Mới cập nhật

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ TRIỀU NGUYỄN

PGS,TS Đàm Đức Vượng
      1. Trên trang mạng gần đây tung ra một số bài đánh giá về Triều Nguyễn (Nhà Nguyễn) không đúng với hiện thực khách quan lịch sử; cho rằng, vua Gia Long và Triều Nguyễn có công lớn trong việc thống nhất đất nước, trong khi Triều Nguyễn đã để cho Pháp xâm lược Việt Nam thì lại không nói đến. Có bài viết cho rằng, Pháp chỉ dừng chân ở Việt Nam để đánh Trung Quốc, chứ không phải xâm lược Việt Nam?... Những bài viết này không đúng với sự thật lịch sử Việt Nam.
      Để làm sáng tỏ vấn đề này, người viết sử cần phải có quan điểm lịch sử đúng đắn, rõ ràng. Nếu không có quan điểm lịch sử đúng đắn, rõ ràng thì không thể viết đúng được những vấn đề của lịch sử. Quan điểm lịch sử là cách xem xét lịch sử, phải đúng đắn và trung thực; là sự xác định không phải bất kỳ sự biến đổi nào (thậm chí cả biến đổi về chất), mà là xác định sự biến đổi, trong đó, thể hiện sự hình thành những đặc tính và những mối liên hệ đặc thù của các sự kiện quy định bản chất của chúng. Quan điểm lịch sử đòi hỏi phải thừa nhận tính chất kế thừa và không thể đảo ngược của những sự kiện. Quan điểm lịch sử đã trở thành những nguyên tắc quan trọng nhất của khoa học lịch sử, cho phép khoa học lịch sử dựng lên bức tranh dân tộc, xã hội và con người một cách đúng đắn; phát hiện ra những quy luật phát triển và không thể tách rời phương pháp biện chứng. Hiện nay, có một số người viết sử và nghiên cứu lý luận phủ nhận nguyên tắc về quan điểm lịch sử, chống lại quan điểm lịch sử và giải thích nó theo chủ quan duy ý chí.
      2. Xuất phát từ những quan điểm trên, đem soi vào việc nghiên cứu lịch sử Triều Nguyễn, tôi thấy bên cạnh những bài phản ánh trung thực lịch sử Triều Nguyễn là những bài viết không đúng về Triều Nguyễn. Vậy thực chất của Triều Nguyễn như thế nào, cần phải có quan điểm lịch sử cụ thể, xem xét vấn đề đúng để trình bày ra những trang viết của mình cho đúng.
      Triều Nguyễn khởi mầm từ Nguyễn Kim, một trọng thần của Triều Lê Trung Hưng, nhưng bắt đầu từ Nguyễn Hoàng con Nguyễn Kim, người lãnh đạo đầu tiên của xứ Đàng Trong. Nguyễn Hoàng không xưng Vương, mà chỉ xưng Chúa. Ông là vị chúa Nguyễn đầu tiên, có thể nói là người sáng lập ra Triều Nguyễn, rồi mới đến vua Gia Long (Nguyễn Ánh).
      Thời Nguyễn Gia Long, phong trào Tây Sơn lập được nhiều chiến công hiển hách, nhưng chưa có điều kiện vật chất để đưa xã hội thoát khỏi chế độ phong kiến tập quyền. Một triều đình lên nhanh, nhưng cũng sụp đổ nhanh. Do hoàn cảnh khách quan đó, cùng với sự bất lực của Nguyễn Lữ, sự hẹp hòi của Nguyễn Nhạc là những anh em của Triều Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã lợi dụng và tranh thủ sự yếu kém này, nhanh chóng phát triển lực lượng, gây thanh thế. Vua Quang Trung (Nguyễn Huệ) từ trần đột ngột trong lúc kế hoạch tiến công vào sào huyệt của Nguyễn Ánh ở Gia định chưa kíp thực hiện, làm cho cục diện chính trị giữa Nguyễn Ánh và Nguyễn Huệ lúc bấy giờ có lợi cho Nguyễn Ánh.
      Sau khi vua Quang Trung mất, con là Nguyễn Quang Toản lên nối ngôi. Tiếc rằng, Quang Toản không có khả năng thay thế nổi sự nghiệp của vua cha, trong lúc đó, khối u mâu thuẫn nội bộ Triều Tây Sơn ngày càng lớn và đến lúc phải “vỡ mủ”, làm cho Triều Tây Sơn nhanh chóng suy sụp.
