Kỷ niệm lần thứ 120 ngày sinh Phan Đăng Lưu (5-5-1902 – 5-5-2022): PHAN ĐĂNG LƯU - MỘT CHIẾN SĨ CỘNG SẢN KIÊN CƯỜNG*
GS,TS Đàm Đức Vượng
Phan
Đăng Lưu sinh ngày 5-5-1902, trong một gia đình trí thức. Mùa thu năm
1918, Phan Đăng Lưu vào học Trường Tiểu học Pháp – Việt tại thành phố
Vinh. Sau hai năm học tập, tháng 6-1920, anh tốt nghiệp bậc tiểu học và
thi đậu vào Trường Quốc học Huế. Sau một năm học tại Trường Quốc học
Huế, anh thi vào Trường Nông nghiệp thực hành Tuyên Quang. Sau đó, vào
làm việc tại Trạm Nghiên cứu tơ tằm Thanh Ba, Phú Thọ thuộc Sở Canh nông
Bắc Kỳ. Giữa năm 1925, anh chuyển về làm việc tại Nhà tằm Diễn Châu,
Nghệ An. Ngày 16-10-1925, anh về Vinh làm thư ký cho Sở Canh nông Nghệ
An. Chính thời gian này, Phan Đăng Lưu đã được tiếp xúc với sách báo
tiến bộ, rồi tham gia Hội Phục Việt, gặp gỡ các nhà cách mạng trẻ tuổi
như Trần Phú, Hà Huy Tập. Tháng 7-1928, tại Đại hội thành lập Tân Việt
Cách mạng Đảng (Đảng Tân Việt), anh được bầu làm Ủy viên Thường vụ Tổng
bộ. Cuối năm 1928, anh nhận nhiệm vụ sang Quảng Châu, Trung Quốc, gặp
Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên để bàn về chương trình hành
động. Tháng 5-1929, Phan Đăng Lưu trở về nước báo cáo kết quả chuyến đi
với Tổng bộ Tân Việt Cách mạng Đảng. Mấy tháng sau, Tổng bộ Tân Việt
Cách mạng Đảng lại phân công anh đi Quảng Châu một chuyến nữa với mục
đích đặt một cơ quan liên lạc của Đảng Tân Việt ở nước ngoài. Nhưng khi
ra đến Hải Phòng vào tháng 9-1929, thì anh bị địch bắt, bị giải về Vinh
và bị giam tại Nhà tù Buôn Ma Thuột. Tòa an Nam Triều kết án anh 7 năm
tù khổ sai. Mùa hè năm 1936, anh được ra tù. Cuối năm 1936, khi phong
trào Đông Dương Đại hội do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo lan rộng từ
Nam ra Bắc, Phan Đăng Lưu được cử vào Ủy ban Lâm thời Trung Kỳ.
Đồng chí Phan Đăng Lưu
(Ảnh tư liệu)
Hoạt động ở Trung Kỳ một thời gian, Phan Đăng Lưu được cử vào hoạt động tại Xứ ủy Nam Kỳ.
Xứ
ủy Nam Kỳ (tiền thân của Trung ương Cục miền Nam) Đảng Cộng sản Đông
Dương được thành lập lần đầu tiên vào tháng 12-1930. Trải qua những bước
thăng trầm hoạt động, Xứ ủy đã phát huy tinh thần của những người cộng
sản Nam Kỳ, quyết tâm xây dựng tổ chức, kiện toàn bộ máy, đưa mọi hoạt
động của Xứ ủy vào nền nếp, cùng với toàn Đảng, toàn dân thực hiện cuộc
cách mạng giải phóng dân tộc tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Xứ
ủy hoạt động trong điều kiện nhà cầm quyền Đông Pháp khủng bố rất ác
liệt. Nhiều Xứ ủy viên bị bắt và hy sinh anh dũng. Xứ ủy nhiều lần bị
phá và lập lại. Chính sự khủng bố này đã dẫn đến sự không thống nhất về
tổ chức, tách ra làm hai Xứ ủy: Xứ ủy Giải phóng (ra báo Giải phóng) và
Xứ ủy Tiền phong (ra báo Tiền phong). Sau đó, được sự chỉ đạo của Trung
ương Đảng, Xứ ủy Nam Bộ đã tiến hành củng cố tổ chức; giải thể Xứ ủy
Giải phóng và Xứ ủy Tiền phong, thành lập một Xứ ủy thống nhất, lấy tên
là Xứ ủy Nam Bộ lâm thời. Xứ ủy Nam bộ lâm thời đã nỗ lực xây dựng một
tổ chức Đảng ở Nam bộ thống nhất theo chủ nghĩa Mác – Lênin và đường lối
của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Vai
trò của Phan Đăng Lưu với việc thành lập và hoạt động của Xứ ủy Nam Kỳ
là “khúc giữa” trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông, còn trước đó,
chủ yếu ông hoạt động ở Trung Kỳ. Ông chưa một lần làm Bí thư Xứ ủy Nam
Kỳ, nhưng được Ban Chấp hành Trung ương Đảng phân công phụ trách phong
trào cách mạng các tỉnh Nam Kỳ, cùng Võ Văn Tần, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ
thời kỳ này, nên hoạt động của Phan Đăng Lưu ở Nam Kỳ mang tính chất chỉ
đạo.
