1 từ ngày 2-3-1946 đến ngày 8-11-1946; Quốc vụ khanh5của Chính phủ Liên hiệp quốc dân từ ngày 8-11-1946 đến ngày 7-10-1947.
      Trên các cương vị công tác của mình, Nguyễn Văn Tố đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm hết sức mình vì nền độc lập của dân tộc và ích nước lợi dân. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thấm nhuần trong trái tim và khối óc nhà yêu nước – cách mạng Nguyễn Văn Tố.      
      Ngày 7-10-1947, trong một cuộc tấn công chớp nhoáng của quân đội Pháp vào chiến khu Việt Bắc, Nguyễn Văn Tố bất ngờ bị Pháp bắt, tra tấn dã man và bị chúng giết tại Bắc Kạn vào một ngày của tháng 10-19476, thọ 58 tuổi. Khi bắt được Nguyễn Văn Tố, thực dân Pháp hí hửng cứ tưởng ông là Chủ tịch Hồ Chí Minh, vì ông có vóc dáng người cao cao, trông hao hao giống Chủ tịch Hồ Chí Minh.
      Nguyễn Văn Tố mất đi để lại một số công trình có giá trị, phần lớn in trong các tạp chí, nhất là tạp chí Trí Tri, Viễn Đông Bác Cổ, Tri Tân xuất bản tại Hà Nội.
      Để tưởng nhớ cụ Nguyễn Văn Tố, tháng 5-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi cụ Bùi Bằng Đoàn lúc ấy là Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, kế nhiệm cụ Nguyễn Văn Tố, về dự thảo Lời điếu cụ Nguyễn Văn Tố, nhờ cụ Bùi Bằng Đoàn sửa chữa giúp. Trong Lời điếu cụ Nguyễn Văn Tố, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:
      “Quân địch ào ào tiến công
      Trong vùng cụ đang làm việc
      Chúng tra tấn cụ cực kỳ tàn khốc, dã man.
      Cụ trả lời chúng bằng một nụ cười oanh liệt.
      Chúng làm hại cụ, lịch sử Pháp muôn đời thêm một vết xấu xa.
      Cụ dù hy sinh, tinh thần cụ ngàn thu sẽ vẻ vang bất diệt.
      Với cụ, dân tộc mất một người chí sĩ,
      thế giới mất một người danh nho.
      Cho nên Chính phủ khôn xiết nỗi buồn rầu,
      đồng bào khôn xiết lòng thương tiếc” 7.
     
       2. Nguyễn Văn Tố là một nhân sĩ, trí thức, yêu nước trọn nghĩa vẹn tình, tinh thần tiến công quân xâm lược giày xéo lên mảnh đất của tổ tiên; đã làm hết sức mình vì việc nước và nêu cao dũng khi của một nhà yêu nước chân chính. Học vấn của cụ cũng rất uyên bác. Sách đông, tây, kim, cổ đều rất tinh tường. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá về cụ Nguyễn Văn Tố:
      “Nhớ cụ xưa,
      Văn chương thuần túy, học vấn cao sâu
      Thái độ hiền từ, tính tình thanh khiết
      Mở mang văn hóa, cụ dốc một lòng
      Phú quý công danh, cụ nào có thiết
      Đến ngày dân tộc giải phóng thành công
      Thì cụ sẵn sàng ra tay giúp việc.
      Giữ chức Bộ trưởng thì cụ ngày ngày gần gũi nhân dân.
      Đại biểu Quốc hội cụ luôn luôn tính bàn kiến thiết”8.
      Nguyễn Văn Tố là một người kiểu mẫu trên mọi phương diện. Có tình cảm sâu nặng với nước với dân, tôn trọng nhân dân, gần gũi với nhân dân, được nhân dân yêu mến.
        Có thể rút ra một số vấn đề về chí sĩ Nguyễn Văn Tố:
     Một là: Nguyễn Văn Tố là một trí thức có cái tâm, cái tài, cái tầm, đặc biệt là có tinh thần phục vụ nhân dân cao cả, gần dân, thương dân, thống hiểu nỗi khổ của dân, rất thông cảm với hoàn cảnh khó khăn của dân, nên đã mang hết sức mình ra thực thi công việc một cách có hiệu quả trên mọi cương vị công tác.
