Mới cập nhật

VỀ VẤN ĐỀ ĐÀO TẠO TIẾN SĨ Ở VIỆT NAM

PGS,TS Đàm Đức Vượng

Mới đây, ngày 28-6-2021, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam ban hành Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ ở Việt Nam. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15-8-2021 và thay thế Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT, ngày 4-4-2017 cũng của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ. Như vậy, sau 5 năm thực hiện Thông tư 08, nay lại có Thông tư mới (Thông tư 18) về đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam. Trước đó, Việt Nam chỉ có đào tạo phó tiến sĩ là học vị cao nhất, chứ không đào tạo tiến sĩ. Đến năm 1998, Nhà nước bỏ học vị phó tiến sĩ, thay bằng học vị tiến sĩ và thực hiện cho đến ngày nay. Trong văn bản của Chính phủ lúc ấy ghi rõ những người đã bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ trước đó đều được công nhận là tiến sĩ.

Lễ trao bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ tại trường Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh - ĐH KHTN. 
Ảnh: Trường ĐHQG TP HCM

Qua nghiên cứu, tôi thấy Thông tư 18 là một văn bản về đào tạo tiến sĩ được soạn thảo công phu, nghiêm túc. Thông tư nêu rõ:

“1. Chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ do cơ sở đào tạo xây dựng, thẩm định và ban hành, đáp ứng yêu cầu của khung trình độ quốc gia Việt Nam về quy định và chuẩn chương trình đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Nghiên cứu khoa học là thành phần chính yếu và bắt buộc trong chương trình đào tạo tiến sĩ, được quy định chi tiết tại quy chế của cơ sở đào tạo tùy theo yêu cầu của từng lĩnh vực, ngành đào tạo cụ thể. Kết quả nghiên cứu được thể hiện trong luận án tiến sĩ và những công bố khoa học có liên quan của nghiên cứu sinh”.

Như vậy, tôi hiểu, ngoài Thông tư 18, các cơ sở đào tạo lại còn phải có quy định chi tiết riêng của ngành mình. Một nghiên cứu sinh tiến sĩ, ngoài việc thực hiện Thông tư 18, còn phải thực hiện quy chế riêng của từng cơ sở đào tạo. Cơ sở đào tạo quy định chi tiết việc đánh giá luận án ở đơn vị chuyên môn, bảo đảm đúng tính chất là sinh hoạt khoa học, hỗ trợ nghiên cứu sinh hoàn thành luận án trước khi thực hiện việc phản biện (nhận xét) độc lập và bảo vệ luận án tại hội đồng đánh giá luận án của cơ sở đào tạo. Những vấn đề còn chung chung trong Thông tư 18 sẽ trở thành cụ thể trong quy định hoặc quy chế đào tạo ở cơ sở bảo vệ luận án. Luận án của nghiên cứu sinh phải được hội đồng đánh giá luận án của cơ sở đào tạo đồng ý thông qua. Như vậy, Thông tư 18 nêu vai trò của cơ sở đào tạo là rất lớn, hầu như ủy quyền cho cơ sở đào tạo nghiên cứu sinh là chính.

Vai trò của người phản biện độc lập cũng rất quan trọng, phải bảo đảm tính khách quan và tính minh bạch. Ý kiến kết luận của người phản biện độc lập đối với luận án phải ghi rõ đồng ý hay không đồng ý về chuyên môn. Luận án được xác định là đạt quy trình phản biện độc lập khi được 02 người phản biện độc lập đồng ý.

Về thời gian đào tạo, Thông tư 18 nêu rõ thời gian đào tạo của trình độ tiến sĩ từ 3 năm (36 tháng) đến 4 năm (48 tháng) do cơ sở đào tạo quyết định. Tuy nhiên, nghiên cứu sinh được phép hoàn thành chương trình đào tạo sớm hơn so với kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa không quá 1 năm (12 tháng), hoặc chậm hơn so với kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa, nhưng tổng thời gian đào tạo gia hạn không vượt quá 6 năm (72 tháng).

Quy định về thời gian đào tạo là rất cần thiết, nó đã mở ra sự co dãn trong quá trình làm nghiên cứu sinh.

Thông tư 18 ghi rõ tiêu chuẩn của giảng viên giảng dạy trình độ tiến sĩ và tiêu chuẩn của người hướng dẫn nghiên cứu sinh là rất quan trọng, vì nó góp phần vào việc nâng cao chất lượng luận án của nghiên cứu sinh. Theo tôi, những người này, ngoài chuyên môn giỏi, còn phải có nhân cách, tư cách làm thầy.

Thông tư 18 nêu rõ đối tượng và điều kiện dự tuyển, trong đó, người dự tuyển đã tốt nghiệp thạc sĩ hoặc tốt nghiệp đại học hạng giỏi trở lên, ngành phù hợp với ngành đạo tạo tiến sĩ.

Vấn đề đang còn tranh luận là Thông tư 18 chấp nhận các sách chuyên khảo, các công bố tại các tạp chí trong nước có chất lượng tốt trong khung tiêu chuẩn đánh giá của Hội đồng Giáo sư Nhà nước. Một số ý kiến cho vấn đề này là hạ thấp tiêu chuẩn của một tiến sĩ được đào tạo trong nước, như cho rằng, “các nghiên cứu sinh tối thiểu phải có công bố quốc tế. Ngoài các công bố trong nước, phải có thêm bài kỷ yếu hội thảo quốc tế, hoặc bài đăng trên tạp chí quốc tế bằng tiếng nước ngoài…”.