Ngày
15-8-1937, Xứ ủy Nam Kỳ ra Thông cáo về tình hình hoạt động của Nam
Kỳ, nêu rõ phong trào đấu tranh của quần chúng có công nhân, nông dân và
tiểu tư sản tham gia đang lan ra từ Bắc đến Nam Đông Dương. Điều đó
chứng minh công tác tổ chức của Đảng đã trở nên mãnh liệt hơn. Điều này
đủ để chỉ ra rằng, hoạt động của Đảng đã có kết quả bước đầu, nhưng
chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, tổ chức của chúng ta chưa hoàn hảo.
Phong trào quần chúng cũng đã mạnh lên ở một số nơi, nhưng tổ chức quần
chúng ở đó chưa được phát triển theo tỷ lệ tương ứng. Thông cáo chỉ ra
những việc cần làm ở Nam Kỳ như gấp rút đào tạo cán bộ; tuyên truyền về
chiến lược mới của Đảng trong đảng viên và quần chúng; bắt buộc mối đảng
viên phải hiểu nhiệm vụ của mình và phải thi hành các nghị quyết của
Đảng; tăng cường giáo dục Điều lệ Đảng cho đảng viên; tiếp tục tổ chức
những hội tương trợ, hội ái hữu, hội phụ nữ… để tranh thủ quảng đại quần
chúng; tiếp tục kết nạp đảng viên và đưa phụ nữ vào các cơ quan lãnh
đạo; tổ chức các liên hiệp công hội tỉnh để tiến tới thành lập Tổng Công
hội Nam Kỳ; tổ chức hội giải phóng phụ nữ ở Nam Kỳ và thanh niên phản
đế Nam Kỳ; tập trung các lực lượng ở Sài Gòn – Chợ Lớn, lập ra một chi
bộ trong mỗi xí nghiệp và biến các xí nghiệp thành pháo đài của Đảng;
kêu gọi những người lao động đòi tăng tiền công, giảm giờ làm, áp dụng
luật công nhân, thúc đẩy nông dân đòi xóa bỏ thuế thuốc lá, thuế thân,
thuế ruộng đất, nạn cho vay nặng lãi; cổ vũ quần chúng đòi ân xá tù
chính trị, đòi các quyền tự do dân chủ, đầu phiếu phổ thông…
Khi vào tới Sài Gòn, Phan Đăng Lưu có đọc Thông cáo này, ông đánh giá cao Thông cáo cũng như các hoạt động của Xứ ủy Nam Kỳ.
Từ
ngày 25-8-1937 đến ngày 4-9-1937, Hội nghị Trung ương mở rộng họp tại
xã Tân Thới Nhất, Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định, do Tổng Bí thư Hà Huy Tập
chủ trì, bàn về tình hình thế giới, tình hình trong nước và những hoạt
động của Đảng. Hội nghị bầu ra Ban Chấp hành Trung ương lâm thời gồm 11
đồng chí, trong đó có Phan Đăng Lưu. Đây là bước rẽ ngoặt trong cuộc đời
hoạt động cách mạng của Phan Đăng Lưu, từ một đảng viên cộng sản đầu
năm 1930, ông đã trở thành người lãnh đạo cấp cao của Đảng.