      Hai là: Học vấn, đạo đức, nhân cách, phong cách đã hội tụ thành phẩm chất công vụ của Nguyễn Văn Tố. Trên bất kỳ cương vị công tác nào, ông cũng chứng minh được phẩm chất cao cả của mình; giản dị là lối sống thường ngày của ông, khôn khéo xử lý công việc là bản lĩnh của ông.
      Nguyễn Văn Tố là người học rộng biết nhiều, có khả năng bao quát công việc rất tốt, học thức uyên bác, sống trong sạch, khảng khái, biết nghĩ cho mình và nghĩ cho người; có tài thu phục nhân tâm, không chỉ là người Việt Nam mà cả người Pháp cũng rất kính nể ông. Người Pháp đánh giá ông là người Việt Nam thông minh, nhìn xa trông rộng, người rất muốn vực nền học vấn của nước nhà lên tới đỉnh cao.
     Ba là: Nguyễn Văn Tố làm việc với tinh thần trách nhiệm rất cao, có thể nói là xả thân vì công việc; làm ngày chưa đủ, tranh thủ làm đêm. Có những đêm, bên ngọn đèn le lói, ông làm việc tới khuya để cố gắng tìm ra những giải pháp chống đói và chống dốt cho nhân dân.
     Bốn là: Nguyễn Văn Tố rất có ý thức nâng cao dân trí, chấn dân khí; rất chăm lo đến việc đào tạo trí thức cho nước nhà vừa mới giành được độc lập. Vực dậy cho mọi lớp người, không phân biệt sang, hèn, nam, nữ, già, trẻ, gái, trai, có tài lôi kéo họ vào công cuộc kháng chiến và kiến quốc. Ông kêu gọi mọi người, ai có khả năng cầm súng thì cầm súng, ai có khả năng cầm cày thì cầm cày, ai có khả năng cầm bút thì cầm bút, ai có khả năng cầm búa thì cầm búa, tất cả đều làm việc với tinh thần vì nước, vì dân, xả thân vì sơn hà xã tắc.
     Năm là: Nguyễn Văn Tố rất có khả năng tổ chức công việc cứu đói và cứu dốt cho dân, làm cho người dân từ chỗ bị đói đến chỗ không bị đói, từ chỗ mù chữ đến chỗ biết chữ, bằng việc tổ chức cho dân tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm; bằng việc tổ chức có kết quả những lớp học bình dân học vụ để dạy chữ cho dân. Ngày ngày, người ta thấy nông dân tấp nập ra đồng làm việc. Đêm đêm, người ta thấy các xóm làng le lói ánh lửa bập bùng, đó là những lớp học bình dân. Đó là những việc làm thiết thực của Nguyễn Văn Tố trong công cuộc chống đói, chống dốt.
     Sáu là: Nguyễn Văn Tố tuy không phải là một đảng viên cộng sản, mà chỉ là một nhân sĩ trí thức có tên tuổi lúc bấy giờ, nhưng sẵn sàng theo cách mạng, xả thân vì cách mạng. Ông hợp tác với những người cộng sản mà không hề sợ liên quan, sợ để ý của những tên mật thám Pháp ngày đêm rình rập. Ông làm việc vì nước vì dân, nên không có mâu thuẫn với những người cộng sản, tôn trọng những nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đặc biệt là rất kính phục Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua sóng to, gió lớn, cặp bến bờ vinh quang. Ông chưa bao giờ bày tỏ quan điểm của mình về chế độ cộng sản, nên những người cộng sản cũng không vì thế mà xa lánh Ông.
     Bảy là: Nguyễn Văn Tố rất liêm khiết trong công vụ và trong lối sống. Không hề vi phạm nguyên tắc tài chính trong suốt thời gian Ông làm Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội. Số tiền ít ỏi của gia đình Ông dành dụm được bấy lâu nay đều mang ra đóng góp cho Nhà nước, góp phần giải quyết nạn đói cho dân; rất khéo trong việc giải quyết mâu thuẫn nội bộ nhân dân và nội bộ cơ quan do ông phụ trách.
     Tám là: Nguyễn Văn Tố có mối quan hệ hết sức rộng rãi, thậm chí quan hệ cả với đối phương để tranh thủ những phần tử tiên tiến trong đối phương ủng hộ sự nghiệp kháng chiến kiến quốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động. Ông tôn trọng trí thức, nhưng cũng tôn trọng người lao động, một nắng hai sương, làm việc trên các ruộng đồng, xưởng máy.
