Mới cập nhật

TIẾN TỚI ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG – ĐỔI MỚI TRONG CÔNG TÁC NHÂN SỰ


PGS,TS Đàm Đức Vượng 


Hội nghị Trung ương 12, khóa XII họp từ ngày 11-5 đến ngày 14-5-2020, tại thủ đô Hà Nội, đã thảo luận và cho ý kiến về những phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Toàn Đảng, toàn dân ta nhất trí cao với kế hoạch nhân sự cho khóa XIII, nhận thấy rằng, công tác nhân sự khóa XIII mà Trung ương khóa XII chuẩn bị có nhiều điểm mới, bài bản, dân chủ cao độ và tập trung trên cơ sở dân chủ, được xem như sự đổi mới, ánh sáng mới trong công tác nhân sự của Đảng trong khóa tới. Nhưng bên cạnh sự đồng tình và ủng hộ của toàn Đảng, toàn dân ta, lại có một số người viết bài đăng trên trang mạng, cho rằng, nhân sự Đại hội XIII đang đi vào bế tắc, bởi “bộ máy cầm quyền với sự đan xen phức tạp các loại cán bộ lãnh đạo sẽ là khó khăn đối với chuyển giao quyền lực, kể cả ở cấp cao nhất”; rằng, “việc giao quyền lực khó khăn trong thể chế bất ổn”; “chưa có niềm tin gì thay để Việt Nam hùng mạnh nếu vẫn nói về chủ nghĩa Mác – Lênin”... Có người cho rằng, việc chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIII, Trung ương khóa XII có phần áp đặt. Họ có biết đâu rằng, theo Quyết định số 224/QĐ/TW năm 2014 về Quy chế bầu cử trong Đảng, Ban Chấp hành Trung ương khóa trước có vai trò quan trọng đề cử cán bộ lãnh đạo chủ chốt cho khóa sau. Đó là làm theo quy định, nên không có gì gọi là áp đặt cả.

Cái hay của công tác nhân sự khóa XIII là bên cạnh tiêu chuẩn cần có và phải có của người cán bộ cấp chiến lược nói chung, còn thể hiện cụ thể ở tiêu chuẩn của một ủy viên Trung ương khóa XIII. Đó là việc bám sát thực tế, đi thẳng vào một vấn đề cụ thể để giải quyết cho một khóa công tác của Trung ương. 
 
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu tại Hội nghị Trung ương 12, khóa XII đã nhấn mạnh đến một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng, theo đó, “Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII phải là một tập thể tiêu biểu về trí tuệ, tính chiến đấu, tính kỷ luật”. Người cán bộ trong thời kỳ mới phải mang trong lòng truyền thống yêu nước và cách mạng, “có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và lợi ích của quốc gia, dân tộc; có ý chí chiến đấu cao, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm thù địch, sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, gương mẫu thực hiện nguyên tắc, kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nói đi đôi với làm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách quyết liệt trong hành động, làm việc có hiệu quả”. Đó là tiêu chuẩn quan trọng hàng đầu, thể hiện bản chất, bản lĩnh cách mạng của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa tới.

Các Ủy viên Trung ương khóa XIII phải thể hiện được một phẩm chất cao quý, bao gồm đức và tài. Đạo đức cách mạng của Ủy viên Trung ương khóa XIII phải được thể hiện ở lối sống lành mạnh, trong sáng, gương mẫu, làm việc có tín nhiệm, có tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy với công việc; dám hy sinh lợi ích cá nhân, vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc; tuyệt đối không tham nhũng, quan liêu, vụ lợi, tham vọng quyền lực cá nhân và kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện quan liêu, tham nhũng và các biểu hiện tiêu cực khác...

Tài năng của Ủy viên Trung ương khóa XIII phải thể hiện được ở trí tuệ, tầm nhìn xa trông rộng, đủ trình độ để tham gia hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, biết kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa lý luận với thực tiễn, có năng lực cụ thể hóa những vấn đề trọng đại của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tài năng của một ủy viên Trung ương khóa XIII phải được thể hiện bằng năng lực thực sự, làm việc bằng đầu óc sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có khả năng tham gia đóng góp vào việc xây dựng các nghị quyết của Đảng, làm việc thực sự có hiệu quả.