      Trong lúc Triều Tây Sơn đang suy yếu, thì lực lượng của Nguyễn Ánh ngày càng mạnh, chuyển từ thế thủ sang thế công, đánh chiếm thành Quy Nhơn năm 1709 (Kỷ Mùi), rồi Phú Xuân 1801 (Tân Dậu).
      Triều Nguyễn được bắt đầu từ năm 1802 (Nhâm Tuất) và tồn tại đến năm 1945 (Ất Dậu), tổng cộng được 143 năm.
      Triều Nguyễn có 13 đời vua. Ông vua đầu tiên là Nguyễn Gia Long và ông  vua cuối cùng là Nguyễn Vĩnh Thụy (Bảo Đại).
      Triều Nguyễn thời thuộc Pháp: Giữa năm 1858 (Mậu Ngọ), người phương Tây sang xâm lược nước ta, trước đó, đều là quân xâm lược phương Bắc. Trong quá trình xâm lược, Pháp là người đứng đầu. Cuộc xâm lược này kéo dài tới 96 năm cho đến tận năm 1954 mới chấm dứt.
      Ngày 5-6-1862, trên chiếm hạm Duyperơ của Pháp lúc ấy đang đậu ở bến cảng Sài Gòn, Triều đình Huế ký “Hiệp ước hòa bình và hữu nghị”, gọi tắt là “Hòa ước Nhâm Tuất 1862, với Pháp và Tây Ban Nha. Hiệp ước này gồm 12 điều khoản, ghi rõ ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường (Mỹ Tho) và Côn Đảo hoàn toàn nhượng cho Hoàng đế nước Pháp và hoàn toàn thuộc chủ quyền của Pháp… Rõ ràng là Hiệp ước này có lợi cho Pháp và Triều đình Nguyễn phải chịu trách nhiệm vấn đề này.
      Sau khi Hòa ước Nhâm Tuất (1862) được ký kết, phía Tây Ban Nha rút dần, còn lại là sự thống trị của Pháp ở Đông Dương.
     Tiếp theo Hòa nước Nhâm Tuất (1862) là các hiệp ước ký giữa Triều đình Huế với thực dân Pháp, trong đó có Hiệp ước Giáp Tuất (1874). Đánh giá về Hiệp ước Giáp Tuất (1874), giới nghiên cứu cho rằng, dù sao vẫn có lợi cho phía Pháp hơn. Tuy Hiệp ước này chỉ công nhận chủ quyền của Pháp tại 6 tỉnh của Nam Kỳ, nhưng xét về nhiều mặt, nhất là về kinh tế, Pháp dọn đường mở ra xâm lược Bắc Kỳ của Việt Nam, tiến tới xâm lược toàn Đông Dương. Một âm mưu mới của Pháp được bắt đầu từ Hiệp ước Giáp Tuất (1784).
      Sau Hiệp ước Giáp Tuất, Pháp bắt đầu áp dụng mô hình ngoại giao phương Tây tại Việt Nam, thiết lập cơ quan ngoại giao của hai Bên và thông qua Tòa Khâm sứ, Pháp lấn dần từng bước xâm lược Việt Nam.
      Hòa ước Giáp Thân (còn gọi là Hòa ước Patơnốt – Patenotre) được ký kết giữa Triều Nguyễn với Pháp là mốc đánh dấu các vua Triều Nguyễn hoàn toàn đầu hàng thực dân Pháp.
      Ngày 9-6-1885 (Ất Dậu), Pháp và Trung Quốc ký tại Thiên Tân bản “Hiệp ước hòa bình, hữu nghị và thương mại”. Nội dung của Hiệp ước gồm 10 khoản, trong đó ghi: “Về phía Trung Quốc thừa nhận và chấp nhận việc Pháp thống trị Việt Nam”. Pháp và Trung Quốc đã câu kết với nhau để xâm lược và thống trị Việt Nam.
      Ngày 17-10-1887 (Đinh Hợi), Tổng thống Cộng hòa Pháp ký Sắc lệnh thành lập Liên bang Đông Dương gồm ba nước Việt Nam, Campuchia, Lào.
      Rồi đến Hiệp ước Giáp thân, ký kết giữ Triều đình Huế và Thực dân Pháp tại Đông Dương, ngày 6-6-1884, đều dọn đường cho Pháp đi sâu vào xâm lược Việt Nam.
      Đó là cái tội bán nước, đầu hàng thực dân Pháp mà Triều Nguyễn phải chịu trách nhiệm trước lịch sử.
