GS,TS Đàm Đức Vượng trả lời phỏng vấn của Truyền hình Quốc hội về bài thơ “Chúc Năm mới” Đinh Hợi (1947) của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Nhân dịp Tết Nhâm Dần (2022), Truyền hình Quốc hội Việt Nam có cuộc phỏng vấn GS,TS Đàm Đức Vượng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng; nguyên Chánh Văn phòng, Vụ trưởng, Thư ký Khoa học chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương; nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực, về bài thơ “Chúc Năm mới” Đinh Hợi (1947) của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
GS,TS Đàm Đức Vượng: Vâng! Năm Đinh Hợi (1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài thơ “Chúc Năm mới”:
“Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió,
Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông.
Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến,
Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng.
Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!
Sức ta đã mạnh, người ta đã đông.
Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi!
Thống nhất độc lập, nhất định thành công!”.
Đây
là bài thơ rất hay, mang tính kêu gọi, mệnh lệnh chiến đấu, hiệu triệu
đồng bào và chiến sĩ cả nước hãy hăng hái xông lên, đẩy mạnh cuộc kháng
chiến chống Pháp, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Bối
cảnh ra đời của bài thơ gắn liền với những sự kiện trọng đại của đất
nước: Ngày 2-3-1946, tại Nhà hát lớn Hà Nội, diễn ra Kỳ họp thứ nhất
Quốc hội khóa I. Tại phiên họp thứ nhất của Kỳ họp thứ nhất, Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã báo cáo về những hoạt động của Chính phủ Lâm thời trong
thời gian qua và giao lại quyền cho Quốc hội để tổ chức một Chính phủ
mới, Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến.
Từ
ngày 28-10-1946 đến ngày 9-11-1946, tại Hà Nội, Quốc hội khóa I họp kỳ
thứ hai đã thảo luận và quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước
trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, tài chính, nội vụ, ngoại
giao, nhân sự của Chính phủ.
Ngày
9-11-1946, Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay
là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) chính thức được công bố
trước quốc dân và thế giới, khẳng định nước Việt Nam là một nước dân chủ
cộng hòa, Tất cả quyền binh trong nước là của toàn thể nhân dân Việt
Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn
giáo. Đất nước Việt Nam là một khối thống nhất Trung Nam Bắc không thể
phân chia. Cờ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là nền đỏ, giữa có ngôi
sao vàng năm cánh. Quốc ca là bài “Tiến quân ca”. Thủ đô tại Hà Nội.
Lúc
này, quân Nhật đã đầu hàng Đồng minh, quân Tàu Tưởng đã rút khỏi hoàn
toàn Việt Nam, thực dân Pháp thay chỗ đang lấn tới, định thôn tính nước
ta một lần nữa. Tình hình hết sức căng thẳng. Đến tháng 11-1946, thực
dân Pháp tăng quân, đổ bộ lên Đà Nẵng, Đồ Sơn, đào Cát Bà. Ngày
20-11-1946, quân Pháp đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn,… Trung ương Đảng
và Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc này là quyết tâm đánh và sẵn sàng đánh quân
xâm lược đến cùng.
Trước
tình hình đó, ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi
toàn quốc kháng chiến”. Sáng ngày 20-12-1946, Lời kêu gọi của Người được
phát trên Đài tiếng nói Việt Nam, khẳng định “chúng ta thà hy sinh tất
cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Đó là bối cảnh ra đời của thơ “Chúc Năm mới” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Bắc Bộ Phủ năm 1946 (Ảnh tư liệu)
GS,TS Đàm Đức Vượng: Bài thơ để lại nhiều dấu ấn sâu sắc, có giá trị đặc biệt. Toàn bộ bài thơ chỉ có tám câu, câu nào cũng sắc như gươm giáo.
“Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió,
Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông”
Đây
là hai câu thơ mở đầu của bài thơ, nói lên tinh thần lạc quan của dân
tộc trong cuộc kháng chiến chống xâm lược. Lúc bấy giờ, đất nước mới
giành được độc lập, nhân dân ta rất phấn khởi và tự hào, nhà nhà, công
sở, cơ quan, đơn vị đều treo cờ Tổ quốc. Cờ tung bay trước gió, tỏa khắp
núi sông. Cùng với cờ là tiếng kèn xung trận vang vọng khắp non sông.