Vào
giữ tháng 9-1937, từ Sài Gòn – Gia Định, Phan Đăng Lưu và Nguyễn Chí
Diểu trở lại Huế, triệu tập Hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ mở rộng, bao gồm cả
các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh Trung Kỳ để truyền đạt Nghị quyết
Trung ương năm 1937 và nhân sự của Trung ương mới. Tại buổi truyền đạt
Nghị quyết Trung ương năm 1937, Phan Đăng Lưu (người được mệnh danh là
nhà thuyết trình của Đảng Cộng sản Đông Dương) đã phân tích cặn kẽ tình
hình trong nước, tình hình hình thế giới và công tác của Đảng trong thời
gian qua, cụ thể là đã khôi phục lại được hệ thống tổ chức của Đảng đã
bị đế quốc phá rối từ năm 1935 ở khắp Trung, Nam, Bắc. Đảng đã trở nên
đoàn thể thống nhất về đường tổ chức và phương diện chính trị. Dù rằng, ở
một vài nơi, cơ sở của Đảng chưa khôi phục xong, nhưng nhìn chung, thế
lực và ảnh hưởng hiện thời của Đảng rộng rãi hơn hồi Đảng tiến hành Đại
hội I đến mấy lần. Tại nhiều tỉnh, Đảng đã lập được nhiều đảng bộ mới.
Chỉ tính riêng Nam Kỳ số đảng viên trong khoảng một năm gia tăng lên hơn
lên 5 lần.
Tại
buổi truyền đạt Nghị quyết Trung ương, Phan Đăng Lưu khẳng định đường
lối chính trị của Đảng nói chung là đúng, chính sách lập Mặt trận thống
nhất nhân dân Đông Dương đã lan tỏa trong dân chúng. Đường lối chính trị
của Đảng mà phổ biến là nhờ có sự khôn khéo trong công tác tuyên truyền
và cổ động, nên đã thâm nhập sâu trong dân chúng. Trong khoảng một năm,
các đảng bộ đã xuất bản và lãnh đạo trực tiếp hoặc gián tiếp được hơn
10 tờ báo và hàng chục cuốn sách công khai. Sách báo của Đảng đã góp
phần giải thích đường lối chính trị hiện thời và những nhiệm vụ cần
thiết của Đảng về cuộc vận động giải phóng dân tộc trong giai đoạn này
cho các đảng viên và quần chúng noi theo mà hoạt động.
Cũng
tại buổi truyền đạt Nghị quyết của Trung ương, Phan Đăng Lưu không ngần
ngại nói lên những điều sai lầm và khuyết điểm của Đảng. Cụ thể là đối
với vấn đề tổ chức quần chúng, Đảng đã thỏa hiệp nhượng bộ cho chủ nghĩa
biệt phái, dẫn đến tình trạng nhiều nơi không mở rộng phong trào quần
chúng được. Theo Phan Đăng Lưu, bệnh biệt phái là nạn nguy hiểm nhất
trong hàng ngũ của Đảng và của quần chúng, nên vấn đề đặt ra là phải trừ
bỏ căn bệnh ấy đi. Sự công khai tự chỉ trích các nhược điểm ấy là một
chứng cớ rõ ràng tiêu biểu rằng, Đảng kiên quyết cứng cỏi và tăng gia
hàng ngũ của mình, mở rộng các tổ chức của Đảng và phong trào cách mạng
của quần chúng. Vì vậy, “Đảng cần phải tẩy rửa cho sạch cái bệnh biệt
phái ấy, thì các tổ chức quần chúng mới hết sức phát triển được và Đảng
mới thu phục được các lớp quảng đại nhân dân theo ảnh hưởng của
mình”(1).
Về
mặt tổ chức nội bộ của Đảng, Phan Đăng Lưu nhận thấy các cơ sở của Đảng
bộ ở thành thị còn kém hơn các thôn quê; có nhiều tổ chức cơ sở đảng ở
thành thị gặp không ít khó khăn, chỉ có cơ sở trong các nhà máy và các
thợ thủ công, mà rất ít có chi bộ trong giai cấp tiểu tư sản. Phan Đăng
Lưu nhận định rằng, Đảng không phải cư bo bo trong phạm vi chật hẹp công
nông mà phải vận động toàn thể dân chúng theo đường lối và ảnh hưởng
của mình. Do sự vận động yếu kém của một số cán bộ, đảng viên, nên công
tác của Đảng tuy có phát triển, nhưng Đảng vẫn chưa lợi dụng được hết
các hoàn cảnh thuận tiện để có thể làm việc được.
