Mới cập nhật

KỶ NIỆM VỀ TỔNG BÍ THƯ LÊ KHẢ PHIÊU

PGS,TS Đàm Đức Vượng 

Trong cuộc đời làm khoa học lý luận – lịch sử của mình, tôi vô cùng vinh dự được làm việc với các Tổng Bí thư Trường Chinh (Đặng Xuân Khu), Nguyễn Văn Linh (Nguyễn Văn Cúc), Đỗ Mười (Nguyễn Duy Cống), Lê Khả Phiêu, Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước: Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt (Hạ Bá Cang), Lê Văn Lương (Nguyễn Công Miều), Lê Đức Thọ (Phan Đình Khải), Đặng Việt Châu, Hoàng Tùng (Trần Khánh Thọ), Hồng Hà (Hà Văn Trường)…Họ thật sự là những bậc lão thực cách mạng chân chính, để lại “tiếng lòng” trong tôi. Họ là những bậc tài cao, đức trọng, nhưng lại có cuộc sống gắn với đời thường. Họ là những bậc tài trí áo vải, không có một chút khoảng cách “doãng ra” giữa đời thường với họ. Họ là những “con chim đại bàng”, còn lớp chúng tôi là những “chú bồ câu non”. Họ là những bậc thầy cách mạng dày dạn trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta. 

Riêng đối với Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, tôi rất có ân tình bởi tình giản dị, rất dễ gần gũi, hoàn toàn không quan cách. Tôi và Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu gặp nhau và làm việc với nhau nhiều hơn trong thời gian tôi làm Chánh Văn phòng, Vụ trưởng, Thư ký khoa học chuyên trách tại Hội đồng Lý luận Trung ương, địa điểm làm việc ở số nhà 63, phố Phan Đình Phùng, Hà Nội, trong khi đó, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu làm việc tại số 65 cùng phố, cách nhau chỉ một bức tường. Tôi được các anh thư ký cho Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu như anh Dần, anh Hồng tạo điều kiện, nên nhiều lần được gặp và làm việc với Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Thời gian tôi làm Chủ biên bộ sách Văn kiện và Hồi ký quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào – Lào – Việt Nam, thường được Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu mời sang làm việc. Có lần, tôi gọi Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu bằng “Bác”, vì tôi kém Tổng Bí thư 11 tuổi. Tổng Bí thư vỗ vào vai tôi nói: “Chú gọi tôi bằng Anh cho tiện”. Từ đấy, tôi gọi Tổng Bí thư bằng “Anh”. Thi thoảng, Tổng Bí thư mời tôi đến để viết bài cho Tổng Bí thư đọc tại Hội thảo khoa học. Tôi thấy những bài tôi viết gửi lên, Tổng Bí thư khen là viết chặt chẽ, đúng ý định. 

Có một sự kiện trọng đại là ngày 2-2-1999, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu ký ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII: “Về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”. Đây là Nghị quyết về xây dựng Đảng rất ngắn, gọn, lời văn mượt mà, dễ hiểu, dễ nhớ, nhằm tăng cường sự thống nhất trong Đảng về nhận thức, ý chí, hành động, đẩy lùi tiêu cực trong Đảng, nhân lên tích cực, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. 

Có 6 vấn đề cơ bản, được xem như 6 nguyên tắc về xây dựng Đảng trong tình hình mới mà Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã nhấn mạnh trong Nghị quyết về xây dựng Đảng. Cho đến nay, 6 vấn đề trên vẫn còn nóng hổi trong công tác xây dựng Đảng. Đó là: 

“ - Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng ta, dân tộc ta. 

- Chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng. 

- Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo cách mạng Việt Nam; không chấp nhận “đa nguyên, đa đảng”. 

- Nhà nước Việt Nam là Nhà nước của dân, do dân và vì dân, thể hiện khối đại đoàn kết toàn dân trên nền tảng liên minh của giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng. 

- Tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức, sinh hoạt và hoạt động của Đảng. 

- Kết hợp chủ nghĩa yêu nước chân chính và chủ nghĩa quốc tế trong sáng của giai cấp công nhân”. 