     Dưới ách thống trị của thực dân Pháp, lưỡi lê, máy chém, họng súng tràn khắp Đông Dương, giết chết những người yêu nước, cảnh đau thương, tang tóc, ảm đạm bao trùm lên khắp nơi. Đúng như Nguyễn Ái Quốc đã nêu trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”. Như vậy, rõ ràng, người Pháp ở Đông Dương mang tính chất xâm lăng, chứ không phải mang tính chất hữu nghị như có một số người đã viết. Vấn đề này phải phân tích rạch ròi, không để trắng, đen lẫn lộn.      
      Trước sự xâm lược của Pháp ở Đông Dương, phong trào yêu nước của nhân dân ta nổi lên khắp nơi, tiêu biểu là những cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Trường Định, Phan Tòng,... Tuy nhiên, phong trào suy yếu dần, như ngọn lửa lụi dần trước phong ba bão táp thực dân quật vào. Từng cuộc khởi nghĩa, lần lượt bị Pháp tiêu diệt. Từ cuối năm 1895 đến đầu năm 1896, tiếng súng của cuộc khởi nghĩa Hương Khê của Phan Đình Phùng bị lắng xuống, ngọn lửa Cần Vương bị dập tắt. Tuy bị dập tắt, nhưng hình ảnh của nghĩa quân phong trào Cần Vương mãi mãi ghi đậm trong trái tim những người yêu nước Việt Nam.
      Từ khi Gia Long lên ngôi vua, vận mệnh dân tộc đặt vào tay Triều Nguyễn. “Triều Nguyễn ra đời không do lãnh đạo dân tộc đánh đuổi giặc ngoại xâm, cũng không do đánh đổ một triều đại đã thoái hóa bị nhân dân căm ghét, mà là đánh đổ một triều đại đã có công lớn với dân với nước”1. Đó là Triều Tây Sơn. “Triều Nguyễn lập nên một chế độ phong kiến không theo con đường cải cách tiến bộ để bảo vệ quyền dân tộc cơ bản, mà xem quyền dân tộc cơ bản phụ thuộc vào vương triều, đó là một chế độ phong kiến chuyên chế mang tính chất bảo thủ, lạc hậu”2.
      Triều Nguyễn không có khả năng bảo vệ đất nước trước giặc ngoại xâm. Triều Nguyễn đã tạo ra những mâu thuẫn đối kháng và chính những mâu thuẫn đối kháng đó đã làm cho xã hội bùng nổ.
      Triều Nguyễn không có cơ sở xã hội nào khác ngoài tầng lớp phong kiến độc quyền và giai cấp địa chủ. “Vì vậy, các vua Nhà Nguyễn từ Gia Long (1802-1819) đến Minh Mệnh (1820-1840). Thiệu Trị (1841-1846), Tự Đức (1847-1882) đều rất sợ nhân dân và lo lắng, đề phòng các hành động lật đổ. Chính vì khiếp nhược trước phong trào nhân dân mà Nhà Nguyễn không dám đóng đô ở Thăng Long, phải dời vào Huế”3.
      Để củng cố quyền độc tài cá nhân, các vua Triều Nguyễn không từ một thủ đoạn nào, kể cả việc giết hại những công thần, những người đã “sáng lập” ra Nhà Nguyễn như Nguyễn Văn Thành (bắt uống thuốc độc chết), Lê Văn Duyệt, Lê Chất (mồ mả bị san bằng)4. Triều Nguyễn đàn áp cực kỳ dã man những người tham gia phong trào Tây Sơn.
      Triều Nguyễn tăng cường bộ máy đàn áp bằng duy trì một đội quân thường trực lớn mạnh, gồm khoảng 11 vạn quân đánh bộ và khoảng 2 vạn quân đánh thủy. Đội quân thường trực này, Triều Nguyễn đáng lẽ ra phải quay súng chống Pháp xâm lược, nhưng Triều Nguyễn lại dùng nó để đàn áp phong trào yêu nước của nhân dân.
      Hoạt động lập pháp của Triều Nguyễn mang tính chất củng cố nền tập quyền chuyên chế, thể hiện trong “Hoàng Triều luật lệ” ban hành năm 1815 (Ất Hợi), thường gọi là “Bộ luật Gia Long”.