Về
tổ chức công nhân, Phan Đăng Lưu nhận thấy có khuyết điểm là chưa có cơ
sở quần chúng trong các xí nghiệp, kỹ nghệ, là nơi công nhân tập trung.
Bên cạnh đó, Đảng còn ít chú ý đến việc vận động binh lính địch, nên
tới nay vẫn chưa có một cơ sở của Đảng trong hàng ngũ binh lính địch mà
theo Phan Đăng Lưu là một khuyết điểm không thể bỏ qua, nhất là trong
lúc nạn đế quốc chiến tranh nơm nớp sắp nổ ra.
Những
khuyết điểm và sai lầm trong phong trào thống nhất hành động và trong
việc hô hào thành lập Mặt trận nhân dân Đông Dương. Phan Đăng Lưu thống
nhất với Nghị quyết Trung ương năm 1937, cho rằng, chính sách căn bản
của Đảng lúc này là “liên hiệp tất cả các giai cấp, các tầng lớp dân
chúng, không phân biệt đảng phái, tôn giáo, nòi giống trong một mặt trận
thống nhất, Mặt trận nhân dân thống nhất Đông Dương đòi các quyền tự do
dân chủ và các điều cải cách khác(2).
Về
tình hình các đảng bộ ở Lào và Cao Miên, Phan Đăng Lưu nhận định một số
nơi chưa khôi phục được và chưa chỉnh đốn xong, nên cần phải chấn
chính.
Phan
Đăng Lưu nhận thấy một điều sai lầm nữa “không kém phần quan trọng là
thái độ thỏa hiệp với bọn tờrốtkít, liên hiệp với bọn tờrốtkít thành một
cục như trong báo La Lutte (Tranh đấu)”(3) đã nêu…
Phan
Đăng Lưu cho rằng, thật hiếm có nghị quyết nào mà nhận định khuyết điểm
lại nhiều hơn ưu điểm như Nghị quyết Trung ương mở rộng năm 1937. Điều
đó thể hiện sự dũng cảm và trưởng thành của Đảng trong cuộc đấu tranh
giải phóng dân tộc.
Về
nhiệm vụ cần kíp của Đảng trong thời gian trước mắt, Phan Đăng Lưu nhấn
mạnh đến ý kiến Hội nghị Trung ương năm 1937 là Đảng cần mở rộng và
củng cố các đảng bộ đã có, khôi phục các cơ sở cũ của Đảng ở Ai Lao, Cao
Miên, thống nhất các đảng bộ ở Nam Kỳ, Trung Kỳ; tập trung lực lượng
của Đảng ở thành thị, các khu kỹ nghệ lớn và các vùng kinh tế, chính trị
quan trọng. Ở các tỉnh, đảng bộ chưa có cơ sở ở thành thị, phải tìm
cách gây ra những cơ sở ở nơi này, thống nhất và chỉ đạo các cơ sở hạ
tầng, các đoàn thể quần chúng và các cuộc vận động trong phạm vi địa
phương của mình. Tổ chức các mối liên lạc giữa các cấp đảng bộ, chi bộ
cho mật thiết. Đảng phải dùng cách chỉ đạo các hội quần chúng về mặt
chính trị một cách xác đáng và lanh lẹ. Tuy nhiên, phải tránh sự bao
biện, làm thay công việc của các đoàn thể quần chúng.
Muốn
làm tốt công tác trên đây, Phan Đăng Lưu chỉ ra việc gấp rút đào tạo
đội ngũ cán bộ và tăng cường công tác vận động quần chúng, thu phục
quảng đại quần chúng, thực hiện Mặt trận nhân dân thống nhất Đông Dương,
đấu tranh “chống phát xít và chống đế quốc chiến tranh” (4).
Đó
là những ý kiến mà Phan Đăng Lưu đã truyền đạt theo tinh thần Nghị
quyết Hội nghị Trung ương năm 1937. Trong khi truyền đạt, Phan Đăng Lưu
đã cụ thể hóa những điều mà trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương mở rộng
năm 1937 đã nêu.
