Mới cập nhật

PGS.TS ĐÀM ĐỨC VƯỢNG, MỘT NGHỊ LỰC, MỘT BẢN LĨNH, MỘT TRÍ TUỆ PHI THƯỜNG

Nhà Xuất bản Thanh niên vừa xuất bản cuốn sách "Chân dung trí thức Việt Nam - 
trí tuệ và hoài bão lớn", trong đó có bài viết về PGS,TS Đàm Đức Vượng.
Xin trân trọng giới thiệu bài viết trên - Văn phòng PGS,TS Đàm Đức Vượng 





 PGS.TS Đàm Đức Vượng

Được tu dưỡng, rèn luyện qua nhiều môi trường thử thách, học tập tại nhiều trường, kể cả những trường danh tiếng trong nước và nước ngoài, PGS.TS Đàm Đức Vượng đã từng đảm nhận nhiều cương vị công tác: Chuyên viên nghiên cứu, Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương; Trưởng ban Tư liệu, rồi Trưởng ban Nghiên cứu Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, trực thuộc Viện Mác - Lênin - Hồ Chí Minh; Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng; Vụ trưởng Vụ Tuyên huấn Ban Cán sự Đảng ngoài nước (nay là Đảng ủy ngoài nước); Bí thư thứ nhất Đại Sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Séc và Cộng hòa Slôvakia; Chánh Văn phòng, Vụ trưởng, Thư ký Khoa học chuyên trách tại Hội đồng Lý luận Trung ương; Viện trưởng Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực... Trên cương vị trọng trách nào, ông cũng làm việc hết mình bằng con tim và khối óc của một nhà khoa học lý luận và lịch sử. Tính đến nay, ông đã có 21 tác phẩm khoa học lý luận và lịch sử viết riêng, 11 tác phẩm viết chung, 7 tác phẩm đứng tên chủ biên, 10 tập Kỷ yếu Báo cáo khoa học (in chung), hơn 100 bài nghiên cứu đã in ở trên 20 tạp chí, hơn 500 bài viết khoa học đã đăng trên các báo và tạp chí trong nước và ngoài nước. Ông cũng hướng dẫn và bảo vệ thành công 3 luận án tiến sĩ sử học; 3 luận văn thạc sĩ, tham gia nhiều hội đồng chấm luận án tiến sĩ và luận văn thạc sĩ, tham gia 20 hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học cấp nhà nước; Trực tiếp làm Chủ nhiệm 2 đề tài cấp Nhà nước, 2 đề tài quốc tế và 1 đề tài cấp Bộ (Ban Đảng Trung ương) đạt kết quả xuất sắc; Tham gia 15 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, trong đó có 1 đề tài được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