Một trong những vấn đề quan trọng nhất mà Hội nghị Trung ương 12, khóa XII đã chỉ ra là kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người không vững vàng về bản lĩnh chính trị; không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng, những người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham những, quan liêu, cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm tiêu cực, thiếu chính kiến, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mị dân, chuyên quyền, độc đoán, không công bằng, công minh trong đánh giá, sử dụng cán bộ, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình; để nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng, hoặc để xảy ra tham những, thất thoát, vụ việc tiêu cực lớn tại địa phương, cơ quan, đơn vị; không chịu nghiên cứu, học hỏi, bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói nhiều, làm ít, lời nói không đi đôi với việc làm; ý thức tổ chức, kỷ luật kém, không chấp hành sự điều động, phân công của tổ chức, uy tín cá nhân thấp; kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc, bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính cho cá nhân và gia định; vi phạm quy định về lịch sử chính trị, khai man lý lịch…

Qua nghiên cứu, tôi thấy nên căn cứ vào công việc mà đặt người, chú không căn cứ vào người mà đặt việc. Lối làm việc theo kiểu vì người mà đặt việc là lối làm việc nể nang, dựa dẫm.

Vấn đề vùng, miền cũng cần phải được xem xét một cách công tâm, nhưng không vì vùng, miền mà ảnh hưởng đến tiêu chuẩn của một ủy viên Trung ương.

Những người ưu tú trong Trung ương khóa XIII sẽ được bầu vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Trong bài phát biểu tại Hội nghị Trung ương 12, khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói: “Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải là những đồng chí thật sự tiêu biểu, mẫu mực của Ban Chấp hành Trung ương về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trí tuệ, ý chí chiến đấu, năng lực lãnh đạo, quản lý, ý thức tổ chức kỷ luật, có tầm nhìn về tư duy chiến lược, có khả năng phân tích, dự báo, tổng hợp, đề xuất những vấn đề mới một cách đúng đắn; có trình độ hiểu biết sâu sắc về lý luận chính trị, biết phát hiện và sử dụng người có đức có tài; là Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, còn trong độ tuổi theo quy định và đủ sức khỏe để đảm đương nhiệm vụ”.

Xác lập mối quan hệ hài hòa giữa đức và tài, tạo thành đức – tài – tài đức, một chỉnh thể tiêu chuẩn của người cán bộ cấp Trung ương và cấp địa phương, cơ sở. Càng cấp cao thì đức và tài phải càng lớn, thể hiện sự cân xứng giữa đức – tài - tài - đức. Giữa đức và tài, tài và đức, không xem nhẹ mặt nào. Đức làm cơ sở để tài phát triển, tài có tác động thúc đẩy làm tăng uy tín của đức. Kiên quyết không đưa những người tài vơi, đức mỏng, tài hèn, đức mọn vào Trung ương và chiếm những vị trí lãnh đạo của Trung ương và Nhà nước.

Một vấn đề hệ trọng, tôi thấy là trong quá trình lựa chọn người vào Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII, bên cạnh việc định tiêu chuẩn, còn phải xem xét rất kỹ từng con người cụ thể. Kinh nghiệm khóa XII, Trung ương nhấn mạnh đến những tiêu chuẩn bao quát nhất, cũng rất quyết liệt trong việc định tiêu chuẩn vào Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhưng trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, vẫn có hơn 90 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý từ đầu khóa XII đến nay, bị thi hành kỷ luật, trong đó có 21 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương, Bộ trưởng, 22 sĩ quan cấp tướng,… bị thi hành kỷ luật. Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải xem xét từng người một định đưa vào Trung ương, không thể chủ quan, xem thường. Biết rõ từng người để đưa vào Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ tránh được bệnh quan liêu, tắc trách và sẽ khắc phục được sai lầm trong công tác cán bộ ở cấp chiến lược.

Dư luận đồng tình và hoan nghênh Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Trung ương hầu hết là có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam để đề ra đường lối đúng đắn, sáng tạo; nghiêm túc tự phê bình và phê bình về sự lãnh đạo, chỉ đạo của mình, thẳng thấn nhận những khuyết điểm để có biện pháp sửa chữa, khắc phục. Đó là tinh thần người cộng sản Việt Nam trong giai đoạn mới của cách mạng.