Tại
Huế, Phan Đăng Lưu được Trung ương giao nhiệm vụ chuẩn bị mít tinh đón
Toàn quyền Đông Dương Brévé sắp qua Huế và viết bản Tuyên ngôn về quyền
tự do báo chí đăng trên báo “Sông Hương tục bản”, làm dấy lên làn sóng
đấu tranh của nhân dân Trung Kỳ đòi nhà cầm quyền Đông Pháp trả lại tự
do báo chí, tự do dân chủ cho nhân dân khắp miền Trung.
Ngày
1-10-1937, Kỳ họp thứ nhất, Viện Dân biểu Trung kỳ khóa III khai mạc.
Phan Đăng Lưu gửi “Bức thư công khai” tới Kỳ họp, bày tỏ hy vọng của dân
chúng vào những đại biểu vừa được nhân dân bầu ra. Vì vậy, kỳ họp này,
Viện Dân biểu Trung Kỳ đề ra Chương trình hành động theo Chương trình
của Mặt trận Dân chủ mà Phan Đăng Lưu đã nêu trong bức thư.
Tháng
8-1938, Phan Đăng Lưu đón nhận bức thư dài của Ban Trung ương Đảng Cộng
sản Đông Dương gửi Xứ ủy Nam Kỳ và tất cả các đồng chí, uốn nắn những
lệch lạc trong công tác Đảng, một số người đã “chệch hướng sang hữu, đã
do dự và hành động ngược lại chính sách của Đảng”(5). Vì vậy, để rõ ràng
hơn, “Đảng chúng ta dự tính những cuộc đấu tranh để củng cố các lực
lượng của mình” (6).
Cuối
tháng 3-1938, Phan Đăng Lưu cùng Nguyễn Chí Diểu rời Huế vào Sài Gòn –
Gia Định để họp Hội nghị Trung ương diễn ra từ ngày 29 đến 30-3-1938,
tại Tân Thới Nhất, Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định, ra Nghị quyết nói về
chính sách cai trị của Chính phủ Đông Pháp; thái độ của các đảng phái;
phong trào dân chúng; công tác nội bộ; thực hiện Mặt trận dân chủ thống
nhất và kiểm điểm tình hình nội bộ Đảng. Hội nghị bầu Ban Chấp hành
Trung ương chính thức gồm 11 người, trong đó có Phan Đăng Lưu. Nguyễn
Văn Cừ, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Chí Diểu, Võ Văn Tần được bầu
làm Ủy viên Ban Thường vụ. Ban Bí thư gồm Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong,
Hà Huy Tập, do Nguyễn Văn Cừ làm Tổng Bí thư(7).
Sau
Hội nghị Trung ương năm 1938, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu trở lại
Huế để truyền đạt Nghị quyết Hội Trung ương năm 1938 cho các đồng chí Xứ
ủy Trung Kỳ. Tuy lần này chỉ ở Trung Kỳ được ít ngày, Phan Đăng Lưu
được tổ chức phân công phụ trách Viện Dân biểu Trung Kỳ và công tác báo
chí công khai. Khi tờ báo “Dân” bị đóng cửa, Phan Đăng Lưu tiếp tục ra
báo “Dân Tiến”. Báo được biên tập tại Huế và xuất bản ở Sài Gòn. Sau tờ
“Dân tiến” là tờ “Dân muốn” cũng do Phan Đăng Lưu phụ trách.
Tháng
8-1938, Ban Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương gửi Thư tới Xứ ủy Nam
Kỳ và tất cả các đồng chí, thông báo một số tình hình để xứ ủy Nam Kỳ và
các đồng chí trong cả nước nắm được, đồng thời, uốn nắn những lệch lạc
phát sinh trong quá trình đấu tranh với kẻ thù, trên cơ sở đó mà tiếp
tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh đến thắng lợi cuối cùng.
Ngày
7-2-1939, Xứ ủy Nam Kỳ ra báo cáo về Hội nghị toàn thể của Xứ ủy họp
tại Sài Gòn từ ngày 5 đến ngày 7-2-1939. Báo cáo thống kê về số lượng
các chi bộ trong Xứ ủy Nam Kỳ, đồng thời, nêu một số quyết định của Xứ
ủy, trong đó có quyết định duy trì sinh hoạt chi bộ 10 ngày 1 lần, thận
trọng trong khi kết nạp đảng viên, tổ chức các cơ quan huấn luyện, tổ
chức chi bộ trong những người thất nghiệp,…
Cuối
tháng 8, đầu tháng 9-1939, Nguyễn Chí Diểu, Ủy viên Thường vụ Trung
ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ bị bệnh nặng, nên đã ủy quyền cho Lê
Duẩn làm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ. Nguyễn Chí Diểu qua đời ngày 15-9-1939.
