Mới cập nhật

HỒ CHÍ MINH VỊ ANH HÙNG GIẢI PHÓNG DÂN TỘC – NHÀ VĂN HÓA LỚN

Kỷ niệm lần thứ 130 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 – 19-5-2020)

PGS,TS Đàm Đức Vượng
     
      Cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được nhân dân Việt Nam, nhân dân thế giới biết đến với lòng ngưỡng mộ sâu sắc.     
      Vị anh hùng giải phóng dân tộc:
      Chủ tịch Hồ Chí Minh là một vị anh hùng giải phóng dân tộc đích thực. Người đã lãnh đạo thực hiện thành công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam (cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân) là một hình thức đặc biệt của cuộc đấu tranh giai cấp xã hội. Đó là sự chuyển biến sâu sắc về chính trị và xã hội trong đời sống của nhân dân ta. Nó có nghĩa là cuộc cách mạng để giải phóng nhân dân thoát khỏi tình trạng phụ thuộc thuộc địa và xóa bỏ trong tương lai mọi hình thức áp bức xã hội để tiến lên chủ nghĩa xã hội ở một nước nông nghiệp lạc hậu. Mục tiêu chủ yếu của cách mạng giải phóng dân tộc là giải phóng đất nước thoát khỏi chủ nghãi thực dân, đế quốc, thực hiện những cải cách dân chủ để từng nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
      Ngày 5-6-1911, Nguyễn Tất Thành (sau đó là Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh), bằng trài tim và khối óc, muốn đánh đuổi thực dân xâm lược, giải phóng đồng bào, bắt đầu vượt trùng dương, sóng gió, đi ra nước ngoài, khảo sát tình hình, tìm tòi một con đường cứu nước mới cho dân tộc Việt Nam. Người ra đi còn để trả lời câu hỏi mà dân tộc Việt Nam lúc ấy đang đặt ra: Đánh đuổi thực dân bằng con đường nào thì thành công? Sự nghiệp nâng tầm tư tưởng của Người bắt đầu từ giờ phút thiêng liêng đó. Người xuất hiện đúng lúc khi loài người trên thế giới đang chuẩn bị bước sang một bước rẽ ngoặt mới có tính chất thời đại. Chất anh hùng thời đại đượm trong suy tư và hành động của một người dân mất nước đi tìm con đường để lấy lại nước.
Bến Nhà Rồng cũ (nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh) nơi Hồ Chí Minh xuất phát đi nước ngoài. Ảnh: Wikipedia

      Xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX có thể ví như con chim trúng thương, rã cánh, bị bầy diều hâu thi nhau rỉa rói. Nhân dân lao động gày gò, rách rưới, đói khát, quằn quại dưới ngọn roi của chủ nghĩa thực dân, đế quốc.
      “Đêm sao đêm mãi tối mò mò
      Đêm đến bao giờ mới sáng cho?”
      Đó là tiếng lòng ai oán của một người dân mất nước bởi giặc ngoại xâm giày xéo. Để giải phóng nỗi nhục mất nước đó, Nguyễn Tất Thanh đã quyết chí ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Người không sang Đông Kinh vì cửa thành đã đóng. Vả lại, Người cũng không có ý định “đổ bộ” vào quần đảo Phù Tang (Nhật Bản) từ mấy năm về trước, vì Người cho rằng, dựa vào Nhật để đánh Pháp, có khác gì “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”1. Người cũng không hướng về phía Bắc. Lá cờ cải lương tư sản của Trung Hoa cuối thế kỷ XIX đã không có sức hấp dẫn đối với Người. Vậy còn con đường nào khác? Đây chính là lúc bối rối nhất của các bậc sĩ phu Việt Nam đầu thế kỷ XX. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về thời kỳ này: “Nhân dân Việt Nam – trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi – lúc này thường tự hỏi nhau rằng, ai là người sẽ giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Nhật, người khác nghĩ là Anh. Có người khác nữa nghĩ là Mỹ. Tôi thì tôi thấy phải đi ra nước ngoài để xem cho rõ”2. Ở trong nước, lá cờ khởi nghĩa chống Pháp của Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám,… cũng đang chao đảo trước sự đàn áp của kẻ thù xâm lược.
      Cách mạng tư sản dân chủ Pháp thật sự hấp dẫn Nguyễn Tất Thành. Người muốn tìm hiểu nó, xem nó có thể giúp ích gì cho công cuộc giải phóng đồng bào mà Người hằng ôm ấp. Vì vậy, có thể nói, sức hấp dẫn trong buổi ban đầu đi tìm đường cứu nước của Người không phải lá cờ của Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, cũng  không phải lá cờ cải lương tư sản Trung Hoa, mà chính là lá cờ cách mạng dân chủ tư sản ở phương Tây. Trào lưu đó đã trở thành chiếc cầu nối để đưa Người từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác – Lênin và Người đã phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam để thực hiện cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, cùng nhân dân ta và Đảng ta làm nên Cách mạng tháng Tám năm 1945, trải qua cuộc kháng chiến kéo dài 30 năm chống xâm lược, thống nhất đất nước và tiến lên chủ nghĩa xã hội.
      Chất anh hùng ca trong công cuộc giải phóng dân tộc Việt Nam vang lên trong trái tim và khối óc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị anh hùng giải phóng dân tộc lỗi lạc của Việt Nam.
       Nhà văn hóa lớn đích thực:
      Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam và nhà văn hóa nổi tiếng của thế giới. Người đã để lại nhiều tác phảm văn hóa có giá trị. Tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” mà Người viết năm 1925 là một tác phẩm viết theo phong cách văn hóa lên án chủ nghĩa thực dân thống trị các dân tộc bị áp bức. Tác phẩm “Đường Kách mệnh” của Người viết năm 1927 là một tác phẩm văn hóa – chính trị tầm cỡ, nêu rõ vì sao chúng ta phải làm cách mạng, làm cách mạng để giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Người viết năm 1947 cũng là một tác phẩm văn hóa – tổ chức, văn hóa bàn về con người, bàn về cán bộ. Một tác phẩm thơ nổi bật của Người viết năm 1942 là tập thơ “Ngục trung nhật ký” (Nhật ký trong tù), sáng tác trong hoàn cảnh tù đày gian nan vất vả, thông qua những vần thơ mà phản ánh chân giá trị và ý chí cao cả của một nhà cách mạng chuyên nghiệp:
      “Thân thể ở trong lao,
      Tinh thần ở ngoài lao;
      Muốn lên sự nghiệp lớn,
      Tinh thần cáng phải cao”3.
      Đấy là chưa kể một loạt những tác phẩm mang màu sắc văn hóa của Người sáng tác trong quá trình đi tìm đường cứu nước như truyện “Pari” (1922), “Lời than vãn của bà Trưng Trắc” (1922), “Thư gửi Khải Định” (1922), “Về câu chuyện Xiki” (1922), “Vi hành” (1923), “Viện hàn lâm thuộc địa (1923),...
      Quan điểm văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức rõ ràng: phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc, làm cho đất nước phồn thịnh, nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Người nói: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”4.
      Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương thực hiện cách mạng văn hóa theo kiểu Việt Nam nhằm cải tạo xã hội, cải tạo con người; nó được thực hiện trong mối liên hệ với việc cải tạo xã hội; văn hóa tạo khả năng tinh thần để giải quyết những vấn đề đặt ra trong xã hội; văn hóa đáp ứng nhu cầu tinh thần của đời sống xã hội. Theo Người, cần phải giải phóng năng lực và tiềm năng sáng tạo văn hóa trên bình diện dân chủ hóa hoạt động đời sống xã hội; phát huy cao độ tính sáng tạo của trí thức trên bình diện lĩnh vực văn hóa để giải quyết vấn đề tư tưởng đối với đội ngũ trí thức trong lĩnh vực này. Người nhấn mạnh đến đạo đức văn hóa và việc đào tạo tài năng văn hóa, nghệ thuật, tiếp tục bổ sung chính sách phù hợp để có nhiều sản phẩm văn hóa, nghệ thuật chất lượng cao, phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
      Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến văn hóa Việt Nam phải mang tính truyền thống Việt Nam, đó là truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc. Dù thế nào cũng không có nghĩa là sự phủ định vô căn cứ toàn bộ truyền thống của dân tộc và của nền văn hóa trước đó; tiếp thu cài tinh túy của văn hóa truyền thống văn hóa nhân loại và văn hóa dân tộc để bổ sung cho văn hóa tương lai là nhiệm vụ hàng đầu của những người làm văn hóa.
      Theo Người, văn hóa phải mang dấu ấn của những đặc điểm lịch sử và dân tộc. “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”5. Lịch sử cũng là văn hóa. Đó là sự ghi chép, những biến đổi trong đời sống  xã hội, nguyên nhân phát sinh và phát triển các hiện tượng chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Dân tộc là lớp người hình thành trong lịch sử, cùng chung một lãnh thổ, tiếng nói, liên quan với nhau trong sinh hoạt cộng đồng xã hội.
      Văn hóa phải gắn với giáo dục, đó là “bộ đôi” để phát triển tinh thần và vật chất kinh tế của xã hội. Bóc tách văn hóa ra khỏi giáo dục là một sai lầm của lãnh đạo, chỉ đạo đối với văn hóa và giáo dục.   
      Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, điều quan trọng là cần phải huy động mọi lực lượng trí thức tham gia vào các hoạt động văn hóa, huy động mọi nguồn nhân lực cho phát triển văn hóa; đẩy mạnh đầu tư để phát triển văn hóa, coi đầu tư cho văn hóa là đầu tư vào lĩnh vực con người và làm lành mạnh môi trường xã hội; xây dựng gia đình văn hóa, khu văn hóa, cộng đồng văn hóa lãnh mạnh, góp phần thúc đẩy xã hội tiến lên.
      Trong điều kiện của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, yếu tổ của văn hóa, tinh thần đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Nó làm phong phú thêm đời sống tinh thần và vật chất của xã hội.
      Nhân dân Việt Nam và nhân dân có lương tri trên thế giới đều tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn.
------
1..Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1975, tr. 13.
2. Hồ Chí Minh: Trả lời phóng viên Mỹ, báo Nhân Dân số 4062, ngày 28-5-1965.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tập 3, tr. 265. 
4. Báo Cứu quốc,  số ra ngày 25-11-1946.
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tập 3, tr. 221.