NGƯỜI CON ĐẤT THÀNH NAM

PGS.TS Đàm Đức Vượng (Bút danh: Đức Vượng, Thành Nam) sinh ngày 24-4-1942 tại thôn Dịch Diệp, xã Trực Chính, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Sau hòa bình lập lại ở miền Bắc năm 1954, thân phụ ông, cụ Đàm Tấn Trác đưa cả gia đình lên thành phố Nam Định mở xưởng đúc (gang, đồng, nhôm) lớn có tiếng ở Thành Nam.
Rời lũy tre làng ra thành phố Nam Định, Đức Vượng học phổ thông tại Trường cấp 2 Diên Hồng. Những ngày đi học, Đức Vượng đam mê hơn vẫn là văn và sử. Nổi tiếng là người thông minh, nên từ nhỏ, ông thuộc làu những bài thơ của Tú Xương, Nguyễn Bính, những truyện ngắn của Nam Cao... với phong cách riêng biệt, dân dã, dí dỏm của những người cầm bút đất Thành Nam.
Hồi ấy, phố Nguyễn Văn Tố, thành phố Nam Định, nơi có nhà của Đàm Đức Vượng ở rất gần phố Cửa Đông. Tại đó có một hiệu sách, không ngày nào Đức Vượng không vào đó, xem có cuốn sách nào hay mới xuất bản là về xin tiền mẹ mua cho bằng được. Có lần ra hiệu sách thấy có bán cuốn sách “Nguyễn Bỉnh Khiêm - Nhà thơ triết lý”, Đức Vượng xuýt xoa, muốn đọc lắm, cứ đứng tần ngần nhìn sách, nhưng trong túi không có tiền, liền chạy về nhà xin tiền mẹ để mua. Đức Vượng khâm phục Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm lắm, “Lưỡng quốc anh hùng không đối thủ”, một nhà hiền triết, tinh thông Dịch lý và là tác giả lớn của văn học thế kỷ XVI, XVII. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã để lại cho đời nhiều bài thơ chữ Hán và chữ Nôm rất có giá trị.
Ông Đàm Tấn Trác mất năm 1956 do bệnh nghề nghiệp. Cuộc sống mọi người trong gia đình ngày càng khó khăn. Trước hoàn cảnh đó, Đàm Đức Vượng xin với mẹ: "Con muốn lên Hà Nội làm ở xưởng đúc của bác Đàm Kim Hành... Ban ngày đi làm, ban đêm đi học. Làm như vậy, con vừa nuôi được mình, lại có tiền mua sách đọc thêm, không phải dựa vào kinh tế gia đình nữa. Con tin vào tài học của mình, dù có phải học buổi tối đi chăng nữa, con cũng sẽ học giỏi như học phổ thông". Không giữ được con ở nhà, mẹ ông đành phải bằng lòng để con ra Hà Nội, gửi các con cho số phận cuộc đời.
Vào một ngày của năm 1958, hai anh em Đàm Đức Vượng và Đàm Đức Loan đi tàu hỏa ra Hà Nội hỏi thăm đường đến thẳng Xưởng đúc Đông Thành tại số nhà 23, phố Cát Linh. Năm đó, tại Xưởng đúc Đông Thành của người bác ruột là Đàm Kim Hành (Cai Hành) đã có các ông: Vũ Hữu Nhưỡng, thợ cả; Đàm Ngọc Đẩu, thợ cả; Đàm Đức Gia; Đàm Đức Loan em ruột Đàm Đức Vượng, Đàm Đức Nhân; Mai Nhạ, bộ đội phục viên, anh rể Đàm Đức Vượng; Vũ Văn Phòng, Đàm Đức Thụ, con trai út của ông Đàm Kim Hành và một vài người thợ phụ. Tất cả ngần ấy người đều là người Nam Định sống đoàn kết, thương yêu đùm bọc nhau. Sau này, cả Đàm Đức Vượng, Đàm Đức Loan, Đàm Đức Nhân, ba người công nhân đúc trẻ tuổi của Xưởng Đông Thành đều gia nhập Quân đội Nhân dân Việt Nam, chống Mỹ, cứu nước và cả ba đều trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Những ngày làm thợ đúc, Đàm Đức Vượng rất chịu khó nghiên cứu về kỹ thuật đúc gang, đồng, nhôm. Ông đã mua về nhiều quyển sách kỹ thuật đúc để nghiên cứu và anh đã viết được một bản thảo tổng kết về kinh nghiệm và kỹ thuật đúc gang, đồng, nhôm. Bản thảo này, anh thấy cần phải gia công nhiều hơn nữa, thì mới có thể xuất bản thành sách được. Ngoài nghiên cứu về kỹ thuật đúc, Đàm Đức Vượng còn say mê làm thơ. Ông đã viết được một tập trường ca, nhan đề: “Bài ca người công nhân luyện kim”.
Hưởng ứng Lời kêu gọi của Đoàn Thanh niên, Đàm Đức Vượng làm đơn tình nguyện nhập ngũ theo chế độ nghĩa vụ quân sự. Tháng 2-1960, Đàm Đức Vượng được biên chế vào Tiểu đội 1, Trung đội 1, Đại đội 1 (C1), Tiểu đoàn 1 (D1), Trung đoàn 141 (E141), Sư đoàn 312 (F312), (tức Tiểu đoàn Phủ Thông, Trung đoàn Ba Vì, Sư đoàn Chiến Thắng). Hằng ngày, ông cùng đơn vị luyện tập trên thao trường. Nhiều hôm hành quân dã ngoại. Có lần, đang trên đường hành quân, khi nghỉ giải lao ở vệ đường, để động viên anh em, Đức Vượng ngâm bài thơ vừa sáng tác, nhan đề:
 
HÀNH QUÂN DÃ NGOẠI

Hành quân dã ngoại qua Trung Giã
Vào giữa mùa đông gió rét sương.
Trái tim người lính không băng giá
Sẽ ấm dần lên trong tình thương!