Sau
khi Lê Hồng Phong và Hà Huy Tập bị địch bắt, Nguyễn Chí Diểu qua đời,
Ban Thường vụ Trung ương chỉ còn lại Nguyễn Văn Cừ và Võ Văn Tần. Vì
vậy, cuối tháng 9-1939, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã triệu tập Phan Đăng
Lưu và Lê Duẩn vào Sài Gòn công tác bên cạnh Tổng Bí thư, cùng với Võ
Văn Tần giúp Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chuẩn bị tài liệu “Chính sách
mới” của Đảng, một văn kiện chính thức sẽ được Trung ương thảo luận và
thông qua tại Hội nghị sắp tới.
Tháng
10-1939, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ cùng Ban Chấp hành Trung ương họp
với Xứ ủy Nam Kỳ và Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn để chuẩn bị ké hoạch, nội
dung cho Hội nghị Trung ương. Phan Đăng Lưu tham dự cuộc họp này và đã
báo cáo với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ về công tác của Xứ ủy Nam Kỳ.
Từ
ngày 6 đến ngày 8-11-1939, tại Tân Thới Nhất, Bà Điểm, Hóc Môn, Gia
định, Trung ương Đảng họp(8), đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng
đầu, đặt cơ sở cho Hội nghị Trung ương 8 sẽ họp vào năm 1941 sẽ phân
tích một cách toàn diện về nhiệm vụ giải phóng dân tộc và tiến tới tổng
khởi nghĩa vũ trang, đánh đổ thực dân Pháp ở Đông Dương. Phan Đăng Lưu
đã góp phần quan trọng vào sự thành công của Hội nghị Trung ương năm
1939.
Trên
cương vị được Trung ương phân công phụ trách phong trào cách mạng các
tỉnh Nam Kỳ cùng Võ Văn Tần, Ủy viên Thường vụ Trung ương, Bí thư Xứ ủy
Nam Kỳ, lãnh đạo Xứ ủy Nam Kỳ và phong trào cách mạng ở Nam Kỳ.
Phan
Đăng Lưu cùng Võ Văn Tần đã ra sức củng cổ các tổ chức Đảng ở Nam Kỳ;
phát triển đảng viên mới và tổ chức lại các đoàn thể quần chúng, bào đảm
sự lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới.
Phan
Đăng Lưu còn rất chú trọng đến những cuộc đấu tranh công khai của Đảng
trên mặt trận báo chí cũng như cuộc đấu tranh trong nghị trường. Phan
Đăng Lưu cùng Thường vụ Xứ ủy chủ trương mở hiệu buôn nước nắm để làm
tài chính cho Xứ ủy; mở Hiệu sách Thuận Hóa (Thư quán Thuận Hóa) trở
thành nơi thu hút lực lượng trí thức, thanh niên, học sinh tiến bộ. Thư
quán còn trở thành nơi bí mật huấn luyện cán bộ của Xứ ủy.
Ngày
3 và 4-12-1939, Hội nghị Xứ ủy được triệu tập với sự chủ trì của Võ Văn
Tần và Phan Đăng Lưu, thảo luận vấn đề chuyển hướng cuộc đấu tranh
chống thực dân Pháp, giành chính quyền về tay nhân dân, thành lập Mặt
trận thống nhất dân tộc phản đế, chuẩn bị lực lượng vũ trang, vận động
binh lính địch và chuyển vào hoạt động bí mật.
Ngày
17-1-1940, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ bị địch bắt. Ban Chấp hành Trung
ương Đảng chỉ còn lại 3 người: Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Hữu
Tiến gánh vác, trong đó, Nguyễn Hữu Tiến chỉ đạo phong trào cách mạng ở
miền Tây Nam Bộ, cho nên công việc chỉ đạo trong toàn Đảng do Võ Văn Tần
và Phan Đăng Lưu phụ trách.