     Chín là: Nguyễn Văn Tố coi Hội Trí Tri và Hội Truyền bá Quốc ngữ là tiền thân của Bình dân học vụ, là sự nối thẳng đường dây yêu nước trong tiến trình mở mang dân trí ở Việt Nam. Từ Hội Truyền bá quốc ngữ đến Bình dân học vụ đều là chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương, Ông xem đó là chủ trương đúng đắn, sáng tạo, mà cái gì đúng đắn, sáng tạo là ta nên ủng hộ và khuôn theo.
     Mười là: Nguyễn Văn Tố là người rất biết thời, biết thế, biết đúng, biết sai, nhận biết đúng, sai để có sự lựa chọn cho đúng là tư duy sắc sắc của ông. Có lần Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội Nguyễn Văn Tố nói với Bộ trưởng Bộ Giao thông công chính Nguyễn Xiển rằng, ngài và tôi là hai trí thức Hà Nội được mời tham gia Chính phủ Cách mạng lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Tôi đã nhận Bộ Cứu tế, chắc là ngài sẽ được giao Bộ Giao thông công chính, cả hai chúng ta đều phải làm việc hết sức mình vì quốc kế dân sinh.
     Học giả Nguyễn Xiển, nguyên Tổng Thư ký Đảng Xã hội Việt Nam, đánh giá về Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố:
     "Hôm nay, nhắc lại những lần gặp cụ, tôi không thể không xúc động trước tấm gương của một trí thức đã cần cù học hỏi ôn cố tri tân, một người trí thức đã coi sứ mệnh của mình là truyền kiến thức lại cho nhân dân, một người yêu nước đã dốc lòng phục vụ cách mạng theo lời kêu gọi của Bác Hồ"9.
      Con người ấy đã trở thành nhân vật lịch sử Việt Nam hiện đại!
------
* Báo cáo Khoa học tại Hội thảo khoa học với chủ đề: “Nguyễn Văn Tố với cách mạng Việt Nam” do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Văn phòng Quốc hội và Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tại Hà Nội, ngày 1-6--2019.
** Hội đồng Lý luận Trung ương.
1 Có tài liệu viết Hội giải tán vào năm 1945. Qua xác minh, tôi (ĐĐV) thấy Hội phải đến năm 1946 mới chấm dứt hoạt động. Năm 1945, sách, báo còn viết nhiều về Hội Trí Tri.
2 Tại Việt Nam, dưới chế độ thực dân, phong kiến, những người học trình độ lớp 7 cũng có thể gọi là trí thức.
3. Thực ra, ngay từ đầu tháng 5-1938, một số trí thức đã đã bắt đầu đề xuất thành lập Hội Truyền bá Quốc ngữ do các ông Trần Huy Liệu, Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp theo chủ trương của Xứ ủy Bắc Kỳ và dự kiến cử nhà trí thức Nguyễn Văn Tố đứng ra làm Hội trưởng. Ngày 19-5-1938, ông Tố gửi đơn lên Thống sứ Bắc Kỳ, về việc xin lập Hội Truyền bá Quốc ngữ. Ban Trị sự lâm thời và các ban chuyên môn cũng đã được lập ra. Ngày 25-5-1938, Ban Cổ động của Hội đã tổ chức buổi cổ động cho việc truyền bá quốc ngữ. Nhưng phải đến ngày 29-7-1938, Thống sứ Bắc Kỳ, sau một thời gian do dự, mới ký Quyết định cho thành lập Hội Truyền bá Quốc ngữ.
4. Trong sách “Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam” của Nguyễn Q Thắng và Nguyễn Bá Thế, Nxb Khoa học xã hội, 1991, tr. 687, ghi  Nguyễn Văn Tố là quyền Chủ tịch Quốc hội khóa I.
5. Quốc vụ khanh là Bộ trưởng không giữ bộ nào.
6. Có một số tài liệu viết Nguyễn Văn Tố bị quân đội Pháp giết ngày 7-10-1947.
7. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 5, tr.435.
8. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 5, tr. 434.
9. Bài viết của Nguyễn Xiển, nhan đề: Nhớ lại những lần gặp cụ Nguyễn Văn Tố, in trong sách "Hội Truyền bá Quốc ngữ trong sự nghiệp"