Trong thời gian này, Đàm Đức Vượng rất chịu khó, chịu khổ rèn luyện, luôn luôn xung phong gương mẫu trong mọi hoàn cảnh công tác; rất tích cực trong học tập quân sự và chính trị, nên thường được tuyên dương trước Đại đội và Tiểu đoàn; Vào bộ đội được khoảng nửa năm, ngày 1-7-1960, Đàm Đức Vượng được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam (nay là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh). Ít lâu sau, ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành, rồi Phó Bí thư Chi đoàn Thanh niên của đơn vị. Tháng 8/1960, Đàm Đức Vượng, được cử đi học tại trường Quân chính của Sư đoàn 312, đóng ở đồi Thanh Quang, Vĩnh Yên. Đây là Trường đào tạo hạ sĩ quan của Sư đoàn 312. Và "Từ binh nhì, rồi binh nhất cho đến ngày 1/3/1962, tôi được phong quân hàm Hạ sĩ và chính thức được bổ nhiệm làm Tiểu đội trưởng, rồi được kết nạp vào Đảng tại đơn vị". Tại đây, Đức Vượng còn thể hiện năng khiếu viết báo tường và làm thơ, thường được đăng trên báo Quân đội nhân dân, chương trình phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam và được khen trong các cuộc thi.
Thôi mặc áo lính từ năm 1963, Đàm Đức Vượng trở lại làm việc tại Xí nghiệp Cơ khí Đồng Tháp (Xưởng Đúc Đông Thành đã sáp nhập vào Xí nghiệp Cơ khí Đồng Tháp). Năm 1964, Đức Vượng được bầu làm Tổ trưởng tổ Đảng rồi Bí thư Chi bộ Phân xưởng Đúc; Ủy viên Thường vụ Đoàn Thanh niên Lao động Xí nghiệp;Chính trị viên Trung đội tự vệ Xí nghiệp cơ khí Đồng Tháp. Một thời gian sau, một bộ phận Xí nghiệp cơ khí Đồng Tháp tách ra thành một xí nghiệp riêng, gọi là Xí nghiệp cơ khí Trần Phú, đóng tại thôn Nam Dư Hạ, xã Trần Phú, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Tại Xí nghiệp cơ khí Trần Phú, Đức Vượng làm Phó ban rồi Trưởng ban Tổ chức – Lao động - Tiền lương.
Trong thời gian làm Trưởng ban Tổ chức - Lao động - Tiền lương Xí nghiệp Cơ khí Trần Phú, Đức Vượng trở thành cộng tác viên đắc lực cho Đài Truyền thanh Hà Nội (nay là Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội). Hầu như ngày nào anh cũng có tin, bài về công nhân và công nghiệp được phát trên Đài Truyền thanh Hà Nội. Năng lực viết báo vượt trội của anh đã được lãnh đạo Đài biết đến, Giám đốc Đài Truyền thanh Hà Nội đã đề nghị các cơ quan "tạo điều kiện giúp Đài chúng tôi cho đồng chí Vượng sang Đài Truyền thanh công tác".
Những năm, tháng làm việc ở Đài, Đàm Đức Vượng đã được Giám đốc Trần Đình Hòe, rồi Giám đốc Đài Nguyễn Đức Dinh, Phó Giám đốc Đài Lê Hưng, Thư ký Tòa soạn Đặng Tuấn Bình chỉ bảo, hướng dẫn, giúp đỡ nhiệt tình, nhất là về mặt nghiệp vụ báo chí. Các đồng nghiệp cộng tác, trao đổi thân tình, cùng nhau hoàn thành tốt những chuyến đi tác nghiệp. Nhớ lại kỷ niệm trong “Một nghìn ngày làm việc cùng đồng nghiệp tại Đài Truyền thanh Hà Nội”, PGS.TS Đàm Đức Vượng cho rằng: “Đó là những năm tháng sống và hoạt động rất sôi nổi và có ý nghĩa đối với tôi”. Đây là mốc son đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời và sự nghiệp của người cầm bút. Từ một công nhân thợ đúc, một chiến sĩ trong quân đội, anh đã trở thành một nhà báo chuyên nghiệp.