Tháng
3-1940, Võ Văn Tần và Phan Đăng Lưu triệu tập cuộc họp Xứ ủy mở rộng
với Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn, bàn cách đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết
Hội nghị Trung ương 6 về lập Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế, về xây
dựng lực lượng vũ trang. Tiếc thay, khi những hoạt động của Xứ ủy Nam
Kỳ đang lên, thì ngày 21-4-1940, Ủy viên Thường vụ Trung ương, Bí thư Xứ
ủy Nam Kỳ Võ Văn Tần bị địch bắt tại Hóc Môn, Gia Định. Với tư cách là
Ủy viên Trung ương Đảng, Phan Đăng Lưu chỉ định Tạ Uyên lúc đó là Ủy
viên Thường vụ Xứ ủy thay Võ Văn Tần, làm Bí thư Xứ ủy(9). Như vậy, đến
lúc này, Nguyễn Hữu Tiến hoạt động ở xa, Trung ương chỉ còn lại Phan
Đăng Lưu đứng ra gánh vác mọi công việc của Đảng nói chung và ở Nam Kỳ
nói riêng.
Ngày
26-6-1940, Phan Đăng Lưu, nhân danh Đảng, công bố “Tuyên ngôn của Đảng
Cộng sản Đông Dương”, kêu gọi nhân dân Đông Dương nổi dậy chống Pháp xâm
lược. “Nội dung của Tuyên ngôn như một lời hịch được phổ biến ở Nam Kỳ
dưới dạng truyền đơn, ở Bắc Kỳ được đăng trên báo “Giải phóng” vào ngày
15-7-1940”(10).
Từ
ngày 21 đến ngày 27-7-1940, tại Tân Hương, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ
Tho, diễn ra Hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ mở rộng. Bí thư Tạ Uyên và các ủy
viên Xứ ủy Nam Kỳ đề nghị Hội nghị thảo luận về thời cơ khởi nghĩa và
công tác chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa ở Nam Kỳ. Đa số các đại biểu tán
thành chủ trương khởi nghĩa của Xứ ủy Nam Kỳ. Là người lãnh đạo cao nhất
của Đảng dự Hội nghị, Phan Đăng Lưu đề nghị hoãn khởi nghĩa để chờ lệnh
của Trung ương. Ông nói: “Nguyên tắc khởi nghĩa là phải chuẩn bị đầy
đủ, phải có quyết tâm cao; chúng ta không thể đùa với khởi nghĩa”(11).
Ngày
30-7-1940, Nguyễn Hữu Tiến, Ủy viên Trung ương Đảng và Nguyễn Thị Minh
Khai, Ủy viên Thường vụ Xứ ủy, Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Gia Định, bị
địch bắt. Như vậy, đến lúc này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng chỉ còn
lại duy nhất là Phan Đăng Lưu.
Phan
Đăng Lưu thấy cần phải ra Bắc để gặp các đồng chí Trường Chinh, Hoàng
Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, bàn việc lập lại Ban Chấp hành Trung ương.
Từ
ngày 6 đến ngày 9-11-1940, tại làng Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc
Ninh, diễn ra Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ bảy. Phan Đăng
Lưu với tư cách Ủy viên Trung ương, chủ trì Hội nghị.
Hội
nghị bầu Ban Chấp hành Trung ương và Ban Thường vụ Trung ương Lâm thời.
“Hội nghị nhất trí bầu đồng chí Phan Đăng Lưu, người lãnh đạo cao nhất
của Đảng lúc này, làm Tổng Bí thư, nhưng đồng chí đề nghị bầu đồng chí
Trường Chinh làm Tổng Bí thư”12. Ban Thường vụ Trung ương Lâm thời được
Hội nghị bầu gồm Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc
Việt. Ba người này đến Hội nghị Trung ương 8, tháng 5-1941, được bầu
chính thức vào Ban Chấp hành Trung ương và Ban Thường vụ Trung ương, do
Trường Chinh làm Tổng Bí thư.
Tại
Hội nghị Trung ương 7, Phan Đăng Lưu báo cáo cặn kẽ về việc khởi nghĩa
Nam Kỳ. Sau khi nghe Phan Đăng Lưu báo cáo, Hội nghị Trung ương nhận
định rằng, điều kiện khách quan cũng như chủ quan chưa đủ để phát động
khởi nghĩa trong cả nước, càng không thể khởi nghĩa ở Nam Kỳ. Nhưng ý
kiến của Trung ương về hoãn cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ chưa kịp truyền đạt
tới Xứ ủy Nam Kỳ, thì kế hoạch khởi nghĩa đã bị lộ.
