Kỷ niệm 70 năm ngày Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào (30-10-1949-30-10-2019)
NÂNG TẦM QUAN HỆ ĐẶC BIỆT VIỆT NAM – LÀO – LÀO – VIỆT NAM QUA CÁC HIỆP ĐỊNH, HIỆP ƯỚC*
PGS,TS Đàm Đức Vượng -
Nguyên Chuyên gia Việt Nam tại Lào; Trưởng Ban Biên soạn bộ Văn kiện và
Hồi ký Quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào; Tác giả cuốn sách "Cayxỏn Phômvihản
Tiểu sử và sự nghiệp"
Tiểu sử và sự nghiệp"
Ngày 30, 31-10 và 1-11-1949, diễn ra Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản
Đông Dương bàn về cách mạng Miên – Lào. Văn kiện của Hội nghị ghi rõ
Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định các lực lượng quân sự của
Việt Nam được cử sang chiến đấu giúp Lào tổ chức thành hệ thống riêng
và lấy danh nghĩa là Quân tình nguyện (còn gọi là Quân nghĩa dũng). Từ
đấy, ngày 30-10-1949 được xem là ngày Hội truyền thống Quân tình nguyện
Việt Nam tại Lào.
Sáng 22-10 tại Hà Nội, Ban liên lạc
truyền thống Sư đoàn 968 tổ chức Lễ mít tinh kỷ niệm 70 năm Ngày truyền
thống Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào
(30-10-1949/30-10-2019). - Ảnh: Báo QĐND
Trong bài viết này, theo gợi ý của Tòa soạn báo Quân đội Nhân dân, tôi
xin trình bày vấn đề nâng tầm quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào – Lào –
Việt Nam qua các hiệp định, hiệp ước.
1. Nhìn lại lịch sử về các hiệp định, hiệp ước quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào – Lào – Việt Nam
Thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và
Ban Bí thư Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, về việc biên soạn bộ
sách Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào – Lào – Việt Nam, do Ban
Tuyên giáo và Ban Tuyên huấn Trung ương của hai Đảng thực hiện, năm
2011, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản bộ sách trên,
trong đó có bộ Văn kiện quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào – Lào – Việt
Nam. Bộ Văn kiện đã được xuất bản gồm 5 tập, bằng ba thứ tiếng Việt –
Lào – Anh, tổng cộng 3138 trang in, khổ giấy 16x24 cm, gồm 546 văn kiện,
chiếm khoảng 70% tổng số văn kiện về quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào –
Lào – Việt Nam. Trong số 546 văn kiện, có nhiều văn kiện về hiệp định,
hiệp ước giữa Việt Nam – Lào – Lào – Việt Nam, như Hiệp định giữa Chính
phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào yêu
nước, ngày 20-10-1968, về việc Việt Nam giúp Lào xây dựng và sửa chữa
các sân bay; Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính
phủ Liên hiệp dân tộc lâm thời Lào, ngày 18-9-1974, về việc vận chuyển
hàng hóa quá cảnh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Hiệp định Hàng không
dân dụng giữa Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Ủy ban Trung
ương Mặt trận Lào yêu nước, ngày 15-10-1969; Hiệp định giữa Chính phủ
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Liên hợp dân tộc lâm thời Lào,
ngày 18-9-1974, về việc hợp tác xây dựng tuyến đường từ Lào ra bờ biển
Việt Nam; Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, ngày 18-7-1977…
Rất nhiều hiệp định được ký giữa các bộ, ngành của Việt Nam và Lào trên
các lĩnh văn hóa, khoa học kỹ thuật, giáo dục, y tế, giao thông vận tài,
công nghiệp, nông nghiệp, v.v.. Chúng tôi đã đưa được 60 bản hiệp định,
hiệp ước vào trong bộ Văn kiện (5 tập) về quan hệ đặc biệt Việt Nam –
Lào – Lào – Việt Nam.
2. Những nội dung cơ bản được thể hiện trong các hiệp định, hiệp ước về mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào – Lào – Việt Nam
Nội dung cơ bản của các bản hiệp định, hiệp ước thể hiện mối quan hệ đặc
biệt Việt Nam – Lào – Lào – Việt Nam. Hai Bên nhận thức sâu sắc về mối
quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, tình đoàn kết chiến đấu và tình hữu
nghị không gì lay chuyển được giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào,
tình đồng chí vĩ đại giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng nhân dân cách
mạng Lào đã được tôi luyện trong mấy chục năm đồng cam cộng khổ, cùng
chiến đấu và chiến thắng quân xâm lược, cùng hợp tác và giúp đỡ nhau xây
dựng đất nước là một truyền thống quý báu, một sức mạnh vô địch của hai
dân tộc và hai Đảng, một thực tiễn sinh động, một quy luật phát triển
của cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào. Mối quan hệ này đáp ứng nguyện
vọng thiết tha và lợi ích sống còn của nhân dân mỗi nước trong sự nghiệp
bảo vệ độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, phù hợp với lợi
ích độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình của nhân dân hai nước. Hai Bên
nhất trí với đường lối độc lập, tự chủ và sự lãnh đạo đúng đắn của hai
Đảng, truyền thống đoàn kết gắn bó giữa hai dân tộc, thắng lợi trọn vẹn
của hai nước trong sự nghiệp chống đế quốc xâm lược, mục tiêu của nhân
dân hai nước phấn đấu cho chủ nghĩa xã hội đều là những vấn đề cơ bản để
phát triển mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào – Lào – Việt Nam. Dưới
ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tình đoàn kết chiến đấu và
tình hữu nghị vĩ đại Việt Nam – Lào – Lào – Việt Nam đã được vun đắp
bằng bao công sức, tâm trí và xương máu của hàng vạn người con ưu tú của
nhân dân hai nước đã vượt qua muôn vàn thử thách để chiến đấu và chiến
thắng kẻ thù xâm lược. Mối quan hệ đặc biệt, mẫu mực hiếm có giữa Việt
Nam và Lào là nhân tố cực kỳ quan trọng quyết định thắng lợi cuối cùng
của cách mạng mỗi nước. Đó cũng là cơ sở vững chắc nhất cho sự đoàn kết
và hợp tác giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước và cho thắng
lợi của sự nghiệp cách mạng của nhân dân mỗi nước trong giai đoạn mới
của cách mạng.