VIẾT LỊCH SỬ ĐẢNG – LÃNH TỤ HỒ CHÍ MINH VÀ CÁC NHÀ LÃNH ĐẠO CÁCH MẠNG VIỆT NAM
 

Ông Trường Chinh lúc này là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương, đã đọc một số bài viết của Đàm Đức Vượng về lịch sử Đảng và đã có lời khen. Tiếp đó, Ngày 6-1-1976, Trưởng Ban Tổ chức chính quyền Thành phố Hà Nội Lê Sĩ Cẩn ký Quyết định “thuyên chuyển đồng chí Đàm Đức Vượng... đến công tác tại Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương”. Làm việc ở Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương, ông được biên chế vào bộ phận viết tiểu sử thuộc Vụ Tư liệu do nhà nghiên cứu Phạm Văn Bình (còn gọi là Phạm Bình, bút danh là Thế Tập) làm Vụ trưởng. Ông Đàm Đức Vượng cho đây là bước rẽ ngoặt nữa của cuộc đời làm khoa khoa học của mình: từ phóng viên báo chí chuyên nghiệp chuyển sang làm công tác nghiên cứu khoa học về lịch sử Đảng và lý luận xây dựng Đảng. Những năm, tháng làm việc tại Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương, Đàm Đức Vượng rất chịu khó sưu tầm, đọc, nghiên cứu tài liệu về lịch sử Đảng và xây dựng Đảng, tích lũy kinh nghiệm và ông đã nhanh chóng trưởng thành trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử Đảng.
Nhằm trang bị thêm tri thức về lịch sử Đảng cho “Hạt giống đỏ” Đàm Đức Vượng, năm 1980, lãnh đạo Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương quyết định cử Đàm Đức Vượng đi học khóa nghiên cứu sinh hệ tập trung 4 năm về lịch sử Đảng tại Trường Chuyên khoa Lịch sử Đảng, khóa II (1980-1984). Nhận nhiệm vụ, Đàm Đức Vượng lập tức miệt mài ôn thi và kết quả đạt số điểm 9,5 - điểm cao nhất trong kỳ thi dự tuyển này. Sau 4 năm học tập gian khổ, Đàm Đức Vượng bắt đầu viết Luận văn tốt nghiệp với đề tài: “Tìm hiểu quá trình thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam”. Kết quả, Luận văn được Hội đồng chấm thi xếp đạt 8,5. Đây cũng là điểm cao nhất của lớp học.
Làm việc tại Viện Lịch sử Đảng một thời gian ngắn, thì ngày 13/9/1984, Đàm Đức Vượng lại được điều chuyển sang làm việc tại Viện Xuất bản Kinh điển và Văn kiện Đảng trực thuộc Viện Mác - Lênin (sau đó là Viện Mác - Lênin - Hồ Chí Minh) và được đề bạt đảm nhiệm các chức vụ Phó Trưởng Ban Hồ Chí Minh Viện Xuất bản Kinh điển - Văn kiện Đảng thuộc Viện Mác - Lênin - Hồ Chí Minh.
Năm 1985 - 1986, Đàm Đức Vượng rất muốn bảo vệ luận án phó Tiến sĩ sử học. Ông tâm sự với đồng nghiệp về nguyện vọng này, nhưng ai cũng “gàn” ông không nên bảo vệ, vì vừa khó về nội dung luận án, vừa khó về tiền, chẳng qua cũng chỉ mang cái danh hão mà thôi. Hơn nữa, Trường Chuyên khoa Lịch sử Đảng, có ai xin bảo vệ đâu, mà anh lại “xông vào” bảo vệ. Nghe vậy, ông lắc đầu, ngán ngẩm. Nhưng là người có sức chịu đựng dẻo dai, có nghị lực phi thường, có ý chí rất cao, nên ông vẫn quyết tâm xin bảo vệ cho bằng được. Ông làm đơn gửi Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo), xin được bảo vệ luận án Phó tiến sĩ. Bộ trả lời là Trường Chuyên khoa Lịch sử Đảng không nằm trong danh mục được bảo vệ luận án Phó tiến sĩ, nên không thể bảo vệ được. Bộ khuyên nên chuyển sang Viện Sử học để xin bảo vệ, vì Viện Sử học có trong danh mục được đào tạo nghiên cứu sinh và bảo vệ luận án Phó tiến sĩ. Thế là Đức Vượng lại phải đi nghiên cứu sinh tiếp 2 năm (tại chức) ở Viện Sử học. Tại đây, ông được Giáo sư,Viện trưởng Văn Tạo nhiệt tình giúp đỡ và động viên về mặt tinh thần. Ngày 12-6-1986, tại trụ sở Viện Sử học, số 38, phố Hàng Chuối, Hà Nội, Đàm Đức Vượng bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ Sử học với đề tài: “Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác - Lênin”. Luận án phân tích về chủ nghĩa yêu nước Việt Nam của Nguyễn Ái Quốc, và từ chủ nghĩa yêu nước, Người đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin. Đây là luận án đầu tiên của Việt Nam về đề tài Hồ Chí Minh mà nghiên cứu sinh Đàm Đức Vương đã bảo vệ thành công ở trong nước. Hồi bấy giờ chưa xuất bản bộ “Văn kiện Đảng Toàn tập” và bộ “Hồ Chí Minh Toàn tập”, tài liệu về lịch sử Đảng và Hồ Chí Minh rất hiếm, mà Đàm Đức Vượng đã viết được một bản Luận án về đề tài Hồ Chí Minh là một sự cố gắng rất lớn. Chế độ bảo vệ Luận án lúc bấy giờ cũng chưa có gì, nên mọi thứ đều phải tự lo. Ông bán chiếc đồng hồ, nhẫn cưới, máy may của vợ và chiếc xe đạp tàng tàng để lấy tiền chi cho buổi bảo vệ. Ông tự đánh máy bản luận án bằng chiếc máy chữ cọc cạch, bản luận án dày hơn 300 trang và không một lỗi chính tả do đánh máy.