Qua nghiên cứu, tôi thấy trình bày như trong Thông tư 18 là hợp lý. Vấn đề đặt ra đối với nghiên cứu sinh tiến sĩ không phải là ở bài báo được đăng trên tạp chí quốc tế bằng tiếng nước ngoài, mà là ở thực chất nội dung của bản luận án tiến sĩ có phục vụ thiết thực gì cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam hay không, có phục vụ cho lợi ích của nhân loại hay không, có giúp ích gì cho đời hay không, đó mới là chủ yếu. Đã có một số người có nhiều bài đăng ở tạp chí nước ngoài, nhưng chất lượng nội dung của bản luận án lại kém, liệu có chấp nhận được không? Đương nhiên, có bài báo được đăng ở tạp chí quốc tế là chất “phụ da” có thêm càng tốt, nhưng không bắt buộc, miễn là nghiên cứu sinh đó biết ngoại ngữ và tin học ở trình độ phổ thông, sử dụng được. Nên hướng nghiên cứu sinh dốc tâm trí vào viết luận án cho có chất lượng, chứ không phải bài báo được đăng ở tạp chí nước ngoài. Tôi được biết, không phải tạp chí nước ngoài nào, không phải cơ quan đào tạo nước ngoài nào cũng là hơn ta cả. Tôi thấy có người đi công tác ở đại sứ quán Việt Nam nước sở tại, trong ba năm, không học hành gì, không dạy học gì, nhưng trước khi về nước, bỗng nhiên được một trường đại học của nước đó cấp cho bằng phó giáo sư? Trên trang mạng, tôi thấy có bài viết về một bà chủ một công ty lớn, rất giàu có, chưa tốt nghiệp đại học, nhưng cũng được một trường đại học của một nước lớn cấp cho bằng giáo sư? Chắc hẳn bà phải lo lót một số tiền lớn mới được như vậy. Tôi cũng được biết một số người đã “lót tay” cho một trường đại học nước lớn một số tiền không nhỏ (mỗi người) để được cấp bằng tiến sĩ, thậm chí giáo sư, tiến sĩ, mặc dù trong số những người ấy, có người chưa tốt nghiệp đại học hoặc tốt nghiệp đại học, nhưng không đúng ngành nghề. Vì vậy, không nên quá nặng về bài báo được đăng ở tạp chí nước ngoài, mà coi nhẹ chất lượng nội dung chính bản luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh.

Nhìn vào thực tế hiện nay, các bài báo của nghiên cứu sinh tiến sĩ về khoa học tự nhiên và khoa học công nghệ, tạp chí ở nước ngoài họ có thể xét đăng, nhưng những bài về khoa học xã hội và nhân văn, nhất là những bài mang yếu tố lý luận chính trị của Việt Nam, rất khó được đăng, vì họ có định kiến với những bài đó mà nguyên nhân chắc mọi người đã rõ. Vì vậy, để có được một bài báo về khoa học lý luận chính trị được đăng ở một tạp chí nước ngoài đâu phải chuyện dễ, có khi lại là đánh đố nghiên cứu sinh.

Tôi đã từng được mời tham gia nhiều hội đồng chấm luận án tiến sĩ, bản thân cũng đã hướng dẫn thành công 03 luận án tiến sĩ và 03 luận văn thạc sĩ, thấy rằng, bên cạnh những luận án về khoa học xã hội và nhân văn, nhất là những luận án về khoa học lý luận chính trị chất lượng khá là những luận án chất lượng kém. Không ít những luận án mang tính mô phỏng của những công trình hoặc luận án cùng dạng trước đó, rồi minh họa lại, thêm bớt đôi chút về cách trình bày. Vì vậy, tiêu chí đầu tiên để xác định luận án về khoa học lý luận chính trị có chất lượng hay không là phải xét đến phương pháp trình bày trong luận án. Theo tôi, nó phải mang tính so sánh, kê ra cho được những luận án, công trình trước đó đã viết những gì, còn lại là mình viết những gì, sao cho có những nhận định mới và tư liệu mới. Nhưng cũng có một số luận án viết những nhận định mới, thực ra, những nhận định đó, tư liệu đó đã có ở những luận án và công trình nghiên cứu trước đó, cho nên, nói là mới, nhưng kỳ thật lại không phải là mới.

Cái khó khi viết luận án về khoa học lý luận chính trị, từ trước đến nay, chúng ta đã quen viết một chiều, ca ngợi một chiều, nhất là những nghị quyết của Đảng. Nay viết hai chiều, mang tính phê phán, liệu có “hợp gu” lãnh đạo không? Nếu cho phép viết hai chiều, nhất định sẽ nảy sinh nhiều vấn đề mới. Vì vậy, đề nghị cấp có thẩm quyền nên thay đổi nhận thức cho phép viết hai chiều, nhưng phải viết với ý thức xây dựng, chứ không phải đả phá. Đây vừa là quan điểm tư tưởng, vừa là quan điểm nhận thức, thể hiện ra bằng phương pháp trình bày của nghiên cứu sinh trong luận án tiến sĩ của mình. Một vấn đề nữa là những luận án về khoa học lý luận chính trị chất lượng thấp là do thiếu tính hệ thống, lõm bõm, chắp vá trong tư duy khi viết cũng như trong khi trình bày.

Mong rằng, Thông tư 18 sẽ mở ra một trang mới trong việc đào tạo trình độ tiến sĩ ở Việt Nam hiện nay.