Ngay
sau Hội nghị Trung ương 7, Phan Đăng Lưu trở về miền Nam, qua Trung Kỳ
để phổ biến Nghị quyết của Trung ương, rồi mới về Sài Gòn. Khi tới Sài
Gòn thì cuộc khởi nghĩa đã nổ ra vào đêm 20-11-1940. Phan Đăng Lưu cùng
nhiều chiến sĩ cộng sản hoạt động ở Nam Kỳ bị Pháp bắt vào đêm
22-11-1940.
Mật
thám Pháp đã dùng đủ mọi mánh khóe xảo quyệt và thủ đoạn tàn bạo để bắt
Phan Đăng Lưu cung khai. Trước sau, ông không hề hé ra một điều gì làm
phương hại đến cách mạng và Đảng.
Trong
những ngày bị giam ở Khám Lớn, Sài Gòn, mặc dù biết chắc chắn là mình
sẽ bị án tử hình, Phan Đăng Lưu vẫn lạc quan tin tưởng vào thắng lợi của
cách mạng và đã cùng một số đồng chí khác tổ chức kiểm điểm, rút kinh
nghiệm về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ để làm bài học cho Đảng. Trong lao tù,
Phan Đăng Lưu nói chuyện tình hình, ổn định tư tưởng, dạy văn hóa, dạy
hát và quan tâm giúp đỡ anh em.
Ngày
25-3-1941, Phan Đăng Lưu cùng nhiều cán bộ lãnh đạo của Đảng ở Nam Kỳ
bị tòa án thực dân kết án tử hình. Ngày 28-8-1941, tại ngã ba Giồng, Hóc
Môn, Gia Định, thực dân Pháp thi hành bản án đối với Phan Đăng Lưu và
nhiều nhà cách mạng khác hoạt động ở Nam Kỳ.
Phan
Đăng Lưu ngã xuống như một vị anh hùng của Đảng trong lúc tuổi đời mới
39, một chiến sĩ cộng sản bản lĩnh, trung thành, kiên cường, trí tuệ,
một tài năng xuất sắc của Đảng; một cán bộ lãnh đạo mẫu mực, có tư cách
đạo đức rất trong sáng; một người có nhãn quan chính trị sâu sắc, có
nhiều đóng góp trong việc chỉ đạo các hoạt động của Xứ ủy Nam Kỳ.
Con người ấy đã đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam với những trang hào hùng!
------ * Xem bài viết về Phan Đăng Lưu in trong sách “Những người cộng sản trẻ tuổi” của Đức Vượng – Nguyễn Đình Nhơn, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2005.
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 6, tr. 276.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 6, tr. 285.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 6, tr. 288.
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 6, tr. 297.
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 6, tr. 416.
(6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 6, tr. 423.
(7) Nhiều tài liệu ghi tại Hội nghị này, Phan Đăng Lưu được bầu làm Ủy biên Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Nhưng sách “Phan Đăng Lưu Tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015 thì ghi Phan Đăng Lưu là Ủy viên Trung ương Đảng. Về vấn đề này cần phải được tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu thêm.
(8) Hội nghị này thường gọi là Hội nghị Trung ương 6.
(9) Có tài liệu viết Tạ Uyên là quyền Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ.
(10) Dẫn theo bài viết về “Đồng chí Phan Đăng Lưu”, in trong sách “Những chiến sĩ cộng sản hào kiệt kiên trung”, do Ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh biên soạn, Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2019, tr. 138.
(11) Dẫn theo bài viết về Phan Đăng Lưu của Đức Vượng (Đàm Đức Vượng) và Nguyễn Đình Nhơn, in trong sách “Những người cộng sản trẻ tuổi”, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2004, tr.113.
(12) Dẫn theo bài viết về “Đồng chí Phan Đăng Lưu”, in trong sách “Những chiến sĩ cộng sản hào kiệt kiên trung”, do Ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh biên soạn, Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2019, tr. 139.
Thực ra, Hội nghị bầu đồng chí Trường Chính làm quyền Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương lâm thời thì đúng hơn, vì bầu chính thức phải đến Hội nghị Trung ương tháng 5-1941, dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, đại diện Quốc tế Cộng sản (ĐĐV)...