Hội đồng bảo vệ Luận án hôm ấy gồm 9 người, toàn những nhà lãnh đạo và nhà khoa học tầm cỡ: Giáo sư Nguyễn Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Mác - Lênin - Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng; Giáo sư Đặng Xuân Kỳ, Phó Viện trưởng Viện Mác - Lênin - Hồ Chí Minh và các Giáo sư Sử học Phan Huy Lê, Đinh Xuân Lâm, Phan Ngọc Liên, Văn Tạo... Buổi bảo vệ hôm ấy, kết quả 100% số phiếu tán thành đạt tiêu chuẩn xứng đáng của một Luận án Phó Tiến sĩ sử học. Lúc bảo vệ xong, ra về, Giáo sư Nguyễn Vịnh, Viện trưởng Viện Mác - Lênin - Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng chấm Luận án, đến bắt tay Đàm Đức Vượng, nói: “Chú là người đầu tiên ở Viện Mác - Lênin và ở Việt Nam bảo vệ thành công Luận án về đề tài Hồ Chí Minh”.
Sau một thời gian công tác tại Viện Xuất bản Kinh điển và Văn kiện Đảng, Đàm Đức Vượng được chuyển về công tác tại Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (gọi tắt là Viện Hồ Chí Minh) thuộc Viện Mác - Lênin. Ngày 12-12-1988, ông được đề bạt làm Trưởng ban Nghiên cứu Ban Văn kiện - Tư liệu Viện Hồ Chí Minh thuộc Viện Mác - Lênin rồi Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh tháng 1-1990 và trở thành Thành viên Hội đồng Khoa học của Viện.
Làm Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh, Đàm Đức Vượng thấy cần phải “nâng cấp” nghiên cứu khoa học. Muốn vậy, trước hết, phải có ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, tiếng Nga và tiếng Trung Quốc. Nhận thức đó đã thôi thúc ông học đêm, học ngày tiếng Anh, tiếng Nga và tiếng Trung Quốc. Ông tham dự các khóa học ngoại ngữ tại chức trình độ A, B, C tiếng Anh, tiếng Nga của trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, ĐH Sư phạm Ngoại ngữ và Viện Đào tạo mở rộng thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Còn tiếng Trung Quốc, anh không có điều kiện đến trường, nên phải tự học để nhận ra mặt từng chữ một. Khi đã thuộc vài nghìn từ, ông bập bẹ đọc được sách, báo Trung Quốc. Nhà báo Nguyễn Thế Nghiệp có lần đã "đếm được tất cả 18 văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ" của ông. PGS.TS Đàm Đức Vượng thường tâm sự với đồng nghiệp là “cuộc chiến” học ngoại ngữ là dai dẳng nhất, mất nhiều thời gian nhất, khổ sở nhất. Sau này, khi học tập tại Liên Xô hay làm chuyên gia tại Lào, rồi công tác Cộng hòa Séc và Cộng hòa Slôvakia, việc đầu tiên đặt ra đối với ông là phải học tiếng của nước sở tại.
Với những thành tích trong công tác nghiên cứu khoa học, ngày 3-3-1992, Chủ tịch và Tổng Thư ký Hội đồng xét duyệt học vị và chức danh Nhà nước; GS.TS Trần Hồng Quân và GS.TS Phạm Ngọc Đăng đã ký phong chức danh Phó Giáo sư Sử học cho Phó tiến sĩ Đàm Đức Vượng. Sau đó, cơ quan nơi ông công tác, gợi ý muốn ông làm tiếp hồ sơ xin phong Giáo sư vì nhận thấy đã có đủ tiêu chuẩn và trình độ, nhưng do ông quá chú tâm vào việc viết sách, báo, nên quên mất và bản thân ông cũng bằng lòng với học hàm Phó Giáo sư. Ông hiểu rằng, vấn đề không phải là Phó Giáo sư hay Giáo sư, mà ở thực chất tri thức của mỗi con người. Trong cuộc sống, một số người không có học hàm, học vị gì, nhưng lại rất uyênbác, đã để lại cho đời nhiều tác phẩm có giá trị. Tuy nhiên, để phấn đấu để có học hàm, học vị đầy đủ cũng không phải dễ, đòi hỏi phải làm việc cật lực mới có được.