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm Sư đoàn không quân 370, ngày 19/2/1998, tại Cần Thơ. Ảnh: Cao Phong/TTXVN

Thời gian tôi làm Viện trưởng Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực (ISSTH), tính ra được gặp Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu 6 lần và có 2 lần Tổng Bí thư gửi lẵng hoa chúc mừng Viện nhân dịp tổng kết cuối năm. Khi Viện chuẩn bị lập “Quỹ Nhân tài Nhân lực Con Lạc Cháu Hồng Con Rồng Cháu Tiên (Fund for Talent – Human resource Con Lac Chau Hong Con Rong Chau Tien), thì ngày 10-5-2011, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu viết thư gửi tới Viện trưởng Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực: 

Tôi hoan nghênh các đồng chí lập Quỹ vì sự nghiệp nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài nhân lực chất lượng cao mang tên Con Lạc Cháu Hồng Con Rồng Cháu Tiên (gọi tắt là Quỹ Nhân tài Nhân lực Con Lạc cháu Hồng Con Rồng Cháu Tiên). 

Đây là việc làm phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta và tâm nguyện của những người tài, đức ngày đếm thực hiện công cuộc đổi mới, vì “mục tiêu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” mà Đại hội XI của Đảng đã đề ra. 

Quỹ ra đời nhằm góp phần cùng với cả nước phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 

Chúng ta ghi nhớ và thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: 

“Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ trong mỗi một người có ích cho công công việc chung của chúng ta”. 

Dân tộc Việt Nam là dân tộc anh hùng, có nhiều người tài, đức. Nhiệm vụ của chúng ta là phải biết khai thác, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cho tốt những người tài, đức đó. 

Chúc cho Quỹ Nhân tài Nhân lực Con Lạc Cháu Hồng Con Rồng Cháu Tiên hoạt động ngày càng đúng hướng, hiệu quả, minh bạch để góp phần cùng với các ngành, các cấp ra sức đào tạo, bồi dưỡng nhân tài đất Việt ngày càng nở rộ như hoa mùa xuân. 

Chào tin tưởng! 

                                                                                                       Lê Khả Phiêu 
Nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành 
Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam”


Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là người mẫu mực đạo đức cách mạng, rất quan tâm đến đời sống của nhân dân, xứng đáng là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi lần gặp chúng tôi, ông hay bàn đến chính sách xã hội và vấn đề cải cách xã hội, xem đó là hình thức cải tạo xã hội, được thực hiện nhằm giải quyết những mâu thuẫn nào đó của đời sống kinh tế - xã hội, tiến tới xây dựng một xã hội lành mạnh, giàu có, văn hóa, văn minh. 
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trong một lần tặng quà cho các gia đình chính sách. 
Ảnh: Báo Dân trí

Cuộc sống của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu giản dị đến cao thượng. Có lần, trong một cuộc hội thảo, tôi nói hôm nay không thấy Tổng Bí thư mặc comlê, thắt cà vạt? Tổng Bí thư trả lời là nếu lúc nào cũng comlê, cà vạt, thấy nó nặng nề quá, nên giản dị thôi. Tổng Bí thư có đặc biệt là ai xin gặp, Ông cũng nhận lời. Có người hỏi suốt ngày tiếp dân như vậy, còn làm việc vào lúc nào? Ông trả lời là làm việc vào ban đêm. Ông nói rằng, có người dân đi hàng trăm cây số để đến gặp minh, lẽ nào mình lại chối từ. Ông ăn uống cũng rất giản dị. Mỗi bữa chỉ vơi bát cơm, mấy miếng thịt kho, một quả trứng luộc, một bát canh với mấy quả cà là đủ. 

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm hỏi công nhân phân xưởng đóng mới nhà máy xe lửa Gia Lâm, ngày 27/8/2000. (Ảnh: Anh Tôn/TTXVN)

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu sinh năm 1931, quê xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa; từ trần lúc 2 giờ 52 phút, ngày 7-8-2020, tại Hà Nội, thọ 89 tuổi; làm Tổng Bí thư từ ngày 26-12-1997 đến tháng 4-2001. 

Con người ấy mãi mãi đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam với những trang chói lọi. Kính chúc Ông yên nghỉ trong giấc nghìn thu!