Trên đây là những nội dung cơ bản của các hiệp định, hiệp ước về quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào – Lào – Việt Nam.
3. Nâng quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào – Lào – Việt Nam lên tầm cao mới qua các bản hiệp định, hiệp nước.
- Để nâng tầm quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào – Lào – Việt Nam từ các
hiệp định, hiệp ước, qua nghiên cứu, chúng tôi thấy hai Bên cần tiếp tục
bổ sung để xây dựng những bản hiệp định, hiệp ước mới trên bình diện
chung và của các ngành, các cấp trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn
hóa, an ninh – quốc phòng, khoa học kỹ thuật, giáo dục, y tế, giao thông
vận tải. Những bản hiệp định, hiệp ước trước đây phần lớn là ký kết
giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, nay
Việt Nam đã thống nhất, trở thành nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam, nước Lào cũng đã thống nhất, trở thành nước Cộng hòa Dân chủ Nhân
dân Lào, hoàn cảnh thay đổi, nên nội dung của hiệp định, hiệp ước cũng
cần được bổ sung, thay đổi cho phù hợp với tình hình mới của mỗi nước.
Riêng bản Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác ký kết giữa Việt Nam và Lào, ngày
18-7-1977, có giá trị 25 năm, đến nay (2019) đã là 42 năm, nên cần có
một bản Hiệp ước mới. Một số bản hiệp định khác cũng đã hết hạn, nên cần
phải ký lại.
- Tầm cao mới được nâng lên qua các hiệp định, hiệp ước phải được dựa
trên những nguyên tắc bảo vệ độc lập dân tộc và giữ gìn an ninh quốc gia
của mỗi nước, xem đó là sự nghiệp của nhân dân mỗi nước; tiếp tục cam
kết hết lòng ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau, hợp tác chặt chẽ với nhau nhằm
tăng cường khả năng phòng thủ, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn
lãnh thổ, giữ gìn công cuộc lao động, hòa bình, an ninh quốc gia của
nhân dân mỗi nước, chống mọi âm mưu và hành động phá hoạt của lực lượng
xâm lược, phản động nước ngoài và các thé lực thù địch; chống “diễn biến
hòa bình”.
- Tầm cao mới được nâng lên qua các hiệp định, hiệp ước khi mối quan hệ
không ngừng được củng cố và tăng cường giữa hai Đảng, vồn cùng sinh ra
từ Đảng Cộng sản Đông Dương do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn
luyện, luôn luôn gắn bó với nhau trên cơ sở chủ nghĩa Mác – Lênin và chủ
nghĩa quốc tế xã hội chủ nghĩa, đoàn kết nhất trí, tôn trọng và tin cậy
nhau, hết lòng hết sức giúp đỡ nhau một cách khăng khít, vô tư. Đó là
tình đoàn kết chiến đấu thủy chung, son sắt giữa hai dân tộc láng giềng
trong suốt chiều dài lịch sử, đã đồng cam cộng khỏ, kề vai sát cánh cùng
chiến đấu chống kẻ thù chung, vì độc lập, tự do, vì sự lớn mạnh và phát
triển của mỗi nước.
- Tầm cao mới được nâng lên qua các hiệp định, hiệp ước khi hai Bên nhất
trí tiến hành những biện pháp cần thiết để củng cố mối quan hệ đặc biệt
Việt Nam – Lào – Lào – Việt Nam.
Mọi vấn đề thuộc quan hệ giữa hai nước sẽ được giải quyết bằng thương
lượng với tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, có lý, có tình.
Sự phát triển của cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào trong giai đoạn
mới sẽ tiếp tục tạo tiền đề cho mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào –
Lào – Việt Nam nâng lên tầm cao mới.
Sinh viên tình nguyện Thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn bà con nông dân
tỉnh Champasak (Lào) trồng lúa cho năng suất cao. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Bộ đội biên phòng hai nước tại cột mốc biên giới 605 trên biên giới
Việt Lào (Cửa khẩu Lao Bảo, Hướng Hóa, Quảng Trị). (Ảnh: Anh Tôn/TTXVN)
* Báo cáo Khoa học của PGS,TS Đàm Đức Vượng tại cuộc Tọa đàm kỷ
niệm 70 năm ngày Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào
(30-10-1949-30-10-2019), do báo Quân đội Nhân dân tổ chức ngày
22-10-2019, tại Hà Nội.