Tháng 7-1993, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam gửi Công văn số 300/ĐNTW, đến Viện Mác - Lênin - Hồ Chí Minh, Thông báo ý kiến của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VII, cử PGS.TS Đàm Đức Vượng sang Lào, làm Chuyên gia, trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ bạn sưu tầm, cung cấp tài liệu cho việc chỉnh biên cuốn Lịch sử Đảng Nhân dân Cách mạng Lào; xây dựng Đề cương nội dung Bảo tàng Cayxỏn Phômvihản và nghiên cứu viết Tiểu sử Cayxỏn Phômvihản. Nhận Quyết định sang làm Chuyên gia tại Lào cũng là điều mà PGS.TS Đàm Đức Vượng không ngờ tới. Lãnh đạo Ban Đối ngoại Trung ương cử Đức Vượng làm Tổ trưởng Tổ Chuyên gia ba người giúp Lào tư vấn xây dựng Bảo tàng Cayxỏn Phômvihản và viết tiểu sử Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản. Trong số ba người đi Lào lần này, ông là người ít tuổi nhất, lại chưa một lần công tác ở Lào, chưa biết tiếng Lào, trong khi Trung tướng Nguyễn Hoà và ông Nguyễn Vĩnh Thiêm đã có nhiều năm làm chuyên gia ở Lào, quen biết những vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước Lào, thông thạo tiếng Lào. Những năm, tháng công tác ở Lào, PGS.TS Đàm Đức Vượng còn dành thời gian nghiên cứu, sưu tầm tài liệu để viết cuốn sách về Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản. Cuốn sách này đã được NXB Chính trị Quốc gia Việt Nam xuất bản năm 2008 và được phát hành rộng rãi tại Việt Nam và Lào.
Tiếp đó, tháng 5-1994, PGS.TS Đàm Đức Vượng chuyển sang nhận công tác tại Ban Tổ chức Trung ương. Tại đây, lúc đầu ông được phân công vào làm việc tại Văn phòng Ban, sau được chuyển sang làm việc tại Vụ Tổ chức - Điều lệ, trong Tổ Biên tập, sửa chữa, bổ sung Điều lệ Đảng, trình Đại hội VIII của Đảng. Năm 1997, PGS.TS Đàm Đức Vượng lại có quyết định chuyển công tác về Ban Cán sự Đảng ngoài nước (nay là Đảng ủy ngoài nước) theo yêu cầu tăng cường công tác Đảng ở nước ngoài. Tại đây ông được bổ nhiệm làm Quyền Vụ trưởng rồi Vụ trưởng tại Tiểu ban Tuyên huấn, say mê công tác báo chí, tổng kết công tác Đảng và công tác quần chúng ở ngoài nước.
 