Kèn kêu gọi nhân dân ta vào cuộc chiến đấu, thúc giục bộ đội xông ra
chiến trường, kèn kêu gọi binh lính địch hãy quay súng về với nhân dân,
cùng nhân dân chiến đấu chống kẻ thù chung. Cờ và kèn là biểu tượng của
tinh thần bất khuất của một dân tộc vùng lên đấu tranh.
“Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến,
Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng”.
Hai
câu tiếp theo nói lên quy mô của cuộc kháng chiến là toàn dân, toàn
diện, mặc dù cuộc kháng chiến có gian khổ đến đâu. Chí đã quyết, lòng đã
đồng, thể hiện sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Sức mạnh ấy có thể dời
non, lấp biển, không một thành lũy nào của chủ nghĩa thực dân mà người
Việt Nam không hạ nổi.
“Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!
Sức ta đã mạnh, người ta đã đông”.
Hai
câu tiếp theo thể hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hãy tiến
lên chiến sĩ, đồng bào, một khi sức ta đã mạnh, người ta đã đông; thể
hiện tinh thần thi đưa giữa hậu phương và tiền phương, giữa những người
cầm súng với những người cầm búa, cầm cày, cầm bút. Tất cả đều trong
guồng máy kháng chiến ầm ầm chuyển động.
“Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi!
Thống nhất độc lập, nhất định thành công!”.
Đây
là hai câu kết, nói về kết quả sẽ đến với dân tộc ta, với non sông đất
nước ta. Sáu câu trên thể hiện nguyên nhân dẫn đến thắng lợi, hai câu
cuối thể hiện kết quả sẽ đến. Đó là tính nhân quả của bài thơ.
Toàn
bộ bài thơ toát lên hừng hực khí thế cách mạng tiến công của con người
Việt Nam, dân tộc Việt Nam, sức mạnh Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng
Cộng sản Đông Dương và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bút tích lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/12/1946). Ảnh tư liệu.
Phóng viên Phan Xanh: Xin ông cho biết sức lan tỏa của bài thơ?
GS,TS Đàm Đức Vượng:
Thơ “Chúc Năm mới” Đinh Hợi (1947) của Bác Hồ có sức lan tỏa mạnh. Qua
Đài Tiếng nói Việt Nam, đồng bào và chiến sĩ cả nước đón nhận bài thơ
với niềm hân hoan, vui mừng khôn xiết. Cũng không dừng lại ở niềm vui,
mà bài thơ biến thành hành động cách mạng, thể hiện ở lòng quyết tâm và ý
chí quật cường của một dân tộc với hào khí Đông A, thể hiện ở những
việc làm cụ thể của người công nhân trong xưởng máy, người nông dân trên
đồng ruộng, người chiến sĩ trên chiến trường, phản ánh ở những chiến
công qua từng trận đánh. Cụ thể, ngay trong năm 1947, quân và dân ta đã
giành thắng lợi giòn giã trong chiến thắng Việt Bắc diễn ra từ ngày 7
đến ngày 22-12-1947. Chiến thắng Việt Bắc tỏ rõ sức mạnh đầu tiên của
cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, bảo vệ an toàn Trung ương Đảng và
Chính phủ lúc bấy giờ đóng ở Việt Bắc, bảo vệ và phát triển lực lượng,
giữ vững căn cứ địa kháng chiến của cả nước, đuổi quân Pháp ra khỏi Việt
Bắc.
Ngoài
chiến thắng Việt Bắc, trong năm 1947-1948, tại Nam Bộ, diễn ra các trận
đánh mang tên Tầm Vu 1, Tầm Vu 2, Tầm Vu 3, Tầm Vu 4,… đều diễn ra ác
liệt. Thắng lợi cuối cùng đã thuộc về quân và dân ta.
Có
thể nói, bài thơ “Chúc Năm mới” Đinh Hợi (1947) của Bác Hồ đã biến
thành sức mạnh của quân và dân ta trong những năm đầu của cuộc kháng
chiến chống Pháp xâm lược Việt Nam. Âm hưởng của bài thơ còn vang vọng
mãi sau này.