Trang bìa của Hoàng Triều luật lệ". Dòng trên ghi Gia Long thập nhị niên ban hành. Ảnh: Wikipedia
      Về đối ngoại, Triều Nguyễn tỏ ra nhu nhược, mất tinh thần tự tôn dân tộc, đi tới phụ thuộc, rồi đầu hàng quân xâm lược. Khi Pháp chưa sang xâm lược, Triều Nguyễn lệ thuộc hoàn toàn vào Triều Mãn Thanh, xem Triều Mãn Thanh như một “thiên triều”, mà cuối thế kỷ trước, cuộc xâm lược của triều đại này đã bị Triều Tây Sơn và vua Quang Trung đánh cho tơi tả, phải chạy về nước. Đến khi Pháp sang xâm lược, Triều Nguyễn nhu nhược tới chỗ phải thỏa hiệp, rồi đầu hàng và cuối cùng trở thành con bài và tay sai cho Pháp. Vì vậy, Nhà Nguyễn phải chịu trách nhiệm trước tiên về đại họa xâm lăng nước Việt Nam thời cận, hiện đại.       Tuy nhiên, Triều Nguyễn cũng đã đạt được một số thành tựu nhất định trên các lĩnh vực quản lý đất nước, xây dựng bộ máy trung ương tập quyền trên phạm vi cả nước, có ý nghĩa chủ quyền quốc gia dân tộc. Triều Nguyễn cũng đã chú ý đến việc mở mang bờ cõi. Triều Nguyễn có những ông vua yêu nước, kiên quyết chống Pháp như Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân và một số quan đại thần phụ chính như Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường. Bên cạnh đó là những ông vua ươn hèn và những ông vua sợ Pháp, cùng những cận thần cam chịu sống đời nô lệ, làm tay sai cho Pháp xâm lược Việt Nam.
      Triều Nguyễn chú ý đến vấn đề ruộng đất và canh tác nông nghiệp. Đối với công thương nghiệp, Triều Nguyễn có phần hạn chế phát triển, diễn ra cảnh “bế quan tỏa càng”. Triều đình nắm độc quyền ngoại thương, quản lý các hầm mỏ và những công xưởng lớn.
      Về văn hóa, Triều Nguyễn có nhiều thành tựu về kiến trúc, văn chương, học thuật; những đền đài, thành trì, lăng tẩm nguy nga lộng lẫy của các vua Nguyễn mọc lên; những bộ lịch sử đồ sộ của Quốc sử quán được phát hành và công bố.
Quốc Tử Giám tại Huế, một trong những công trình đầu tiên Gia Long cho xây dựng để phát triển lại giáo dục thời hậu chiến. Dưới thời vua Gia Long, Minh Mạng, Quốc Tử Giám được xây tại địa phận An Ninh Thượng, huyện Hương Trà, cách kinh thành Huế chừng 5 km về phía tây, trường nằm cạnh Văn Miếu Huế, mặt hướng ra sông Hương. Vào năm 1908, thời vua Duy Tân, Quốc Tử Giám được dời vào phía đông nam Hoàng thành Huế (tức vị trí như ảnh hiện nay). Nguồn: Wikipedia.

       Tuy nhiên, Triều Nguyễn đã trở lại dùng chữ Hán làm ngôn ngữ Nhà nước và phương tiện giáo dục; hủy bỏ những cải cách tiến bộ của Triều Tây Sơn trước đó khi vua Quang Trung chủ trương phát triển tiếng nói, chữ viết của dân tộc.
      Trước sự xâm lược của Pháp ở Đông Dương, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã lãnh đạo nhân dân ta chống lại sự xâm lược của Pháp và đã mang lại những thắng lợi có tính chất quyết định. Sau hàng chục năm đấu tranh quyết liệt, nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã vùng lên chiến đấu và chiến thắng, cuối cùng, đất nước thống nhất, giang sơn quy về một mối, nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.
      Trình bày đúng lịch sử là cái phúc cho dân tộc, trình bày sai lịch sử là họa mầm cho dân tộc. Nhà viết sử phải biết đặt lương tâm, danh dự, tính trung thực lên những trang viết, có như vậy, nền sử học nước nhà mới đi đúng hướng và phát triển.
------
1,2. Nguyễn Khánh Toàn (Chủ biên), Nguyễn Công Bình, Văn Tạo, Phạm Xuân Nam, Bùi Đình Thanh: Lịch sử Việt Nam, tập 2 (1858-1945), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2004, tr. 22.
3. Lịch sử Việt Nam, tập 1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971, tr. 370.
4. Lịch sử Việt Nam, tập 1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971, tr. 371.