NHỮNG NĂM THÁNG LÀM VIỆC TẠI HỘI ĐỒNG LÝ LUẬN TRUNG ƯƠNG
 
Sau ba năm làm nhiệm vụ ngoại giao ở nước ngoài, vào một ngày của tháng 8-2002, PGS.TS Đàm Đức Vượng trở về nước, lúc này, ông đã bước sang tuổi 60. Theo đuổi đam mê “muốn tiếp tục nghiên cứu lý luận để đóng góp vào sự nghiệp nghiên cứu khoa học lịch sử Đảng và khoa học lý luận". Ông viết đơn kính gửi Thường trực Hội đồng lý luận Trung ương và được Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương họp, nhất trí tiếp nhận. Ngày 14-10-2002, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, GS.TS Nguyễn Phú Trọng ký Quyết định số 12/QĐ-HĐLLTW: “Về việc tiếp nhận cán bộ, công chức, đồng chí Đàm Đức Vượng, PGS.TS, Chuyên viên cao cấp, Vụ Trưởng ban Cán sự Đảng ngoài nước, về công tác tại Hội đồng Lý luận Trung ương, là thành viên Ban Thư ký của Hội đồng Lý luận Trung ương Nhiệm kỳ2001-2005”.
Ngày 1-11-2002, PGS.TS Đàm Đức Vượng chính thức đến làm việc tại Hội đồng Lý luận Trung ương. Ông đến chào và báo cáo với Chủ tịch, GS.TS Nguyễn Phú Trọng; Phó Chủ tịch Thường trực, GS.TS Lê Hữu Nghĩa; Phó Chủ tịch chuyên trách, Giáo sư Đặng Xuân Kỳ; Phó Chủ tịch, GS.TS Đỗ Hoài Nam; Tổng Thư ký Hồng Hà. Các ông trong Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương đón tiếp PGS.TS Đàm Đức Vượng rất thân tình, tự nhiên, làm cho ông dậy lên niềm phấn khởi, say mê, được trở lại với công tác nghiên cứu khoa học - lý luận - lịch sử mà ông đã ôm ấp suốt cả cuộc đời.
Một thời gian sau, Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương lại bổ nhiệm ông làm Chánh Văn phòng, thay cho Chánh Văn phòng đến tuổi về hưu. Những năm, tháng làm việc tại Hội đồng Lý luận Trung ương, ông đã làm được nhiều việc có ích, viết được nhiều cuốn sách, chuyên đề, bài nghiên cứu, đặc biệt là viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh đào tạo cán bộ, trọng dụng nhân tài. Phương pháp nghiên cứu của ông tại Hội đồng Lý luận Trung ương lúc ấy là lý luận kết hợp với thực tiễn, logic kết hợp với lịch sử. PGS.TS Đàm Đức Vượng kể rằng, ông rất thích phương pháp làm việc của Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương lúc ấy, nhất là Chủ tịch Hội đồng, GS.TS Nguyễn Phú Trọng, là phương pháp gợi mở, không áp đặt. Chính phương pháp gợi mở đã tạo nên cho các nhà khoa học của Hội đồng, trong đó có ông, phát huy được sở trường và khắc phục được sở đoản.
Ông ủng hộ cách làm việc theo phương pháp gợi mở và cho rằng đó là cách phù hợp nhất trong tình hình hiện nay, phương pháp ấy không những không áp đặt mà còn khêu gợi tính sáng tạo, chủ động nghiên cứu của các nhà khoa học làm việc trong Hội đồng.

VIỆN TRƯỞNG VIỆN KHOA HỌC NGHIÊN CỨU NHÂN TÀI NHÂN LỰC
 
Làm việc hàng vài chục năm trong các cơ quan trung ương của Đảng, năm 2006, PGS.TS Đàm Đức Vượng đã bước vào tuổi 65. Đến tuổi ông thấy cần phải “hạ cánh” để chuyển sang nghiên cứu một lĩnh vực khoa học khác, đó là lĩnh vực con người, một lĩnh vực mà ông đã ấp ủ từ lâu. Ông làm đơn kính gửi Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho ông được nghỉ hưu theo chế độ. Và năm 2006, PGS.TS Đàm Đức Vượng thành lập Viện Khoa học nghiên cứu Nhân tài Nhân lực trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ; đến năm 2010, Viện chuyển sang trực thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam.
Khó khăn lớn nhất khi lập Viện vẫn là vấn đề tài chính. Theo quy định của Nhà nước, lập một tổ chức (viện) mới, phải chứng minh ít nhất có 200 triệu. Đây là một số tiền lớn, PGS.TS Đàm Đức Vượng đi vận động mãi không được nên ông tự đóng góp bằng tiền tiết kiệm từ nhuận bút viết sách, báo, chuyên đề, báo cáo khoa học và dành dụm bao năm đi công tác ở nước ngoài mới có được.
Trụ sở (Văn phòng) chính của Viện thay đổi nhiều lần. Lúc đầu, ở số nhà 246 phố Thụy Khuê rồi thuê ở Đại Mỗ, Hà Đông. Khi PGS. TS Đàm Đức Vượng xây được ngôi nhà 4 tầng ở Đại Mỗ, thì Văn phòng được chuyển về ngôi nhà này. Được 5 năm, PGS.TS Đàm Đức Vượng lại phải bán ngôi nhà này (được 2,5 tỷ) để lấy tiền chi cho các hoạt động của Viện (do tài chính của Viện lúc này lâm vào hoàn cảnh rất khó khăn). Sau khi bán nhà, Trụ sở chính của Viện lại được chuyển về phòng 801, khu Chung cư 11 tầng Ban Đảng Trung ương, nhà của ông Đàm Đức Vượng. Ngoài Trụ sở chính, Văn phòng làm việc thường xuyên của Viện đặt tại phòng số 01, nhà số 2, ngõ 422, phố Trần Cung, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Đây là ngôi nhà hơn 70 mét vuông của ông mua và cho Viện mượn làm Văn phòng.
Sau khi Viện được thành lập, nhiều vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã quan tâm đến các hoạt động của Viện, gửi lời hỏi thăm, viết thư động viên như: Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; Đại tướng Võ Nguyên Giáp; GS.TS Nguyễn Thị Doan, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; GS.TS khoa học Đặng Vũ Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam...
 
