Mới cập nhật

CÁI CHẤT CỦA NHÀ NƯỚC MỚI VIỆT NAM

Kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9 (1945-2020)

PGS,TS Đàm Đức Vượng 


Thấm thoắt đã 75 năm trôi qua kể từ khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 2-9-1945, tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Tuyên ngôn độc lập”, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), nhà nước công nông đầu tiên của Đông Nam châu Á, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại của lịch sử tư tưởng về Nhà nước Việt Nam, từ cách mạng giải phóng dân tộc, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa trong phạm vi cả nước. 

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công thể hiện sự kết tinh những truyền thống tốt đẹp của một dân tộc anh hùng, bất khuất trước giặc ngoại xâm, có lịch sử hàng nghìn năm chống xâm lược phong kiến phương Bắc và gần một trăm năm chống ách thống trị của thực dân, đế quốc phương Tây. Cách mạng tháng Tám năm 1945 mở đầu thời kỳ vùng dậy đấu tranh oanh liệt nhất của dân tộc Việt Nam. Nó đã đập tan chính quyền thực dân, phong kiến, biến nhân dân từ người nô lệ thành người chủ thực sự của đất nước, khiến nước ta từ một nước thuộc địa, nửa phong kiến thành một nước độc lập và dân chủ nhân dân tiến lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa. 

Với thắng lợi có tính chất thời đại của Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhân dân Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do, dân chủ nhân dân và chủ nghĩa xã hội. 

Cách mạng tháng Tám thành công, chứng tỏ rằng, trong thời đại ngày nay, một cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo hoàn toàn có khả năng thắng lợi ở một nước thuộc địa bị thực dân, đế quốc thống trị, đấu tranh để lật đổ chúng, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. 

Cách mạng tháng Tàm năm 1945 là một cuộc khởi nghĩa kết hợp tài tình giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, một cuộc nổi dậy đồng loạt giữa thành thị và nông thôn mà đòn quyết định là các cuộc khởi nghĩa nổ ra ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng, lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nằm chính quyền toàn quốc”1. 

Ấy vậy mà có một số người viết bài đăng trên mạng nói xấu Nhà nước Việt Nam mới. Trong một bài viết, nhan đề: “Tinh thần của một dân tộc nằm ở đâu?”, tác giả viết: “Tự dưng nghĩ đến hệ thống Chính phủ, Nhà nước đầy rẫy quan chức tham nhũng và những kẻ bất lương tại Việt Nam, rồi nghĩ đến nhiều người dân sẵn sàng kêu la, than thở, hí hửng vui mừng khi nhận được những đồng trợ cấp hoặc những đồng hỗ trợ, hoặc kêu gào tức giận vì mình không có phần tại Việt Nam”. “Một chế độ chính trị xấu xí sẽ không bao giờ có đất tồn tại trong một dân tộc văn minh và lành mạnh”… Đó là những lời vu cáo không thể chấp nhận được của những phần tử khiêu khích, cần phải phê phán. 

Có thể nói Nhà nước mới Việt Nam là Nhà nước cách mạng chân chính, Nhà nước của dân, do dân, vì dân, do nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh công – nông – trí; là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

“Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. 

Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”2. 

“Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. 

Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình. 

Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”3. 

Hiến pháp cũng quy định rõ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Các dân tộc đều có sự bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực cùng phát triển đất nước. Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, băng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước. Nhà nước được tổ chức theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, của quyền với nhân dân. 

Chúng ta đã có một số thành tựu trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoạt động hiệu lực và hiệu quả hơn, tổ chức bộ máy lập pháp, hành pháp, tư pháp tiếp tục được hoàn thiện. Sự đoàn kết, thống nhất, phối hợp đồng bộ và gắn bó giữa Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân được tăng cường. Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố. Đảng, Nhà nước, Nhân dân ta kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và hiệu quả, uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. 

Theo quy hoạch, đến năm 2050, thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, đô thị loại đặc biệt, là một trong những trung tâm kinh tế, giao dịch, thương mại, dịch vụ của cả nước và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: Anh Tuấn.

Chính quyền nhân dân nằm trong nhà nước xã hội chủ nghĩa về cơ bản đã phát huy tác dụng, phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn. 

Những hạn chế về giáo dục – đào tạo, văn hóa – xã hội đang được nhân dân ta khắc phục từng bước. 

Tuy nhiên, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam có mặt chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quản lý đất nước trong tình hình mới. Đảng, Nhà nước đang từng bước khắc phục sự hạn chế này. 

Phải khẳng định Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một tổ chức chính trị - cách mạng, là bộ phận của kiến trúc thượng tầng, dựa trên cơ sở kinh tế của chủ nghĩa xã hội. Nhà nước xã hội chủ nghĩa là nhà nước kiểu mới, thay thế nhà nước phong kiến, tư sản do kết quả của cách mạng xã hội chủ nghĩa mang lại. 

Quá trình xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa diễn ra trong suốt cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Chức năng của nhà nước xã hội chủ nghĩa là làm nhiệm vụ đối nội và đối ngoại được thể hiện từng mặt công tác xã hội. Các chức năng của Nhà nước xã hội chủ nghĩa thay đổi tùy theo mức độ phát triển của xã hội, khi các giai cấp bóc lột bị xóa bỏ. Các chức năng chủ yếu của nhà nước xã hội chủ nghĩa là thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cụ thể là phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tất cả đều được phát triển một cách toàn diện và hiệu quả. 



Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa chăm lo đến cuộc sống hạnh phúc của nhân dân, tạo mọi điều kiện thuận lợi để mọi người dân phát triển trên mọi phương diện của đời sống xã hội, nêu cao ý thức tự lực, tự cường, ý thức làm chủ xây dựng nước nhà, xem đó là bổn phận, lương tâm danh dự của mọi công dân Việt Nam đối với Nhà nước thân yêu của mình. .
------
1 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxn Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tập 6, tr. 159.
2 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, tr. 9.
3 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, tr. 9, 10.