NHÀ LÝ SỐ - NHÀ THƠ
 
Nhiều bậc trí thức đánh giá PGS.TS Đàm Đức Vượng là tay bút toàn diện trên các mặt nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lý số và làm thơ khoa học. Bài viết nhan đề: “Nhà khoa học xã hội đa tài”, in trong sách “Những gương mặt Giáo sư Việt Nam: Tài năng – Trí tuệ - Nhân cách”, tập 1, (NXB Thanh niên, Hà Nội, 2016, tr.425) đã phân tích rõ về sở trường ba lĩnh vực của ông: khoa học về lịch sử - lý luận; khoa học về lý số; khoa học về thơ ca.
Về lĩnh vực mà ông gọi là lý số được nghiên cứu từ lâu, từ thời ông cha để lại, nên ít nhiều đúc rút được những kinh nghiệm quý.
Năm 2015, NXB Thông tin và Truyền thông xuất bản cuốn sách “Khoa học về lý số” (Dự đoán khoa học về con người và cuộc đời) của PGS.TS Đàm Đức Vượng. Sách dày 437 trang, khổ giấy lớn với 12 chương. Cuốn sách này, PGS.TS Đàm Đức Vượng bắt đầu viết từ mùa Xuân năm 2010 và hoàn thành vào mùa Đông năm 2014. Đây là cuốn sách luận giải về lý số bằng khoa học. Tướng - số - vận hợp thành lý số. Tuy viết bằng thể văn chính luận, nhưng đọc có sức hấp dẫn từ đầu đến cuối, bởi trên cơ sở nghiên cứu khoa học về lý số,
Tác giả đã phân tích một cách sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ, những nhận định, đánh giá, phân tích, tổng hợp, đồng thời, xen vào đó là kể chuyện lịch sử về những nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình có liên quan đến tướng - số. Mọi trích dẫn, đều ghi rõ nguồn một cách cẩn trọng.
Cùng với hàng chục cuốn sách khoa học về lịch sử - lý luận - thực tiễn và 5 tập thơ đã được xuất bản ở trong nước và ngoài nước, sách: “Khoa học về lý số” (Dự đoán khoa học về con người và cuộc đời), đã đưa PGS.TS Đàm Đức Vượng trở thành nhà khoa học – nhà lý số - nhà thơ đích thực. Phải nói rằng, sức viết của ông rất sung mãn và đầy ắp trí tuệ. Bước sang năm 2020, ông đã 78 tuổi vậy mà vẫn cặm cụi đánh máy, vừa nghĩ vừa đánh máy suốt ngày, thật đáng khâm phục.
Trải qua gần 60 năm hoạt động trong các môi trường khác nhau, PGS.TS Đàm Đức Vượng đã đi nhiều nơi trên thế giới như: Nga, Séc, Slovakia, Ba Lan, Đức, Hunggari, Pháp, Anh, Thụy Điển, Mêhicô, Cu Ba, Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Ấn Độ, Lào, Campuchia... Dù ở bất cứ đâu và trên cương vị công tác nào, ông luôn thể hiện mình là một cán bộ có năng lực, bản lĩnh và có kiến thức phong phú về khoa học xã hội. Vượt qua hoàn cảnh khó khăn, ông đam mê làm việc không biết mệt mỏi, vì đó là niềm vui, là trách nhiệm và mong muốn khám phá. Ông có phương pháp làm việc cẩn trọng, khoa học với tâm bút khỏe, ít người sánh được đồng nghiệp, bạn bè yêu quý ông, bởi ông có tài, có tâm trong nghiên cứu và quản lý khoa học.

Anh Huy
(Theo sách Có một nhà khoa học như thế,
NXB Thanh niên, HN, 2017).